Cao tăng đúc chuông thần, vì sao chỉ thiếu một cây trâm gỗ mà không thể trừ được tà?

Để trừ dứt nạn ôn dịch của cả vùng Ngữ Trấn, các vị cao tăng đã đúc một quả chuông thần. Chuông được đúc bằng đồng, nhưng chỉ vì thiếu một cây trâm gỗ mà không thể xua đuổi dịch tà, vì sao lại như vậy?

Vào năm Vạn Lịch triều Minh, ở vùng Ngữ Trấn tỉnh Hà Nam đã xảy ra một trận ôn dịch khủng khiếp. Rất nhiều gia đình rơi vào cảnh sinh ly tử biệt, một không khí ảm đạm tang thương bao trùm khắp các thôn làng.

Trong vùng có một ngôi chùa thiêng tên là Tế Vũ. Vị sư trụ trì là phương trượng Cự Nhiên đã nhiều lần rơi nước mắt khi chứng kiến thảm cảnh của người dân Ngữ Trấn khi ấy. Ông bèn quỳ trước tượng Phật nơi đại điện và cầu khẩn rằng: “Con xin phát nguyện đúc một quả chuông lớn để làm thần khí xua đuổi dịch tà, trả lại cho chúng dân một bầu trời quang đãng”.

Sau đó, ông truyền gọi hòa thượng Tăng Trực đến, dặn đi dặn lại rằng: “Nếu có người đến chùa bố thí, con nhất định phải dùng toàn bộ tài vật cúng dường ấy để đúc chuông, tuyệt đối không được dùng vào việc nào khác!”.

Dứt lời, phương trượng xuống núi hoá duyên, hẹn một ngày kia sẽ quay trở về.

Ảnh minh họa theo Tinhhoa.net

Cách chùa Tế Vũ 40 dặm đường có một quả phụ tên là Lộc nương. Chồng nàng đã qua đời trong đợt dịch bệnh này, bỏ lại nàng và đứa con thơ chưa đầy 1 tuổi.

Khi còn sống, chồng của Lộc nương là một thợ thủ công lành nghề, anh từng tận tay làm tặng nàng một cây trâm gỗ, trên đó có khắc đôi chim uyên ương mà khi nhìn vào, người ta có cảm giác như đôi chim đang tung cánh bay lượn giữa bầu trời. Vì chiếc trâm gỗ là kỷ vật duy nhất còn lại của chồng, nên Lộc nương luôn mang nó theo mình như một báu vật vô giá.

Sau khi chồng qua đời không lâu, con trai của Lộc nương cũng lâm bệnh nặng, tưởng chừng như vô phương cứu chữa. Lộc nương lòng tan nát, nàng chỉ trách mình không thể ngã bệnh thay con.

Quá tuyệt vọng, nàng bế con tìm đến chùa Tế Vũ để cầu Thần Phật độ trì cho huyết mạch duy nhất của tổ tông. Nàng đã phải bồng con đi bộ hơn 40 dặm đường, cứ qua một chặng nàng lại hướng về phía chùa mà quỳ lạy ba cái. Đôi giày dưới chân nàng đã sờn rách, hai bàn chân nhỏ nhắn cũng bị chảy máu, một màu đỏ loang lổ trên đôi giày vải thêu.

Khi đến chùa Tế Vũ, nàng thấy rất nhiều người đều đang quyên góp, người thì góp tiền, người thì quyên bạc, người lại mang đến chùa những vật dụng bằng đồng. Hỏi ra, nàng mới biết đây là đồ cúng dường để đúc chuông thần.

Lộc nương cũng muốn quyên góp, nhưng khi lục tìm khắp người, nàng chẳng có nấy một vật nào đáng giá ngoài cây trâm bằng gỗ. Toàn thân nàng run lên, hai mắt ứa lệ nhìn đứa con bé bỏng trong lòng. Rồi nàng mỉm cười và thả cây trâm gỗ vào trong thùng quyên góp.

