Lời Phật dạy: Gieo nhân đối xử với người như thế nào thì nhận lại quả như vậy

Con người gieo hạt giống nào xuống đất thì sẽ nhận được quả ấy. Vậy nên, để nhận được điều tốt đẹp, may mắn từ người khác thì hãy thiện tâm mà đối xử với mọi người xung quanh mình.

 

Đối xử với người khác như thế nào thì nhận lại quả như vậy

 

Trước đây, có một người xuất thân trong một gia đình đông họ hàng vào kinh để ứng thi. Anh ta từ Giang Tây và mang theo người mẹ già cùng người vợ đang mang thai sắp đến ngày sinh nở.

Khi đến Dương Châu, cả nhà họ vô tình gặp được người anh họ gần trong dòng tộc là Tư Mã đang làm chức quan Thái thú tại đây. Nghĩ đến cảnh đường xá xa xôi, mẹ già, vợ lại sắp sinh nên anh ta đã xin gửi lại họ cho vợ chồng Tư Mã rồi một mình lên đường vào kinh.

Nhưng mà, thật không may là chưa đến ngày thi thì anh ta đột nhiên bị chết trong kinh thành. Tin dữ này được truyền về Dương Châu, Tư Mã sau khi biết tin liền muốn tạm thời giữ lại làm bí mật. Bởi vì anh ta nghĩ người vợ trẻ kia đã gầy yếu lại sắp sinh con và người mẹ già ốm yếu mà biết tin này chắc sẽ không chống đỡ nổi. Tư Mã định bụng để đến khi nào người phụ nữ trẻ sinh xong mới báo tin dữ này cho họ biết.

Kể từ sau khi người vợ cả của Tư Mã bị chết thì người vợ hai của anh ta là Mỗ Thị lên giữ quyền cai quản gia đình. Sau khi biết tin dữ này, Mỗ Thị đã cương quyết phản đối. Mỗ Thị nói rằng: “Tuy là anh em họ hàng, nhưng mà mỗi người đều đã có gia đình riêng rồi, sao chúng ta phải giúp đỡ họ? Lại còn ở nhà chúng ta quá lâu như vậy? Tôi không chấp nhận được điều này.”

 

Tư Mã mặc dù muốn ngăn cản vợ làm điều xấu với em dâu nhưng rồi cũng đành chấp nhận

Thế là, Mỗ Thị lập tức đến báo tin cho hai mẹ con người phụ nữ trẻ kia biết, đồng thời còn yêu cầu họ nhanh chóng chuyển ngay ra khỏi nhà mình mà tổ chức tang lễ. Mặc cho hai mẹ con người em dâu đau khổ, van xin, Mỗ Thị cũng không niệm tình họ hàng mà đuổi họ ra khỏi nhà ngay hôm đó. Tư Mã mặc dù muốn ngăn cản nhưng vợ anh ta đã nói ra hết rồi nên đành chấp nhận vì không còn cách nào khác.

Mấy năm sau, Tư Mã được điều đến làm quan Thái thú ở một quận lớn hơn. Anh ta một mình đến địa phương mới để thu xếp ổn thỏa sau mới về đón gia đình đến. Lúc ấy Tư Mã mới 40 tuổi, trẻ trung khỏe mạnh. Anh ta không những có nhiều chiến công hiển hách mà còn rất có uy tín với triều đình nên tương lai sáng lạn gần như nằm trong lòng bàn tay.

Sau ngày Tư Mã lên đường, Mỗ Thị ở nhà trăng đèn kết hoa tổ chức sinh nhật 30 tuổi. Mỗ Thị không chỉ tổ chức yến tiệc mà còn vô cùng mừng rỡ nhận quà cáp lễ vật từ họ hàng thân thích và thuộc hạ của chồng, trong lòng vô cùng đắc ý. Nhưng không ngờ, Thái thú Tư Mã khi còn chưa đến nơi nhận chức thì đột nhiên mắc trọng bệnh mà chết. Tư Mã chết ngay trước ngày sinh nhật của người vợ này một ngày.

Tin thái thú Tư Mã chết được báo ngay về phủ Dương Châu nhưng gia đình đều giấu người vợ bé bởi vì muốn cho cô được hưởng niềm vui trọn vẹn của ngày sinh nhật. Nhưng vị Thái thú mới của phủ Dương Châu cho rằng: “Đây là một việc lớn! Sao có thể để những người đến viếng đứng chờ ở ngoài ngõ được?

Trong khi người vợ này khỏe mạnh, bên trong lại đầy tiếng trống tiếng nhạc và lời chúc tụng vui vẻ?” Nghĩ như vậy, vị Thái thú mới liền tiến vào trong sân và đem tin dữ báo cho Mỗ Thị biết. Đồng thời, ông ta cũng huy động người nhà dẹp bỏ hết đèn lồng đi mà thay vào đó là đồ tang.

Sự tình người đàn ông vào kinh ứng thí cùng với chuyện Thái thú Tư Mã đột nhiên chết đi chỉ cách nhau khoảng 4 năm. Đến nay, mọi người vẫn còn nhắc nhở nhau về câu chuyện này.

Người nhỏ nhen không hiểu rõ đại nghĩa, thường thường sẽ đem đạo lý lớn ra để biện bạch cho việc làm xuất phát từ tư tâm của mình. Con người gieo hạt giống nào xuống đất thì nó sẽ cho quả ấy! Người xưa có câu cửa miệng: “‘Ngôn bội nhi xuất giả, diệc bội nhi nhập” (Có lời ngang trái đưa ra thì cũng có điều ngang trái theo vào) kỳ thực là rất có đạo lý.