Thắt lòng trước cảnh nhà nghèo túng của U23 Việt Nam: “Nếu không có bóng đá chắc em đi làm lơ xe rồi!”
Mới hôm qua đây thôi, U23 trở về nước trong niềm hân hoan vô tận của người hâm mộ bóng đá. Vừa xuống sân bay, họ được vây quanh với rực rỡ cờ áo, tiếng vỗ tay, cười nói hồ hởi của rất đông những khán giả. Họ được xem là những người hùng của nền bóng đá Việt Nam. Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Quang Hải, Lương Xuân Trường là ba cái tên được chào đón nồng nhiệt nhất. Dường như bất kì chàng trai cô gái nào cũng muốn nhào đến chụp hình, xin chữ kí hay thậm chí là ôm hôn ba cầu thủ này. Còn những người khác thì sao?
Bóng đá là môn thể thao kết hợp tinh thần đồng đội mới có thể chiến thắng, ai cũng biết được điều đó. Thế nhưng tại sao chỉ có Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Quang Hải và Lương Xuân Trường mới nhận được sự quan tâm nồng nhiệt nhất? Còn những cầu thủ khác họ cũng đã rất xuất sắc, họ kết hợp ăn ý và có chiến thuật tốt mới có thể mang về vinh quang.
Họ cũng là những con người có xuất thân trong hoàn cảnh rất nghèo khó nhưng vượt qua được gánh nặng cơm áo gạo tiền để dốc hết sức cho những trận đấu vừa qua thì tại sao họ lại không đáng để nhắc tên? Họ đã đi lên bằng đôi bàn chân lấm bùn, đi lên từ những vùng quê nghèo khó để đi theo tiếng gọi của đam mê bóng đá và giờ đây, họ viết nên tên mình vào lịch sử thì họ có đáng bị bỏ quên? Liệu có sự công bằng nào cho 13 con người còn lại trong đội U23? Chỉ cần nhìn bức ảnh Phan Văn Đức lặng lẽ một góc ôm bó hoa mẹ vừa tặng mà muốn rớt nước mắt. Hay Phạm Xuân Mạnh mừng rơn vì kì này có tiền về trả nợ cho gia đình. Những hoàn cảnh như vậy có mấy ai đến biết hay đang bận tung hô những người kia mà bỏ mặc họ lầm lũi giữa đám đông?
Có một điểm chung giữa các cầu thủ trẻ của U23 là đa phần họ đều xuất thân từ cảnh nghèo khó, không đủ điều kiện kinh tế để đảm bảo cho họ một tuổi thơ sung sướng như bao đứa trẻ khác. Trong số đó có thể kể đến chàng trai có nụ cười tươi rói Đoàn Văn Hậu.
Đoàn Văn Hậu sinh ngày 19/4/1999 tại Hồng Minh, Hưng Hà, Thái Bình. Xã Hồng Minh là một trong những địa phương nghèo nhất của Hưng Hà, nằm xen giữa những sông ngòi chằng chịt, nối với thế giới bên ngoài qua những đường đê chất đầy đá sỏi. Bố mẹ Văn Hậu đều làm nghề nông. Anh trai Đoàn Trọng Vũ đi lơ xe trên tuyến Thái Bình – Hải Phòng. Ông Đoàn Quốc Thắng – bố Văn Hậu nói: “Nếu không có bóng đá, chắc hắn cũng đi làm lơ xe như anh rồi. Ở nhà thì làm gì còn ruộng để cày. Thanh niên vùng này đều đi làm công nhân ở khu bên kia hoặc tìm việc khác hết”.
Đoàn Văn Hậu là niềm tự hào của cả gia đình và dòng họ. Hậu không chỉ giúp ông nở mày nở mặt với làng xóm, cậu còn giúp kinh tế gia đình khấm khá hơn. Lớn lên trong gia cảnh khó khăn ấy, Văn Hậu phải học cách tự chơi bóng một mình. Ông Thắng nhớ lại: “Ngày còn bé, nhà ai cũng bận, chỉ có một mình Hậu với quả bóng như hai người bạn. Chúng cứ thế chơi với nhau, tự lớn lên mà chẳng cần ai dạy bảo. Tối về nhà, nó cứ một mình đá bóng vào tường, chạy nhảy uỳnh uỳnh đủ kiểu”.
