Khi lòng người không có đạo, thế gian sẽ phải chịu cơn thịnh nộ của trời
Nếu con người đánh mất đi chữ đạo, thì việc ác nào cũng sẽ làm. Thế nhưng, hành động tàn nhẫn ấy liệu có được trời đất dung thứ? Vẫn thường có câu : “nhân quả đến muộn”, cuối cùng cũng sẽ là tận diệt…
Thế Tông Sài Vinh nhà Hậu Chu diệt Phật họa đến con cháu
Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh hùng tài đại lược được khen ngợi là “đệ nhất minh quân” thời Ngũ Đại (thế kỷ 10). Ông đã cải cách toàn diện, mở mang bờ cõi, đánh đâu thắng đó, nhưng lại chết ở tuổi tráng niên khi chỉ mới 39 tuổi, mãi đến hôm nay vẫn khiến cho người ta ngậm ngùi tiếc nuối.
Sài Vinh đoản mệnh, nhìn thì thấy giống như là ngẫu nhiên nhưng lại không ngẫu nhiên chút nào. Chúng ta hãy thử lật giở lại những ghi chép trong chính sử để hiểu được nguồn cơn.
Năm thứ hai sau khi lên ngôi, tháng 5/955, Sài Vinh đã hạ chiếu phá hủy chùa chiền. Chùa miếu Phật Pháp trong nước, ngoài những ngôi chùa có bút tích của hoàng đế có thể được giữ lại ra, mỗi huyện chỉ còn có một ngôi chùa, còn lại đều bị hủy hết.
Cả nước tổng cộng đã phá bỏ 30.360 ngôi chùa, hủy tượng Phật đúc tiền, gần 1 triệu tăng ni bị ép phải hoàn tục.
Vào những năm Phật Pháp hưng thịnh đó, rất nhiều người không dám ra tay phá hủy tượng Phật. Sài Vinh ngang nhiên nói: “Phật là Phật, tượng là tượng. Phật ngay cả thịt, mắt cũng đều có thể bố thí, đập tượng Phật đúc tiền, Phật cũng sẽ đồng ý thôi”.
Chùa Đại Bi ở Trấn Châu (huyện Chánh Định, thị trấn Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc ngày nay) có một bức tượng Quán Âm Bồ Tát bằng đồng lớn rất linh thiêng. Những người đi đập tượng Phật đều tự chém đứt cổ tay mà chết, không người nào dám hạ thủ.
Sài Vinh đích thân bước lên, dùng cây rìu lớn đập vào ngực của tượng Bồ Tát, đích thân phát động cuộc vận động diệt Phật. Về sau, Sài Vinh hỏi Vương Phác là người tinh thông thuật số: “Trẫm có thể sống được mấy năm?”.
Vương Phác trả lời: “Sau năm 30 thì không biết được”. Sài Vinh hiểu sai rằng còn có thể sống đến năm trị vì thứ 30, nên rất vui mừng. Nhưng lời của Vương Phác lại có ngụ ý khác, Sài Vinh tại vị 5 năm 6 tháng, năm lần sáu vừa khéo lại là số 30.
Năm 959, Sài Vinh muốn thu phục 16 châu ở Yên Nam, thống lĩnh đại quân, tiến đánh U Châu. Khi xa giá đến quan Ngõa Kiều, Sài Vinh đứng ở trên cao nhìn xuống, nghe người dân nói nơi này gọi là “Bệnh Long Đài” (“bệnh long” ý là rồng bệnh), thì lập tức lên ngựa quay trở về.
Ngay đêm hôm đó phần ngực ông bị lở loét. Không lâu sau vết loét trên ngực của Sài Vinh lan rộng thối rữa mà chết. Mọi người lúc đó đều truyền tai nhau rằng đây là quả báo chém vào ngực của tượng Phật. Con trai 5 tuổi của Sài Vinh lên ngôi không được một năm, đã bị thống soái Triệu Khuông Dẫn đoạt mất giang sơn, rơi vào cảnh nước mất nhà tan.
