NGƯỜI THỨ BA chỉ là KẺ BÊN RÌA HẠNH PHÚC – Tâm sự của một người phụ nữ cả đời bị quả báo vì cướp chồng
Người thứ ba cuối cùng cũng chỉ là kẻ đứng bên rìa hạnh phúc, nhận lấy chút ít yêu thương từ đối phương để rồi gặm nhắm muôn vàn nỗi đau không ai thấu được. Người thứ ba cuối cùng cũng chỉ là kẻ bị người đời coi rẻ và khinh khi.
Mẹ tôi số vất vả, lập gia đình khi đã ngoài 30 tuổi, quá lứa lỡ thì. Năm hai chị em tôi còn đang tuổi ẵm ngửa thì bố mất, vậy là chỉ còn một mình mẹ vất vả với hai đứa con thơ. Thế rồi theo thời gian, chúng tôi cũng dần khôn lớn, được học hành đến nơi đến chốn bằng sự nỗ lực phi thường của mẹ.
Tám năm trước, như nhiều bạn bè khác khi mới từ quê xuống thành phố theo học lớp cao đẳng kế toán, tôi cũng khờ khạo, chân chất và quê mùa. Nhưng sau ba năm học trong trường, suy nghĩ của tôi đã thay đổi. Thay vì khát khao học xong trở về quê như lúc ban đầu, tôi cố gắng vừa học vừa tìm cơ hội ở lại thành phố, kiếm một công việc, xa hơn nữa là một tấm chồng tử tế, người thành thị và giàu có càng tốt.
Ra trường, tôi xin làm trong một công ty tư nhân với đồng lương bèo bọt được vài năm. Mỗi ngày, chứng kiến lũ bạn đứa về quê, đứa ở lại thành phố nhưng lại lấy chồng tỉnh lẻ, con cái đùm đề và sống chui rúc trong các phòng trọ là tôi thấy nản. Bằng nhiều cách, qua nhiều mối quan hệ, tôi tiếp cận với chồng tôi sau này. Anh hơn tôi hơn 14 tuổi, đã có vợ và một con gái đang học lớp năm, nhưng sắp li dị. Anh là người có quyền, có tiền và có những thứ tôi thèm muốn.
Một người đàn ông đang chán cảnh gia đình, gặp cô gái trẻ trung, thông minh, sâu sắc, tâm lý và hiểu chuyện như tôi lập tức vướng vào lưới tình. Quen nhau bốn tháng, sau một buổi tối đi chơi, chúng tôi qua đêm với nhau. Anh ngạc nhiên khi biết tôi vẫn còn con gái và điều đó làm anh cảm thấy hạnh phúc. Thói đời, đã ăn vụng được một lần thì sẽ có lần hai, lần ba… Cho đến khi tôi thông báo có thai thì anh sững người. Ban đầu, anh tìm cách lảng tránh. Tôi nhắn tin báo sẽ giữ cái thai lại, nếu anh không có trách nhiệm, khi sinh con ra tôi sẽ đem nó lên cơ quan anh và làm ầm lên, anh sẽ mất tất cả. Ở cương vị một người quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, tôi biết anh sẽ không dám đánh đổi điều đó. Sau đó, tôi tiếp tục dùng con để ép anh sớm làm xong thủ tục li hôn với vợ, để tôi có thể đàng hoàng bước vào nhà anh với tư thế của kẻ chiến thắng, mà không hề biết tới quả báo sẽ vận vào số phận của mình sau này.
Khi cái thai được 5 tháng, là con gái nhưng tôi nói dối anh đó là con trai. Lúc này, anh buộc phải thưa chuyện với cha mẹ mình. Hai người đều bị sốc, mẹ tôi ở quê nghe tin cũng thế. Nhưng rồi vì sức ép của tôi, cha mẹ anh vẫn phải về quê tôi để hai bên gia đình gặp mặt nói chuyện. Cái thai đã quá lớn, tôi về sống với anh không có đám cưới, cũng chẳng có lễ hỏi, chỉ đơn giản là đưa nhau đi đăng ký kết hôn. Điều đó làm tôi thất vọng, nhưng tôi đã lỡ “cưỡi lên lưng hổ” rồi làm sao mà xuống được. Thời gian sau, anh bán nhà chia tài sản cho vợ và con gái rồi quyết định hai vợ chồng tôi về sống chung với cha mẹ anh.
