Rùng rợn và ám ảnh với ngôi nhà 300 con ma ám khiến 10 người con lần lượt hóa điên
Thật khó tưởng tượng, thật không có nỗi đau đớn nào hơn, không có sự sợ hãi nào khủng khiếp hơn, khi một người mẹ, dứt ruột đẻ tới 10 đứa con, con trai đẹp như tượng, con gái đẹp như hoa, đều bỗng nhiên điên khùng.
Nhiều thầy địa lý, thầy cúng, thầy phong thủy, thậm chí cả thượng tọa nổi tiếng tìm đến ngôi nhà, rồi phải bỏ chạy tá hỏa vì trong nhà có tới… 300 “con ma”. Câu chuyện kinh hãi này khiến người dân cả xóm không dám vào ngôi nhà này. Đi qua ngôi nhà đó họ cũng rảo bước thật nhanh. Những câu chuyện đồn thổi rả rích đầu ngõ, cuối phố khiến ai đi qua ngôi nhà ấy cũng phải dựng tóc gáy.
Người đàn bà ăn mày và 10 đứa con điên
Chuyện về người đàn bà mưu sinh bằng công việc ăn mày, đẻ tới 10 đứa con điên khùng, thì người dân cả con đường Đà Nẵng (Quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đều biết. Tôi đến đầu ngõ 239, hỏi nhà bà Nguyễn Thị Nở, chị bán hàng xáo đầu ngõ chạy ra hỏi: “Chú là nhà hảo tâm đến cho tiền bà Nở hả? Gia cảnh nhà đó đến là khổ. Nhưng chị khuyên chú thật lòng nhé, vào đó thì đeo bùa vào.
Trong nhà ấy có mấy trăm con ma. Chú không phòng thân, ma nó nhập, nó theo chú về thì khổ. Đấy chú xem, một ngôi nhà mà có 10 người điên. Toàn đứa đẹp đẽ, sáng sủa, mà tự dưng phát điên. Không phải ma nó làm cho điên thì ai làm?”. Sau khi đưa ra lời khuyên, thì chị mới chỉ đường cho tôi tìm vào ngôi nhà ấy. Tôi đi mãi, ngoắt ngoéo, tìm chẳng ra đường.
Thấy có người lạ, cứ loay hoay, thì một bà mở cổng chạy ra chỉ giúp. Bà cũng dặn: “Nhà đó có lắm ma lắm. Hàng xóm chúng tôi cũng thương gia đình ấy, nhưng chẳng ai dám vào đâu. Sợ lắm. Đất ấy toàn ma với quỷ. Ông thầy địa lý còn bảo người Tàu yểm xương cốt người chết vào đấy, nên ai vào cũng phát khùng, phát điên”.
Căn nhà ở cuối ngách, cũ nát, tường lở loang lổ, cổng rả xộc xệch, thật khác thường so với những ngôi nhà khang trang, cao tầng xung quanh. Bà Nở mở rộng cửa, đón khách. Căn nhà tối om, lúp xúp. Màn buông. Cô con gái út tên Bích nằm còng queo trong chăn.
Lạnh quá, không có quần áo ấm, nên hai mẹ con ru rú trong nhà. Bà Nở bảo, bình thường bà lang thang xin ăn, nhưng mấy hôm nay rét quá, lại được một cha xứ cho 10kg gạo mỗi tháng, nên bà ở nhà. Thôi thì ăn dè ăn sẻn cũng đủ sống qua ngày.
Nhìn ngó mãi, tôi chẳng thấy trong căn nhà rộng chừng 30 mét vuông có thứ gì đáng giá. Có lẽ, để hoang ngôi nhà này, may ra có mấy bà đồng nát xấu bụng nhặt được mấy cái xoong méo mó. Sống giữa thành phố hoa lệ, song bà Nở vẫn đun bếp bằng củi, khói bay mù mịt, làm nức mũi hàng xóm. Bà Nở giải thích: “Gạo ăn còn chẳng có, cháu bảo lấy tiền đâu mà mua gas, mua than.
Cô phải đi dọc hai bờ sông Cấm, xem có miếng củi nào dạt vào bờ thì vớt lên phơi, phơi khô thì chẻ ra, bó lại, vác về chất trong bếp đun dần. Hàng xóm xung quanh cũng tốt bụng, ai có giường tủ, bàn ghế mục nát, cũng để dành cho cô. Giường của người chết họ cũng không đốt, không thả trôi sông, mà cho cô chẻ ra đun. Mấy cái chiếu mới trải tạm xuống nền nhà để mấy mẹ con ngủ cũng là của người chết bố thí cho đấy”.
Tôi ngồi xuống manh chiếu của gia đình có người mới chết cho để trò chuyện với bà. Bà Nở ngồi thu lu ở góc nhà, đôi mắt đục buồn nhìn vào bốn bức vách. Tôi hỏi chuyện bà Nở, cô con gái Phạm Thị Bích thi thoảng lại thò đầu khỏi chăn tranh trả lời thay mẹ. Nhưng cũng chẳng rõ cô nói gì.
Tôi hỏi mấy câu về cuộc đời bà, theo thói quen, rằng đời bà lúc nào thấy khổ nhất, bà Nở chẳng biết bắt đầu từ đâu. Bà bảo: “Suốt đời cô, cô chả thấy lúc nào sướng, lúc nào cũng khổ, cũng không biết lúc nào là khổ nhất cả. Gần 70 tuổi rồi, cô vẫn phải đi ăn mày để nuôi thân, nuôi con, thì cháu bảo đến bao giờ cô mới hết khổ. Không biết, chết đi rồi, ở kiếp khác, cô có khổ nữa không nhỉ?”.
Bà Nguyễn Thị Nở sinh năm 1945, đúng vào năm cả nước chết đói, chết như ngả rạ. Quê bà ở xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Bố mẹ là bần nông. Nghèo đói, rách nát. Người mẹ sinh tới 6 người con, nhưng cả 6 người con cứ chập chững biết đi thì lăn ra chết. Bà Nở là người con thứ 7. Lúc bé Nở vừa ra đời, thì ông bố bỗng dưng lăn ra chết.
Người thì đồn rằng, vợ đẻ, ông sung sướng quá nên lăn ra chết, người thì bảo ông lo nghĩ nhiều quá, sợ đứa con thứ 7 này cũng sẽ có số phận giống anh chị, nên ông lăn ra chết. Cũng có thể đói quá mà chết.
Thời điểm bé Nở ra đời, nhà không có gì ăn, cả làng chết đói, thế mà cô bé Nở vẫn sống. Dân làng bảo Nở là người giời, không có gì ăn suốt một tuần mà không chết, cứ khóc oe oe. Bà Nở bảo, đời bà là vậy, sinh ra đã đói, đã khổ rồi.
Hồi bé Nở tròn 1 tuổi, đói quá, mẹ ra đồng mò cua kiếm ăn. Đang bắt cua, trời mưa, nên bà chạy về nhà xúc thóc cất đi. Bà dùng cào kéo thóc, máy bay địch càn qua làng, tưởng có người cầm súng, nên bắn xối xả. Mẹ bé Nở trúng đạn. Viên đạn xuyên từ nách xuống rốn. Bà ngoại bế bé Nở chạy sang. Mẹ bé Nở nằm chết trên vũng máu.
Dân làng phải dùng dao nạy mãi mới moi được viên đạn ra khỏi nách mẹ. Bà ngoại và cậu nuôi bé Nở. Tuy nhiên, năm bé Nở 3 tuổi, bà ngoại chết. Cậu bán bé Nở cho nhà địa chủ. Bé Nở làm con ở từ đó. Năm 11 tuổi, cải cách ruộng đất, gia đình địa chủ bỏ đi nơi khác, bé Nở về ở với cậu.
Năm Nở 12 tuổi, người cậu nghèo quá, không nuôi được, nên đem Nở cho một người ở Hải Phòng làm con nuôi. Người mẹ nuôi là công nhân của nhà máy xi măng dưới Hải Phòng. Hàng ngày, Nở giúp mẹ làm công việc quét dọn trong nhà máy, rồi đun nước sôi bán kiếm thêm.
Tại đây, bà Nở đã quen và lấy ông Phạm Văn Phong, là công nhân bốc vác ở nhà máy. Ông Phong quê gốc ở Hà Nội, nhưng bố theo Tây, có tội với dân tộc, nên phải bỏ nhà, dạt xuống Hải Phòng làm thuê kiếm sống.
