Ngậm ngùi nuốt nước mắt đi học bằng tiền trợ cấp của người em trai động kinh, nữ sinh 18 tuổi đã làm điều khiến bao người phải nể phục
Gia cảnh khó khăn, phải đi học bằng tiền trợ cấp xã hội của người em động kinh, nữ sinh Kim Thị Hồng Nhung cùng với nghị lực đáng khâm phục của mình đã đem về những thành tích đáng nể.
Ở đâu đó trong cuộc sống này, có những số phận học trò mà chỉ cần được đến trường đã là niềm hạnh phúc lớn lao lắm rồi. Và uớc mơ đến trường của em Kim Thị Hồng Nhung (sinh năm 2000) tại thôn Cổng Sau, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) cũng to lớn như thế.
Nuốt nước mắt đi học bằng tiền trợ cấp của em trai bị động kinh
Ngôi nhà của gia đình em Thị Hồng Nhung nhỏ nhắn, nằm sau một con dốc dài, hẹp ở thôn Cổng Sau, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Tài sản trong nhà ngoài chiếc giường con đơn sơ và bộ bàn ghế cũ kỹ chẳng có gì bởi những thứ có giá trị, cha mẹ Nhung đã đem đi cầm cố lấy tiền chữa bệnh cho người con trai bị động kinh nay ốm mai đau, và trang trải chi phí cho Nhung đi học.
Có lẽ thứ đáng giá nhất nhất trong ngôi nhà ấy chính là những tấm bằng khen của Nhung được đóng khung đặt ở vị trí trang trọng. Nhìn những tấm bằng khen của con gái, cô Hà Thị Uyên nghẹn ngào nói, trước đây khi nhận giấy báo đỗ trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, một ngôi trường biết bao bạn bè cùng trang lứa mơ ước, thế nhưng vì nhà nghèo, không đủ điều kiện đi học xa, vậy nên cô đành nói với Nhung rằng điều đó là không thể.
Hiểu được hoàn cảnh của gia đình, Nhung cũng không một lời oán trách hay than vãn, cô bé chỉ khóc và nói với mẹ rằng: “Mẹ cho con xuống thăm trường dưới đó một lần xong rồi con về mẹ nhé”.
Nhìn những dòng nước mắt và khát khao muốn đến trường của con gái, cô Nhung đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Cuối cùng, cô quyết định lấy số tiền trợ cấp gần 600 nghìn đồng của con trai để Nhung ứng đóng học trước, tạo điều kiện cho con tiếp tục đến trường. Sau đó cô và chồng gắng đi làm kiếm tiền chăm sóc người con trai.
“Khi học tại trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, ban đầu Nhung chưa có học bổng của trường, em đi học hoàn toàn bằng tiền trợ cấp xã hội của em trai. Dù đau lòng nhưng con bé chẳng thể làm khác, Nhung buộc phải cầm số tiền trợ cấp của em để đi học. Cũng có lần gia đình kiệt quệ quá, tôi có ý định cho Nhung nghỉ học nhưng thấy thành tích học tập của con cũng tốt lại không đành lòng”, cô Nhung chia sẻ.
Cầm số tiền trợ cấp xã hội của em trai trên tay Nhung cảm thấy buồn, xấu hổ, có lỗi rất nhiều bởi cô bé nghĩ rằng số tiền này đáng lẽ Anh (em trai Nhung) là người được hưởng chứ không phải mình.
“Em cảm thấy áy náy với em trai khi cầm số tiền trợ cấp của em ấy, đáng lẽ tiền đó để mua sữa tẩm bổ, quần áo mới… cho Anh chứ không phải dành cho em như vậy. Những lúc như vậy em không dám nhìn thẳng vào mắt Anh, khi ấy em tự nhủ với chính bản thân mình phải cố gắng học thật tốt để không lãng phí số tiền và sau này nhất định lo cho em trai mình“, Nhung vừa nói vừa lấy tay lau 2 hàng nước mắt.
Nỗ lực phi thường của cô gái nhỏ vùng thôn quê
Không phụ lòng kỳ vọng của cha mẹ, không uổng phí số tiền trợ cấp xã hội của người em, với những nỗ lực tuyệt vời của Nhung trong quá trình theo học tại trường THPT, cô học trò đã gặt hái được những thành tích học tập đáng nể.
Suốt 2 năm học THPT, Nhung luôn là học sinh giỏi toàn diện của trường, em liên tiếp đạt giải Nhì và giải Ba quốc gia môn Sử.