Ở nhà, Văn Hậu không có phòng riêng nhưng trong ngôi nhà ấy nơi nào cũng có kỷ niệm về cậu. Góc này là chỗ ngày xưa Hậu thường chơi bóng, bức tường này ngày xưa Hậu hay đá vào, đây là cái áo tập của Hậu ở đội trẻ, kia là trái bóng mang về từ World Cup. Tất cả là Đoàn Văn Hậu, Đoàn Văn Hậu là tất cả. Và tất cả đều liên quan tới bóng đá. Và từ ngày Văn Hậu đi theo nghiệp quần đùi áo số cũng là lúc căn nhà có được cái tivi nhỏ và máy điều hòa và mới lắp đường dây điện gần đây. Chỉ nhiêu đó thôi nhưng với gia đình hậu đó là cả gia tài rất lớn mà Hậu đã mang về. Nếu như cuộc đời Hậu không có bóng đá, chắc bây giờ cậu trai này đã là lơ xe giống như người anh trai.
Còn đối với Phạm Xuân Mạnh, hai năm đi theo nghiệp bóng đá cũng là ngần ấy năm chàng trai này chiến đấu hết mình để mong kiếm tiền về phụ ba mẹ trả nợ. Phạm Xuân Mạnh sinh ra trong gia đình có 3 người con ở xã Minh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hai người chị của Mạnh đã đi lấy chồng nên cầu thủ người xứ Nghệ đang trở thành trụ cột của gia đình. HLV Ngô Quang Trường từng tâm sự sau khi đến nhà Xuân Mạnh: “Nơi ấy còn nghèo khổ lắm. Tôi thấy ngay đến việc đi lại cũng khó khăn. Gia đình Xuân Mạnh cũng là hiện thân cho cái nghèo ở nơi đó”.
Hai năm trước, gia đình Mạnh xây lại căn nhà để có chổ che nắng che mưa, do căn nhà cũ đã dột nát. Do còn trẻ và lương ở CLB SLNA không cao, Xuân Mạnh không góp tiền được nhiều cho cha mẹ. Thế nên, gia đình Mạnh phải đi vay để xây lại căn nhà. Cũng trong hai năm qua, Mạnh đi đá bóng luôn dành dụm tiền bạc để trả nợ dần cho cha mẹ, vì gia đình thuộc diện nghèo, cha mẹ Mạnh làm nông nên không có thu nhập. Bố mẹ Mạnh mỗi sáng sớm đều mở chiếc tivi bé tẹo lên để xem bản tin thể thao mong được nhìn thấy con trai đá bóng cống hiến cho đất nước. Mẹ Xuân Mạnh lúc nào cũng nói qua màn hình ti vi: “Con cố gắng lên con!”
“Em đi đá bóng cố gắng dành dụm để đợt này có thể sớm trả hết nợ cho cha mẹ. Gia đình em nghèo, các chị đi lấy chồng xa, cha mẹ làm nông nên bản thân em phải cố gắng thật nhiều. Đợt này em về sẽ trả hết nợ để đỡ phải suy nghĩ nhiều như trong hai năm qua”, Xuân Mạnh tâm sự về gia cảnh. Việt Nam giành được chiến tích tại U23 châu Á, rất nhiều khoản tiền thưởng được hứa hẹn dành cho đội tuyển chính là niềm vui đối với Xuân Mạnh. Điều đầu tiên Mạnh làm là gọi cho dì nhờ nhắn với mẹ rằng mình sẽ có tiền để trả nợ. Mạnh còn nhắn nhờ dì mua tivi mới cho bố mẹ rồi cậu sẽ gửi tiền lại cho dì.
Còn đối với Phan Văn Đức, ít ai ngờ rằng số tiền lương của chàng cầu thủ này lại không cao nếu như không muốn nói là quá thấp. Những ngày đầu tham gia đội Sông Lam Nghệ An, Văn Đức nhận mức lương vào khoảng 3,6 triệu VNĐ/tháng. Đối với gia cảnh khốn khó, mức lương này là hoàn toàn không đủ sống. Cố gắng hết sức đến thời điểm hiện tại thì mức lương được tăng lên 6 triệu/ tháng. Trong quá khứ, không ít lần huấn luyện viên trưởng Nguyễn Đức Thắng của Sông Lam đã dùng tiền túi của mình cho các học trò ứng trước để thu xếp về quê ăn Tết.
