Câu chuyện xót xa đằng sau chuyện người đàn ông và 9.000 ngôi mộ hài nhi ở Kon Tum
Lặng lẽ đi tìm những hài nhi bị chối bỏ đưa về chôn cất, khuyên những thiếu nữ mang thai giữ lại con mình…, đó là việc làm âm thầm của ông Lương Hòa suốt 8 năm qua.
Bao câu chuyện đầy nước mắt
Khi thăm nghĩa trang, ông Hòa thấy hương khói, bánh và hoa đặt trên phần mộ hài nhi nào, là nơi đó in nước mắt của những bà mẹ lầm lỡ tìm về. Bản năng làm mẹ, dù dứt máu mủ thế nào, nhưng sâu thẳm không nguôi ngoai những hài nhi mình mang nặng tháng ngày.
Quen ông Lương Hòa (52 tuổi, ở P.Thống Nhất, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cùng nhóm từ thiện “Bảo vệ sự sống” hơn một năm qua nhưng đến giờ ông mới cho tôi biết về những công việc của mình. Sáng hôm ấy, trời Tây nguyên se lạnh, ông đưa tôi lên trên ngọn đồi thoai thoải bên xã Chư Hreng, TP.Kon Tum. Xa xa trong sương sớm, một nghĩa trang hiện ra, các ngôi mộ xếp ngay ngắn theo từng hàng lối, sạch sẽ.
Đọc những tấm bia, tôi chợt se lòng khi thấy tất cả đều là hài nhi, trong đó “lớn tuổi” là các hài nhi có được 5 – 6 ngày hiện diện trên dương gian. Ông Hòa nói khẽ: Đây là nghĩa trang duy nhất của cả nước được chính quyền địa phương hỗ trợ hơn 2.000 m2 để chôn cất những hài nhi bất hạnh.
Hằng ngày, chú Phụng “đồng nhi” vẫn lặn lội khắp nơi để đón những đứa trẻ chưa một lần thấy ánh sáng mặt trời đã bị đoạn tuyệt sự sống về nghĩa trang Đồng Nhi (TP.Pleiku, Gia Lai), mái nhà của những linh hồn bị chối bỏ.
Trước ngôi mộ hài nhi tên Diệu Hiền, ông Hòa tự trách: Nếu theo dõi kỹ hơn, hài nhi này được cứu. Cách đây mấy năm, mẹ của hài nhi này đang học một trường nghề ở TP.Kon Tum, muốn bỏ thai nhi đã 4 tháng, ông Hòa tìm đến khuyên can. Cô gái có vẻ nghe lời nên ông yên tâm. Chừng 3 tháng sau ông Hòa được báo có hài nhi bị mẹ bỏ ở bệnh viện. Ông tìm đến, các y, bác sĩ nói bé sinh non trước 2 tháng, còn sống nhưng rất yếu. Sau 5 ngày cố gắng hết sức, bé qua đời. Xác minh mới biết, người mẹ sinh viên kia là “tác giả”.
Hơn 8 năm tìm và chôn cất hài nhi, không biết bao lần cõi lòng ông Hòa nhức nhối khi đọc những lá thư do các bà mẹ trẻ lầm lỡ để lại. Hầu hết họ đều thấy có lỗi khi chối bỏ con mình: người nói do nghèo, kẻ nói do cha mẹ không cho phép, oán trách “nửa kia” bạc bẽo… Lấy ra một bức thư viết trên giấy đã nhòe, ông Hòa đưa tôi đọc: “… mẹ xin lỗi vì không cho con làm một con người. Cầu mong con đầu thai kiếp sau vào những gia đình có điều kiện để sinh con và nuôi nấng con tốt hơn… Vì điều kiện mà mẹ buộc phải dứt tình máu mủ của mình”. “Đây là lá thư tôi nhặt được khi một cơ sở y tế gọi đến đưa về chôn cất. Rất nhiều lá thư kiểu này, nhưng giữ lại chỉ có vài bức thư thôi”, ông Hòa thổ lộ.
Những bà mẹ ấy rất dễ nhận ra. Khi thăm nghĩa trang, ông Hòa thấy hương khói, bánh và hoa đặt trên phần mộ hài nhi nào, là nơi đó in nước mắt của những bà mẹ lầm lỡ tìm về. Bản năng làm mẹ, dù dứt máu mủ thế nào, nhưng sâu thẳm không nguôi ngoai những hài nhi mình mang nặng tháng ngày.
“Tụi nhỏ đã xem mình như cha rồi !”
Bà Nguyễn Thị Hoài Ven, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kon Tum, xúc động: Nhóm thiện nguyện của ông Lương Hòa hoạt động rất có tâm, đầy nhân đạo. Công việc tìm hài nhi xấu số tử vong về chôn cất đã diễn ra nhiều năm nay, dù âm thầm nhưng ai đã biết thì rất ủng hộ. Hội Chữ thập đỏ tỉnh luôn khuyến khích và kết nối những hoạt động nhân đạo ấy để góp cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.
Chạng vạng tối đó, tôi theo chân ông Hòa đến thăm bé L.U.N (7 tuổi) ở làng Phương Quý, xã Vinh Quang, TP.Kon Tum, trong căn nhà tồi tàn không quá 20 m2 gồm 3 bà cháu. Thấy ông Hòa, bé N. đến trước mặt lễ phép: “Chào ngoại”.
