Chuyện Phật đời xưa: Uy lực của lòng từ bi
Chư Phật, Bồ Tát thường tu tập tâm từ bi, cho nên khi đối diện với những hoàn cảnh nguy nan thì có tâm từ ấy phát ra uy lực kỳ diệu để bảo vệ các ngài hoặc để cứu giúp chúng sanh. Trong kinh Đại Bát Niết-bàn, các quyển 15 và 16 có chép lại nhiều trường hợp linh diệu về uy lực của lòng từ bi, chúng tôi xin theo nội dung trong kinh mà lược kể lại dưới đây.
Có một lúc, Đề-bà-đạt-đa xúi giục vua A-xà-thế làm hại Như-lai. Lúc ấy, đức Phật cùng với các vị đệ tử đi khất thực vào thành Vương Xá. Vua A-xà-thế liền cho con voi dữ Hộ Tài uống rượu đến say cuồng rồi thả ra, muốn cho voi ấy làm hại Phật và các đệ tử.
Lúc đó, voi say hung dữ đạp chết rất nhiều người, máu đổ ra lênh láng khắp nơi, mùi máu bốc lên tanh nồng khắp nơi càng làm cho voi thêm hăng máu. Nó thấy những người ở gần Phật mặc áo màu đỏ, ngỡ là máu, liền hung hăng xông tới. Trong các đệ tử của Phật, những người chưa chứng thánh quả đều sợ chạy tứ tán, chỉ trừ ngài A-nan là không chạy.
Trong thành Vương Xá, tất cả nhân dân đều đồng thời kêu khóc, than vãn rằng: “Đáng buồn thay! Đáng buồn thay! Hôm nay đức Như Lai chắc phải chết mất! Tại sao chỉ trong một buổi mai mà Chánh giác phải tán hoại?”
Lúc ấy, Đề-bà-đạt-đa lấy làm vui vẻ, thốt lên rằng: “Sa-môn Cồ-đàm chết đi là phải lắm!. Từ nay trở đi, chắc chắn là ông ấy chẳng còn trên đời này nữa. Khoái thay! Sung sướng thay! Chủ ý của ta nay được toại nguyện!
Lúc ấy, đức Phật muốn hàng phục con voi say hung dữ Hộ Tài, liền nhập định từ bi, rồi duỗi tay ra chỉ nó. Tức thời, từ nơi năm ngón tay của Phật hiện ra năm con sư tử. Voi thấy vậy hoảng sợ, phủ phục ngay xuống đất nơi chân đức Phật.
Về sau, Phật dạy các đệ tử rằng: “Lúc ấy, ở năm ngón tay của Như Lai thật ra không có sư tử. Đó là sức thiện căn tu từ của Như Lai, khiến cho con voi ấy nhìn thấy như thế và chịu khuất phục.
Một lúc khác, khi Phật định nhập Niết-bàn, mới đi về phía thành Câu-thi-na. Được nửa đường, ngài nhìn thấy có năm trăm người lực sĩ đang dọn dẹp, quét tước đường sá. Ngay giữa đường có một hòn đá. Họ muốn dẹp hòn đá ấy, nhưng dùng hết sức mà không sao nhấc nổi. Lúc ấy, đức Phật lấy làm thương xót, tâm từ bi phát khởi mạnh mẽ. Liền đó, Phật dùng ngón chân cái hất hòn đá to ấy lên hư không, rồi đưa tay ra đón lấy, đặt nằm yên trong bàn tay mặt. Rồi ngài thổi cho đá ấy tan thành bụi, sau đó làm cho bụi ấy hợp trở lại thành hòn đá. Sức thần thông mầu nhiệm ấy khiến cho lòng kiêu ngạo của các lực sĩ ấy bị dứt sạch.
Khi ấy, Phật mới thuyết giảng cho họ nghe về những lẽ cốt yếu trong Phật pháp, khiến cho cả bọn họ đều phát tâm Bồ-đề, nguyện sẽ tinh tấn tu hành thành Phật.
Về sau, Phật dạy các đệ tử rằng: “Lúc ấy, thật ra Như Lai không hề lấy ngón chân cái mà hất hòn đá to lên hư không, đặt nó vào lòng bàn tay, thổi cho tan thành bụi, rồi làm cho hiệp lại như cũ. Nên biết rằng, đó là sức mạnh của lòng từ bi, khiến cho các lực sĩ đều nhìn thấy sự việc rõ ràng như vậy.”
Cũng vào thời Phật còn tại thế, ở miền nam Ấn Độ có một thành lớn tên là Thủ-ba-la. Trong thành có một trưởng giả tên là Lư-chí, làm Đạo chủ một chúng tu hành. Ông ta là một người đã từng làm rất nhiều việc thiện trong quá khứ, và đã từng được gặp rất nhiều đức Phật ra đời.
Trong thành Thủ-ba-la, tất cả nhân dân đều tin theo tà đạo, hết lòng phụng sự các thầy tu lõa thể của phái Ni-kiền.
Lúc ấy, vì muốn hóa độ cho trưởng giả Lư-chí và nhân dân trong thành Thủ-ba-la, đức Phật liền rời khỏi thành Vương Xá mà đến thành ấy.