Đến ngày hôm nay khi Phan Văn Đức tỏa sáng, mọi người tìm về gia đình em. Nhưng không phải ai cũng biết gia đình của cầu thủ sinh năm 1996 này đã phải vào Nam làm ăn từ lâu vì hoàn cảnh khó khăn. Một mình Phan Văn Đức vật lộn với cuộc sống tự lập với nghiệp quần đùi áo số từ năm 2006. Phan Văn Đức có lần đã tâm sự: “Bọn em bây giờ khó khăn quá, tiền lương thấp quá không đủ tiêu vặt”. Năm đầu nhiều cầu thủ trẻ trước khi về quê ăn Tết mạnh dạn lên gặp HLV Nguyễn Đức Thắng xin ứng mỗi người một vài triệu mua quà về cho gia đình, trong đó có Phan Văn Đức. Và có lẽ với số tiền thưởng của năm nay, Văn Đức không phải lên gặp HLV Nguyễn Đức Thắng xin ứng lương nữa rồi.
Nhưng không phải vì vậy mà không có những nốt lặng, những nốt trầm mà có lẽ nhiều người cũng đã nhận ra giữa cuộc vui náo nhiệt. Giữa lúc mọi người đang rất hào hứng theo dõi các hoạt động của U23 Việt Nam, có một khoảnh khắc được chụp lại đã khiến ai cũng phải cay mắt. Đó là khi Văn Đức lặng lẽ ôm và nhận bó hoa mẹ tặng ở sân bay. Đây chính là cầu thủ đã ghi bàn thắng như vàng vào lưới U23 Iraq, nhưng có mấy ai nhớ đến em?
Nhắc đến những chuỗi thành công của U23 không thể bỏ qua cái tên Công Phượng. Không ai có thể phũ nhận được những gì Công Phượng đã cống hiến cho suốt trận đấu là đáng được tung hô và khen ngợi. Thế nhưng cùng chung số phận với các cầu thủ khác, em bị gạt qua một bên trước những sự tung hô đối với Bùi Tiến Dũng, Lương Xuân Trường và Nguyễn Quang Hải.
Công Phượng sinh ra trong một gia đình đông anh em tại Đô Lương, Nghệ An. Ở vùng đất cày lên sỏi đá này, làm kinh tế rất khó khăn nên người dân làng Vồng Vổng chủ yếu ly hương để tránh cái đói, cái nghèo. Bố mẹ của Phượng là ông Nguyễn Công Bảy và bà Nguyễn Thị Hoa vì nhiều lý do nên phải ở lại bám trụ với mảnh đất quê hương. Nhà thuộc diện hộ nghèo lại phải nuôi tới sáu miệng ăn nên mãi tới những năm sau 2000, nhiều bữa cơm của gia đình vẫn còn phải độn ngô, khoai, sắn, vốn là những sản phẩm nông nghiệp do gia đình làm ra. Không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, ba anh chị đầu của Phượng phải vào miền Nam làm thuê kiếm sống còn người đã mãi mãi ra đi.
Chia ly, nghèo đói bao trùm khiến cho ngôi nhà nghèo dột nát của gia đình Công Phượng ngày càng trở nên bi đát hơn. Phượng đã gầy yếu, lại còi xương, hệt như đứa trẻ suy dinh dưỡng. Chính vì điều này đã khiến cậu bị loại ra khỏi lò Sông Lam mặc dù được đánh giá cao. Sau bao vất vả, bao nhiêu mồ hôi nước mắt đã đổ xuống thì cuối cùng chàng cầu thủ trẻ đã lập được thành tích, cùng đồng đội U23 đem chiến thắng về cho nền bóng đá nước nhà.
Cùng đam mê đá bóng từ nhỏ, tuổi thơ gắn liền với trái bóng trên khắp các cánh đồng là cuộc đời của cầu thủ Hà Đức Chinh. “Ngay từ thuở nhỏ, bóng đá là niềm đam mê và là trò chơi của tôi. Cứ mỗi chiều tôi cùng đám bạn ra đám ruộng gần nhà quần thảo với trái bóng rơm, bóng nhựa. Thậm chí đàn bò đàn trâu bên cạnh tụi tui vẫn chứ thế thản nhiên mà đá” Đức Chinh tâm sự. Từ năm học lớp 4, Hà Đức Chinh đã rời gia đình, bố mẹ ở vùng quê nghèo xã Xuân Đài, huyện miền núi Tân Sơn ra thành phố Việt Trì cách nhà gần 100km để theo học tập, rèn luyện ở Trường Năng khiếu thể dục thể thao của tỉnh trong suốt 7 năm. Trong thời gian học tập và rèn luyện tại trường, Chinh thường xuyên góp mặt trong những giải đấu phong trào cấp huyện, cấp tỉnh.
