Giọt nước mắt mặn chát của người mẹ tay dắt tay bế 2 con thơ bán vé số kiếm tiền điều trị cho con trai nguy kịch
Hàng ngày, chị Sóm tay dắt tay bồng hai con đi bán vé số, đến buổi lại quay về bệnh viện ngóng trông tình hình sức khỏe của con trai đang nguy kịch vì tai nạn giao thông. Chị cho biết sẽ cố gắng chữa trị cho con dù có phải ngửa tay xin mọi người bố thí từng đồng bạc lẻ.
Biến cố sau vụ tai nạn giao thông
Suốt cả tháng nay, người dân lui tới bệnh viện 175 thường xuyên bắt gặp cảnh tượng một người phụ nữ tay dắt tay bồng 2 đứa con thơ, cầm khư khư xấp vé số đi vào khoa hồi sức tích cực.
Tối đến, 3 mẹ con chị lại trải chiếc chiếu nhỏ lên trên hành lang bệnh viện cùng nằm ngủ. Thỉnh thoảng, chị lại lén hai con dậy để vào ngóng trông tình hình sức khỏe của người con trai bị tai nạn giao thông đang nằm điều trị phía trong phòng bệnh.
Chị tên là Nguyễn Thị Sóm (40 tuổi, ngụ số nhà 615 đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM). Hai cô con gái của chị, đứa lớn hơn 2 tuổi, đứa nhỏ 9 tháng tuổi. Một tháng nay, con trai thứ 2 của chị bị tai nạn giao thông nguy kịch, đang nằm điều trị tại bệnh viện. Vì còn 2 đứa con nhỏ, không gửi được ai chăm sóc nên chị phải dẫn con đi cùng.
Sự việc xảy ra vào tối 29/9, con trai chị Sóm là Nguyễn Hồng Quang (16 tuổi) cùng bạn đi làm về. Đang điều khiển xe máy trên đường thì không may bị chiếc xe tải chở gạch tông phải. Quang và người bạn bị xe tải kéo lê hàng chục mét. Được đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nhưng người bạn của Quang phải cắt bỏ cả hai chân vì bị cán gãy nát, không còn khả năng phục hồi.
Quang dù may mắn hơn nhưng bác sỹ cho biết là một trong những ca nặng nhất trong khoa và đang được điều trị đặc biệt. Quang bị dập cơ, tụ dịch, tổn thương đa cơ quan.
Toàn bộ phần lưng do ma sát, kéo lê dưới mặt đường gây trượt da hoại tử. Ở các vùng da hoại tử các tế bào chết gây nhiễm độc vào máu làm suy thận cấp phải lọc thận và lọc máu. Ngoài ra Quang còn bị dập phổi trật khớp vùng chậu.
Sau 10 ngày điều trị, Quang được phẫu thuật lọc bỏ những phần da, thịt trên cơ thể bị hoại tử và tràn dịch nội tạng. Suốt thời gian dài, Quang phải điều trị kháng sinh liều cao cho các ổ nhiễm trùng đang tiến triển. Hiện vẫn chưa tiên lượng được thời gian điều trị bao lâu mới có thể phục hồi.
Vì nhập viện không được hưởng bất cứ một loại bảo hiểm nào nên chi phí điều trị rất cao. Suốt 1 tháng qua, chi phí điều trị cho Quang lên đến 200 triệu đồng. Để có số tiền trên trang trải viện phí, gia đình chị Sóm phải chạy vạy vay mượn khắp nơi, vay nặng lãi.
Người mẹ bán vé số kiếm tiền chữa bệnh cho con
Được biết, cuộc sống gia đình chị Sóm vô cùng khó khăn. Không đất, không nhà, cả đại gia đình 14 người, 3 thế hệ sống chung trong một căn nhà tình thương chật hẹp do nhà nước hỗ trợ xây dựng.
Chị Sóm và chồng là anh Nguyễn Văn Hùng (40 tuổi) có 4 người con (lớn 18 tuổi, nhỏ nhất 9 tháng tuổi). Vì hoàn cảnh gia đình, Quang và người anh trai sớm phải nghỉ học, đi làm thuê kiếm sống.
Anh Hùng làm nghề lái xe ba gác thuê, đồng tiền công bấp bênh. Những lúc may mắn có khách thì được vài trăm nghìn, khi lại ngồi cả ngày không có đồng nào. Chị Sóm bán cơm trên vỉa hè cho công nhân, thợ hồ. Mấy tháng gần đây, vỉa hè bị dẹp bỏ do giải tỏa hành lang an toàn giao thông, chị thất nghiệp, đành đi bán vé số.
“Tội nghiệp hoàn cảnh gia đình chị Sóm lắm. Từ khi hành lang bị dẹp bỏ, chị ấy cũng bị lấy luôn miếng cơm, đành đi bán vé số. Hai đứa con vì không có tiền gửi trẻ nên chị ấy đành dắt chúng đi cùng. Ba mẹ con bán cả ngày may mắn được 100 nghìn trang trải thức ăn trong ngày cho cả gia đình.
Hai đứa trẻ cả ngày đi cùng mẹ nhưng ít khi có sữa uống lắm. Nhiều lúc đi qua, thấy tội nghiệp, tôi mua cho hộp sữa là chúng mừng lắm. Gia đình đã khó khăn, giờ lại thêm thằng con trai bị tai nạn nguy kịch, không biết vợ chồng cô ấy sẽ xoay sở như thế nào?”, chị Hoàng Minh Thu (hàng xóm chị Sóm) thở dài chia sẻ.
Từ ngày con trai gặp nạn, hai vợ chồng chị Sóm phải nghỉ việc để túc trực bên con trai. Thời gian điều trị dài, những đồng tiền vay mượn đã cạn nên chị Sóm tiếp tục dẫn hai con đi bán vé số kiếm tiền trang trải tiền ăn hàng ngày cho cả gia đình.
“Con tôi đã qua cơn nguy kịch nhưng bác sỹ vẫn chưa tiên đoán được đến bao giờ mới có thể bình phục để trở về. Mấy hôm nay hết thuốc mà không còn khả năng vay mượn, tôi đành đi từng phòng bệnh, xin người bố thí một ít để có tiền mua thuốc cho con. Cũng may họ hiểu hoàn cảnh, người cho dăm chục, vài trăm”.
Hàng ngày, chị dẫn hai con gái đi bán vé số. Người chồng ở bệnh viện túc trực con trai. Đến buổi chị lại trở về bệnh viện lo ăn uống cho cả gia đình. Tối đến, họ trải chiếc chiếu nhỏ ngay hành lang bệnh viện để nghỉ ngơi. Hai đứa con chị tỏ ra là những đứa trẻ an phận, rất ngoan, suốt ngày theo mẹ qua từng con phố, ngõ hẻm nhưng không hề quấy khóc. Tối đến, cứ ăn no lại lăn ra ngủ.
“Để cứu con, tôi sẵn sàng ngửa tay xin tiền người ta. Nhìn con từng ngày nằm đó, gồng mình chống chọi nỗi đau mà lòng tôi đau như cắt. Chỉ mong con nhanh chóng bình phục để trở về với gia đình”, gạt nước mắt, chị Sóm nghẹn lời.
Theo emdep