Tôi hỏi: “Gia đình nhà hai bác, có ai bị tâm thần không?”. Bà Nở ngẫm nghĩ mãi, nhưng không thấy có ai trong gia đình mình bị tâm thần. Gia đình ông Phong xưa kia theo Tây, là địa chủ, giàu có, quyền lực và cũng chẳng có ai bị tâm thần cả. Hai con người gặp nhau, thành vợ thành chồng lúc nghèo đói, rách rưới, nhưng đều là người bình thường. Thế mà hai con người bình thường ấy lại đẻ ra tới 10 đứa con tâm thần. Thật là khó tưởng tượng!
Ngồi trong ngôi nhà lạnh lẽo, bà Nở bảo rằng, nguyên nhân 10 người con của bà bị tâm thần không phải do di truyền, mà vì trong nhà bà có… ma, thậm chí có tới 300 con ma. Bà tin rằng, ma trú ngụ nhung nhúc trong ngôi nhà tin hin của bà. Thậm chí, mảnh đất bà ở, ngay dưới cái giường vợ chồng, con cái bà ngủ bị người Tàu yểm bùa. Mà bùa ấy khủng khiếp lắm, không thể gỡ nổi.
Bà Nở bảo rằng, bà tin là trong nhà bà có ma thật, bị yểm bùa thật. Chuyện này cả cụm dân cư, cả vùng đều biết rõ rồi. Thế nên, chả có ai dám bước chân vào nhà này, chứ đừng nói đến chuyện dám đến ở. Lời bà Nở nói quả không sai. Khi tôi ngồi trò chuyện với bà, một số người hàng xóm biết, tò mò kéo sang.
Tuy nhiên, họ chỉ đứng ngoài cổng dòm ngó, thi thoảng nói vọng vào vài câu, rồi lại đi mất. Chiếc cổng xộc xệch nhà bà mở toang, nhưng không thấy ai dám thò một chân vào. Người dân trong vùng sợ ngôi nhà này đến nỗi, giá trị mảnh đất vuông vắn, rộng 60 mét vuông của bà, lẽ ra có giá ngót bạc tỉ, mà chỉ được trả có… 5 triệu đồng.
Chuyện là, hồi đầu năm, một là sợ ma quỷ quá, hai là túng thiếu quá, nên bà Nở quyết định rao bán nhà để kiếm mảnh đất ở quê, cách xa chỗ này, mong những đứa con hết bị ma ám, biết đâu lại khỏi điên. Hoặc bán nhà, có tiền thì chữa bệnh cho con, còn bà ra gầm cầu Bính, Cầu Niệm, Cầu Rào trú ngụ, hay rúc vào góc chợ ở với bọn nghiện cũng được.
Bà rao bán một hồi, thì có người tìm đến hỏi mua. Anh này sau khi xem xét thì trả giá 200 ngàn một mét vuông. Tính ra, miếng đất của bà, tổng cộng 60 mét vuông, vậy vị chi là 12 triệu đồng! Rẻ quá, bà không bán. Thời gian sau, lại có ông khách nữa tìm đến ngó nghiêng. Bà cứ nói thẳng là ngôi nhà này có ma, không sợ ma thì hãy mua. Anh này bảo, trời không sợ, đất không sợ, sợ quái gì ma.
Tuy nhiên, vì trong nhà lắm ma, nên anh ta chỉ trả giá 5 triệu đồng. Bà Nở cứ lăn tăn, rằng sao trên đời lại có người đang tâm thế nhỉ? Thôi thì, mẹ con bà đành chấp nhận sống chung với… ma. Chứ bán ngôi nhà được mấy triệu bạc như thế, thì chỉ ăn mấy bữa là hết.
Mảnh đất chết chóc
Theo lời bà Nguyễn Thị Nở (ngõ 239, đường Đà Nẵng, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng), gia đình nhà bà và chồng bà, là ông Phạm Văn Phong đều bình thường, ông bà cũng đều bình thường, thì không có lẽ gì cả 10 người con ông bà sinh ra đều bị tâm thần nặng. Không thể có nguyên do di truyền ở đây.
Các thầy bói, thầy cúng, thầy địa lý đều khẳng định trong nhà bà con ma trú ngụ, bị yểm bùa, nên 10 người con đẹp đẽ của bà mới bỗng dưng phát điên như thế và bà tin hoàn toàn vào những lời phán đó. Chỉ đến khi những ông thầy này phán như vậy, bà mới cất công tìm hiểu ngôi nhà, mảnh đất mà bà đang ở.
Như đã nói ở kỳ trước, ông Phong, chồng bà Nở là người gốc Hà Nội, do bố theo Tây, khi cách mạng thành công, trốn biệt xứ, ông Phong dạt về Hải Phòng làm bốc vác ở nhà máy xi măng. Bà Nở quê gốc huyện Vĩnh Bảo, đi làm con nuôi, rồi quét dọn ở nhà máy xi măng, rồi nên duyên với ông Phong. Lấy nhau, hai người ở nhờ căn hộ tập thể ở Đồng Bớp.
Ở đây vài năm, sinh hai người con, buồn quá, ông bà chuyển về Hà Nội ở. Ông Phong bán nhà để đi nước ngoài, nhưng thất bại, mất trắng, nên hai vợ chồng lại dắt díu nhau về Vạn Mỹ (Hải Phòng) sinh sống. Ở Vạn Mỹ thời gian, lại chuyển về Đồng Bớp. Ở đây cũng chẳng được lâu thì chuyển về tập thể ở chợ Đổ. Khi có 6 người con, thì tiếp tục chuyển nhà về Hạ Lý.
Tuy nhiên, thời điểm đó, khu vực này là địa điểm xây rất nhiều chuồng xí của các khu tập thể. Không chịu nổi cảnh hôi thối, ông bà lại bán nhà chuyển về ngôi nhà hiện tại đang ở. Ngôi nhà ở Hạ Lý bán được 5 cây vàng, mua ngôi nhà này mất 3,8 cây, vẫn còn dư hơn cây để tiêu xài.
Xưa kia, ngôi nhà này ở ven đô, là một phần nhỏ trong mảnh đất rất rộng của ông Lý Hoạt. Ông này vừa là thầy thuốc vừa là thầy cúng. Giàu có, lắm tiền, nhiều bà theo, nên ông Lý Hoạt lấy rất nhiều vợ. Ông Lý Hoạt lấy tổng cộng 9 bà vợ. Phía Tây mảnh đất của ông Lý Hoạt, hiện cách nhà bà Nở độ 100 mét vốn có một cây đa và một cái miếu.
Khu nhà bà Nở là vườn trồng rau, ông Lý Hoạt thường trồng su hào, cải bắp và xúp lơ. Ngày đó, không hiểu do cần tiền, hay lý do nào đó, mà ông Lý Hoạt cho đốn hạ cây đa, phá bỏ cái miếu, chia lô mảnh đất để bán một phần đất đi. Sau khi phá miếu, bán đất, thì những tai họa kinh hoàng liên tiếp diễn ra với gia đình ông Lý Hoạt.
Lần lượt 8 người vợ cùng hàng loạt con cái của ông lăn ra chết. Người chết bệnh tật, người chết tai nạn. Có bà đẻ được 2 con chết cả 2, bà đẻ 3 con chết cả 3. Thậm chí, bà thứ 8 đẻ được 7 người con thì chết cả 7. Cuối cùng là cái chết của ông Lý Hoạt. Bà vợ thứ 9, không rõ tên gì, mọi người gọi theo tên chồng là bà Lý Hoạt, đẻ được một người con, đặt tên là Thanh.
Sợ hãi mảnh đất nên bà cắt làm đôi bán đi rồi chuyển đi nơi khác ở. Bà Nở phải mất nhiều công sức lần tìm, mới gặp được bà vợ thứ 9 của ông Lý Hoạt và được bà này kể lại như vậy. Mấy năm trước, đúng 30 Tết, bà vợ thứ 9 của ông Lý Hoạt, đang khỏe mạnh, lên giường ngủ và không bao giờ dậy nữa. Bà ra đi rất thanh thản. Anh con trai duy nhất của bà tiếp tục bán nhà, chuyển đi đâu không rõ.
Một phần mảnh đất của ông Lý Hoạt được bán cho bà K. Bà này cắt 60 mét vuông, xây một ngôi nhà nhỏ, rộng khoảng 30 mét vuông cho con gái và con rể ở. Vợ chồng cô này sống với nhau bao năm mà chỉ đẻ được một người con gái. Tuy nhiên, đứa con này lại bị chột một mắt. Lời đồn mảnh đất có ma kinh dị quá, nên hai vợ chồng bán nhà bỏ đi miền Nam, không về nữa.
