Nhói lòng trước cảnh sống bí bách và giấc ngủ nằm nghiêng suốt 20 năm trong căn nhà 2m2 ở Hà Nội
Nằm trên phố Thuốc Bắc, căn nhà 2m2 này có lẽ được xếp vào hạng nhỏ nhất Hà Nội. Nó không có cửa, không ánh sáng, không có nước, điện đóm chập chờn, không chỗ nấu ăn, không nhà vệ sinh… Vậy mà hơn 20 năm qua, đây lại là nơi sinh sống của một cụ ông đã 70 tuổi.
Căn nhà bé đến khó tưởng giữa lòng Thủ đô
Sâu trong một con ngõ nhỏ giữa phố Thuốc Bắc (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hơn 20 năm qua có một căn nhà “bé như mắt muỗi”. Chiều dài của nó chỉ khoảng 2m, rộng 1m và cao chưa đầy 1,4m. Vậy mà nơi đây đã từng là chốn sinh sống của 2 người đàn ông trưởng thành. Tính ra, mỗi người chỉ có 1m2 đất để ở và sinh hoạt.
Căn nhà không có ánh sáng, chỗ thông gió, không có cửa, thiếu điện, nước, không chỗ nấu ăn và cũng chẳng có nhà vệ sinh. Nó giống như một túp lều xây bằng xi măng nhưng toàn bộ tường gạch đã cũ mèm, nhiều đoạn tróc lở. Mùa hè, căn nhà nóng không khác gì lò thiêu còn mùa đông, gió thổi thốc từng cơn lạnh buốt.
Đó là căn nhà của ông Chu Văn Cao (SN 1947). Ai đến thăm ông Cao, câu hỏi đầu tiên đều thắc mắc là làm thế nào, hơn 20 năm qua, cha con ông có thể chung sống ở một nơi tồi tàn như thế? Ông Cao cười bảo, ở đâu lâu cũng thành quen.
“Nhà không có ánh sáng mặt trời thì tôi dòng dây điện từ nhà khác sang thắp sáng, không có gió thì bật quạt, không có nước, nhà vệ sinh thì dùng ở NVS công cộng, không có chỗ nấu ăn thì dùng cơm bụi giá rẻ sống qua ngày. Nơi này chỉ để ngồi nghỉ và ngủ”, ông Cao bảo, hơn 20 năm qua, 2 cha con ông đã sống – ngắn gọn đúng như những gì ông vừa kể.
Trước đây, ông Cao có một căn nhà rộng chừng 16m2, bên trên có căn gác xép. Sau này, vì một biến cố lớn, ông đành bán căn nhà phía dưới để trang trải nợ nần và giữ lại gác xép để ở. Vậy là căn nhà 2m2 ra đời từ đó, tính đến giờ đã hơn 20 năm.
“Túp lều” 2m2 được ông Cao sắp đặt khá ngăn nắp. Quần áo treo hết lên tường, ở giữa trải một chiếc chiếu để ngủ và 2 bên để vài vật dụng nhỏ như giấy ăn, bật lửa, sách, báo… Căn nhà tuy bé nhưng nhìn từ ngoài vào trong, không có vẻ gì nhếch nhác hay bừa bộn. Ông Cao bảo, con trai ông thường đi làm xa nên nhiều khi trong nhà chỉ có mình ông.
“Từ nhỏ nó đã sống với tôi ở đây nên thành quen. Khi ngủ, 2 cha con quen nằm nghiêng cho thoải mái. Thực ra ngày đi làm mệt mỏi nên đêm về ngủ vùi, cũng không để ý nhiều”.
Hoàn cảnh khó khăn đến cùng cực nhưng người đàn ông 70 tuổi này vẫn giữ thái độ sống lạc quan
Ông Cao sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình thuộc diện khá giả. Trước đây, ông từng được đi học và giỏi tiếng Pháp… Thời kháng chiến, ông làm công nhân tại các xí nghiệp Nhà nước, công tác liên miên qua nhiều tỉnh thành rồi lại có thời gian làm giáo viên. Vì thế, bây giờ dù đã cao tuổi, ông vẫn giữ thói quen thường xuyên đọc sách, báo. Trong căn nhà 2m2, sách, báo là thứ có nhiều và được ông Cao quý trọng nhất. Lúc rảnh rỗi, ông thường chong đèn, lôi chúng ra đọc mải miết.
