Cao tăng vén màn bí ẩn về nhân loại ngày nay- Phần 3: Một niệm thiện ác định ra phúc họa đời người

Từ xưa đến nay, trong giới tu luyện lưu truyền rất nhiều câu chuyện về các vị Đạo sĩ hay cao tăng đắc Đạo. Họ đã khai mở công năng, chứng đắc thần thông, và nhìn thấy được rất nhiều điều mà người thường không thể thấy. Dưới đây là lời kể của một vị cao tăng như thế.

Trung tuần tháng 4/1993, tôi vân du đến Ngũ Đài Sơn, tỉnh Sơn Tây, nơi từng là đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát. Mục đích tôi đến Ngũ Đài Sơn là để thăm chùa Thanh Lương của Thiền tông. Nhưng hiện nay chùa miếu trên núi rất nhiều, tông phái mọc lên như rừng, Thiền tông, Mật tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông,… thảy đều có cả.

Buổi sáng hôm đó tôi khởi hành từ huyện thành Phồn Trĩ đi bộ lên trên Ngũ Đài Sơn. Với tốc độ của mình, tôi có thể hoàn thành lộ trình dưới 50 cây số này trước khi trời tối.

Ngũ Đài sơn, còn gọi là Thanh Lương sơn nằm trong địa phận huyện Ngũ Đài, địa cấp thị Hãn Châu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, là một trong tứ đại Phật giáo danh sơn tại Trung Quốc. Ảnh dẫn theo cnto.org

Nhưng, trên đường tôi đã gặp một chuyện làm lỡ dở hành trình.

Lúc đó là gần giữa trưa, khi hóa duyên tôi gặp một gia đình đang chuẩn bị mổ chó. Đó là một con chó màu vàng, nặng khoảng 20kg, bị trói chặt trên cây trông rất tội nghiệp. Đứng cạnh đó là một người đàn ông vạm vỡ khoảng 40 tuổi, còn con chó kia chính là kẻ đã hại chết ông ta vào đời trước.

Điều này rất rõ ràng: Đời trước tạo nghiệp nên đời này chuyển sinh thành súc vật để trả nợ, phải chịu một đao như thế mới có thể hóa giải hết oán thù. Thông thường những chuyện này tôi không muốn quản, bởi tôi hiểu rằng ân oán đời trước đã dẫn đến như vậy.

Tôi không quản, nhưng không có nghĩa là người khác cũng không quản. Khi người đàn ông vạm vỡ ấy treo ngược con chó lên, chuẩn bị giơ con dao đồ tể thì một bà lão xuất hiện. Bà lão ngỏ ý mua lại con chó với giá 100 đồng để nó khỏi phải chịu cái án giết mổ.

Nào ngờ người đàn ông đó sống chết cũng kiên quyết phải cắt tiết con chó này. Bà lão không bỏ cuộc nên đã nâng giá cả lên 200 đồng. Người đàn ông vẫn không động tâm, hơn nữa còn nói đây không phải là vấn đề tiền bạc, mà ông ta chỉ muốn giết nó để ăn nhậu, nếu không trong lòng sẽ khó chịu không yên.

Không còn cách nào khác, bà lão đành phải liên tục nâng giá lên hy vọng ông ta sẽ đổi ý. Cuối cùng khi mức giá lên đến 1.000 đồng thì ông ta mới chấp nhận tha cho nó.

Vào thời điểm ấy, 1000 đồng là con số không hề nhỏ. Trong toàn bộ quá trình bà lão giải cứu con chó, tôi nhìn thấy tấm lòng lương thiện của bà giống như ánh vàng kim lóe sáng.

Sau đó, bà lão dẫn con chó ra ngoài làng phóng sinh. Lúc này tôi đã ngăn lại, tôi nói rằng bà nên nuôi dưỡng nó cho đến khi nó chết mới thôi.