Người mua căn nhà từ cặp vợ chồng nọ là một thủy thủ tàu biển tên là Cao. Vợ anh này là giáo viên. Họ có với nhau một trai một gái. Anh Cao đi biển biền biệt, có khi mấy tháng mới về thăm vợ con một lần. Hàng xóm ai cũng ganh tị với sự giàu có của cặp vợ chồng này. Người dân đồn rằng, mỗi lần đi biển về, anh lại mang về một nắm vàng đưa vợ, đựng đầy ống bơ.
Hai vợ chồng đeo vàng lủng liểng khắp người. Thế nhưng, ở được vài năm thì tai họa xảy đến. Anh chồng đường đường là một thủy thủy viễn dương, cực kỳ khỏe mạnh, sức vóc hơn người, tự dưng phát điên. Không đi tàu được nữa, anh ở nhà làm hương với vợ. Điều trị thuốc men đầy đủ, nhưng bệnh tình của anh ngày càng nặng hơn.
Sợ hãi quá, vợ chồng anh này bán ngôi nhà với giá rẻ mạt cho vợ chồng bà Nở. Khi bán đất, vợ chồng anh này không nói gì đến chuyện đất ngịch, đất có “ma”, mà chỉ nói con cái lớn, cần chỗ ở rộng hơn nên bán nhà đi. Vợ chồng anh này hiện sống cách nhà bà Nở hơn cây số. Bệnh tâm thần của anh ta còn nặng hơn xưa.
Cuộc sống của ông Phong, bà Nở tuy khó khăn, chật vật vì đẻ nhiều, nhưng đầm ấm, vui vẻ. Tuy nhiên, khi chuyển về ngôi nhà này, thì tai họa liên tiếp giáng xuống gia đình. Đầu tiên là 3 người con gái đẹp như tranh vẽ của ông bà, là Phạm Thị Thái (SN 1965), Phạm Thị Dung (SN 1971) và Phạm Thị Cúc (SN 1973), đến tuổi 20, chuẩn bị lấy chồng, thì đều tự dưng lơ đơ, man mát.
Dù chưa tâm thần hẳn, nhưng thi thoảng có biểu hiện khác người. Rồi bỗng dưng 3 cô con gái này lần lượt mất tích. Người thì bảo bị lừa bán sang Trung Quốc, người thì bảo bị tâm thần bỏ đi lang thang, rồi chết đường chết chợ. Mấy cô con gái này giờ ở phương trời nào, còn sống hay đã chết, bà Nở cũng không biết. Bao nhiêu năm rồi, không thấy tin tức gì cả.
Trong số 7 cô con gái, thì có hai cô lấy được tấm chồng, đó là Phạm Thị Lan (SN 1968) và Phạm Thị Tâm (SN 1969). Tuy nhiên, cuộc đời hai cô con gái này thì vô cùng bi đát. 18 tuổi, Lan đã có biểu hiện đơ đơ của người mắc chứng tâm thần. Chồng Lan lại là tay cờ bạc khét tiếng, ra tù vào tội không biết bao nhiêu lần. Hồi đẻ đứa con đầu, ông chồng vẫn đang ngồi tù.
Đau buồn, nên bệnh tâm thần của Lan càng nặng hơn. Khi cậu con còn đang bú mẹ, thi thoảng Lan lại cởi trần cởi truồng bế con trốn nhà đi lang thang giữa mùa đông giá rét. Khi sinh đứa con thứ hai được 4 tháng tuổi, thì chị… điên hẳn, không lúc nào tỉnh táo nữa, đập phá tanh bành nhà cửa. Để an toàn cho bản thân chị và hai đứa con, gia đình đã phải đưa chị vào trại tâm thần ở Vĩnh Bảo.
Từ khi vào trại, Lan không tỉnh táo lại được nữa. Có lẽ Lan phải chung thân với trại tâm thần. Con cái không ai nuôi, nên hiện một đứa phải gửi vào một trung tâm nuôi dưỡng nhân đạo ở Hải Phòng.
Cô con gái nữa của bà Nở lấy được chồng là chị Phạm Thị Tâm. Chị Tâm là con thứ 4. Hồi chưa lấy chồng, cũng hơi chập chập. Thi thoảng lại bỏ đi, nhưng đang đi giữa được tự dưng sực tỉnh, tự hỏi đường về nhà. Lúc tỉnh táo thì như người bình thường. Trong số 10 người con của bà nở, thì Tâm được coi là tỉnh táo hơn cả. Tuy nhiên, cuộc đời chị thì bi đát hơn cả những người chị, người em bị thần kinh của mình.
Người chồng đầu tiên của chị là trai Hà Nội hẳn hoi. Tuy nhiên, anh này lại là con nghiện nặng. Đời chị khốn khổ với ông chồng này. Cứ đói thuốc lại nhè vợ ra đánh. Sau anh ta chết không rõ vì sốc thuốc hay AIDS. Chồng chết, chị đi bước nữa với người đàn ông ở Bắc Giang. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, chị lại lấy nhầm ông nghiện. Ở với anh này được vài năm, sống chả khác gì địa ngục.
Anh ta sốc thuốc chết chị mới nhẹ nợ. Người chồng thứ 3 của chị không nghiện ngập, nhưng lại có tính trăng hoa. Mấy năm trước anh ta bỏ nhà theo gái, bỏ mặc mẹ con chị Tâm. Mới ngoài 40 tuổi, chị Tâm đã qua 3 đời chồng, đẻ 6 lần, nhưng chết 2 con, chỉ còn 4. Tuy nhiên, một cậu con của chị học bố, nghiện nặng, lại bị AIDS, đang nằm chờ chết. Một cô con gái mới 15 tuổi đã theo giai, rồi mang bầu, phải lấu chồng sinh con.
Chị chính thức lên chức bà ngoại. Hiện chị Tâm đi làm phu hồ, xách vữa cùng đội thợ để nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học và một ông con nằm chờ chết.
Trong số 7 người con gái, thì có lẽ chị Phạm Thị Hoa (SN 1976) là điên nhất. Hồi trẻ, hoa cực kỳ xinh đẹp. 20 tuổi vẫn tháo vát đi buôn hoa quả. Hồi ông Phong, chồng bà Nở chết, chị đau buồn nằm bẹp ở góc nhà, ông ăn không uống gì, cũng không đi bán hàng nữa, người gầy xọp đi, đôi mắt dần trở nên vô hồn, lúc nào cũng nheo nheo vẻ sợ hãi. Hoa đã điên khùng thực sự. Sau 3 năm nằm bẹp ở nhà, chửi bới cả ngày lẫn đêm, thì bà Nở đưa con vào trại Vĩnh Bảo nhờ nhà nước nuôi dưỡng.
Sư thầy “trục vong” bất lực với “ngôi nhà ma ám”
Ngồi trong căn nhà cũ nát vữa lở loang lổ, bà Nguyễn Thị Nở thẫn thờ: “Ngày trước cả nước mình đói ăn, mải lo kiếm sống, nên không nghĩ nhiều đến chuyện tâm linh. Lúc vợ chồng tôi để ý đến chuyện đất cát, nhà cửa, thì lần lượt con cái điên khùng hết rồi, chẳng đứa nào được bình thường nữa chú ạ. Lúc ấy dù có trở tay cũng không kịp nữa”.
Cách đây 10 năm, nghe lời khuyên của những người hàng xóm, bà Nở và ông Phong rốt ráo đi tìm thầy để xem đất cát, xem mảnh đất gia đình bà ở có vấn đề gì về tâm linh không. Thời điểm đó, ở Hải Phòng, có một vị thượng tọa nổi tiếng về tài “trục vong, diệt quỷ”, đó là Thượng tọa Thích Quảng Tùng, trụ trì chùa Dư Hàng (Quận Lê Chân, TP. Hải Phòng). Vợ chồng bà Nở lọ mọ đạp xe tìm đến ngôi chùa đẹp nhất Hải Phòng để nhờ vả thượng tọa theo mách nước của một số người.
Trước mặt ông bà là một cảnh tượng mà ông bà chưa từng chứng kiến, cả trăm người lờ đờ, lơ ngơ chả khác gì đàn con của bà đang ngồi xếp hàng chờ đến lượt để được Thượng tọa Thích Quảng Tùng “trục vong”. Khi đó, niềm hy vọng trong ông bà lớn hơn bao giờ hết. Nếu thượng tọa trục được vong ma, giúp đàn con của ông bà được hồi tỉnh thì chẳng có hạnh phúc nào bằng.
Sau khi “trục vong” xong cho mọi người, bà Nở mới tiến đến gần Thượng tọa Thích Quảng Tùng. Bà Nở nhớ lại: “Tôi đến trước mặt ông ấy, ông ấy không nói gì, mà cứ nhìn tôi rất kỹ. Ông ấy bảo nghiệp nhà vợ chồng tôi nặng lắm. Vong, ma ở nhà cũng nhiều lắm, làm hại cả nhà.