Riêng trong năm học 2016-2017, cô học sinh lớp 12A7 chuyên Sử địa còn đạt giải Nhì quốc gia môn Sử, được nhận bằng khen của tỉnh, của bộ, giấy chứng nhận của hội khuyến học, đạt giải Nhì tại kỳ thi HSG cấp tỉnh môn Sử, được giấy khen của tỉnh. Khi tham dự thi các trường chuyên khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ Nhung đạt được một huy chương bạc và một giấy chứng nhận.
Để đạt được thành tích này, em phải nỗ lực rất nhiều, tan học, không như các bạn bè đồng trang lứa vui đùa, Nhung lại lẳng lặng về nhà để làm nốt những công việc còn lại và chăm sóc người em. Tối đến, Nhung dạy em trai học bài bởi em cho rằng học là con đường duy nhất đề thoát nghèo. Nhung muốn em trai có một chút kiến thức để sau này có thể tự nuôi sống được bản thân mình.
Để cân bằng được thời gian học và thời gian làm các việc nhà Nhung chia sẻ lúc trên lớp em luôn lắng nghe thầy cô giáo giảng bài, những bài khó, chưa hiểu tranh thủ giữa giờ nghỉ giải lao để tìm hiểu. Sau khi về nhà, Nhung thường tập trung học trong vòng khoảng 4 tiếng, buổi tối dạy cho em xong Nhung mới bắt đầu học bài, nhiều khi phải học đến 3 giờ sáng em mới xong bài.
Mỗi khi học hành áp lực Nhung thường nhớ về gia đình, về em trai, thương bố mẹ bệnh tật nhưng vẫn lam lũ vất vả quanh năm nên cô học trò này luôn tự dặn phải cố gắng thật nhiều để đỡ đần cho bố mẹ.
Nói về sự chịu khó vươn lên của cô học trò nghèo Kim Thị Hồng Nhung, cô giáo Phùng Thị Ngọc Bích – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A7 chuyên sử địa cho biết trong suốt quá trình giảng dạy tại trường, Nhung là một trong số ít học sinh để lại ấn tượng trong cô vì sự chăm chỉ, thông minh.
“Thương em, nhiều lúc đến hạn nộp học phí gia đình không có tôi thường phải ứng trước để việc học của em không phải gián đoạn. Em là một hạt mầm sáng giá cần được chăm sóc, vun tưới”, cô giáo Bích chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Nguyên (sinh năm 1986), trưởng thôn Cổng Sau cho biết: “Gia đình cháu thuộc hộ nghèo 5 năm liên tục, thế nhưng từ trong nghèo khó Nhung đã vươn lên. Một cô bé trường làng đạt giải Nhì quốc gia môn Sử không phải là chuyện đơn giản, và đằng sau chiến thắng ấy là cả một nỗ lực phi thường. Bố mẹ cháu đều mất khả năng lao động, người em trai sau này là trụ cột của gia đình bị động kinh nay đau mai ốm. Sau những buổi học, Nhung phải phụ mẹ ra đồng, giúp bố mẹ chăm người em động kinh”.
“Em uớc có thể cho em trai một chút trí tuệ của mình”
Nói về cô con gái ngoan hiền, học giỏi của mình, chị Uyên tự hào: “Gia đình chúng tôi nghèo khó, không có điều kiện nhưng cháu rất nghị lực, chăm ngoan, giành nhiều giải cao trong các cuộc thi. Nhung chính là động lực để tôi có thêm niềm tin trong cuộc sống”.
Chị cho biết thêm, sắp tới con thi đại học nỗi lo của gia đình còn nhân lên gấp bội nhưng vợ chồng sẽ cố hết sức để Nhung không phải bỏ học giữa chừng, dù có phải bán đất, cầm cố nhà cô cũng vẫn ủng hộ con tiếp tục viết ước mơ, trở thành người có ích cho xã hội.
Hỏi về ước mơ của em là gì? Nhung quay sang nhìn người em trai của mình, đôi mắt rơm rớm, em nói: “Em ước có thể cho em trai một chút trí tuệ của mình để em ấy có thể thực hiện được ước mơ trở thành một nhà Vật lý giống như Anhxtanh”. Với nhiều người họ sẽ trả lời rằng em ước mơ làm bác sĩ, giáo viên… nhưng với cô gái luôn nghĩ mình mắc nợ em như Nhung, cô bé chẳng bao giờ mơ ước, nghĩ cho riêng mình.