Quãng thời gian chung sống, anh tỏ ra là một người chồng tốt, thế nhưng anh chưa bao giờ nói một lời yêu tôi. Tôi biết, tình yêu của anh dành cho tôi đã giảm sút. Anh cưới tôi vì sợ tôi làm ầm lên thì sẽ mất chức, mất quyền, vì cái thai trong bụng tôi là con trai, trong khi người vợ đầu của anh chỉ sinh được một cô con gái.
Càng gần ngày sinh con, tôi càng bấn loạn. Tôi không biết phải xoay xở thế nào khi đứa bé sinh ra. Nhưng rồi ngày đó cũng đến, tôi sinh con gái. Anh vào thăm con một lần rồi biệt tăm, ông bà nội đến thăm cháu rồi cũng về. Ở bệnh viện chỉ còn mẹ tôi lụi cụi chăm con và cháu ngoại. Khi biết rõ mọi chuyện, mẹ đã ôm tôi khóc nghẹn và khuyên tôi nên bỏ tất cả để về quê. Bà bảo: “Đạt được mọi thứ bằng mưu mô như thế này thì sẽ không bền đâu con ơi”.
Sau một tháng chăm con chăm cháu, mẹ tôi về quê trong nước mắt và sự lo lắng. Từ lúc đó, tôi phải tự chăm con mà không được ai giúp đỡ. Anh chỉ về vào bữa tối, thi thoảng bồng con, chẳng nhìn đến tôi chứ đừng nói đến hỏi han. Từ một cô gái năng động, trẻ trung, tôi trở thành một bà vợ héo hon đau khổ. Tôi sút cân rất nhanh vì suy nghĩ nhiều. Đã vậy, mẹ chồng tôi lại là người khó tính, hay săm soi. Cứ gặp cái gì không vừa ý là bà kêu ca, chì chiết suốt cả ngày. Bị phụ thuộc đủ thứ, tôi không dám nói gì, chỉ câm lặng chăm con. Mẹ tôi thương con thương cháu, thi thoảng gửi theo xe xuống vài chục trứng, gạo, gà vịt… chứ tuyệt nhiên không dám xuống thăm. Bây giờ tôi mới hiểu được nỗi khổ khi mua sắm bất cứ cái gì cũng phải ngửa tay xin tiền chồng, điều mà trước kia tôi không nghĩ tới. Tôi đã đánh đổi tương lai và tuổi trẻ của mình để sống như bây giờ có đáng không?
Một buổi sáng đi chợ về, tôi nghe thấy trong nhà có tiếng ồn ào, một người phụ nữ bồng một đứa bé gái khoảng bốn tuổi đang nước mắt ngắn nước mắt dài gào thét trước mặt mẹ chồng tôi. Hàng xóm xung quanh xúm vào xem, bình luận ra vào. Tôi nghe loáng thoáng đó là con của chồng tôi, cô ta bắt anh phải có trách nhiệm gì đó. Trước kia, cô ta là giúp việc cho vợ chồng anh, rồi sau đó không biết lằng nhằng thế nào mà có bầu với anh. Vợ anh đâm đơn li hôn cũng vì lý do này. Hóa ra, thời gian tôi đi lại với anh thì người phụ nữ kia cũng đang mang bầu đứa con của anh. Mọi người đều biết, vậy mà tôi không hề biết gì cả. Tôi choáng váng ngất xỉu.