Buổi tối hôm ấy, khi điểm lại số ngân lượng được bố thí, hòa thượng Tăng Trực nhìn thấy cây trâm gỗ nằm lẫn giữa các đồng vàng đồng bạc trong thùng. Ông không nghĩ ngợi gì thêm mà chỉ tiện tay ném cây trâm gỗ này đi.

Không lâu sau, khi phương trượng Cự Nhiên trở về chùa, ông đem toàn bộ số ngân lượng bố thí dùng vào việc đúc chuông. Một quả chuông lớn rất mau chóng đã được làm xong, nhưng chính giữa thân chuông lại có một lỗ hổng nhỏ, nếu nhìn kỹ sẽ thấy nó rất giống hình dạng của cây trâm cài tóc, đồ trang sức mà phụ nữ vẫn hay dùng. Điều này quả thật là kỳ lạ.

Khi gõ vào, chuông chỉ phát ra âm thanh “beng, beng, beng” trầm đục, tiếng chuông như vậy làm sao có thể xua đuổi dịch tà đây?

Phương trượng Cự Nhiên nói: “Hãy gỡ chiếc chuông này xuống rồi đúc lại!”. Nhưng chiếc chuông mới đúc vẫn kêu “beng, beng” như lúc trước, liên tục ba lần đều như vậy. Chuyện kỳ lạ gì đang xảy ra thế này? Phải chăng bên trong có bí ẩn nào đây?

Lúc ấy, hòa thượng Tăng Trực mới sực nhớ lại, ông vội khấu đầu tạ lỗi với phương trượng Cự Nhiên: “Thưa sư phụ, là lỗi của bần tăng. Nguyên là có một nữ thí chủ đã bố thí cây trâm gỗ, con thấy chẳng ích gì nên đã vứt nó đi rồi”.

Phương trượng Cự Nhiên giật nảy mình, ông lần lần tràng hạt niệm Phật rồi nói liên hồi rằng: “Tội lỗi, tội lỗi, thứ mà con vứt đi chính là thiện tâm của người ta đó!”.

Hòa thượng Tăng Trực vô cùng hối hận, ông vội vào phòng tìm lại cây trâm gỗ đó, nhưng mãi cho đến khi trời đã tối mịt ông vẫn không tìm được. Quá mệt mỏi, ông ngủ thiếp đi dưới chân tượng Phật, và trong mộng mị, ông nhìn thấy một cây trâm gỗ phát ra thứ ánh sáng vàng rực chiếu rọi cả thiền phòng…

Ngày hôm sau, phương trượng Cự Nhiên lập đàn sám hối trước tượng Phật. Khi bước ra ngoài đại điện nơi đặt quả chuông, ông vô cùng kinh ngạc phát hiện rằng lỗ hổng hình cây trâm cài đầu đã được vá lại tự lúc nào. Lại gõ vào chuông một hồi, “boong…boong… boong”, một thứ âm thanh thật mạnh mẽ hùng hồn ngân lên.

Tiếng chuông vang vẳng trên không trung làm chấn động khắp vùng Ngữ Trấn. Trong phút chốc, ánh bình minh dâng lên xua tan bầu trời u ám, cả một vùng đắm mình trong ánh sáng chói lọi của Phật Pháp diệu kỳ…

Trong dân gian vẫn thường có câu nói rằng: ‘Nghèo khổ mà bố thí được là khó’, và đó là cái khó lớn nhất của đời người. Một người khi rơi vào hoàn cảnh khốn cùng mà vẫn có thể quên đi nỗi đau của mình để thiện đãi thế nhân, vậy thì thiện tâm ấy sẽ làm cảm động đất trời.

Bởi vậy, không phải cây trâm gỗ mà chính tấm lòng chân thành của Lộc nương đã giúp quả chuông đồng có được sức mạnh thần kỳ. Vậy nên, câu nói rằng “bố thí cốt ở tấm lòng” là có ý như vậy.

Theo Daikynguyenvn