Rơi nước mắt cảnh: Mẹ già gần 90 tuổi, mắt lòa chân chậm vẫn gượng sức tàn chăm hai con tâm thần
Sắp bước sang tuổi cửu thập nhưng nhiều năm nay, bà vẫn là trụ cột của gia đình, là nguồn sống duy nhất nuôi dưỡng 2 người con trai bị bệnh tâm thần.
Mẹ già mắt lòa khốn cùng vì hai con bệnh tật
Đến thôn Tháp, xã Cộng Hòa (huyện Vụ Bản, Nam Định) hỏi về gia đình cụ Bùi Thị Thông có 2 người con bị tâm thần thì không một ai là không biết. Căn nhà cấp 4 ẩm thấp, dột nát của gia đình cụ Thông nằm hiu hắt phía cuối con đường rợp bóng cây xanh.
Những ngày này, không khí chào đón năm mới đang ngập tràn khắp các con ngõ. Thế nhưng trong căn nhà nhỏ của gia đình cụ Thông, mọi thứ vẫn cứ đìu hiu như thế. Khi chúng tôi tìm đến nơi, cụ Thông đang cặm cụi với chiếc chổi tre quét từng rác bẩn nằm vương vải ở khoảng sân rộng trước nhà.
Phía bên phải của căn nhà, trong đám chuối lá đã ngả sang màu vàng, một người đàn ông tóc dài, khoác áo lông màu tro đang ngồi lặng lẽ trên chiếc chum cũ, hướng ánh mắt đượm buồn nhìn ra cánh đồng sát bên hông. Đó là ông Phạm Phương Nam, 48 tuổi, con trai thứ 3 của cụ Thông.
Ngay từ khi mới sinh ra, ông Nam đã không được bình thường như những đứa trẻ khác. Ông Nam phát triển chậm đặc biệt là về đầu óc. Lúc lớn lên, ông Nam thường hay bỏ nhà ra đi đến vài ngày mới về nhà. Thương con bệnh tật, dành dụm được đồng nào, cụ Thông lại lần mò đưa con trai đi khám ở các bệnh viện tâm thần, rồi thì cúng bái.
Sau nhiều năm ròng rã kiên trì cho con đi chạy chữa, sức khỏe của ông Nam dần ổn định hơn. Tuy nhiên đầu óc vẫn không được như những người bình thường khác.
Dù là người chậm chạp nhưng đến năm 30 tuổi, ông Nam cũng lấy vợ – đó là người con gái thôn quê ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). “Chính khi lấy vợ, tôi mới thấy tinh thần con trai tốt lên, nó đã biết đi làm, chắt chiu từng đồng tiền để lo cho gia đình chứ không lêu lổng như ngày trước nữa”, bà Thông nhớ lại.
Ít lâu sau khi cưới, niềm vui nhân lên khi lần lượt 2 người con trai kháu khỉnh chào đời. Mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng trong căn nhà nhỏ ấy luôn ngập tràn tiếng cười nói hạnh phúc.
Thế nhưng, cuộc đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Khi gia đình đang hạnh phúc thì vợ ông Nam đột nhiên đưa 2 con bỏ nhà ra đi theo người đàn ông khác. Cú sốc đến quá bất ngờ khiến bệnh tình ông Nam đột nhiên tái phát, không chí thú làm việc như trước.
Nỗi đau mất vợ, xa con chưa nguôi ngoai, tai họa lại một lần nữa ập đến khi ông Nam bị tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến liệt một nửa thân người, mất hẳn sức lao động. “Nó không làm lụng được gì nữa, hàng ngày cứ tha thẩn quanh nhà như người mất hồn. Thỉnh thoảng, nó lại ra vườn chuối đầu hè ngồi lặng lẽ cả tiếng đồng hồ”, cụ Thông chia sẻ.
Từ khi con trai tái phát bệnh trở lại, gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai cụ Thông. “Ngày trước còn khỏe, tôi còn đi làm thuê, làm mướn để kiếm đồng ra đồng vào lo cho sinh hoạt của gia đình nhưng giờ đây bệnh tật, già yếu, không còn sức mà làm nữa.
Mới đây, một bên mắt phải của tôi đột nhiên mờ hẳn đi, không thể nhìn thấy gì nữa. Nhà không có tiền nên cũng chẳng đi khám ở đâu cả. Đến thời điểm hiện tại, tôi chỉ có thể nhìn bằng 1 mắt bên trái”, cụ Thông buồn rầu cho biết.