Thì ra, từ ngày biết nói đến giờ bé N. đều gọi ông Hòa là ông ngoại. Bà ngoại bé N., bà N.T.A.T (60 tuổi), kể cách đây 7 năm, trong lúc bà đi làm thuê ở xa, để con gái bị tâm thần ở nhà đã bị kẻ xấu hãm hại rồi mang thai. Vì quá nghèo, nhiều lần bà T. định dẫn con gái đến bệnh viện để từ bỏ cái thai oan nghiệt nhưng được ông Hòa khuyên giải. Nhìn cháu N. đang hồn nhiên chơi đùa, bà T. rớm nước mắt: Ngày đó không có ông Hòa thì tui đã mất đứa cháu ngoại này rồi!
Ông Hòa có 2 ha đất ven sông Đăk Bla trồng rau quả. Ở đó có một căn nhà ông dựng lên và làm nơi ở của nhiều thiếu nữ có thai bị gia đình chối bỏ, ông Hòa đưa về nuôi đến khi sinh nở. Ông kể, ở xã Đăk Cấm có cô bé đang học cấp 3, lỡ mang thai nên mẹ cùng mấy chị em đưa đi phá.
Ông thuyết phục mãi mới giữ được thai trong bụng, nhưng vì cha của thiếu nữ kia khó tính nên đành tá túc trong căn nhà ấy. Hằng ngày ông Hòa nấu cơm, canh, cá cho cô bé ăn. Nhiều buổi sáng mang phở vào chưa đến nơi, thì cô bé nhắn tin: “Chú ơi, con thèm bún quá!”. Vậy là ông quay lại mua bún, mắt rưng rưng: “Tụi nhỏ đã xem mình như cha rồi!”.
Gần tết năm đó, ông Hòa khuyên thiếu nữ viết thư cho cha xin lỗi. Thiếu nữ cùng mẹ nói ổng còn rất giận. Ông Hòa khuyên: “Tui cũng làm cha, tui biết. Cứ viết thư đi!“. Người cha kia ban đầu không thèm để ý, nhưng lúc không có ai lại lén lấy thư đọc, khóc và cuối cùng đến nhà ông Hòa để đưa con gái về nhà sinh nở. Nay đứa bé đã 3 tuổi, được ông ngoại thương yêu nhất nhà.
Hay một gia đình tại P.Lê Lợi, vì đã hạ sinh 5 người con gái, khi nghe tin cái thai trong bụng tiếp tục là con gái, cả hai vợ chồng rất buồn và định đi phá thai. Ngay khi nghe tin, ông Hòa và nhóm “Bảo vệ sự sống” liền đến chia sẻ với gia đình. “Chúng tôi động viên gia đình hãy để cháu bé chào đời, nếu khó khăn, chúng tôi sẽ nuôi dưỡng đến khi nào cháu bé trưởng thành, khi ấy nếu muốn nhận lại thì chúng tôi sẵn sàng để bé về với gia đình. Nghe vậy, hai vợ chồng đã giữ lại cái thai và đồng ý để chúng tôi hỗ trợ nuôi bé. Đến nay, cháu bé rất xinh đẹp, kinh tế gia đình cũng đỡ hơn nên họ thường xuyên đến và cùng góp tiền để xây mộ cho những đứa bé xấu số”, anh Phong, một thành viên của nhóm “Bảo vệ sự sống”, chia sẻ.
Những nén nhang lặng lẽ
Đầu năm 2009, một lần tình cờ nghe câu chuyện về một nhóm người âm thầm tìm và chôn cất hài nhi, nhưng chỉ làm được 2 năm với 24 ngôi mộ rồi đành bỏ dở vì nhiều lý do, đã khiến ông Hòa day dứt rồi quyết tâm đi đến các trung tâm, các cơ sở nạo phá thai để tìm và xin những sinh linh xấu số về chôn cất, nhằm tiếp tục công việc thiện nguyện đó. Đến nay, ông đã chôn cất hơn 9.000 ngôi mộ hài nhi.
Tiếng lành đồn xa, sau này có thêm 6 – 7 người cùng tham gia. Vợ ông Hòa, ban đầu phản đối nhưng sau âm thầm giúp đỡ. Tại nghĩa trang hài nhi, những em bé đủ hình hài và những em chưa đủ hình hài, được ông Hòa phân ra chôn cất theo thứ tự, ngày tháng, thậm chí có cả tên ba, mẹ bất hạnh nào đó gửi gắm khi bỏ con mình đi.
Hỏi lấy kinh phí đâu để làm mộ, ông Hòa bảo xin các nhà hảo tâm. “Những khi xin không được thì tôi bỏ tiền túi ra, hay cả nhóm góp vào“, ông Hòa nói. 2 ha rau quả ông Hòa sản xuất rất phát triển, một phần lãi ông đưa cho vợ, còn lại ông góp vào làm mộ cho hài nhi, mua thức ăn cho những thiếu nữ đưa về sinh nở và làm nhiều việc từ thiện khác.
Theo TNO