Nghẹn lòng: Cậu bé khiếm thị xếp ước mơ vào những con hạc giấy: “Em muốn được xem hội Lim và nghe hát quan họ”
15 tuổi với những mộng mơ và hồn nhiên vốn dĩ của tuổi học trò, thế nhưng Quang phải học cách làm quen với bóng tối như một phần còn lại của cuộc sống. Để có một cuộc đời bình thường đôi khi là cả một giấc mơ xa vời.
Ánh sáng không ở phía chân trời:
Sẽ ra sao nếu một sáng thức dậy mọi thứ xung quanh chỉ còn là một màu đen tăm tối? Sẽ ra sao nếu một ngày kia ta không còn được nhìn thấy những người thân yêu nhất? Bóng tối có phải là một thứ đáng sợ? Hay điều đáng sợ hơn cả là mất dần đi ánh sáng? Liệu những ước mơ có tiếp tục được thực hiện hay phải dang dở xếp vào trang sách cũ? Đó là nỗi lo lắng bao trùm hàng triệu câu hỏi luôn tồn tại trong cậu bé 15 tuổi đang mất đi thị lực của mình và dần trở thành trẻ khiếm thị – Nguyễn Ông Minh Quang.
“Hồi học lớp 3 có đi khám mắt nhưng nhiều bác sĩ chỉ bảo em bị cận, đến năm 2014 qua Singapore thì họ chuẩn đoán em bị thoái hóa điểm vàng. Năm 2016 để hoàn thành hồ sơ nhập học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, em đến Bệnh viện mắt Thành phố để giám định thị lực và được biết mình chỉ nhìn thấy ở mức 1/10 mà thôi” – Quang nhớ lại những ngày đầu tiên biết tin về căn bệnh của mình.
Những năm cuối cấp 2 là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với Quang, khi áp lực bài vở ngày càng nhiều cộng với việc thị lực giảm dần qua mỗi năm khiến em nhiều lúc bị đuối sức. Bạn bè có thay phiên đọc bài hộ em nhưng cũng không thể giúp Quang mãi được. Cuối cùng vì không muốn làm gánh nặng em đã chuyển đến trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Nhìn nụ cười ngây ngô và đôi mắt trong veo đó ít ai biết Quang có những suy nghĩ trưởng thành hơn bạn bè cùng trang lứa. 15 tuổi với những mộng mơ và hồn nhiên vốn dĩ của tuổi học trò nhưng Quang lại phải học cách làm quen với bóng tối như một phần còn lại của cuộc sống. Để sống một cuộc đời bình thường đôi khi là cả một giấc mơ xa.
Ước mơ của hạc giấy:
Sự mất mát về thị lực khiến Quang có nhiều năng khiếu nghệ thuật như vẽ tranh, đàn piano,… “Hồi trước em có học một lớp vẽ ở gần nhà. Em thích vẽ, nếu được tiếp tục học thì bây giờ em có thể tô màu tranh sơn dầu”. Nhưng giờ đây, thế giới màu sắc trong Quang chỉ còn là vài vệt nhòe mờ ảo. Những bức tranh trắng đen của Quang rồi sẽ mãi dang dở trên bàn học hay bị kẹt lại đâu đó mở một khoảng sân nhà.
“Lúc biết tin mình sắp mù vĩnh viễn em không buồn nhiều vì lúc đó còn trẻ con lắm. Bây giờ thì cuộc sống bình thường và ổn định hơn rồi”- Quang cười với chúng tôi. Dù biết tương lai chỉ là một thế giới tăm tối nhưng cậu bé 15 tuổi vẫn hồn nhiên như chưa hề có một biến cố nào xảy ra trong đời. Ai biết những ngón tay lướt trên từng phím đàn kia có một lần ôm lấy đôi mắt trong tuyệt vọng? Ai biết nụ cười là để che đậy những tổn thương.
Quang kể mỗi sáng thức dậy em thường đọc kinh nhãn minh để cầu nguyện mắt mình được sáng trở lại. Hay những buổi trưa rảnh rỗi em thường xếp hạc giấy trong lúc mọi người đang ngủ, như một cách thiền để lòng cảm thấy bình yên. Ước mơ của Quang là được một lần đặt chân đến vùng đất hội Lim, tận tay chạm vào những ngôi chùa có kiến trúc cổ xưa và được nghe hát quan họ Bắc Ninh. Vì đối với cậu bé 15 tuổi này, không có gì tuyệt vời bằng truyền thống và những nét văn hóa ở làng quê Kinh Bắc.
Quang vẫn cứ bước tiếp con đường của mình để đặt chân đến những vùng đất hứa dù có thể ngày mai đây em sẽ không còn cảm nhận được ánh sáng. Nhưng số phận chỉ trao nghịch cảnh, chúng ta có quyền chọn cách sống hạnh phúc. Như cách Quang tỉ mẩn xếp những con hạc vào những buổi trưa khi mọi người đã ngủ và thi thoảng sẽ vẽ tranh, hoặc đàn những bản nhạc cổ điển, đôi khi hát quan họ ở một góc ban công khi chiều xuống, và yêu đời bằng tất cả sự ngây ngô và hồn nhiên của tuổi 15!
Theo Saostar