Bước đường cùng của người mẹ chục năm “bế” con trai 35 tuổi vào Nam ra Bắc chữa bệnh

Tai nạn giao thông đã khiến anh Đỗ Hoàng Bảo Quốc (Buôn Yang Peh, xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) từ một người nhanh nhẹn, thông minh thành một người không biết gì. Thương con, 10 năm qua bà Võ Thị Liên (mẹ anh Quốc) chạy vạy tiền, bế con đi chữa trị.

Con không nhận ra mẹ

Không thể nắm tay cùng nhau chèo lái mái ẩm nhỏ đến đầu bạc răng long bởi chồng bà ra đi khi đem lòng yêu người phụ nữ khác. Cũng từ đó, bà Võ Thị Liên coi con trai Đỗ Hoàng Bảo Quốc, 35 tuổi, là động lực để sống trên đời. Nhưng, một lần nữa nước mắt bà lại chảy ngược, con trai bị bại não trong một vụ nạn giao thông khi trên đường dạy học về nhà.

Một buổi tối mùa Thu năm 2007, bà Liên nhận được cuộc điện thoại thông báo con trai bà bị tai nạn giao thông ở con đường gần làng. Nhận tin dữ, bà hốt hoảng chạy đến hiện trường vụ tai nạn nhưng không thấy ai ngoài con trai bà nằm bất tỉnh ở đó. Bà nhớ, lúc đó trên người con trai bà ngoài việc có máu chảy từ tai ra thì mọi bộ phận trên cơ thể hoàn toàn lành lặn.

Anh Quốc được đưa vào bệnh viện tỉnh Đắk Lắk cấp cứu ngay sau đó. Theo các bác sĩ thì anh bị chấn thương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não nên phải tiến hành phẫu thuật để cứu lấy sự sống. Sau đó, thì anh được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy để chữa trị.


10 năm qua, bà Liên đưa con từ Nam ra Bắc để chữa bệnh. Ảnh: Ngọc Thi

Tai nạn giao thông, một nỗi ám ảnh kinh hoàng với tất cả mọi người. Nhưng, từ trước đến nay, chưa bao giờ bà Liên nghĩ nó lại “ghé thăm” tổ ấm nhỏ của mình. Gần 2 chục ngày con trai bà hôn mê bất tỉnh, túc trực ở bên, người đàn bà ấy dặn mình mạnh mẽ, bà nắm chặt tay con cố gắng chặn những giọt nước luôn trực trào nơi khóe mi. Nhưng, dù tinh thần có rắn rỏi đi nữa bà cũng suy sụp hoàn toàn khi chứng kiến giây phút con trai tỉnh với ánh mắt vô hồn, chàng trai ấy không còn nhớ gì và cũng không biết ai là mẹ mình nữa.

Con trai bà mất hoàn toàn trí nhớ, não bị tổn thương nặng. Khi trao đổi, các bác sĩ bảo, đây là một ca khó, đòi hỏi gia đình phải bình tĩnh và cần thời gian để chữa trị. Có lẽ, không có câu từ nào có thể diễn tả được nỗi đau của người mẹ chứng kiến cậu con trai vốn thông minh, khôi ngô, hiểu biết giờ đây chỉ nằm một chỗ trên giường với đôi mắt nhìn mọi thứ lơ đãng, không cảm xúc.

“Tôi đã nghĩ hay 2 mẹ con uống thuốc ngủ rồi chết cho bớt khổ”

Anh Quốc là giáo viên dạy thể dục của trường cấp 2 ở xã. Theo bà Liên kể, anh rất năng động, giỏi thể dục thể thao. Ngoài giờ lên lớp, anh hăng hái tham gia các hoạt động của huyện. Chàng thanh niên ấy lẽ ra sẽ có một cuộc sống bình thường, lấy vợ, sinh con như bao người nếu như không gặp nạn.

Không còn chỗ cho những giọt nước mắt, từ ngày con gặp nạn bà bỏ hết mọi công việc ở nhà để đồng hành cùng con “chiến đấu” với bệnh tật. Anh Quốc đã trải qua hơn 10 lần phẫu thuật hộp sọ.

