Cạn lời với bài văn tả con chó “bá đạo”: Học sinh cạn ý, cô giáo… cạn lời…

Một số cho rằng em học sinh quá chân thực, tuy nhiên một phần lại cho rằng đề bài bó buộc và khô cứng…về việc tả con chó

Theo đó, đề bài tập làm văn yêu cầu học sinh “Tả con chó nhà em”. Học sinh này trả lời trong bài làm của mình nội dung khiến nhiều người phải… té ngửa: “Nhà em không nuôi chó, Chừng nào nhà em nuôi chó thì em sẽ tả”.

Trong chúng ta ai chẳng có một thời trải nghiệm những đề văn kiểu này, ai chẳng phải thuộc nằm lòng một số công thức văn miêu tả để đối phó, thường được gọi là “văn mẫu”. Chỉ có điều chắc chẳng mấy ai dám thẳng thắn… thú nhận như em học sinh kia thôi. Cứ thử đi chệch các “công thức truyền thống” xem, điểm kém như chơi.

Ví dụ, học văn thời chúng tôi, tả bà thì nhất nhất phải tóc trắng, bỏm bẻm nhai trầu, nụ cười đôn hậu… Chẳng rõ đến giờ, với thế hệ các bà nội – ngoại không ít người rất sành điệu tóc nhuộm, mặc váy thì “văn mẫu” có gì thay đổi?

bai-van-gay-sot
Bài văn tả con chó gây sốt

Bạn đọc Yến Hòa (Hưng Yên) cho rằng, đề bài ra chưa thực sự hấp dẫn, gợi mở cho các em học sinh. Lẽ ra cô giáo có thể ra đề “Em hãy tả con vật mà em yêu thích” hoặc “em hãy tả một con chó mà em từng thấy và yêu thích” sẽ thu hút tưởng tượng của học sinh hơn. Đề văn yêu cầu tả con chó nhà em song nhà em không nuôi chó thì em không tả được là đúng rồi.

Quay lại đề bài “tả con chó”, dường như chúng ta đã quá quen thuộc với những đề văn kiểu này đến mức hiếm khi tự hỏi lại: sao cứ nhất nhất là “của nhà em”: chó nhà em, mèo nhà em, cây cau nhà em, cây mít nhà em… Từ trong tư duy của việc ra đề đã cứng nhắc mặc định “nhà em” quyết phải có những thứ đó. Vậy nếu “nhà em” không có, em sẽ đành thỏa hiệp và cả nói dối bằng cách bịa ra cho có?

Văn mẫu bó hẹp trí tưởng tượng, làm thui chột khả năng sáng tạo, thiếu tôn trọng sự khác biệt… của học sinh ra sao có lẽ chúng ta đã nói nhiều. Dù rằng không vì thế mà sự lạc hậu trong cách dạy và học môn văn đã được khắc phục như kỳ vọng.

Trong khi đó, bạn đọc Mai Thu Hà (Hà Nội) cho rằng: ‘Giáo viên nên có cách nhận xét khéo léo và linh động hơn với những bài văn kiểu như vậy của học sinh. Thay vì cách phê bình khiến học sinh có thể bị “thui chột” cảm xúc, bị tổn thương, cô giáo có thể gợi ý cho trẻ không nhất thiết phải tả con chó của nhà mình, có thể tả con chó của nhà hàng xóm hoặc bất kỳ con chó nào em từng nhìn thấy”. Sự tôn trọng ý nghĩ của học sinh, hướng dẫn, chỉ bảo các em một cách thân thương, nhẹ nhàng đúng sai sẽ giúp các em khôn lớn. Đây cũng là cách giáo dục trẻ, tâm hồn trẻ để trẻ có các bài văn dễ thương, cảm động.