Ông lão nghèo 35 năm cần mẫn nuôi 12 đứa trẻ bị vứt bỏ trong thùng carton
Câu chuyện về người công nhân nhà nghèo chẳng đủ ăn nhưng vẫn cưu mang 12 cô con gái “nhặt” bị bỏ rơi trong các thùng carton hơn 35 năm qua đã khiến hàng triệu người rung động.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi bởi vì… là con gái
Vào những năm 80, nhằm hạn chế tình trạng dân số tăng quá nhanh, chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách mỗi gia đình chỉ được phép sinh một con duy nhất. Theo đó, quan niệm cổ hủ cho rằng sau này lớn lên con trai có thể kiếm việc dễ dàng, lương cao hơn và là người nối dõi tông đường, cũng như phụng dưỡng bố mẹ lúc già đã dẫn tới cái nhìn lệch lạc về nữ giới vô cùng nghiêm trọng trong xã hội.
Điều đó khiến cho nạn phá thai để lựa chọn giới tính ngày càng tăng cao. Thêm vào đó, từ khi chính sách này được áp dụng, nhiều cặp vợ chồng có con gái không ngần ngại đã đưa con vào trại trẻ mồ côi với hy vọng ai đó sẽ nhận nuôi chúng. Thậm chí, có những người còn nhẫn tâm hơn, họ đem những bé gái bỏ trong những thùng carton rồi vứt ra giữa đường hoặc trong rừng, mặc con sống chết ra sao.
Không đành lòng nhìn những đứa trẻ vô tội bị chết oan uổng, ông Yu Shangzhong, năm nay 75 tuổi, đến từ Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang đã cùng vợ nhận nuôi 12 bé gái trong suốt 35 năm qua, bắt đầu từ khi 40 tuổi.
4 năm sau đó, ông lại bắt gặp một bé gái sơ sinh bị bỏ trong thùng carton ở bên đường. Không thể nhẫn tâm coi như chưa thấy gì, ông quyết định đem đứa trẻ về nhà nuôi. Từ đó tới nay, đã hơn 3 thập kỷ trôi qua, vợ chồng ông Yu đã cưu mang tổng cộng 12 đứa trẻ. Tất cả đều là các bé gái.
Người đem ánh sáng đến cho những sinh mệnh bị ruồng bỏ
Với đồng lương công nhân ít ỏi, việc nuôi một bầy con đối với 2 vợ chồng ông Yu thật không dễ dàng chút nào. Là trụ cột trong gia đình, ông Yu lúc nào cũng đau đáu vì không thể lo được cuộc sống đầy đủ cho bọn trẻ. Có những hôm, bữa ăn của cả gia đình chỉ là bát cháo loãng, cố gắng cầm cự sống qua ngày.
Thiếu thốn là thế, ngày chạy ba bữa ăn cũng không đủ, thế nhưng, nhìn những sinh mệnh bé nhỏ bị bỏ rơi, vợ chồng ông Yu lại không đành lòng mặc kệ chúng. Họ nhặt chúng đem về nhà, biết là không đủ cái ăn nhưng đành “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo” mà nuôi nấng những đứa nhỏ bất hạnh.
Cô con gái lớn Yu Caisong nhớ lại, những ngày khó khăn nhất, ngày ngày mẹ địu cô trên lưng đi nhặt rác và xin ăn khắp nơi. Người cho tiền, người cho thức ăn, quần áo cũ giúp gia đình họ sống qua ngày.
Cũng vì hoàn cảnh khó khăn như vậy nên ông bà Yu đành cắn răng cho người khác nhận nuôi những bé gái lớn, hy vọng chúng được sống đầy đủ hơn, 5 bé gái còn lại hiện vẫn sống cùng vợ chồng ông. Dù lúc lớn khôn không được cha mẹ chăm sóc nữa nhưng đối với những đứa trẻ này, ông bà Yu vẫn là những người vĩ đại, hiền từ và bao dung nhất. Chúng vẫn thường xuyên đến để thăm nom ông bà, khiến căn nhà nhỏ lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Ông bà Yu cũng rất tự hào khi 4 cô con gái lớn của mình đều được học lên đại học.
Trong phòng khách của vợ chồng ông Yu, vẫn còn đó bức tranh thêu tay với dòng chữ “gia đình bình an ắt sẽ hưng thịnh” do con gái của ông bà thêu được đóng khung trang trọng.
Lễ mừng thọ 70 của ông Yu, các con đã gom góp một khoản tiền nhỏ mua tặng ông một cái nhẫn vàng, để bày tỏ lòng biết ơn đối với người đã cưu mang chúng khi bị chính cha mẹ ruột ruồng bỏ. Dù món quà không lớn, nhưng đối với vợ chồng ông Yu mà nói, đó là niềm hạnh phúc khi chứng kiến các con của mình khôn lớn, trưởng thành.
Không phải bà Tiên, ông Bụt trong câu chuyện cổ tích, vợ chồng ông Yu chỉ là những người làm công nghèo khó trong xã hội, nhưng sự lương thiện của ông bà đã làm rung động cả những trái tim sắt đá nhất. Không màng đến hoàn cảnh nghèo khó, không nghĩ đến khó khăn vất vả, họ chỉ có một trái tim đầy ắp yêu thương muốn dành cả đời để mang lại ánh sáng cho những sinh mệnh bị ruồng bỏ.
Giá như ai ai cũng có một trái tim nhân hậu, một tấm lòng cao thượng luôn nghĩ đến người khác như ông bà Yu thì có lẽ cuộc đời sẽ thật tươi đẹp biết bao…
Theo DKN