Ông ấy bảo không thể trục vong ở chùa một cách đơn giản như mọi người được. Ông ấy bảo tôi để lại địa chỉ, rồi cứ về, rồi ông ấy sẽ đến tận nhà tôi để xem xét giúp. Kể cũng lạ chú ạ. Ông Tùng tài thánh thật. Tôi chẳng nói câu nào, ông ấy chỉ nhìn tôi mà như là biết hết mọi chuyện về gia đình tôi”.
Đúng như lời hứa, mấy hôm sau, vào một ngày đầu thu năm 1992, Thượng tọa Thích Quảng Tùng tìm đến tận nhà bà Nở. Thượng tọa Thích Quảng Tùng quá nổi tiếng ở Hải Phòng, nên ông đi đến đâu người dân cũng biết, hâm mộ, xúm xít đi theo. Thượng tọa mang theo một hộp bát giác, một con lắc.
Bà Nở nhớ lại: “Thượng tọa Thích Quảng Tùng vào nhà tôi, chẳng nói gì, ông ấy đi xuống ngó nghiêng dưới bếp, rồi cứ đứng ở chỗ cái bể nước nhìn hồi lâu. Ông ấy nhìn góc nhà, góc cái tủ cũ. Ông ấy xem xét, nhìn kỹ lắm. Tôi cũng không rõ ông ấy xem kiểu gì. Ông chẳng thắp hương, cũng không cúng bái, đọc kinh gì cả, chỉ đi lại nhìn ngó.
Xem xét nhà cửa một hồi, ông ấy gọi vợ chồng tôi đến, rồi cứ lắc đầu bảo nhà này lắm ma, lắm vong, khó giải quyết lắm. Ông ấy còn bảo, ngay cái bếp, chỗ tôi đun nấu bằng củi cũng có tới 30 con ma trú ngụ. Nhìn chỗ nào trong nhà cũng thấy có ma, có khoảng 300 con ma, nên có cúng bái, trục vong ma cũng không ăn thua gì. Hồi đó, đám con điên khùng và cả mấy đứa bình thường vẫn ở nhà.
Thầy Tùng bắt từng đứa ngồi thẳng lưng. Tay trái của ông đặt lên đỉnh đầu, tay phải quay con lắc nhanh dần, rồi tít mù trên mặt chiếc hộp bát giác. Cứ vừa quay con lắc, ông vừa bảo “có vong, có ma”. Rồi ông cầm cái cục gì như cục thủy tinh (cục thạch anh – PV) đặt lên đỉnh đầu mấy đứa, rồi tiếp tục quay tít con lắc trên mặt hộp bát giác.
Ông ấn cục đó vào vai phải, vai trái, sau lưng, phía trên ngực trái. Khi ông đặt cục ấy vào bụng, thì những đứa con tôi hét lên sợ hãi. Thượng tọa Tùng liên tục đọc niệm chú. Ông làm như vậy với lần lượt từng đứa một. Đám con của tôi hò hét sợ hãi co rúm cả người, hét lên đau đớn. Nhìn đôi mắt trắng dã của chúng nó, tôi thấy như người khác chứ không phải con mình.
Xong việc, ông ấy bảo tìm tất cả ảnh của các con đưa cho ông ấy, để ông ấy mang về chùa, tụng kinh sám hối giúp gia đình tôi, cho các vong hồn trú ngụ trong nhà tôi”.
Sau này, tôi tìm hiểu ở chùa Dư Hàng thì được biết Thượng tọa Thích Quảng Tùng không chỉ “bắt ma” trực tiếp trên cơ thể người, mà ông còn xác định “ma” và “bắt ma” qua ảnh. Những ai ở xa, không đến được chùa Dư Hàng, thì chỉ cần mang ảnh đến cho ông. Ảnh to cũng được, ảnh bé bằng ngón tay cũng được. Ông đặt tấm ảnh trên mặt bàn, một tay áp vào ảnh, một tay quay con lắc.
Ông kiểm tra cũng rất nhanh, chỉ vài giây là xong một tấm ảnh. Trường hợp nào phát hiện có “vong”, thì ông yêu cầu phóng ảnh to cỡ A4, rồi đặt vào chiếc hòm trong chùa. Thậm chí, xem qua ảnh, ông cũng biết người đó còn khỏe mạnh hay đã tận số. Những “vong hồn, ma quỷ” được ông trục ra sẽ được ông giữ lại chùa, để nhà chùa tụng kinh sám hối, giúp các vong hồn siêu thoát, không ở lại trần gian hại người nữa.
Theo lời bà Nở, sau khi đưa ảnh cho Thượng tọa Thích Quảng Tùng, thì ông bảo: “Bệnh của các con bà nặng lắm rồi, không cứu chữa gì được nữa đâu. Dù có trục vong ma ra khỏi người thì cũng không khỏi được nữa. Bệnh thì nặng, hạn gia đình thì còn to lắm, chưa biết bao giờ mới hết. Tốt nhất là ông bà đưa các cháu vào trại tâm thần để Nhà nước nuôi hộ, chứ không nuôi được nữa đâu”.
Nói xong, Thượng tọa Thích Quảng Tùng quay sang phía ông Phạm Văn Phong, chồng bà Nở bảo: “Ông không nuôi được chúng nó đâu. Ông đưa chúng nó vào trại đi. Ông cũng không sống lâu được nữa đâu”. Bà Nở kể: “Nghe ông Tùng nói vậy ông Phong nhà tôi còn phản ứng, bảo là tôi khỏe thế này thì chết làm sao được.
Lúc đó, ông Phong nhà tôi 60 tuổi, khỏe như vâm, có ốm đau gì đâu. Nhưng thời gian sau thì ông Phong lăn ra chết thật. Không hiểu ông sư Tùng ấy là người hay là thánh nữa chú ạ!”.
Nghe lời Thượng tọa Thích Quảng Tùng, ông Phong và bà Nở mới tính đến chuyện gửi con vào trại tâm thần. Đúng thời điểm đó, ông Thanh, nguyên Chủ tịch UBND phường Cầu Tre vào thăm gia đình bà Nở. Nghe ông Phong, bà Nở trình bày nguyện vọng muốn gửi con vào trại tâm thần, ông Thanh lại thấy vợ chồng bà Nở khổ quá, vật lộn giữa đàn con điên rồ, chỉ biết hát hò, chửi bới suốt ngày đêm, nên đã làm giúp thủ tục, hồ sơ để đưa 3 người con gồm Hoa, Hoàng, Lan vào trại tâm thần ở Vĩnh Bảo để Nhà nước nuôi dưỡng.
Khi 3 người con điên nặng nhất được đưa vào trại, thì vợ chồng bà Nở đỡ vất vả hơn. Vợ chồng bà cùng hai cậu con trai là Phạm Văn Đức (sinh năm 1978), Phạm Văn Hậu (sinh năm 1979) và cô út Phạm Thị Bích (sinh năm 1983) cùng mưu sinh kiếm sống. Thời điểm cách đây hơn 10 năm, 3 người con út này của bà Nở vẫn còn bình thường như bao thanh niên khác, cũng biết làm thuê làm mướn kiếm sống.
Ngay sau khi làm xong thủ tục, đưa người con thứ 3 vào trại tâm thần Vĩnh Bảo, thì ông Phong lăn ra chết, đúng như tiên đoán của Thượng tọa Thích Quảng Tùng. Thời điểm đó, ông Phong vẫn đi bơm xe, vá xe đạp, xe máy kiếm sống ở lề đường. Một hôm, đang sửa xe, thì một người đàn ông nhìn ông Phong bảo: “Tôi là bác sĩ chuyên về tim mạch.
Ông bị cao huyết áp nặng lắm rồi. Ông không điều trị đi là không cứu nổi đâu, chết lúc nào không biết”. Dù vị bác sĩ kết luận ông bị cao huyết áp, song ông Phong bảo với bà Nở rằng thấy người vẫn bình thường, không khó chịu lắm. Tuy nhiên, bà Nở vẫn gom chút tiền để ông Phong đi khám bệnh. Các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Tiệp kết luận ông Phong bị cao huyết áp rất nặng.
Không có tiền chữa bệnh, mà bác sĩ lại bảo dù tốn tiền cũng khó cứu được, nên ông Phong về nhà nằm, hai vợ chồng tìm cách tính toán tiếp. Thế nhưng, ngay hôm đó, ông Phong co giật, tai biến, rồi nằm bất động. Ông nằm bất động một thời gian thì chết.