Tại sao? Bởi vì sinh mệnh của nó đáng lẽ đã kết thúc rồi, vận mệnh của nó chính là được an bài như vậy. Nhưng vì sự can thiệp của bà lão mà xảy ra thay đổi, như vậy bà cần phải chịu trách nhiệm với tiến trình sinh mệnh còn lại của nó. Nếu không, bất kỳ nghiệp tội nào mà con chó tạo ra sau đó đều sẽ tính lên thân của bà. Ví như, con chó cắn người, ăn trộm đồ của người khác, hoặc làm tổn hại những loài vật khác, những nghiệp tội này đều sẽ ghi lên thân bà lão.

Có câu nói rằng làm việc tốt thì cần làm đến cùng, “tiễn Phật tiễn đến tận Tây Thiên”.

Người bình thường rất khó lý giải hàm nghĩa chân chính trong câu nói ấy. Đây thực ra là, các vị làm việc tốt thì cần phải làm đến nơi đến chốn, phải có trách nhiệm tới tận cùng. Nếu các vị chỉ làm một nửa rồi không quản nữa, rất có khả năng việc đó sẽ trở thành chuyện xấu, từ đó mà tăng thêm tội nghiệp của các vị.

Hiện nay có rất nhiều người tự cho là tín Phật, mỗi năm làm phóng sinh, nói là tích công đức được phúc báo — tôi thấy rất khó. Tại sao? Ví như có người thả con cá lóc vào hồ để phóng sinh, anh ta nói mình đã tích công đức rồi. Tôi nói anh ta dẫu tích chút công đức, nhưng sau đó những nghiệp tội mang đến có thể còn lớn hơn. Các vị thử nghĩ xem, con cá lóc đó sẽ ăn sạch cá nhỏ trong hồ, so với việc thả hổ về rừng nào có khác gì đâu?

Nhiều người có thể thắc mắc: Nếu sinh mệnh của con chó kia đã chấm hết rồi, thì cớ sao sau khi được bà lão cứu nó lại không ngã lăn ra mà chết ngay đi? Phàm là những sự tình như vậy, Thần vì để bảo vệ thiện niệm của con người nên sẽ kéo dài một đoạn thời gian sống cho con chó, nhưng không quá dài. Nếu không, vừa cứu một sinh mệnh thoát khỏi lưỡi đao, nháy mắt một cái nó đã lăn ra chết, thử hỏi còn ai có nguyện ý làm việc tốt nữa đây?

Về sau bà lão nghe theo lời kiến nghị của tôi, dẫn con chó về nhà nuôi dưỡng. Một việc thiện này của bà lão có thể nói là công đức vô lượng. Thông qua nỗ lực và phó xuất, bà đã thiện giải một đoạn oan nghiệt, giảm đi một trường giết chóc. Đây chính là Phật tính lóe sáng, là mặt đáng quý nhất của con người.

Thiện giải một đoạn oan nghiệt, giảm đi một trường giết chóc. Đây chính là Phật tính lóe sáng. Ảnh dẫn theo soundcloud.com

***

Lời bàn:

Nhờ thiện niệm trong tâm, bà lão không chỉ giải cứu một sinh mệnh mà còn tích vô lượng công đức cho chính mình. Nhưng đáng tiếc là, không phải ai ai cũng giữ được tấm lòng lương thiện như bà lão ấy.

Và hãy thử nghĩ xem, có phải con người hiện đại ngày càng trở nên thờ ơ, ngày càng lãnh cảm hay không? Có người vì lợi ích cá nhân mà không ngại thoả hiệp với cái ác, cũng có người vì để bảo vệ bản thân mà sẵn sàng im lặng cho cái ác hoành hành.

Khi chứng kiến những sự việc đại thiện đại ác, họ lại tránh né không dám lên tiếng bảo vệ cho những người vô tội.

Hoặc khi có người nói với họ những lời chính nghĩa, kêu gọi họ hãy thức tỉnh lương tri, hãy bảo vệ người vô tội, thì họ lại buông ra những lời khiếm nhã và quay mặt đi một cách lạnh lùng.

Chỉ một thái độ này thôi đã đủ để phơi bày mặt thiện và ác trong tâm mỗi người. Kỳ thực, lựa chọn đứng về Thiện hay Ác chỉ khác nhau ở một niệm, nhưng lại quyết định phúc báo của mỗi người…

(Theo lời kể của vị cao tăng vân du)

Theo Daikynguyenvn