Nhói lòng tiếng nấc nghẹn của người cha: “Cố gắng lên con, mẹ đang ngày đêm ngồi trước hiên nhà thấp thỏm đợi con về”
Nhìn con gái tiều tụy, khắp người gắn toàn ống dẫn, đôi tay bị cột chặt vào hai cạnh giường phòng lúc lên cơn co giật, ông Cu chỉ biết đứng khóc tu tu như một đứa trẻ vì thương con.
Cô gái nằm liệt giường vì biến chứng đột ngột của thủy đậu
Trước khi lâm bệnh, Trần Thị Tý (21 tuổi, xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đang là hướng dẫn viên du lịch, công tác tại TP. HCM.
Sáng ngày 10/8, Tý phát hiện mình bị thủy đậu nên xin nghỉ phép, ở nhà nghỉ ngơi. Sang ngày thứ 3, thấy thủy đậu nổi khắp cơ thể, sốt liên tục, nghĩ một mình nơi đất khách không ai chăm sóc nên Tý bắt xe về quê để an tâm khi ở bên cha mẹ.
Về nhà được thêm hai ngày thì Tý lên cơn sốt cao, co giật, toàn thân tím tái, hôn mê sâu. Gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện rồi lên bệnh viện tỉnh Quy Nhơn. Nhận thấy bệnh nhân nguy kịch, có thể nguy hiểm đến tính mạng nên bác sỹ quyết định chuyển Tý vào bệnh viện Chợ Rẫy.
Hiện tại, Tý đang được điều trị tại phòng hồi sức cấp cứu, làu 9, bệnh viện Chợ Rẫy. Sau nhiều ngày giành giật sự sống trong tình trạng hôn mê sâu, Tý đã tỉnh lại. Dù nhận thức được nhưng Tý chưa thể nói, liệt toàn thân, phải dùng máy thở hỗ trợ, ăn uống bằng ống dẫn.
Bác sỹ cho biết sau biến chứng thủy đậu, Tý được kết luận bị viêm não tủy. Dù đã qua cơn nguy kịch nhưng bệnh tình của Tý chưa thể nói trước được điều gì.
Bi kịch cuộc đời của cô út trong gia đình có tận 12 người con
Tý là con út trong một gia đình có đến 12 người con. Trong số 12 anh chị em trong nhà thì Tý là người may mắn nhất khi được học lên cao đẳng, chuyên ngành du lịch. Ra trường, Tý được nhận làm hướng dẫn viên du lịch tại TP. HCM.
Tý được biết đến là một cô gái năng động, nhanh nhẹn, hoạt bát, là niềm tự hào của cả gia đình. Gần một năm đi làm, Tý luôn cố gắng dành dụm tiền bạc để gửi về quê phụ giúp cha mẹ già trang trải sinh hoạt, thuốc thang. Khi tương lai đang rộng mở thì tai ương giáng xuống với Tý.
Cuộc sống của gia đình Tý phụ thuộc hoàn toàn vào nghề đi biển. Thế nhưng, cha mẹ Tý nay đã 70 tuổi, không còn sức khỏe để theo thuyền ra khơi. Các anh chị của Tý lập gia đình gần hết nhưng điều kiện cũng khó khăn, ai lo cuộc sống mưu sinh cho gia đình người ấy nên cũng không đỡ đần được gì nhiều.
Từ ngày con gái lâm bệnh, vợ chồng ông Trần Cu (70 tuổi, bố Tý) chỉ biết ra vào khóc nghẹn vì thương xót, lo sợ cho con gái. Vì sức khỏe yếu, lại ở xa xôi, kinh tế eo hẹp, họ không thể theo con vào bệnh viện Chợ Rẫy. Việc chăm lo cho con gái cũng như vay mượn tiền bạc chi phí cho những ngày nằm viện điều trị, họ trông chờ hoàn toàn vào đàn con.
“Ngày con Tý đậu cao đẳng, gia đình ai cũng vui mừng, tự hào lắm. Anh chị nó dù điều kiện khó khăn nhưng hàng tháng cũng gom góp tiền bạc, phụ thêm bố mẹ để gửi lên thành phố cho em ăn học.
Ra trường, xin được việc làm ổn định, ai cũng bảo số nó may mắn vì thoát khỏi mùi tanh cá, muối biển, tương lai tươi sáng hơn trong 12 đứa con. Vậy mà giờ nó lại ra nông nỗi như thế, không biết có còn cơ hội trở về, tiếp tục công việc nữa hay không”, ông Cu thở dài.
Từ ngày Tý nhập viện điều trị, chi phí đã hết gần 200 triệu đồng. Để có số tiền trên, anh em họ hàng nhà Tý đã chạy vạy vay mượn khắp nơi, thế chấp nhà cửa vay nặng lãi.
Vừa rồi được công ty của Tý kêu gọi đồng nghiệp quyên góp, cộng thêm số tiền ủng hộ của một nhóm từ thiện, ông Cu đã được lên thành phố thăm con. Nhìn con gái tiều tụy, khắp người gắn toàn ống dẫn, đôi tay bị cột chặt vào hai cạnh giường phòng lúc lên cơn co giật, ông Cu chỉ biết đứng khóc tu tu như một đứa trẻ vì thương con.
“Con gái tôi chỉ bị thủy đậu thôi mà, sao lại ra nông nỗi như thế này chứ. Cố gắng lên con, nhanh khỏe lại để về với ba mẹ, tiếp tục đi làm. Mẹ con đang ngày đêm ngồi trước hiên nhà thấp thỏm đợi con về đó”, người cha gạt nước mắt.
Theo Emdep