Bà Nở nhớ lại: “Hôm đó, tôi đang nấu nướng dưới bếp thì cái Hoa hét toáng lên. Bố chết rồi, bố chết rồi!”. Tôi chạy lên, thì thấy ông ấy ngừng thờ, sùi bọt mép, mắt trợn ngược. Tôi vuốt mắt cho ông ấy bảo: Ông sống khôn chết thiêng, phù hộ cho mấy đứa còn lại không bị điên khùng nữa, để tôi đỡ vất vả. Trước đó, cái Hoa vẫn bình thường, đi bán hoa quả kiếm sống.
Nhưng nó chứng kiến bố chết, nó khóc lóc, hét toáng lên, rồi mất trí luôn chú ạ. Sau khi ông ấy chết, nó nằm bẹp trong nhà, không ăn, không uống gì cả, người chỉ còn bộ xương. Lúc tỉnh dậy, ăn được, thì suốt ngày hò hét, chửi bới. Nó ở nhà 3 năm thì tôi gửi vào trại Vĩnh Bảo. Đến giờ chưa có ngày nào nó tỉnh táo”.
Lần lượt phát điên
Đang kể về đàn con tội nghiệp, bà Nguyễn Thị Nở (ngõ 239, đường Đà Nẵng, TP. Hải Phòng) ngước nhìn bàn thờ lạnh lẽo khói hương. Trên bàn thờ ấy, có tấm ảnh chàng trai đẹp ngời ngời. Trông tấm hình tưởng tài tử điện ảnh, chứ ai ngỡ là chàng trai tâm thần. Đó là Phạm Văn Đức, người con thứ 7 của ông bà, mới chết được 3 năm nay. Nhắc lại cái chết của Đức, bà Nở ôm mặt khóc tu tu.
Theo bà Nở, Đức là đứa con khôn lanh, bình thường nhất của bà, là niềm hy vọng của bà cũng như cả gia đình lúc bà về già. Thế mà… Hồi đang học phổ thông trung học, Đức đi bơm xe kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chẳng rõ mâu thuẫn thế nào, mấy thanh niên đầu gấu cầm cái bơm ném xuống sông Hạ Lý. Tiếc của, Đức nhảy xuống sông mò bơm.
Một thằng đứng ở trên bờ cầm hòn đá to bằng quả bưởi ném trúng đầu Đức. Cú ném làm rách toác đầu Đức. Đức bất tỉnh trong bệnh viện, mấy ngày sau mới tỉnh. Vết rách phải khâu tới 8 mũi. Bà Nở tìm đến gia đình kia hòng bắt đền, nhưng gia cảnh nhà nó nghèo chẳng kém gì nhà bà. Bố nó chết sớm, mẹ nó thì bảo nó là thằng nghiện ngập, hư hỏng, bà muốn giết nó thì giết.
Sau khi ra viện, Đức suốt ngày kêu đau đầu, chóng mặt, không đi học được nữa. Thi thoảng Đức lại lăn quay giãy đành đạch, sùi bọt mép. Càng ngày Đức càng gầy còm, xanh xao. Đức mất trí, rồi điên khùng nặng. Bà Nở phải đưa con vào trại tâm thần.
Vào trại tâm thần, bệnh Đức càng nặng hơn. Đức uống cạn cả chai nước lau nhà vệ sinh khiến viêm ruột nặng, chữa mãi không khỏi. Những lúc lên cơn, đau đớn, Đức mài mẩu sắt rạch nát cả mặt mũi, cơ thể. Và, trong một lần tỉnh táo nhất, Đức cởi áo, xoắn thành sợi thừng, vắt lên cửa sổ thắt cổ chết.
Hôm Đức chết, bệnh viện gọi bà Nở đến nhận xác con về chôn, nhưng bà nuốt nước mắt bảo: “Nhà không có gì bán được để mua quan tài, cũng chẳng có đất mà chôn. Các bác thương tình thì mai táng cho cháu nó, đời này, kiếp này, tôi mãi đội ơn các bác”. Trại nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần mua tấm ván, rồi cho xe bò chở xác Đức ra nghĩa địa chôn. Hôm đó, bà Nở cũng đến xem họ chôn con mình, chẳng có kèn trống, chẳng có làm ma gì cả.
Từ ngày cậu con trai chết, thương xót con lắm, nhưng bà Nở cũng mới chỉ có đôi lần đi viếng được mộ con. Đó là hôm con mới được chôn và lần giỗ đầu. Giờ khu nghĩa địa hoang cỏ mọc um tùm, bà cũng không nhớ nổi con mình nằm ở chỗ nào nữa.
Bà Nở đau xót kể: “Đúng như tiên đoán của Thượng tọa T., cái hạn lớn của gia đình tôi không hết được. Ông T. bảo chồng tôi sẽ chết, rồi đám con của tôi cũng sẽ không đứa nào được bình thường. Mọi chuyện xảy ra đúng như vậy, không sai tý nào. Ông Phong thì tai biến chết, mấy đứa con đang bình thường cứ lần lượt phát điên. Hai đứa con cuối cùng của tôi, là thằng Hậu và cái Bích, đang bình thường, cũng trở nên điên khùng nốt. Thế là tôi đã mất tất cả 10 đứa con”.
Sau khi người con thứ 8 Phạm Văn Đức treo cổ tự tử trong trại tâm thần, thì đến lượt cậu con trai thứ 9 Phạm Văn Hậu nổi điên. Lý do Hậu bị điên khùng cũng giống người anh trai. Đức bị đám côn đồ ném đá vào đầu, còn Hậu bị bọn cướp đánh vỡ đầu. Hồi đó, Hậu vào Sài Gòn làm thuê. Cuối năm, kiếm được mấy chỉ vàng, thì về quê ăn Tết. Đang trên đường ra bến xe, gặp ngay bọn cướp.
Chúng cướp sạch, lại đánh trúng đầu. Người dân đưa vào viện, nhưng không có tiền, không có người thân thích, điều trị không tốt, nên bị nhiễm trùng, vết thương lở loét, bốc mùi. Về nhà, Hậu kêu đau đầu, rồi nổi cơn điên. Một lần, cơn điên lên đỉnh điểm, Hậu đập phá nhà cửa tanh bành, không ai ngăn nổi. Đập phá chán thì Hậu phóng hỏa đốt nhà.
Đúng lúc đó, thì cô con gái út Phạm Thị Bích, vốn đang tỉnh táo, cũng đột nhiên nổi điên, reo hò cổ vũ hành động đốt nhà của ông anh trai. Cũng may mà hàng xóm chạy sang, người xô người chậu té nước dập kịp. Bữa đó công an đến bắt Hậu nhốt ở đồn, rồi đưa vào trại tâm thần. Ở trại tâm thần một thời gian, được điều trị tích cực, nên Hậu dần tỉnh táo.
Thời gian sau, Hậu được về. Hậu tìm vào Sài Gòn làm thuê làm mướn, lúc làm công nhân, lúc làm ở nhà máy gỗ, lúc làm hàn xì. Hậu đi biền biệt mấy năm nay, cũng không thấy tin tức gì.
Chúng tôi đang trò chuyện về Hậu, thì cô con gái út tên Bích của bà Nở thò đầu khỏi chăn xen vào kể chuyện. Bích kể: “Hôm nọ em đi xem bói, thầy bói bảo em có duyên với một anh già từ kiếp trước. Anh già người âm này cứ ở trong người em. Thầy bói bảo em phải cắt tiền duyên, bỏ cái duyên ấy đi thì mới lấy được chồng, nhưng mà bỏ cái duyên ấy thì lại mất hết lộc.
Giờ phải làm sao anh nhỉ?”. Tôi hỏi Bích: “Thế em có người yêu chưa?”. Bích bảo: “Em yêu hai thằng rồi, nhưng em toàn bỏ thôi. Yêu một tháng thì bỏ. Chúng nó không nuôi được em. Không kiếm được mấy triệu cho em mua thuốc uống…”. Bích đang nói, thì bà Nở chen vào: “Cứ nói luyên thuyên. Thằng nào thèm lấy đứa thần kinh, để mà lại đẻ ra con cái dở hơi”.
Theo bà Nở, Bích được bệnh viện Tâm thần xác nhận bị tâm thần phân liệt, nhưng uống thuốc đều đặn thì tỉnh táo lại, đỡ điên hơn. Hàng tháng, Bích vẫn tự ra phường lấy thuốc. Mỗi tháng uống 100 viên. Không uống thuốc thì không ngủ được. Bà Nở kể: “Lâu nay Bích vẫn đi bán nước ở vỉa hè, kiếm được vài đồng bạc lẻ, nhưng mấy hôm nay trời lạnh, đầu óc nó chập chập, nên cứ rúc vào chăn nằm, không đi bán hàng nữa. Nó mà điên hẳn thì tôi chẳng còn thiết sống trên đời này nữa”.
