Rơi nước mắt với cuộc đời cô giáo 3 năm đứng trên bục giảng, 50 năm nằm liệt trên chiếc giường tre
Từng cháy bỏng ước mơ làm nhà giáo nhưng cô Mai chỉ đứng lớp được 3 năm. Bất ngờ bị liệt nửa người, cuộc đời cô gắn liền với chiếc giường tre trong căn nhà lá xập xệ suốt 50 năm qua.
Dở dang giấc mơ trồng người
Cách đây hơn 50 năm, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây, cô giáo trẻ Hà Thị Mai về công tác tại trường tiểu học Ngô Xá, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ). Thỏa đam mê sư phạm, cô Mai cháy hết mình trên bục giảng. Cô truyền cho học sinh khát khao lĩnh hội kiến thức, lòng hăng say học hành trong từng giờ lên lớp.
Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Năm thứ 3 đứng trên bục giảng, cơn bạo bệnh bất ngờ ập đến. Cô Mai bị liệt nửa người, mọi sinh hoạt cá nhân đều trông cậy vào người thân.
Đang ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp cùng khát khao trồng người, cô Mai hoàn toàn sụp đổ khi tương lai trước mắt giờ chỉ còn một máu xám. Trường lớp, học sinh đành gác lại phía sau, cuộc đời cô từ đây quẩn quanh trong gian nhà lá nhỏ hẹp. Nhiều đêm tủi phận, cô khóc cạn nước mắt.
Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Thấm thoát, cô Mai đã gắn chặt đời mình với chiếc giường tre đến nửa đời người. Suốt 50 năm qua, cô phải trông cậy vào mẹ già. Mẹ mất, cô cháu gái nghèo lại chăm người dì tàn tật nay yếu mai đau.
Tuổi già bệnh tật, khốn khó
“Năm nào cũng thế, cứ đến 20/11 là học sinh cũ, đồng nghiệp lại đến thăm tôi. Họ có kể lại chuyện ngày xưa nhưng tôi không còn nhớ nữa” – giọng cô Mai thều thào khi chia sẻ với PV An Ninh Tiền Tệ và Truyền Thông.
Tuổi già, bệnh tật và thời gian khiến những ký ức về mái trường năm xưa dần phai nhạt trong tâm trí cô. Thế nhưng nỗi nhớ bục giảng, phấn trắng và bảng đen chưa bao giờ nguôi ngoai.
Mẹ mất bao nhiêu năm thì bấy nhiêu năm cô Mai sống nương tựa vào cháu gái Hà Thị Phương.
Kể về dì Mai, bà Phương chia sẻ: “Mùa hè hay mùa đông cũng vậy, vẫn chỉ có tấm dát tre cho bà nằm. Nhà neo người nên không có ai túc trực chăm sóc thường xuyên. Ngày trước nhà nền đất mỗi lần vệ sinh khổ lắm, nay nhà mới có nền gạch hoa với lại mấy hôm trước một học sinh cũ của bà mua biếu mấy bịch bỉm nên tôi cũng đỡ vất vả hơn”.
Hoàn cảnh gia đình bà Phương vô cùng khó khăn. Bà có 5 người con thì 3 trong số đó không được lành lặn. Một cô con gái lấy chồng xa, hai người con trai ngoài 30 tuổi của bà vẫn chưa lập gia đình. Gia đình bà Phương trông chờ hết vào 4 sào ruộng nhưng năm nay lại mất mùa. Không đủ gạo ăn, bà phải phơi khô sắn độn cơm ăn chống đói những ngày giáp hạt.
Cứ thế, quanh năm suốt tháng bà Phương lo từng bữa ăn cho dì Mai cùng 4 người con. Tình cảnh càng bi đát hơn khi mọi người vẫn đang sống trong căn nhà mượn tạm của đứa em ở xa tại thôn Dung, xã Tam Sơn, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ).
“Trước kia tôi ở đây, nay ở nhờ nhà của đứa em ruột. Mai kia nó về lấy lại nhà thì chúng tôi không biết đi đâu” – gạt nước mắt, bà Phương nghẹn ngào.
Bà Tạ Thị Lâm – Trưởng khu dân cư số 1, xã Tam Sơn xót xa khi nhắc đến hoàn cảnh dì cháu cô Mai: “Gia đình bà Hà Thị Phương (cháu của bà Hà Thị Mai) thuộc diện hộ nghèo của xã nhiều năm qua. Bà Phương vừa nuôi dưỡng người dì tàn tật, chồng con lại ốm đau liên miên nên cuộc sống của bà cũng rất cơ cực”.
Theo Phụ nữ sức khỏe