Từ một cậu bé chân trần đá bóng ở những thửa ruộng, bờ đê nơi xóm núi, bằng năng khiếu bẩm sinh và những nỗ lực không ngừng, chàng trai 21 tuổi Hà Đức Chinh đã từng bước khẳng định tên tuổi mình trong làng bóng đá Việt Nam. Chiến thắng của đội U23 hôm nay có công rất lớn của em khi đã cố gắng hết mình trên sân bóng mặc cho thời tiết giá rét khắc nghiệt. Chia sẻ trên facebook cá nhân, Chinh cho biết: “Ngay lúc này, toàn đội cảm thấy rất vui và tự hào, vì lần đầu tiên ghi tên đội tuyển quốc gia vào vòng chung kết một giải đấu châu lục. Em cũng biết là ở quê hương, mẹ em cùng người thân, làng xóm luôn dõi theo em. Em sẽ cố gắng để không phụ công mọi người”.
Và một người không thể thiếu trong bài viết này chính là thủ môn Bùi Tiến Dũng. Chàng thủ môn trẻ được sinh ra trong một ngôi làng dân tộc Mường thuộc vùng cao ở tỉnh Thanh Hóa. Sau niềm vui chiến thắng, Ông Khánh là cha của Tiến Dũng vẫn tiếp tục làm công việc chăm sóc đàn lợn như thường lệ. Cuộc sống của đồng bào nơi đây chủ yếu là chăn nuôi và làm ruộng. Với ước mơ là giúp đỡ gia đình bớt khó khăn và muốn theo đuổi đam mê của mình nên chàng thủ môn Bùi Tiến Dũng cùng em trai Tiến Dụng tìm đến với bóng đá.
Gia đình ông cũng giống như bà con dân tộc Mường nơi đây, làm công việc chủ yếu là ruộng vườn và chăn nuôi. Hai anh em ruột Tiến Dũng và Tiến Dụng đến với bóng đá vì niềm đam mê và có một ước mơ là giúp đỡ gia đình bớt khó khăn.
Mới đây, Tiến Dũng có gửi về một số tiền nên gia đình xây thêm căn nhà sàn vững chãi hơn. Hình ảnh ngôi nhà mới khang trang thay thế cho căn nhà cấp 4 cũ sờn nằm bên cạnh. Gạch vữa còn vương trên đất chưa kịp dọn xong thì gia đình lại nhận thêm tin con trai được gọi tên vào đội tuyển U23 Việt Nam. Nhìn thấy ngôi nhà mới này chắc hẳn là hai anh em Tiến Dũng đã phần nào tiến gần tới ước mơ của mình rồi. Chuyện xúc động nhất là hồi cuối tháng 11 vừa rồi khi có tiền thưởng, vì bận tập trung đội tuyển U23 tham dự giải đấu nên Dũng nhờ một người bạn thân đưa bà nội, mẹ và cô đi Đà Nẵng. Anh chia sẻ: “Cả đời bà em với cô em chưa được đi máy bay, còn mẹ em thì chưa bao giờ được đi nghỉ mát. Mọi người vất vả hàng chục năm rồi”.
Và vẫn còn đó rất nhiều những cầu thủ sinh ra từ hoàn cảnh khó khăn, tưởng chừng như không thể nào vươn lên được thế nhưng bằng sự đam mê đã giúp họ vượt qua được mọi rào cản. Họ đã cùng ăn, cùng ngủ và chiến đấu hết mình trước hết là vì nền bóng đá nước nhà và sau đó là vì gia đình đang cần họ. Họ cháy hết mình với đam mê nhưng không quên nghĩa vụ với những bậc sinh thành. Chính vì vậy mà ước mơ được trả hết nợ, được đưa cha mẹ đi du lịch, được tiếp tục đá bóng, được thoát nghèo hay chỉ đơn giản là Tết này về quê không cần phải ứng lương,…
Những điều tưởng chừng như đơn giản vì ai cũng phải canh cánh những nỗi lo đó trong lòng nhưng mấy ai vực dậy được tinh thần, mấy ai cố gắng hết sức, đổ mồ hôi nước mắt để thực hiện được? Những cầu thủ U23 lập nên kì tích không chỉ đơn giản là họ đã đoạt giải Á quân U23 Châu Á mà là vì họ là minh chứng cho sức trẻ, nghị lực vượt khó và tinh thần chiến đấu không gì có thể ngăn cản nổi./.
Theo WTT