Con bỏ nhà đi, sợ con chết bờ chết bụi, mẹ già lê bước kiếm tìm
Gia đình thuộc hộ đặc biệt khó khăn ở thôn Tháp, chồng mất sớm, một mình cụ Thông gắng gượng nuôi 5 người con khôn lớn. Trong số 5 người con của cụ Thông, ngoài ông Nam mắc bệnh tâm thần từ thủa nhỏ, người con thứ 4 của cụ là Phạm Trọng Đông khi sinh ra vốn bình thường khỏe mạnh nhưng hơn chục năm trước cũng đột ngột đổ bệnh, ngơ ngơ ngẩn ngẩn như chú Nam.
“Trước kinh tế cũng khó khăn nhưng tôi cũng còn đi làm được lấy tiền đưa con đi khám. Dẫu vậy, đi nhiều nơi, cúng bái nhiều chỗ nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm, cứ lên cơn là nó lại đập phá hết đồ đạc.
Mấy hôm nay trời lạnh thế nhưng nó cứ nằm ngủ dưới nhà kho, lấy rơm rắc lên người rồi nằm ngủ đến sáng, mẹ bảo kiểu gì cũng không chịu lên giường ngủ. Thỉnh thoảng, nó cầm cục than bếp, chạy lên nhà, viết nhằng nhịt gì đó lên trên tường”, cụ Thông cho hay.
Hàng ngày, cứ khi vừa tỉnh ngủ, ông Đông lại đi bộ mấy cây số lên trên hội Phủ Giày rồi ngồi ở đó đến tận tối khuya mới trở về nhà. Nhiều khi không thấy con về, cụ Thông lại lê từng bước chân khó nhọc lên hội để tìm con.
“Con về thì cùng về nhưng nó không về tôi lại phải ở đó với con. Sợ rằng tối trời, nó ngơ ngẩn vậy rồi xe cộ qua đường lại đâm phải, rồi chết bờ, chết bụi tội nó ra cháu ạ”, cụ Thông nghẹn ngào.
Nhà cụ Thông có mấy sào ruộng chiêm trũng. Nhiều năm trước, do sức khỏe yếu, bệnh tật liên miên, mắt lại hỏng nên cụ phải cho người làng thầu lại để người ta trả thóc ăn dần.
Nhà khó gà chó cũng khổ lây
Thóc gạo chẳng được bao nhiêu, vài chục cân thóc, 3 miệng ăn rồi còn chó, còn gà, vèo cái đã hết. Những lúc hết gạo cụ Thông lại phải nhờ người đi mua. Bà con lối xóm nhiều khi đến chơi, ái ngại cho hoàn cảnh nên lại hô hào nhau giúp đỡ chút gạo, chút rau để san sẻ bớt gánh nặng cho cụ.
Những hôm mưa gió liên miên, gạo hết, chẳng đi mua hay vay mượn ai được 3 mẹ con cụ Thông lại phải vét chút gạo cuối cùng bỏ vào nồi, đổ nhiều nước, rắc thêm ít muối đun lên để ăn cho qua bữa.
Nhìn ra khoảng sân rộng trước nhà, giọng cụ Thông trùng xuống: “Định rằng nuôi con chó, con gà Tết gọi người bán kiếm vài đồng cho các con ăn Tết nhưng chắc lại phải bán sớm thôi cháu ạ.
Tính ra, gà với chó còn ăn nhiều hơn cả người, bán giờ còn được tý giá chứ thóc gạo không có, lại bỏ cách bữa thì nó gầy ra, bán mất giá. Một tiền gà, ba tiền thóc, chả lời lãi gì”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Khoa, Bí thư chi bộ thôn Tháp cho biết: “Gia đình cụ Thông được xếp vào loại đặc biệt khó khăn của thôn. Kinh tế gia đình không có, 2 con trai lại bị bệnh tâm thần.
Hiện giờ cụ đang nhận trợ cấp 270.000 đồng/tháng cho người cao tuổi, 2 con trai cũng nhận được trợ cấp 400 nghìn đồng/người/tháng. Thông qua báo đài, chúng tôi cũng rất mong những tấm lòng hảo tâm có thể giúp đỡ để cụ bớt khó khăn”.
Theo Đời sống Plus/GĐVN