Chết mới hết kiếp nạn!
Quay lại chuyện Thượng tọa T. bắt vong. Sau khi Thượng tọa T. đến nhà bà Nở, thì thời gian sau, có 8 vị sư đỗ xe ở ngoài đường Đà Nẵng, tìm đến nhà bà khiến cả xóm náo loạn, tò mò quây lại xem. 8 vị hòa thượng này nói là đệ tử, đồng môn của Thượng tọa T. Các vị sư này đều là những người có chức sắc, có đức độ cao thâm, ở chùa Quán Sứ (Hà Nội) tìm xuống giúp đỡ gia đình bà. Lúc đó bà Nở mới biết Thượng tọa T., trụ trì một ngôi chùa Hải Phòng, nhưng lại có vị trí rất lớn của nền Phật giáo nước nhà.
Vừa vào nhà, nhìn bà Nở, một vị cao tăng luống tuổi, mắng sáng, khuôn mặt đức độ đã nói ngay với bà: “Bà này khổ lắm. Bố mẹ chết sớm, thân cô thế cô, không nhờ được ai, không còn ai thân thích. Lấy chồng thì chồng lại hết phúc. Con cái thì điên hết. Rồi sẽ tan nát hết cả gia đình. Chỉ có chết thì mới hết kiếp nạn”. Nghe vị cao tăng nói thế, bà Nở òa khóc.
Những điều vị cao tăng kia nói không sai một chút nào cả. Chỉ có vài lời, nhưng đúng từ tông ti nhà bà, nhà chồng, cho đến gia cảnh hiện tại của bà. Bà Nở quỳ xuống vái vị cao tăng, nhờ ngài giúp đỡ trải qua kiếp nạn, vì khi đó mấy người con út của bà vẫn bình thường, chưa có triệu chứng tâm thần. Vị cao tăng nói tiếp: “Bà không phải đi cúng bái gì đâu, vì không giải quyết được gì cả. Đây là cái nợ phải trả từ kiếp trước, đời trước. Giờ cứ trả hết nợ cho kiếp sau đi”.
Rồi 8 vị cao tăng ngồi khoanh tròn giữa nhà, trải sách ra. Tiếng mõ, tiếng chuông vang lên coong coong. Tiếng đọc kinh râm ran cả buổi chiều. Đọc kinh xong, vị cao tăng khuyên bà Nở nên năng đi chùa, cầu kinh, kêu trời kêu Phật, để tinh thần thanh thản, sẵn sàng đối mặt với hiện tại, chứ không có cách nào vượt qua được kiếp nạn khủng khiếp này.
Các vị cao tăng cũng không cứu được, chỉ có thể cúng cho nhẹ tôi hơn thôi. Lời Thượng tọa T., rồi đến 8 vị sư trên chùa Quán Sứ đến bây giờ bà Nở vẫn nhớ như in. Đó là những lời của các vị thánh. Những điều họ nói, sau này đều diễn ra cả. Bà Nở cũng xác định rõ tư tưởng và đón nhận những điều khủng khiếp nhất xảy đến với mình.
Lần lượt, chồng bà, ông Phong đột quỵ, nằm liệt rồi qua đời, tiếp đó là cô con gái thứ 6 tên Hoa đang bình thường bỗng dưng tâm thần nặng, rồi tiếp đó là cậu con thứ 7 tên Đức, cũng nổi điên rất nặng, treo cổ trong trại tâm thần. Rồi tiếp tục đến cậu con thứ 9 tên Hậu nổi cơ điên phóng hỏa đốt nhà, và cô út tên Bích thấy anh đốt nhà thì cũng nổi điên vỗ tay cổ vũ. Vậy là bà Nở đã mất sạch sẽ cả đàn con 10 đứa.
Đời trước “khát máu” (?!)
Không còn chồng, 10 người con điên hết, bà Nguyễn Thị Nở (Ngõ 239, Đường Đà Nẵng, TP. Hải Phòng) không biết dựa vào ai. Mặc dù từng là công nhân, nhưng do đẻ một đàn con điên khùng, không ai chăm sóc, nên bà Nở bỏ dở, về một cục, thành ra chẳng có lương hưu.
Để có miếng ăn, bà dậy từ sáng sớm, ra vùng ngoại thành mua rau, gánh vào thành phố bán. Đi từ sáng đến đêm, kiếm được một hai chục ngàn. Đồ ăn của bà và các con là cơm thừa, canh cặn ở các nhà hàng, quán xá trong khu vực. Họ thương cảnh bà, nên dồn thức ăn thừa để bà mang về cho mấy mẹ con ăn.
Mấy năm nay, già cả, vất vả nhiều quá, nên sinh lắm bệnh tật, chân tay thường xuyên co rút, không thức khuya dậy sớm được, nên bà không đi bán rau được nữa. Có lần, quẫn quá, lúc đi qua cầu Bính, bà toan nhảy xuống sông. Nhưng dường như có sức mạnh vô hình ngăn bà lại. Bà chết rồi, không biết ai nuôi đàn con điên dở.
Cũng mấy năm trước, khi đứa con cuối cùng phát điên, quẫn quá, bà uống thuốc chuột. Tuy nhiên, hàng xóm phát hiện, đã kịp thời đưa bà đi bệnh viện rửa ruột. Bà bảo: “Sinh ra vào năm 1945, đói rạc cả tuần không chết, rồi về già, tự tử cũng vẫn không chết. Có lẽ các vị sư nói đúng, kiếp trước tôi nặng nợ nhân gian nhiều quá nên kiếp này phải trả nợ cho hết. Thôi đành sống cho nốt kiếp khổ này để trả nợ!”.
Cũng may cho bà, mấy năm trước, các lãnh đạo phường Cầu Tre thương xót, giúp đỡ làm thủ tục trợ cấp cho gia đình. Hiện mỗi tháng bà và hai người con tâm thần sống cùng là Hậu và Bích được hỗ trợ mấy trăm ngàn.
Mấy người con ở trại thì được Nhà nước nuôi dưỡng miễn phí. Hiện tại, bà Nở chỉ biết trông chờ vào số tiền trợ cấp này. Một vị cha xứ cũng trợ cấp mỗi tháng cho gia đình bà 10kg gạo. Mấy mẹ con bà dè sẻn ăn số gạo đó. Chẳng bao giờ bà dám tiêu pha đồng nào, mà bà tích cóp lại, để phòng khi con lên cơn điên còn có tiền mua thuốc.
Như đã nói ở các phần trước, Thượng tọa T., về ngôi nhà vợ chồng bà Nguyễn Thị Nở xem xét và khẳng định rằng, ngôi nhà có rất nhiều “ma”, có tới vài trăm con “ma”, nên 10 người con của ông bà lần lượt phát điên, rồi chồng bà tai biến đột ngột mà chết. Tuy nhiên, 8 vị sư ở chùa Quán Sứ tìm về đây, lại khẳng định rằng, do đời trước nhà ông Phạm Văn Phong, chồng bà Nở làm nhiều điều ác, nên kiếp này phải trả nợ.
Vị cao tăng bảo rằng, bà Nở vốn đã khổ, bố mẹ chết sớm, thân cô thế cô, lấy chồng thì chồng lại hết phúc. Chỉ có cái chết mới hết kiếp nạn. Vị cao tăng chỉ nói vài lời, nhưng khiến bà Nở choáng váng, vì nó quá đúng. Vị cao tăng bảo rằng, đây là cái nợ phải trả từ kiếp trước, đời trước. Kiếp này cứ trả hết thì kiếp sau mới thoát nợ.
Vị cao tăng sau khi nhìn mặt ông Phong thì nói rằng, đời trước nhà ông Phong có nhiều người làm quan tướng trong triều đình, chém người không ghê tay, thậm chí có cả đao phủ chặt đầu người vô tội rất nhiều, nên những đời sau phải gánh nghiệp ác do đời trước gây ra.
Đến đời bố ông Phong thì lại theo Tây, phản bội Tổ quốc, làm nhiều việc ác với đồng bào, nên thế hệ sau tiếp tục phải gánh nợ. Nhớ lại lời vị cao tăng nọ, bà Nở ngồi tổng kết lại những cuộc đời bi thảm, có thể nói là tột cùng của sự chết chóc bên nhà chồng mình.
