Nghẹn ngào xúc động với bài văn tặng mẹ nhân ngày giỗ của cậu bé bệnh Down

Sinh ra đã mắc chứng bệnh Down, trở thành trẻ mồ côi khi vừa tròn 3 tuổi nhưng cậu bé Phúc vẫn nỗ lực theo bạn bè đến trường. Trong ngày giỗ của mẹ, cậu bé đọc bài văn tặng mẹ bằng giọng ngọng nghịu khiến hàng nghìn người xúc động.

Bài văn của cậu bé khiến nhiều người rơi nước mắt: 

Cậu học trò Phan Vinh Phúc (12 tuổi, lớp 6, trường THCS Khánh Thành) mắc bệnh Down, sống cùng ông bà ngoại trong ngôi nhà nhỏ ẩm thấp tại xóm Phú Khánh, xã Khánh Thành, Yên Thành (Nghệ An).

Cháu Phúc lớn lên trong sự bao bọc của ông bà ngoại
Cháu Phúc lớn lên trong sự bao bọc của ông bà ngoại

Thầy Phan Văn Ngọc (82 tuổi), ông ngoại của Phúc khuôn mặt già nua khắc khổ. Mắt trái của ông bị hỏng đã hơn 20 năm nay, mắt còn lại cũng đang mờ dần.

Thầy Ngọc nguyên là giáo viên trường cấp 1 xã Khánh Thành, lập gia đình cùng cô giáo Phan Thị Huờn (80 tuổi, trường Tiểu học Khánh Thành) và có 6 người con.

Để nuôi đàn con thơ với đồng trợ cấp ít ỏi từ nghề giáo viên thời ấy là cả một nỗ lực rất lớn của thầy cô. Những tưởng khó khăn sẽ vơi khi thầy cô nghỉ hưu, 5 người con đã yên bề gia thất nhưng tai ương cứ dồn dập khiến gia đình thầy suy sụp.

Thầy Ngọc đã kiệt sức vì vợ bệnh hiểm nghèo, cháu bị bệnh Down

Cô con gái thứ hai của thầy Ngọc là chị Phan Thị Liên (SN 1966) nối nghiệp cha mẹ theo nghề gõ đầu trẻ. Sức khỏe yếu do căn bệnh hen suyễn nên chị Liên không lập gia đình mà quyết định làm mẹ đơn thân, những mong có chỗ dựa lúc tuổi xế chiều.

Năm 2005, chị Liên hạnh phúc đón chào đứa con đầu lòng nhưng bất hạnh thay khi cháu mắc phải bệnh Down. Người phụ nữ bất hạnh nén nỗi đau vào lòng, tự hứa sẽ chăm sóc và nuôi dưỡng thật tốt để con bớt thiệt thòi.

Năm nay Phúc đã bước sang tuổi 12, cũng là 9 năm em không còn được sống bên mẹ. Năm 2008, trong một lần làm việc quá sức, chị Liên phát bệnh hen suyễn rồi đột tử ngay trên bàn làm việc. Thời điểm ấy, chị là Hiệu phó trường mầm non xã Khánh Thành.

Chị Liên ra đi, mọi gánh nặng đè lên vai cha mẹ già yếu. Phúc lớn lên trong sự bao bọc của ông bà ngoại. Dù vất vả trăm bề nhưng từ ngày lên 5 tuổi, Phúc được ông bà cho đến trường theo học bạn bè. Năm nay Phúc đã học lớp 6, giọng nói ngọng nghịu không rõ câu chữ, khả năng tiếp thu kém nhưng thầy cô vẫn tạo điều kiện cho theo học vì Phúc không quậy phá.

Phúc sống bên ông bà ngoại già yếu

“Thương cháu sinh ra bệnh tật, mẹ mất sớm, vợ chồng tôi dồn tất cả tình thương yêu cho Phúc. Tôi chẳng mong cháu học hành giỏi giang mà chỉ mong cháu có cơ hội được sống hòa đồng cùng bạn. Giờ chẳng mong gì hơn ngoài nhìn thấy cháu khỏe mạnh. Chúng tôi đã già yếu, chẳng còn sống được bao lâu nữa. Mai này chẳng biết số phận của cháu ra sao. Mỗi lần nghĩ đến là thấy lòng tôi lại đau nhói”, thầy Ngọc nghẹn ngào.
Trong ngày giỗ mẹ hôm 18/11, bằng tấm lòng thương yêu dành cho người mẹ đã khuất, Phúc viết một bài văn dài đọc trước bàn thờ mẹ. Nét chữ nguệch ngoạc, giọng đọc ngọng nghịu nhưng cậu bé khiến nhiều người xúc động, nghẹn ngào.
Thầy Ngọc cho biết, ý nghĩa những lời văn cháu Phúc muốn gửi đến mẹ là sau này lớn lên sẽ có người yêu, rồi cưới vợ và xây một ngôi nhà thật đẹp. “Có lẽ vì căn nhà chúng tôi đang ở đến mùa mưa bão thường bị dột. Mỗi lần thấy nhà dột cháu lại òa khóc”, thầy chia sẻ.

Bài văn Phúc viết, đọc tặng mẹ trong ngày giỗ mẹ mình gây xúc động

Cứ ngỡ từng ấy khó khăn, đau khổ là quá đủ đối với đôi vợ chồng già. Vậy mà năm 2016 cô Huờn mắc thêm căn bệnh ung thư niêm mạc má phải. Tới lúc này thầy Ngọc thực sự ngã quỵ. Đồng lương eo hẹp của thầy cô không đủ để gia đình vượt qua cơn hoạn nạn.

Không đủ điều kiện để xạ trị tại bệnh viện, cô Huờn xin ra viện rồi tìm cách chạy chữa bằng các bài thuốc nam để tiết kiệm chi phí điều trị. Đã gần một năm trôi qua, căn bệnh ung thư của cô hiện tại có nhiều tiến triển nhưng sức khỏe vẫn rất yếu.

Cô Huờn nghẹn ngào cho biết: “Tôi già rồi có chết cũng cam lòng, chỉ thương thằng Phúc. Bằng từng ấy tuổi nhưng thằng bé có biết gì đâu. Chúng tôi phải thay nhau canh chừng chứ không nó đi lung tung không biết đâu mà tìm”.

Theo phụ nữ sức khỏe