Anh Quốc trước đây lành lặn, khỏe mạnh, thông minh, nhanh nhẹn. Ảnh: Ngọc Thi

Sau một thời gian dài nằm tại bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, anh Quốc được chuyển về bệnh viên Y học Cổ truyền Đắk Lắk. Cũng bởi anh bị bại liệt chỉ nằm một chỗ nên việc ở chung với phòng bệnh với các bệnh nhân khác rất bất tiện. Chính vì vậy, bà Liên quyết định thuê trọ ở gần bệnh viện rồi nhờ bác sĩ đến thăm khám, chữa trị cho con.

Gần 4 năm hai mẹ con chung tay chữa bệnh nhưng sức khỏe anh Quốc vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Anh vẫn không thể đi lại. Sau đó, bà Liên được nhiều người mách nên quyết định đưa con ra Hà Nội chữa trị. Để có tiền đưa con ra Hà Nội bà Liên đã bán căn nhà duy nhất.

“Mẹ con tôi không còn gì cả, những cái gì bán được thì đã bán hết. Hôm qua, tôi vừa gọi điện về cho hàng xóm để bán tiếp chiếc xe máy để hai mẹ con lo tiền ăn. Bây giờ, về cũng không có nhà để ở nữa”, bà Liên nghẹn ngào.

Sau 2 năm điều trị tại bệnh viện Châm cứu Trung ương anh Quốc đã đi lại những bước chân đầu tiên. Nhưng, sau nhiều năm nằm một chỗ khớp háng của anh bị viêm. Vì vậy, khi anh tập đi chúng có biểu hiện đau nhức.

Ảnh internet

Các bác sĩ cho biết, để có thể đi lại, anh Quốc phải thay khớp háng. Chi phí dự tính khoảng 60 đến 90 triệu đồng. “Bây giờ, việc thay khớp háng là điều xa xỉ. Tôi chỉ mong tôi sẽ có tiền đóng viện phí để Quốc được ở đây thêm mấy tháng nữa, các bác sĩ tập luyện tay, chân để cháu cứng cáp hơn Tôi đã nghĩ đến đường cùng, nếu không có tiền về thì gọi điện về vay cậu em nuôi để lấy tiền xe về. Nhiều lúc tôi nghĩ hay là hai mẹ con uống một liều thuốc ngủ để kết liễu cuộc đời cho đỡ khổ. Đến bây giờ tôi không biết mình sẽ phải làm sao nữa.

Mỗi tháng cả tiền thuốc men, ăn uống mẹ phải có hơn 10 triệu đồng. Tôi ước con mình có thể đi lại để sau này về già tôi có chết đi thì nó vào trung tâm bảo trợ xã hội còn có người nuôi. Chứ tôi sợ không ai nhận chăm sóc một người liệt”, bà Liên cho biết.

10 năm, người mẹ tội nghiệp trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Tình thương con là động lực để bà sống trong cuộc đời này. Bà Liên bị hở van tim nên sức khỏe cũng không tốt. Bà bảo, bà đã hết thuốc mà không dám mua vì mấy trăm nghìn bà để dành để lo tiền ăn cho hai mẹ con.

Mỗi khi kể về hành trình chữa bệnh, kể về con trai bà Liên lại không kìm nổi nước mắt. Ảnh: Ngọc Thi

Anh Quốc dù đã đi được những bước đầu tiên nhưng vẫn sống như một đứa trẻ. Có lẽ tình hình sức khỏe sẽ tốt hơn nếu như anh được chữa trị thêm một thời gian nữa. Bây giờ, bà Liên bảo anh nói “cảm ơn” hay “xin chào” một vị khách nào đó thì anh làm theo. Mỗi lần đưa bắt lên nhìn con, bà Liên lại khóc khiến người ngoài chứng kiến cũng khó kìm lòng.

Mọi sự giúp đỡ chị bà Võ Thị Liên Mã số 313 – xin gửi về: Bà Võ Thị Liên, Buôn Yang Peh, xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

Theo gia đình và xã hội