Bọn lõa thể phái Ni-kiền khi nghe biết rằng đức Phật sắp đến thành Thủ-ba-la, liền nghĩ rằng: “Nếu sa môn Cồ-đàm đến đây, chắc hẳn nhân dân ở đây sẽ bỏ chúng ta mà tin theo ông ấy. Như vậy, họ sẽ không còn chu cấp, phụng sự chúng ta nữa. Chúng ta sẽ nghèo khó, thiếu thốn, làm sao có thể tự sinh sống được?”
Bọn Ni-kiền bèn cùng nhau phân tán ra khắp thành, rêu rao với nhân dân ở thành ấy rằng: “Sa-môn Cồ-đàm nay sắp đến đây. Nhưng sa môn ấy là người phụ rẫy cha mẹ, chạy đông chạy tây. Ông ta đến đâu thì khiến cho đất đai và lúa thóc ở đó mất mùa, nhân dân nghèo đói, chết chóc, dịch bệnh xâm hại, không thể giải cứu. Cồ-đàm là kẻ vô lại. Đi theo ông ta chỉ toàn là bọn La-sát, quỉ thần hung dữ. Những kẻ không cha không mẹ, cô đơn cùng quẫn mới đến với ông ta, hỏi han và chịu làm môn đồ của ông ta. Nhưng những điều mà ông ta có thể dạy, chẳng qua chỉ toàn là thuyết hư không. Ông ta đến nơi nào thì nơi ấy không bao giờ được an lạc.”
Những người dân trong thành nghe lời ấy thì đem lòng sợ sệt, liền đảnh lễ bọn Ni-kiền ấy mà bạch rằng: “Đại sư! Nay chúng tôi biết phải làm sao đây?”
Bọn Ni-kiền đáp: “Sa-môn Cồ-đàm tánh ưa thích rừng cây, suối chảy, nước trong. Ở ngoài thành, nơi nào có những cảnh vật ấy, nên phá huỷ hết đi. Các ngươi nên kéo nhau đi ra khỏi thành, đến những nơi có cây cối vườn rừng thì chặt đốn cho hết, đừng để lại chi cả. Còn những suối, giếng, ao nước thì nên trút phẩn dơ vào. Hãy đóng chặt các cửa thành, mỗi nơi đều sắp đặt binh khí nghiêm chỉnh, nơi vách thành nên phòng hộ, giữ gìn cho kiên cố. Nếu người ấy đi đến, đừng cho ai đi tới trước mặt ông ta. Các ngươi làm như thế thì sẽ được an ổn. Chúng ta cũng sẽ tìm mọi cách để làm cho ông Cồ-đàm ấy cứ theo đường cũ mà trở về.”
Nhân dân trong thành ấy nghe vậy rồi thảy đều cung kính, vâng lệnh thi hành. Họ bèn đốn chặt cây cối, làm ô uế các nguồn nước, rồi bố trí binh khí, cắt cử người tuần phòng và hộ vệ một cách nghiêm ngặt.
Khi ấy, đức Phật vừa đến thành Thủ-ba-la, thấy cây cối vườn rừng đều bị chặt phá tàn héo, lại có những người nghiêm bị binh khí đang phòng vệ ở các vách thành. Thấy cảnh hoang tàn như vậy, Phật lấy làm thương xót, liền mở lòng từ bi hướng về những cây cối bị chặt phá. Ngay khi ấy cây cối liền xanh tươi trở lại như cũ, lại còn nảy nở sinh sôi thêm nhiều cây chồi mới, um tùm rậm rạp. Những nguồn nước giếng, sông suối, ao hồ, thảy đều trở nên trong sạch, đầy tràn. Các vách thành bỗng hóa ra trong suốt như màu lưu ly, khiến cho từ bên trong thành nhân dân đều nhìn thấy đức Phật và đại chúng oai nghi rực rỡ. Rồi cửa thành tự nhiên mở rộng, không còn ai có thể ngăn cản được. Các món binh khí tự nhiên đều hóa thành những thứ hoa lá xinh đẹp, mềm mại.
Khi ấy, trưởng giả Lư-chí dẫn đầu tất cả nhân dân trong thành, cùng đến nơi Phật ngự. Đức Phật liền giảng cho họ nghe mọi lẽ cốt yếu trong Phật pháp, khiến cho tất cả mọi người đều phát tâm Bồ-đề, nguyện tu hành tinh tấn cho đến khi thành tựu quả Phật.
Về sau, Phật dạy các vị đệ tử rằng: “Lúc ấy, thật Như Lai chẳng hề biến hoá ra mọi thứ cây cối xanh tốt, nước sạch đầy tràn sông rạch ao hồ… Như Lai cũng chẳng có làm cho vách thành ấy hóa ra trong suốt như lưu ly, làm cho nhân dân được nhìn thấy Phật. Như Lai cũng chẳng có mở cửa thành, biến hóa đồ binh khí thành hoa lá. Nên biết rằng, đó đều do sức mạnh của lòng từ bi, khiến cho tất cả những người ấy thấy việc như vậy.”