Ông Phạm Văn Phong sinh ra trong một gia đình có đông anh em. Quê gốc ở Vĩnh Phú. Bố ông Phong là chánh tổng, từng cướp đất của nhân dân rất nhiều. Sau gia đình chuyển về Hà Nội sinh sống. Cách mạng thành công, bố ông Phong, tức bố chồng bà Nở chạy trốn vào Sài Gòn, làm lái xe cho tỉnh trưởng của chế độ cũ. Vào đó thời gian, ông bị bại liệt. Người con gái út phải chăm bẵm, phục dịch người cha sống thực vật suốt 20 năm trời.
Bố mẹ ông Phong có tổng cộng 7 người con, gồm 5 trai, 2 gái. Tuy nhiên, chỉ có 1 người còn sống sót, còn lại đều chết vì bệnh tật.
Người anh cả là ông Phạm Văn Vân chết khi còn rất trẻ do bị xơ gan cổ trướng. Hiện vợ ông vẫn sống trên Hà Nội cùng duy nhất một người con gái. Tuy nhiên, cuộc sống của họ thế nào, bà Nở cũng không biết, vì chẳng bao giờ gặp họ.
Người anh thứ hai của ông Phong là ông Phạm Văn Lâm. Ông Lâm lấy vợ ở Vĩnh Phú, sinh được 3 người con. Ông Lâm cũng ốm đau dặt dẹo và chết khi còn trẻ. Ông Lâm chết vì lý do gì, bà Nở cũng chẳng biết.
Người anh thứ ba của ông Phong là ông Phạm Văn Vũ. Ông Vũ làm ở xi măng Hải Phòng. Chính ông Vũ là người đưa ông Phong về đây làm công nhân bốc vác. Ông Vũ lấy vợ ở Hải Phòng và có được 3 người con. Tuy nhiên, hồi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, gia đình ông trú ẩn dưới hầm, bị trúng bom. Vợ chồng ông Vũ và một người con chết tan xác tại chỗ. Hai người con may mắn sống sót được em rể ông Vũ đem vào Nam nuôi dưỡng. Giờ bà Nở cũng không biết hai người cháu này ở phương trời nào, còn sống hay đã chết.
Bà chị ngay trên ông Phong là Phạm Thị Hải, lấy chồng và sinh sống ở Sài Gòn, cũng chết sớm. Bà này bị tiểu đường rất nặng. Bà chết được thời gian, thì người chồng mắc bệnh nặng, bụng sưng to tướng, rồi lăn ra chết.
Ông Phạm Văn Phong chính là người thứ năm trong gia đình. Số phận ông Phong bi thảm còn hơn những người anh em khác. Ông chết thì đành một nhẽ, nhưng tất tật cả 10 người con điên khùng là một nỗi đau không gì sánh nổi.
Người em trai ngay tiếp sau ông Phong là Phạm Văn Vĩ. Ông này cũng bị bệnh rất nặng về gan. Ông Vĩ lấy vợ và sống ở Cát Bi, Hải Phòng. Năm 60 tuổi, gan sưng to tướng và ông đã qua đời. Vợ con ông Vĩ đưa nhau vào Sài Gòn sinh sống và biệt tăm từ đó.
Trong đại gia đình này, hiện chỉ còn duy nhất cô em út, là bà Phạm Thị Bắc là còn sống. Bà Bắc ở Hà Nội, là giáo viên. Bà này có 3 người con. Một người đi bộ đội và đã chết, một người chết vì nghiện. Bà chỉ còn cô con gái. Hồi ông Phong chết, bà Bắc về viếng.
Thiêu xác ông Phong xong, bà đi luôn Hà Nội. Từ đó, không gặp lại nhau lần nào nữa. Cũng có đôi lần, bà Nở gọi điện lên, nhưng số máy không liên lạc được. Bà Nở tìm lên, nhưng bà Bắc không còn sinh sống ở đó nữa. Bà đã bán nhà, chuyển đi nơi khác. Người dân quanh vùng cũng không rõ bà đi đâu.
Bà Nở tin rằng, phúc phận của bà không có, lấy chồng thì nhà chồng mất phúc, ở mảnh đất lại nặng phần âm, nên đại gia đình bà chịu số phận nghiệt ngã. Không chỉ các vị sư nổi danh thiên hạ khẳng định ngôi nhà, mảnh đất gia đình bà ở bị ma ám, mà tất cả các ông thầy, bà đồng, đều khẳng định ngôi nhà có ma. Thậm chí, có ông thầy đến nhà bà làm lễ xong, thì sợ hãi không dám quay lại nữa.
Ông thầy này tên K., là người chuyên trấn trạch đất cát cho những gia đình chuẩn bị động thổ, xây nhà. Ở đất Hải Phòng, nhắc đến ông, nhiều người biết rõ. Ông K. vốn là bộ đội chống Mỹ. Ông bị trúng bom, thương nặng, nằm bất tỉnh nhiều ngày.
Lúc tỉnh dậy, ông như trở thành người khác, có khả năng đặc biệt. Hòa bình lập lại, rời quân ngũ, ông trở thành thầy cúng, chuyên soi đất, trấn yểm. Để mời được ông, phải là những người có vị thế, hoặc quen biết, vì ông K. quá nhiều việc, đi khắp đất nước.
Cách đây 6 năm, khi bà Nở đạp xe đến nhà ông K., đang loay hoay chưa biết gọi cổng ngôi nhà vườn ven thành phố rộng mênh mông như thế nào, thì có tiếng lạch cạch trong cổng, rồi cánh cổng lớn nặng trịch mở ra. Một người đàn bà, có lẽ là giúp việc nhìn bà Nở hồi lâu rồi bảo: “Kỳ lạ thật. Lẽ ra ông chủ nhà tôi đã bay vào Sài Gòn từ sáng nay, nhưng ông ấy đã thông báo đổi vé đến tối.
Ông chủ nhà tôi bảo sáng nay, đúng 9 giờ sẽ có một người đàn bà rất khổ, 60 tuổi, đạp xe đến tìm. Nhà bà này có nhiều người điên khùng nhất Hải Phòng. Tôi tò mò hỏi thật là gia cảnh nhà bà có đúng thế không?”. Nghe người đàn bà mở cổng nói vậy, bà Nở run lên bần bật. Bà vừa sợ vừa khấp khởi mừng vui. Bà nghĩ rằng đã gặp được một vị thánh lớn, có thể giúp bà và gia đình vượt qua hoạn nạn.
Cái chết của thầy pháp
Chuyện gặp ông thầy pháp tên K. 6 năm trước đến giờ bà Nguyễn Thị Nở vẫn nhớ như in và mỗi khi nhớ lại, bà rùng mình sợ hãi, không hiểu vì sao ông K. lại có khả năng thần thông quảng đại, biết trước mọi chuyện như vậy.
Theo chân bà giúp việc, bà Nở lò dò đi qua khu vườn đầy hoa trái, hòn giả sơn, những chậu cây cảnh đắt tiền. Bà bước vào ngôi nhà gỗ kiểu cổ diện kiến thầy K. Một chân thầy K. bị thương, đi lại tập tễnh. Ông thắp hương trên bàn thờ có rất nhiều tượng, những lá bùa xanh đỏ treo, dán khắp nơi. Ông không nói gì, tự tay pha nước mời bà Nở.
Ông K. bảo: “Lẽ ra sớm nay tôi vào Sài Gòn để làm lễ động thổ cho một dự án xây nhà cao tầng, nhưng đêm qua, bề trên đã nói với tôi rằng, sáng nay có người đàn bà bất hạnh khổ đau bậc nhất Hải Phòng sẽ tìm đến nhà. Cứu mạng người bằng xây mười tòa tháp, nên tôi đề nghị người ta đổi vé may bay đến chiều, để tôi ở nhà tiếp bà. Bà không cần nói gì cả. Tôi đã biết rõ hết về bà rồi. Nghiệp nhà bà nặng lắm.
Kiếp này phải trả nợ hết thì kiếp sau mới thoát. Việc trả nợ cho kiếp trước thì không ai làm gì được đâu. Nhưng không chỉ có vậy, đất nhà bà dữ lắm, toàn quỷ ma ẩn náu từ nhiều đời nay rồi. Tôi sẽ tìm cách giúp bà trục ma quỷ ra khỏi mảnh đất ấy, để gia đình bà được yên ổn phần nào. Giờ bà để lại địa chỉ rồi cứ về. Xong việc ở Sài Gòn, tôi sẽ tìm đến nhà bà. Tôi đã nói là làm.
Tôi cũng nói trước là bà không phải mất tiền nong gì cả. Bà nghèo lắm, ăn còn chả đủ, thì lấy gì trả cho tôi”. Ông thầy K. nói vậy, rồi xua bà Nở về. Bà Nở chẳng nói được câu gì ngoài ánh mắt biết ơn ông thầy pháp ngồi trước mặt mà bà ngỡ là vị thánh sống do thiên giới cử xuống giúp bà.
