Xót cảnh người chồng bị thiêu sống trên ghe tàu vì hở van bình ga khi đang chở gạo thuê trên sông

Đang chở gạo thuê trên ghe tàu thì bình ga phía dưới hầm hở van, xì ga ra ngoài rồi bén lửa. Anh Thông đứng bên cạnh không kịp thoát ra ngoài nên bị ngọn lửa thiêu sống.

Người đàn ông biến thành ngọn đuốc sống trên ghe tàu

Vụ việc xảy ra vào chiều ngày 21/1/2018, anh Trần Văn Thông (31 tuổi, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cùng một người bạn chở ghe gạo thuê trên sông. Khi anh Thông đang loay hoay nấu cơm dưới hầm thì bất ngờ bình ga dưới ghe hở van, xì ra ngoài, bén lửa.

Quá bất ngờ, anh Thông chưa kịp tháo chạy ra ngoài thì bị ngọn lửa thiêu sống. Rất may, người đi cùng ghe phát hiện kịp thời, giải cứu anh ra ngoài rồi tức tốc đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Hở van bình ga bén lửa khiến anh Thông bỏng nặng

Anh Thông được chuẩn đoán bỏng 65% cơ thể, toàn thân cháy đen, nặng nhất là phần đầu, ngực và chân tay. Hiện anh đang được chăm sóc đặc biệt tại phòng số 5, lầu 4, khoa bỏng, khu E, bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau 9 ngày điều trị, hiện anh Thông đã tỉnh lại, ăn được chút cháo, sữa. Thế nhưng, sức khỏe của anh đang rất yếu, đau và sốt liên tục, phải dùng thuốc giảm đau nặng liều cao nên anh ngủ li bì.

Do vợ còn phải chăm sóc con nhỏ chưa đầy 1 tuổi ở quê nên hiện tại, việc chăm sóc anh Thông trông chờ vào mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Lợi (60 tuổi).

Nỗi đau người mẹ già nghèo sống nhờ những bát cơm tình thương chăm con trong viện

Ngồi túc trực bên con trai, bà Lợi với dáng người khắc khổ, khuôn mặt đầy lo lắng, hai dòng nước mắt nhòa lệ nhìn con đang gồng mình chống chọi cơn đau, toàn thân băng bó, biến dạng vì bỏng nặng.

Bà Lợi sinh được 3 người con. Anh Thông là con trai út trong gia đình. Hơn 10 năm trước, chồng bà lạnh lùng dứt áo ra đi theo tiếng gọi của người đàn bà khác. Gia đình nát tan, cảnh nghèo khó cơ hàn khiến 3 người con trai phải lần lượt tha phương kiếm sống. Buồn chán vì chỉ có một mình trong căn nhà hiu quạnh, bà Lợi quyết định lui vào chùa sống cho thanh thản, tịnh tâm.

Hiện anh Thông đang được chăm sóc tại bệnh viện Chợ Rẫy

Trong thời gian làm thuê ở Sài Gòn, anh Thông đã gặp rồi nên duyên vợ chồng với chị Lê Thị Thương (31 tuổi, quê ở Quảng Ngãi). Ngày chuẩn bị sinh đứa con đầu lòng, chị Thương nghỉ việc, về tá túc nhà ngoại. Khi con gái được 5 tháng tuổi, nghĩ đồng lương công nhân ba cọc ba đồng, không dư dả, hai vợ chồng chị quyết định dắt díu nhau về quê. Vợ ở nhà chăm sóc con cái, ruộng đồng. Anh Thông đi chở ghe thuê kiếm sống.

“Mỗi chuyến Thông chở ghe thuê như vậy kéo dài từ 5 ngày đến 1 tuần. Họ trả công cho Thông khoảng 400 đến 600 nghìn đồng. Cuộc sống của gia đình vợ chồng con trai tôi phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền công mỗi chuyến đi ghe của Thông. Giờ nó gặp nạn như thế này, biết có vượt qua được không đây”, bà Lợi khóc nghẹn.

Được biết, dù anh Thông đã qua cơn nguy kịch nhưng sức khỏe đang rất yếu. Nếu may mắn qua khỏi thì thời gian chữa trị vẫn còn rất dài, trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật, chi phí rất tốn kém. Nếu có phục hồi thì anh Thông cũng không còn khả năng làm việc nặng như trước.

Hiện tại, cơ thể anh Thông có rất nhiều chỗ bị bỏng diện rộng, chín thịt, không có khả năng phục hồi. Bác sỹ cho biết đến thứ 4 tuần này sẽ tiến hành phẫu thuật, lọc bỏ những lớp da, thịt ở hai chân cho anh.

Bà Lợi cho biết sẽ cố gắng chữa trị cho con, dù cả nhà phải đi ở trọ

“Tôi rời chùa trở về nhà khi cháu nội được 5 tháng tuổi để trông cháu cho con dâu đi làm thuê kiếm tiền. Vợ chồng chúng bươn trải làm thuê làm mướn khắp nơi, những mong tích góp được chút tiền để xây căn nhà mới, thay thế căn nhà đã xuống cấp trần trọng. Thế nhưng, dự định chưa thực hiện được thì tai họa đã giáng xuống. Giờ gánh nặng đè hết lên vai con dâu tôi. Nó tay còn con nhỏ, vừa phải chạy vạy vay mượn để có tiền cho chồng chữa trị”, bà Lợi tâm sự.

Được biết, chi phí điều trị cho anh Thông đã lên đên hàng chục triệu đồng. Để có số tiền này, chị Thương phải chạy vạy vay mượn khắp nơi mới có được. Dù chăm sóc con tại bệnh viện nhưng hàng ngày, bà Lợi cũng không có tiền chi tiêu sinh hoạt cá nhân. Hàng ngày bà đang phải sống nhờ những bát cơm tình thương của các hội từ thiện.

“Nếu đến bước đường cùng, tôi sẽ bán căn nhà ở quê để lấy tiền chữa trị cho con. Gia đình tôi chấp nhận ra ngoài thuê trọ ở. Chỉ mong con vượt qua hoạn nạn sớm trở về với vợ con”, bà Lợi trải lòng.

Theo Emdep