Phát hoảng cuộc sống như thời nguyên thủy của “người rừng” ở Thái Bình
Người dân trong xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, Thái Bình gọi ông Huấn là “người rừng”. Nơi ông Huấn ở hoang vu, rậm rạp như một khu rừng, ai cũng cảm thấy rùng mình khi vào thăm.
Chất đủ thứ trong khu “ổ chuột”
Họ tên đầy đủ của ông Huấn “người rừng” là Phạm Văn Huấn. Năm nay, ông Huấn 58 tuổi.
Được sự giới thiệu của người dân làng, chúng tôi tìm được tới nhà ông Huấn sau những con ngõ ngoằn nghèo. Khi chúng tôi tới thăm, ông Huấn đang lúi húi chặt cây ở vườn sau nhà. Vội cắm con dao vào gốc cây đang chặt dở, ông Huấn chạy ra, chìa bàn tay cáu đen bắt tay cảm ơn khách đến thăm nhà một cách hồ hởi.
Tận mắt nhìn thấy thể trạng gầy gò, tóc tai bờm xờm, rù rịt khéo “cả năm không tắm gội” và bộ quần áo nhếch nhác của ông Huấn, ai cũng phải ái ngại.
Cô Đỗ Thị Diền, em họ của ông Huấn cho hay trước kia ông Huấn từng theo gia đình đi khai hoang ở Sơn La. Sau khi bố mất, mẹ thì già yếu, ông Huấn dạt về xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình sinh sống cùng chị gái.
Người dân sinh sống ở đây cho biết chị gái ông cũng bị tâm thần. Mấy năm trước, chị gái mất. Ông Huấn dọn xuống bếp ở một mình. Căn nhà cấp bốn của chị gái đã mất biến thành một cái nhà hoang đúng nghĩa.
Ông Huấn cho chúng tôi được “mục sở thị” căn bếp ông đang ở. Có lẽ gọi đây là “ổ chuột” do ông Huấn tạo ra thì đúng hơn. Ông chất đủ thứ thổ tả trên đời vào cái ổ đó, từ cái đinh ốc vít, bảng điện tử tivi, túi ni lông, chai lọ lỉnh kỉnh ở dưới đất và cả trên giường. Không ai hiểu ông “sưu tập” những thứ đó làm gì.
Những người hàng xóm cho hay trước kia ông Huấn thường sửa ti vi giúp bà con. Tuy nhiên, mắt kém, sức khỏe yếu (và cũng không rõ có thể sửa được ti vi hay không) mà sửa cả tháng ông Huấn không sửa được một chiếc.
Ngoài sân là những đống gạch đá, cát sỏi, chai lọ ông Huấn thu lượm về, chất đống mà không biết để làm gì. Mọi thứ đều bẩn thỉu, luộm thuộm đến kinh hãi.
Sống lầm lũi, không ai dám bén mảng
Hàng ngày, cô Diền chạy đi chạy lại mang cơm cho ông Huấn. Theo lời cô Diền, ông Huấn sống hoàn toàn không có nguồn hỗ trợ nào ngoài hàng xóm và người thân. Trong khi cô Diền bảo“Sức khỏe chú ấy yếu lắm. Đau đầu, đau ốm thường xuyên. Nom ông ấy như người rừng” thì ông Huấn gạt đi. Ông luôn cho rằng ông “bình thường”, không cần ai giúp đỡ.
Bản thân cô Diền cũng nghèo khổ tận cùng. Một mình cô xoay xở vừa làm ruộng vừa chăm cả ba người đau ốm. Bên này xóm là ông Huấn. Phía bên kia xóm là bà Đỗ Thị Nụ – dì ruột của cô Diền. Năm nay bà đã 80 tuổi, bị viêm đa khớp, suy tim, suy thận, thiếu máu não. Đau ốm liên miên nhưng do con cháu quá nghèo nên bà Nụ chỉ đi viện cấp cứu vài ngày, rồi xin về sống lay lắt ở nhà. Trong khi đó, chồng cô Diền bị suy tim, gan to, bệnh phổi phải nằm một chỗ.
Một mình cô Diền chăm ba người đau ốm, bệnh tật. Trong ảnh, cô Diền tới chăm sóc bà Đỗ Thị Nụ, dì ruột của cô Diền. Bà Nụ bị viêm đa khớp và nhiều bệnh khác, phải nằm một chỗ. Ảnh: Thu Hà
Người dân làng cảm thấy may mắn nhất một điều là ông Huấn không phá phách. Ai cũng xót cảnh ông sống lầm lũi một mình trong khu nhà ổ chuột nhiều năm nay. Nhưng bởi ông cứ lẩn thẩn, nửa tỉnh nửa điên, trong khi gia đình ông từng có người chết vì tâm thần nên ai cũng sợ, không dám bén mảng.
Trong bản danh sách mới nhất quản lý người tâm thần hiện sinh sống tại xã Hiệp Hòa do Trạm y tế xã mà chúng tôi nhận được, ông Huấn cũng không nằm trong danh sách này.
Tại xã Hiệp Hòa, ngoài những trường hợp bị bệnh tâm thần có hoàn cảnh éo le, chúng tôi còn ghi nhận có người mắc đủ thứ bệnh tật, nghèo rớt mùng tơi. Họ rất mong ngóng nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ từ chính quyền địa phương.
Mời độc giả đón đọc ở kỳ tiếp theo.
Theo Em dep