Giáo lý nhà Phật lý giải: Vì sao khi đứng trước Phật đài chúng ta lại phải vái 3 vái
Đến chùa bái Phật là một việc hết sức phổ biến hiện nay của người dân. Mỗi người khi đi chùa đều thắp hương và vái lạy trước tượng của đức Phật cầu xin để được khỏe mạnh và thăng quan phát tài cũng như tình duyên tốt đẹp hay thi cử đỗ đạt…
Việc lễ bái hay cúi lạy là một trong những nghi thức có thể xem là quan trọng nhất trong đời sống tâm linh của người Việt. Vái 3 vái lạy trước Phật đài để cầu mong sự bình an thanh thản, lạy trước tổ tiên tôn kính nhớ thương hay lạy trước thần thánh chứng giám lòng thành.
Tại sao luôn vái 3 vái trước Phật đài
Lúc đức Phật còn tại thế thì mỗi lần nghe pháp hay thưa thỉnh việc gì mọi chư Tăng thường hay chắp tay lạy ba lạy rồi thưa hỏi hoặc ngồi nghe pháp. Đức Phật mặc nhiên chấp nhận những cung cách này như là một tục lệ có từ lâu đời của xã hội Ấn Độ.
Tuy vậy Ngài cũng không hề đặt thành nghi thức bắt buộc lễ lạy mà để tùy nơi tâm mỗi đệ tử. Sau khi Phật Niết bàn vấn đề lễ nghi và sự tôn kính ấy vẫn luôn được duy trì trong các hàng đệ tử của Ngài. Sự lưu giữ hình thức ấy với mục đích là luôn xem đức Phật như còn tại thế. Chư Tăng mỗi khi tụng kinh hay ôn lại lời Ngài dạy đều phải mặc áo cà sa tức áo mầu hoại sắc trang nghiêm rồi cúi lạy Phật ba lạy. Hàng đệ tử tại gia cũng theo quý chư Tăng mà làm như thế.
Ý nghĩa vái 3 vái
Theo như Phật giáo để thể hiện tấm lòng tôn kính, ngưỡng mộ với Đức Phật con người sẽ chắp tay cũng như cúi đầu lạy sát đất trước tượng Ngài. Khi Phật giáo dần ăn sâu bén rễ vào trong đời sống người Việt thì nghi lễ lạy này dần truyền ra trong các dịp khác như lễ cúng ông bà tổ tiên hay các vị thần thánh. Ba vái tượng trưng cho lễ ba ngôi Tam Bảo. Một lạy nhớ ơn cũng như kính ngưỡng Đức Phật soi sáng và chỉ đường để chúng sinh thoát khỏi khổ đau luân hồi, tìm thấy an nhiên cực lạc. Hai lạy Pháp những lời vàng ý ngọc mà chính Phật truyền tụng lại, nguyện ý thực hiện mọi điều răn quý báu để hướng tới chân tâm, học Phật soi mình. Ba lạy Tăng dẫn dắt chúng sinh trên con đường tu đạo, giúp họ gần gũi cũng như thấu hiểu hơn với Phật pháp.Ngoài ra, Phật giáo cũng luôn nhấn mạnh về ý nghĩa vái 3 vái không chỉ lạy riêng Tam Bảo mà còn là lễ chính ba ngôi quý trong mỗi con người cũng như toàn thể chúng sinh. Đó là Phật pháp hay Thanh tịnh tính. Ai cũng đều có Phật tính sáng suốt, Pháp tính từ bi bình đẳng và Thanh tịnh tính hòa hợp. Cung dưỡng được những tính ấy chính là cách để học Phật và để tâm luôn hướng về Phật.
Về cung cách vái
Người Ấn Độ cũng như Trung Hoa đều có nhiều cách lễ vái khác nhau. Riêng Phật giáo Việt Nam thường lạy theo phương cách ngũ thể đầu địa có thể hiểu là làm thế nào cho hai tay, hai chân và cái đầu có thể chạm được mặt đất. Đây là một phương thức vái lạy tôn kính nhất trong tất cả các cung cách lễ lạy. Người Phật tử khi thực hiện lễ lạy phải đứng với tư thế ngay thẳng, hai chân khép sát vào nhau và bàn tay có thể chắp lại nhau cho khít theo thế hiệp chưởng tiêu biểu cho sự nhất tâm. Khi lạy Phật có một số người để hai tay trước ngực rồi lạy xuống. Cũng có người đưa tay lên trán rồi mới cúi lạy xuống theo phương cách ngũ thể đầu địa, tức là khi lạy phải quỳ sát xuống, ngửa lòng bàn tay ra như đang nâng hai chân Phật và cúi lưng xuống rồi đặt trán mình lên phía trên hai lòng bàn tay. Đối với phụ nữ, thường là qùy thẳng lưng rồi bát đầu lạy, chứ không đứng, vì hình thể đặc biệt của phụ nữ luôn khác so với nam giới nên thế đứng thẳng trông hơi lộ liễu.
Tại sao lại vái ba vái mà không phải hai hay bốn vái?
Có thể giải thích được 3 vái thứ nhất là để thể hiện cho tâm lễ kính Phật, thứ 2 như nguyện vọng mong muốn bản thân được giác ngộ và luôn hướng lên Phật và thứ 3 là trang nghiêm với lòng sám hối lỗi lầm của mình trước Phật. Cho nên chỉ nên vái 3 vái chứ đừng 2 hoặc 4 vái.
Như vậy ta có thể thấy rõ việc bái Phật không phải chỉ đơn thuần là hành động theo thói quen mỗi người mà quan trọng nhất là khi lạy vái luôn có sự thành tâm biết giữ cho thân tâm thanh tịnh, không mang tới thế sự hay suy nghĩ chuyện nhân sinh. Một lòng hướng về đấng tâm linh chỉ có như vậy mới mong sở cầu đắc sở nguyện, mọi sự hanh thông, thể hiện đúng tính chất và quy củ của lễ bái.