Mải mê với sự nghiệp, ông Cao không màng tới chuyện lập gia đình. Mãi đến năm 40 tuổi, trong đợt tinh giản biên chế, ông Cao về hưu và sau đó, kết hôn với bà Sinh – người phụ nữ đã từng có một đời chồng.
Sau 5 năm hôn nhân, giữa ông Cao và vợ nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Cuối cùng, 2 người đã thống nhất lựa chọn con đường giải thoát cho nhau. Vợ ông cùng con gái riêng về quê sinh sống. Ông Cao chịu trách nhiệm nuôi dạy con trai. Sau ngày vợ đi, ông phải oằn mình lo trả nợ… cuối cùng, căn nhà nhỏ đành phải bán đi.
“Lúc tôi còn trẻ, tôi có nhiều hoài bão lắm. Tôi cũng thấy tương lai mình rộng mở chứ chẳng thể nào ngờ lúc về già, mình sẽ thành ra thế này”. Ông Cao nói, mọi biến cố xảy ra trong đời đều có nhân – quả nhưng đó là khi ngẫm lại mới hiểu ra còn trong lúc nó xảy đến, chẳng ai có thể lường trước. Ông Cao nói mình là một người làm ăn lương thiện, không buôn to bán lớn, không bia rượu, cờ bạc… nhưng không ngờ lại nợ nần tới nỗi khuynh gia bại sản.
Nhiều người lâm vào hoàn cảnh ông Cao, có thể cảm thấy buồn chán nhưng ông thì không. Trên gương mặt người đàn ông lớn tuổi này lúc nào cũng thể hiện tinh thần lạc quan. Ông bảo, mỗi người có một cuộc sống, điều quan trọng là phải biết học cách chấp nhận và vươn lên.
“Tôi nhận được vô số câu hỏi đại loại như nhà thế ở làm sao? Nhà đấy mùa hè chắc nóng lắm nhỉ?… Tôi không cáu bẳn hay buồn bã, tôi vui vẻ trả lời thành thật: Ở đâu mãi cũng thành quen, có đầy người còn khổ hơn cha con tôi nhưng họ vẫn sống đấy thôi. Tôi thấy hạnh phúc hay khổ đau là tùy ở tâm thế mỗi người”.
Chính vì suy nghĩ như vậy, ông Cao không cầu mong nhận được sự giúp đỡ. Thế nhưng ở khắp phố Thuốc Bắc, ai nấy đều hiểu và thương cho hoàn cảnh của cha con ông Cao. Cách đây hơn chục năm, họ từng quyên tiền để giúp ông làm phẫu thuật thay thủy tinh thể.
Nhiều năm qua, ông Cao làm việc không lương cho một quán cafe trên phố Hàng Phèn. Cô Chi (chủ quán ở đây) tâm sự: “Bác ấy lớn tuổi rồi nên thi thoảng, khi nào cần đi giao hàng, mua đồ thì tôi gọi đến phụ. Bác không bao giờ hỏi tiền lương nhưng khi bác cần gì là tôi giúp, thiếu gì tôi có là tôi gửi biếu”.
Cô Chi nói mọi người quanh khu vực phố Thuốc Bắc rất quý ông Cao. Họ quý ông vì tính tình hòa nhã, vui vẻ và nhân cách sống rất tốt. Ngoài chỗ của cô Chi, ông Cao còn phụ việc cho vài quán cafe khác, không vì tiền lương mà chỉ để kiếm miếng cơm, sống qua ngày.
Ông Cao nói mình sống đơn giản nên dễ bằng lòng với cuộc sống khó khăn. Điều quan trọng nhất là ông vẫn tự lực sống qua ngày, thấy hài lòng và vui vẻ, hạnh phúc với những công việc mình đang làm.
Khi tôi hỏi, ông có lo cho tương lai của con trai không? Ông có ước mơ điều gì cho cậu ấy không? Ông Cao cười bảo: “Không… Tôi nghĩ mỗi người có một cuộc đời riêng để sống. Hoàn cảnh của tôi chỉ có thể giúp con đến như vậy, từ nhỏ nó cũng đã hiểu rõ điều này. Vậy thì việc vươn lên, sống tốt hay không, có thoát ra khỏi cảnh sống này hay không, tất cả phải do nó quyết định”.
Nguồn: Kenh14.vn