Những ngày chờ đợi thầy pháp K., bà Nở bồn chồn lo lâu, mất ăn mất ngủ. Nhìn những người con ngớ ngẩn, gào thét, lòng bà quặt buốt, nhưng bà vẫn không thôi hy vọng. Bà tin thầy K. sẽ giúp gia đình bà vượt qua hoạn nạn.
Thầy K. đến thật. Thầy K. trong bộ quần áo nâu sồng. Một đệ tử đi sau, tay xách nách mang rất nhiều thứ. Thầy K. đã mua sắm đầy đủ lễ vật, hương hoa, cau trầu, tiền vàng và rất nhiều đồ vàng mã. Ông trải những lá bùa màu vàng ra chiếu, lấy bút và vẽ bằng thứ chữ mà ông gọi là chữ Thiên. Nét chữ của ông như rồng bay phượng múa. Ông sai đệ tử dán những lá bùa do ông vẽ quanh nhà, kín 4 bức tường. Những lá bùa bay phấp phới ở cửa bếp, bể nước nơi chái nhà.
Bà Nở kể: “Bày biện lễ vật, dán bùa xong, thì ông ấy đi vòng quanh nhà tôi, ngó nghiêng kỹ lưỡng dưới bếp, chỗ bể nước, nơi đống củi. Chỗ đống củi sau bể nước vốn là cái giếng cổ. Tôi sợ đám con điên ngã xuống, nên tôi lấp lại, chất củi lên kín mít, thế mà ông ấy bảo “Dưới đống củi kia có cái giếng sâu lắm, có mấy con quỷ ẩn dưới giếng đó. Bà mà không lấp giếng lại thì nó kéo hết con bà xuống đó”.
Ông ấy thần thánh thật, nhìn xuyên được cả lòng đất. Ông ấy nhìn khắp nhà, sân một lượt thì bắt đầu làm lễ cúng. Cả nhà tôi ngồi sau lưng ông ấy. Mấy đứa con điên bình thường la hét dữ lắm, nhưng không hiểu sao hôm đó cứ ngồi im, mặt mũi lấm lét sợ sệt, lại còn chắp tay vái liên hồi. Ông ấy ngồi khoanh chân, đọc tiếng Tây tiếng Tàu gì tôi cũng không hiểu được.
Cúng đến gần trưa mới xong. Ông ấy sai tôi đi đốt vàng mã. Tôi đốt xong vàng mã thì ông ấy về. Trước khi về, ông ấy còn bảo là “Trong nhà có nhiều ma, quỷ, nhưng đáng sợ nhất là có hai thằng Tàu chết ở đây từ mấy trăm năm trước.
Hai thằng này thành tinh rồi. Bất kỳ ai ở đây nó sẽ đều bắt đi. Nó sẽ lần lượt bắt hết cả nhà bà. Nhưng giờ tôi yểm bùa nhốt nó lại rồi”. Ông ấy dặn gia đình tôi cứ yên ổn mà sống, không phải lo lắng gì nữa. Ông ấy cũng hẹn vài hôm nữa sẽ quay lại kiểm tra”.
Vài ngày trôi qua, mà không thấy thầy K. quay lại, trong khi những đứa con của bà Nở lại điên khùng nặng hơn. Sốt ruột quá, bà lại đạp xe đến nhà thầy K. Lần này gọi mãi bà giúp việc mới ra mở cổng. Bà Nở ngỡ ngàng, tưởng như không nhận ra thầy K. nữa. Hôm trước ông K. còn hồng hào, béo tốt, khuôn mặt sáng bừng, thế mà nay sọp đi, đôi mắt thâm quầng, tóc nhiều sợi bạc.
Bà giúp việc bảo suốt mấy ngày nay ông chủ không ngủ, cứ ngồi chong chong nhìn lên bàn thờ niệm Phật. Ông K. nói với bà Nở: “Tôi không giúp được bà nên không đến nữa. Đêm nào hồn ma hai thằng người Tàu cùng tìm đến bóp cổ dọa giết tôi. Nó bảo tôi không được đến nhà bà nữa, nếu đến thì nó sẽ bắt tôi đi theo. Nó còn hỏi tôi rằng, nếu ai đến nhà ông đuổi ông đi, thì ông có đi không? Nó nói nhà đó là nhà của nó, nó sống mấy trăm năm ở đó rồi, nên không ai đuổi nó đi được”.
Đất dưới chân bà Nở như sụt xuống. Đang tràn trề hy vọng, bà Nở không còn biết bấu víu vào đâu nữa. Bà cũng không thể làm khó ông K. được, vì chuyện này liên quan đến mạng sống của ông.
Chừng tháng sau, bà Nở lại đạp xe đến nhà ông K., biết đâu ông lại đổi ý và giúp đỡ. Tuy nhiên, bà sốc nặng khi biết ông K. vừa chết được mấy ngày. Ông K. là thương binh, viên đạn vẫn găm trong đùi, đi lại cà nhắc, nhưng ông rất khỏe mạnh, không bệnh tật gì. Bà giúp việc bảo rằng, sau nhiều đêm mất ngủ, ông K. đột nhiên lăn ra chết, không rõ bệnh gì.
Bất lực với “ngôi nhà má ám”
Sau vụ thầy K. trấn yểm thất bại, thì có một cô ở chợ Con, là cô đồng, chuyên cúng bái, đặt bát hương tìm đến giúp đỡ. Cô này bốc 3 bát hương, 2 bát để trong nhà, 1 bát ngoài sân. Cô này bắt bà Nở chuyển bếp ra chỗ khác, không được đun ở chỗ góc nhà, vì theo cô, phía dưới có người chết. Việc đun bếp trên đầu người chết là rất kỵ. Cô này cũng không cho để xoong nồi trong nhà, vì theo cô trong nhà cũng có rất nhiều ma.
Đặt bát hương xong, thấy nhà cửa tềnh toàng, cô mua cho chiếc tủ nằm để đặt bát hương, đựng quần áo, làm cho cái cửa chuồng xí, làm thêm cho cái chạn đựng bát đĩa. Cô này làm 2 mâm lễ, một để ngoài trời, một để trong nhà rồi cúng bái khá lâu. Cúng xong, cô bảo: “Nhà bà có nhiều ma quỷ ẩn náu. Tôi trình độ có hạn, không giúp được, nhưng tôi sẽ gọi chú em tôi, là thầy cao tay giúp bà”.
Đúng như lời hứa, vài hôm sau thì có thầy cúng từ mãi Thái Bình sang. Thầy cúng này là em trai của cô, trụ trì một ngôi chùa ở Thái Bình. Ông thầy này cũng xem xét quanh nhà và bảo trong nhà có nhiều ma lắm, đều đã thành tinh cả. Thầy cúng yêu cầu bà Nở phải phá bếp đi, dựng cây hương ở chỗ bếp để thờ cúng, vì dưới bếp có nhiều xương cốt.
Tuy nhiên, phá bếp rồi chả biết đun nấu ở đâu, nên bà không đồng ý. Ông thầy cúng này bảo: “Bà không làm theo tôi thì khó xử lý lắm. Tôi cứ cúng giải hạn cho bà thôi, chứ không trấn yểm được đâu. Toàn ma quỷ thành tinh thế này thì làm sao mà xử lý được”. Cúng bái xong, ông thầy này đi luôn, không trở lại nữa.
Hồi năm ngoái, một vị sư cùng 2 đệ tử đi ô tô xuống nhà bà Nở. Vị sư này 60 tuổi, nó rằng đang tu ở chùa Hương. Ông đi vòng quanh nhà xem xét và bảo đất vuông vắn, đẹp đẽ, không có gì cả. Bà Nở hỏi: “Có ma quỷ gì không? Có ai trấn yểm không?”. Ông sư này bảo không có ai trấn yểm gì, cũng không có ma quỷ.
Tuy nhiên, ông sư này bảo nguyên nhân đàn con điên khùng, thậm chí cả họ gặp họa, là vì con cháu để mồ mả tổ tiên thất lạc hết cả. Lời ông sư này nói không sai tý nào. Sau khi bố ông Phong, tức bố chồng bà vào Nam, con cháu mỗi người một nơi, thì mộ tổ tiên ở Vĩnh Phú bỏ hoang, rồi thất lạc hết. Giờ anh chị em chết hết, thì cũng không còn ai biết đến mồ mả tổ tiên nữa.
Thậm chí, hồi Nhà nước làm đường lớn, đè lên 2 ngôi mộ tổ, cũng không ai biết mà di chuyển. Giờ đây, các thầy lại phán thêm nguyên nhân này nữa, thì bà Nở không biết phải làm gì.
Theo Tamsueva