Những câu nói SỐNG MÃI trong trái tim mọi thế hệ học trò của thầy Văn Như Cương
Những lời răn dạy và chia sẻ của thầy Văn Như Cương, vị hiệu trưởng đáng kính của bao thế hệ học trò Hà Nội, là những bài học quý mà ta chẳng dễ tìm thấy ở bất cứ sách vở nào.
PGS.TS Văn Như Cương, vị Hiệu trưởng đáng kính của trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã qua đời rạng sáng ngày 9/10 sau một thời gian chống chọi với bệnh tật. Gia đình, người thân và rất nhiều thế hệ học trò trưởng thành dưới sự dìu dắt của thầy đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của một người cha, người ông, người thầy mẫu mực, tận tâm.
Thầy Văn Như Cương đã dành trọn cả đời mình cho học trò, giáo dục, cho ngôi trường Lương Thế Vinh. Thầy Cương là tấm gương học tập suốt đời, là nhà giáo đáng kính, khiêm nhường được học trò cả nước yêu mến. Dù người thầy đáng kính ấy không còn nữa nhưng những bài học, nhưng câu nói truyền cảm hứng của thầy, chắc chắn sẽ sống mãi trong sự nghiệp trồng người của thế hệ mai sau.
Những câu nói của thầy khiến học trò ghi nhớ khắc cốt: ‘Các em vào đại học thầy vui. Duy chút băn khoăn, chút ngậm ngùi. Ít em mong muốn vào sư phạm. Ai sẽ thay thầy tuổi bảy mươi?’, ‘Ở tuổi 70 của chúng tôi phải học tập nhiều ở tuổi 17 bây giờ’, ‘Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ mà thôi…” sẽ sống mãi với mọi thế hệ mai sau.
Cuối năm 2016, thầy Văn Như Cương từng kể về cuộc gặp gỡ của mình và thần chết. Khi ấy, hiệu trưởng có bộ râu đẹp như ông tiên đã gồng mình chiến đấu với căn bệnh ung thư gan được hơn hai năm rưỡi.
Thần chết hỏi thầy Cương: “Sắp chết rồi, anh bạn không lo lắng, sợ hãi gì chăng?”.
Người thầy đáp: “Không! Ta nay đã hơn 80 tuổi rồi, có đi cũng được rồi. Rất nhiều người trẻ ít tuổi hơn ta mà đã đi, họ bị tai nạn giao thông, bị hỏa hoạn, bị sóng thần, lũ quét, bị khủng bố, bị bom đạn chiến tranh, lại còn bị ăn phải thực phẩm bẩn… Bởi vậy, nếu ta phải đi bây giờ thì như nhà ngươi thấy đó, ta chẳng có gì mà lo lắng, sợ hãi cả!”.
Thế là thần chết thất vọng bỏ đi. Thầy Cương thầm nghĩ: “Nhà ngươi ngu thế. Ta rất quý mạng sống của mình và vì thế thêm một lần nữa, ngươi lại thua ta!”.
Câu chuyện của thầy Cương về giấc mơ sống động nhưng lại chứa đựng nhiều bài học ý nghĩa. Cái chết chỉ tìm đến và tước đi sinh mạng của những người lúc nào cũng cảm thấy sợ hãi, cô đơn và không có lý do để tiếp tục sống. Thầy Cương thì khác, thầy có rất nhiều học trò yêu thương và sát cánh. Mỗi năm, thầy cũng có rất nhiều việc để làm.
Ngày tựu trường, thầy sẽ đứng ở bục nói chuyện và đọc to lá thư gửi đến học sinh mà thầy đã cặm cụi viết hàng giờ trên bàn làm việc đêm hôm trước. Lá thư chứa đựng bao điều hay lẽ phải dạy cách làm người mà ta chẳng dễ tìm thấy ở bất cứ sách vở nào.
Khi cả xã hội sôi sục vì một câu chuyện giáo dục, thầy Cương không chấp nhận làm người ngoài cuộc. Những ai nhân gương tốt, tạo điều hay… thầy Cương sẽ khen ngợi hết lời. Nhưng người thầy sai phạm, chẳng thể giúp học trò tiến bộ, vị hiệu trưởng cao tuổi sẽ thẳng thắn trách mắng và phê bình.
Không chỉ nhiệt tình với đồng nghiệp, học sinh, thầy Cương còn rất cởi mở với báo chí. Khi có tờ báo nào cần lấy ý kiến người có uy tín để nâng tầm thông tin, người thầy lão thành này lại nhiệt tình giúp đỡ. Thầy xem các phóng viên như con cháu trong nhà, không bao giờ tiếc chia sẻ những lời hay ý đẹp để góp phần hướng dư luận.
Người thầy răn dạy học trò sống theo lẽ phải nhưng cũng có lúc thầy trót làm sai. Còn nhớ năm 2013, thầy Cương bị học trò nhìn thấy cảnh ông đang kẹp ba đi xe máy trên đường mà không đội nón bảo hiểm. Cô học trò này viết thư cho thầy.
Bức thư có nội dung như sau: “Hôm trước, em qua nhà sách Đông -Tây dự hội sách, đến chiều em thấy thầy và bác Đoàn Tử Huyến kẹp ba đi về phía đường Trần Quý Kiên mà không đội mũ bảo hiểm. Em thấy việc đó rất nguy hiểm và phạm luật giao thông. Thầy tuổi đã cao, kính mong thầy cẩn trọng. Em kính chúc thầy sức khỏe và thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người”.
Nhận thư, thầy Cương thật sự bất ngờ và cảm động. Thầy viết thư trả lời ngay “Cám ơn em đã có lời nhận xét và phê bình… Thầy có lỗi!”. Cách hành xử văn minh và lời nhận lỗi của thầy trước học sinh, khiến chúng ta vô cùng ngưỡng mộ!
Nhà giáo Văn Như Cương sinh năm 1937, tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An mảnh đất giàu truyền thống khoa bảng. Ở ngôi làng nhỏ của ông, nhiều người đỗ đạt nên dường như một điều mặc định, cứ hễ là đàn ông thì đa phần sống bằng nghề “gõ đầu trẻ” còn phụ nữ quanh năm dệt vải.
Ông kể, ông cụ thân sinh trước cũng là giáo viên trường làng, bốn trong sáu anh chị em của ông đều nối bước cha đứng trên bục giảng. Chẳng những thế, ba cô con gái của ông hiện giờ cũng là nhà giáo.
Thậm chí, cháu ngoại của ông cũng có người đang theo học ngành sư phạm. Nghiệp dạy đã gắn liền với gia đình ông qua nhiều thế hệ, không ai bảo ai nhưng tất cả dường như đều chọn chung một nghề. PGS.TS Văn Như Cương coi cái đó là duyên, mà đã là duyên thì tự nó sẽ đến.
Theo kenh14