Luân hồi là có thật vậy tại sao con người không thể nhớ được tiền kiếp của mình?
Nếu luân hồi là có thật thì nguyên nhân nào đã khiến cho con người nhớ lại hay quên đi kiếp trước của mình? Điều này cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn được giải thích và chứng minh rõ ràng.
Luân hồi
Tuy nhiên không phải đó là nguyên nhân để phủ nhận vấn đề luân hồi. Vấn đề luân hồi là một vấn đề sâu xa tế nhị. Từ ngàn xưa, con người đã tìm cách lý giải vấn đề này. Trong nhân gian, không hiếm những lời giải thích tại sao con người lại quên những gì thuộc về tiền kiếp. Nếu giả dụ rằng có sự tái sinh thì nhớ lại kiếp trước sẽ gây được biết bao điều phiền toái trở ngại. Một người sinh ra nếu nhớ lại tiền kiếp của họ, người ấy sẽ tìm đến những gì liên quan đến bản thân họ ở quá khứ hơn là hiện tại.
Thực tế trên thế gian đã có khá nhiều trường hợp xảy ra. Khi mới sinh ra họ rất mới lạ đối với những người mà họ nhận là cha, mẹ, anh em, bà con… Nếu đến tuổi biết suy nghĩ, đứa bé ấy nhớ lại tiền thân của mình là con của ông A, bà B? Dĩ nhiên tình mẫu tử, phụ tử sẽ sống dậy nơi đứa bé. Nó sẽ tìm đủ mọi cách để gặp lại cha mẹ cũ.
Như vậy người mẹ hiện nay của đứa bé sẽ ra sao? Sẽ đau đớn khổ sở, buồn rầu biết chừng nào? Thí dụ ấy giống như tâm trạng của một cô gái xưa mới về nhà chồng. Chỉ sau một cuộc mai mối, cô phải rời xa gia đình mình. Bao nhiêu kỷ niệm đẹp đều bỏ lại đằng sau. Trong khi đó, người mà mình sẽ gọi là chồng thì lại chưa hề quen biết. Khi nhận thức được về cha mẹ tiền kiếp, hình ảnh ấy sẽ lôi cuốn vô cùng. Không những vì tình cảm rằng buộc mà còn có thể là vì tò mò về kiếp trước của mình ra sao. Họ sẽ rời cha mẹ kiếp này của họ.
Luật luân hồi quả báo quy định rõ ràng con người sẽ phải chuyển sinh qua nhiều kiếp. Những gì họ phải trải qua như buồn đau khổ hận hoặc hạnh phúc, giàu sang, đều do từ kết quả họ tạo ra từ kiếp trước. Hiện tượng luân hồi được xem như là một định luật. Tuy nhiên luật này dễ bị xáo trộn khi con người biết được rõ ràng mỗi kiếp của mình. Những bậc đại sư, những vị cao tăng cũng chưa hẳn biết rõ tiền kiếp của mình.
Những bậc Thiền giả có huệ lực cao khi tập trung tư tưởng mới có thể nhớ lại kiếp trước. Họ xem đó như là những biến cố đã xảy ra trong những dòng đời trước đó của mình. Chính Đức Phật Thích Ca khi đang trên đường tìm đạo, vẫn chưa biết được tiền kiếp của mình. Mãi đến khi chứng ngộ đạo pháp mới thấy được các kiếp. Nhờ ngài đã đắc được Túc Mạng Minh và Thiên Nhãn Minh. Nhờ đó, ngài nhớ lại được hàng ngàn tiền kiếp chuyển hóa trong trí như một cuộn phim quay ngược dòng thời gian.
Như vậy, chỉ những bậc siêu phàm mới có khả năng nhớ lại tiền kiếp. Còn loài người hầu như tất cả đều chìm đắm trong tăm tối mê mờ. Họ không thấy, không biết những gì đã xảy ra ở những tiền kiếp của mình. Chỉ họa hoằn mới có những trường hợp dị biết lạ lùng. Ví như có những đứa bé mới 4, 5 tuổi kể lại tiền kiếp mình. Hay có người có khả năng khơi dậy những hình ảnh của kiếp trước nơi người khác.
Trong dân gian Việt Nam ta thường nghe kể những người chết đi sống lại kể các chuyện thác vào Địa Ngục. Những linh hồn này trước khi đi qua chiếc cầu khủng khiếp để đến chốn Diêm phù, họ đều được quỷ sứ cho ăn cháo. Cháo này gọi là Cháo Lú.
Công dụng chính của Cháo Lú là để linh hồn người chết quên hết những gì về quá khứ của đời mình. Nhờ đó họ dễ dàng đầu thai sau này. Nếu không thì những linh hồn ấy vẫn còn mang nặng những nhớ thương tiếc nuối về tiền kiếp. Cảnh cũ, người xưa, tình ruột thịt, máu mủ giữa cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái… Lúc tái sinh luân hồi, họ lại tìm đến những gì liên hệ với tiền kiếp. Điều đó làm khó khăn trở ngại cho sự trả quả trong lần đầu thai lại và cả những lần chuyển sinh khác.
Câu chuyện truyền khẩu trong dân gian ấy nói lên phần nào sự quên đi tiền kiếp của mỗi người khi họ đầu thai. Tuy nhiên, như đã nói từ trên, từ cổ đại cho đến nay vẫn không hiếm những người có khả năng nhiều ít về sự nhớ lại những gì trong quá khứ. Trên thế gian có nhiều người có trí nhớ siêu đẳng và cao hơn nữa. Lại có người có khả năng nhớ lại tiền kiếp như đã trình bày từ trước.
Theo Anlanh