Nghẹn lòng thương xót số phận của cô bé mồ côi chim cánh cụt: “Bà ngoại ơi, tay cháu đâu rồi? Sao cháu không có tay?”
Ngay từ lúc sinh ra, số phận bất hạnh không cho bé Chi được lành lặn khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác khi thiếu đi cả hai cánh tay. 2 tháng tuổi, Chi lại mồ côi bố.
Đó là cuộc đời bất hạnh của bé Phan Mỹ Chi (3 tuổi, xóm Ba Cầu, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình).
Số phận bất hạnh của cô bé mồ côi “chim cánh cụt”
Bé Chi là con gái thứ 2 của chị Trần Thị Thắm (32 tuổi). Ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời, số phận đã không cho em được lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác khi thiếu cả hai cánh tay.
Dù đã biết trước nỗi đau nhưng khi nhìn thấy hình hài con, cháu mình, người thân không khỏi bàng hoàng, đau đớn.
“Mang thai đến tháng thứ 4, vợ chồng tôi chết lặng khi nghe bác sỹ chuẩn đoán thai nhi phát triển không bình thường, thiếu mất đôi tay. Nhiều người khuyên vợ chồng tôi nên bỏ đứa bé để không phải khổ cả mẹ lẫn con.
Dù đau đớn nhưng chúng tôi vẫn quyết định giữ lại giọt máu của mình. Suốt thời gian mang thai cho đến lúc sinh nở, tôi chỉ biết sống trong nước mắt khi nghĩ đến số phận bất hạnh của con gái mình”, gạt nước mắt, chị Thắm kể lại.
Dù thiếu đi đôi tay nhưng Chi tỏ ra mà một đứa trẻ ngoan, an phận, suốt ngày chỉ bú no rồi lăn ra ngủ. Cân nặng và cơ thể của Chi phát triển bình thường.
2 tháng tuổi, tai ương một lần nữa giáng xuống gia đình bé Chi khi cha của bé qua đời vì bạo bệnh, để lại cho người vợ trẻ một nách hai đứa con thơ cùng số tiền hàng trăm triệu đồng đã vay mượn trước đó chữa bệnh cho chồng.
Sống cảnh vợ góa con côi trong cảnh túng thiếu, nợ nần, chị Thắm chỉ biết chờ đợi đến ngày Chi chập chững biết đi rồi gửi cả hai đứa con nhờ người mẹ ruột chăm sóc để lên Hà Nội làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống cho ba mẹ con và trả nợ. Cứ hàng tháng, chị Thắm lại tranh thủ về thăm con một lần.
Từ ngày mẹ đi làm ăn xa, chị em Chi lớn lên trong tình thương của bà ngoại. Dù bị khiếm khuyết đôi tay nhưng Chi được mọi người khen ngợi là đứa trẻ dễ thương, ngoan ngoãn. Đặc biệt, Chi tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, lanh lợi. Và mọi người thường gọi Chi trìu mến là cô bé “chim cánh cụt”.
“Bà ơi, 2 tay con đâu rồi?”
Ở cái tuổi “bi bô như trẻ lên 3”, Chi khiến mọi người xót xa mỗi lần vô tư hỏi: “Bà ngoại ơi, tay cháu đâu rồi? Sao cháu không có tay? Bà ngoại lắp tay vào để cháu tự xúc cơm ăn, tự cầm đồ chơi như các bạn”. Nghe cháu ngoại hỏi, bà Quách Thị Lưu (50 tuổi, bà ngoại bé Chi) chỉ biết gạt nước mắt, ôm cháu vào lòng vỗ về, an ủi.
“Từ ngày chồng qua đời, con gái tôi ngày càng khô gầy, héo hon như cành liễu vì túng thiếu, vì suy nghĩ về nợ nần, thương con cái tàn tật. Sau này, nghĩ cứ ở nhà ôm con không lấy gì mà ăn, trả nợ, cực chẳng đã nên mới gửi con nhờ tôi chăm sóc để đi làm thuê.
Thời gian đầu, ngày nào điện thoại về gặp con cũng thấy nó khóc. Hai đứa con cũng khóc theo mẹ, thương lắm”, bà Lưu chia sẻ.
Mọi sinh hoạt hàng ngày của bé Chi phụ thuộc vào cả bà ngoại. Cũng vì chăm sóc cháu thơ dại, tàn tật nên bà Lưu chẳng làm được gì để kiếm thêm thu nhập.
Cuộc sống của ba bà cháu phụ thuộc vào đồng tiền lương công nhân chị Thắm gửi về hàng tháng, vừa chi trả khoản nợ đã vay cách đây 3 năm, vừa trang trải thức ăn qua ngày một cách tằn tiện.
“Mỗi lần điện thoại về thăm lại nghe con hồn nhiên hỏi “Tay con đâu? Hôm nào mẹ về đưa tay về cho con nhé?” khiến tôi không cầm được nước mắt. Những lúc như thế tôi chỉ ước giá như mình có thể hi sinh đôi tay này cho con. Dù tôi có làm việc cật lực đến đâu, dù có kiếm nhiều tiền đến mấy cũng không thể bù đắp những mất mát mà con gái tôi đang phải gánh chịu.
Sau này, khi lớn lên, hiểu được nỗi đau, không biết con gái tôi có đủ nghị lực, đủ vô tư mà vượt lên số phận. Đời con còn dài mà tương lai mịt mờ quá”, chị Thắm khóc nghẹn.