Người thầy đặc biệt – mang gạo tặng gia đình phụ huynh ngày 20.11
Món quà 20.11 các thầy nhận được, không phải phong bì, hay vật chất cao sang. Đôi khi là cân gạo, mớ rau, đến bó hoa dại… nhưng sao ấm áp.
Dọc những nẻo đường vùng biên nước ta, đang có hàng nghìn lớp học tình thương, lớp xóa mù chữ. Ở những lớp học này, không chỉ học trò mà thầy giáo đứng lớp cũng rất đặc biệt.
Trò đủ mọi lứa tuổi, còn thầy là những chiến sĩ mang quân hàm xanh – ngày chắc tay súng tuần tra, tối về miệt mài với phấn, bảng.
Nghe học trò gọi một tiếng “thầy”, thấy vui lắm!
Cứ khoảng 19h hàng ngày, tiếng đọc bài của học trò lại vang lên rộn ràng ở lớp học của Thiếu tá Nguyễn Văn Chính – Đội phó Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bến Phố (Long An).
Thương các em nhỏ ở xóm Việt Kiều, biên giới Việt Nam – Campuchia có cuộc sống khó khăn, không được đến trường, các chiến sĩ đã mở lớp, đi từng gia đình vận động người dân đưa con em đến học.
Lớp học đơn sơ, vài cái bàn ghế cũ, nhưng ấm áp tình thầy trò.
Ban ngày, thầy gác biên giới, trò lặn lội mưu sinh. Tối đến, thầy trò lại cùng nhau học. Thầy biết đến đâu, dạy trò đến đấy.
Không được đào tạo kỹ năng sư phạm, nhưng các thầy cũng qua dần sự bỡ ngỡ, lúng túng trong lần đầu làm quen với phấn bảng.
Cứ thế, bao năm qua, nhiều lứa học sinh đã biết nói, biết đọc, trưởng thành dưới sự dạy dỗ của người thầy mang quân hàm xanh.
Ngày 13.11, có mặt tại thủ đô dự lễ vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2017”, Thiếu tá Nguyễn Văn Chính rưng rưng: “Bao năm qua chúng tôi lên lớp dạy, không vì mục đích được tôn vinh thế này.
Chỉ cần được nghe học trò gọi một tiếng thầy, đã thấy lòng vui dữ lắm”.
Thầy góp gạo tặng học trò
Gần 26 năm là lính biên phòng, cũng ngần ấy năm, Trung tá Mai Văn Sơn – Đội phó Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hải Vân Đà Nẵng cần mẫn đi mở trên 100 lớp xóa mù chữ, tình nguyện đứng lớp, dạy kiến thức cho hàng nghìn người dân.
Trải qua 26 mùa lễ mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Sơn chia sẻ món quà tri ân mình nhận được đôi khi chỉ là những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, mớ rau, nải chuối, nhưng ấm áp vô cùng.
“Mọi năm, nhân ngày 20.11, thấy hoàn cảnh của học sinh khó khăn quá, chúng tôi vẫn đi vận động quyên góp gạo, vật chất để tặng gia đình phụ huynh, để học trò đỡ vất vả mưu sinh, có thời gian đến lớp.
Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là sự trưởng thành của học sinh” – thầy Sơn nói.
Và mỗi ngày, những người thầy đặc biệt như Thiếu tá Chính, Trung tá Sơn vẫn dạy học trò nghèo bằng trái tim, thầm lặng cống hiến, gieo mầm non tri thức.
Họ đã làm tròn hai vai – người lính canh giữ biên cương và người thầy “gieo chữ” nơi biên giới.
Theo Lao Động