Khi tôi tỉnh lại, mẹ chồng tôi đang ngồi bên cạnh. Theo lời bà kể, cô giúp việc có con với anh cũng là con gái. Anh đã thuyết phục cô ta về quê ở cho đỡ ảnh hưởng đến công việc của mình, anh sẽ chu cấp đầy đủ cho hai mẹ con. Nhưng gần đây, khi phát hiện anh đã cưới tôi và sinh con gái, cô ta không muốn sống lặng lẽ như vậy mà muốn con phải có cha nên làm ầm lên. Nghe mẹ chồng nói, tôi đã rất suy sụp. Ngay ngày hôm sau, tôi quyết định đưa con gái về quê để tránh xa mớ bòng bong trong gia đình chồng. Chồng tôi vài hôm lại về thăm con một lúc rồi đi, còn bố mẹ chồng tôi chỉ gửi ít tiền mua sữa cho cháu.
Những ngày ở quê, tôi đã khóc ròng và trách mình không biết bao nhiêu lần. Trước đây tôi chưa từng tin vào luật nhân quả, vào sự công bằng, vào quả báo ở đời thì nay tôi đã tin. Tôi là kẻ đã sống không có đạo đức, đã cướp chồng của người khác, đã đi gieo gió để rồi gặt lấy bão như bây giờ. Khi biết hoàn cảnh của tôi, mọi người đều khuyên tôi không nên cố bám víu vào anh và gia đình anh nữa, mà nên tự giải thoát cho mình. Tôi cũng muốn thoát ra, nhưng không biết phải quyết định ra sao vì bây giờ trong tay tôi không có bất cứ thứ gì. Tôi không có tiền bạc, không có nghề nghiệp, còn đứa con nhỏ phải nuôi dạy. Mẹ tôi ở quê cũng nghèo, chỉ là nông dân chân lấm tay bùn trong khi đã có tuổi, tôi không thể sống dựa vào mẹ. Tôi thấy tuyệt vọng quá.
Chuyên gia tâm lý Tâm An:
Nhiều người cho rằng các cô gái trẻ bám vào những người đàn ông đã có vợ là loại “đào mỏ”. Nhưng với tôi đó chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Con người sinh ra ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, việc tính toán trong tình yêu âu cũng là để mưu cầu hạnh phúc ấy. Người phụ nữ nào cũng rung động trước một người đàn ông vừa tài giỏi lại vừa hào hoa.
Thế nhưng, bạn thật nông nổi, ấu trĩ, sai lầm khi quyết định dự đoán cuộc đời mình vào tay một người đàn ông có tư tưởng chiếm hữu, ích kỷ và trăng hoa như vậy. Chỉ vì mê vẻ ngoài hào nhoáng mà tự mình “cưỡi lên lưng hổ”, để bây giờ phải trả giá cho cuộc hôn nhân thực dụng toan tính của mình. Tính cách tạo nên số phận, quả báo thế nào là do chính mình làm ra. Giá như bạn sớm hiểu ra rằng, trong cuộc sống chung, chữ “tiền” không thể thay thế cho chữ “tình”, một cuộc sống đong đầy vật chất mà thiếu đi yêu thương thì sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc trọn vẹn.
Bây giờ, người đàn ông của bạn đang loay hoay đứng giữa ngã ba đường, “con dại cái mang”, chẳng biết dành tình cảm thật sự cho “người vợ và đứa con” nào. Theo tôi, việc của bạn bây giờ là nghĩ cho tương lai của mình và đứa con của mình. Đừng lẩn quẩn ôm đồm suy nghĩ quá nhiều cho tất cả các việc tình cảm, công việc, gia đình, con cái… rồi sẽ chẳng đi đến đâu. Mất đi điểm tựa là người chồng, bạn phải tự xác định điểm tựa mới, đó là đứa trẻ. Hãy bỏ bớt những buồn khổ, mặc cảm không đáng có để tập trung cho những thứ khác tốt hơn. Trước mắt, bạn hãy cứ ở lại quê để tĩnh tâm và tâm sự hết với gia đình mình, không có ai bao dung và độ lượng, sẵn sàng che chở bằng chính mẹ ruột của bạn. Sau đó mới tính đến những kế hoạch tiếp theo cho cuộc hôn nhân của bạn. Chúc bạn sáng suốt.
Theo Báo Người Giữ Lửa