Có thể thấy, cái chết của Sài Vinh không hề vô duyên vô cớ, tất cả là do bản thân ông ta gieo nhân ác mà thành. Đây chính là lời cảnh tỉnh của thiên thượng đối với con người thế gian, thế nhưng người đời lại cho là ngẫu nhiên, đều không muốn nghe, không muốn hiểu.
Nhân quả trên đời chính là điều công bằng nhất, dù là ai hành ác đều phải chịu báo ứng tương xứng. Một người làm chuyện bất nhân bất nghĩa, thì tất nhiên đời sau phải chịu khổ nạn để hoàn trả. Thế nhưng, khi tiêu chuẩn đạo đức của cả xã hội trở nên không còn tốt, lòng người không còn có đạo đức để tự ước thúc bản thân, thì nhân loại đã ở trong tình cảnh nguy hiểm cực kỳ.
Lịch sử nhân loại chính là vở kịch được lặp lại, và những gì từng xảy ra trong quá khứ khiến cho chúng ta không thể không tự suy xét lại.
Con tàu Noah huyền thoại
Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe về con tàu Noah đã giúp con người vượt qua cơn đại hồng thủy trong Kinh Thánh ra sao. Đối với những người theo đạo Thiên Chúa và những ai đã từng đọc Kinh Thánh thì hẳn đã biết ngọn ngành về truyền thuyết này.
Theo ghi chép trong Kinh Thánh, thủy tổ của loài người là Adam và Eva vì vi phạm luật trời nên bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng. Sau đó, họ tới mặt đất, sinh sôi nảy nở đời này nối tiếp đời kia làm con người tràn đầy khắp thế giới. Thế nhưng theo đó tội ác của họ cũng ngày một ngập tràn.
Vào một ngày kia, khi chứng kiến những tội ác mà con người gây ra, Thượng đế cảm thấy tức giận và hối hận vì đã tạo ra loài người. Ngài đã quyết định sẽ tạo ra một cơn đại hồng thuỷ để quét sạch hết thảy những mầm mống của tội ác.
Lúc bấy giờ, ở trên mặt đất, có một người tên Noah lòng dạ ngay thẳng. Thượng đế không nỡ giết hại nên đã báo mộng cho ông biết trước. Ngài khuyên bảo Noah hãy đóng một chiếc thuyền thật lớn để có thể chứa được tất cả những người thân trong gia đình cùng tất cả mọi loài động vật, nhưng mỗi loài chỉ được mang theo 1 cặp.
Nghe theo lời Thượng đế, Noah đã đóng một chiếc thuyền khổng lồ, dài 150m, rộng 23m, cao 13,6m, chia làm 3 tầng, rồi đưa tất cả các loài động vật lên đó, mỗi loài chỉ có 1 cặp y như lời Thượng đế nói. Ngay khi Noah cùng gia đình mình lên thuyền thì cũng là lúc cơn đại hồng thuỷ ập đến.
Quả nhiên, nguồn nước ở vực sâu nứt ra, tràn ngập khắp nơi, một cơn mưa lớn và dữ dội kéo dài suốt 40 ngày đêm. Thượng đế đã trừng phạt loài người, mọi tội ác cùng với sự sống bị tiêu diệt, trừ những sinh vật trên tàu Noah. Noah và các loài động vật ở trên thuyền 150 ngày, cuối cùng con tàu thả neo ở Ararat (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ).
Sau khi trận lụt kinh hoàng, nước rút dần khỏi mặt đất, Noah thả một con chim bồ câu bay đi xem tình hình bên ngoài. Lần thứ nhất, con bồ câu không tìm được chỗ đậu chân vì nước chưa rút, nên nó lại bay về tàu. Bảy ngày sau, con bồ câu lại được thả ra lần nữa, lần này nó bay trở về, trên mỏ ngậm cành lá ô liu tươi.
Ông Noah biết là nước đã rút xuống, mặt đất đã yên bình vì Thiên Chúa đã thôi cơn thịnh nộ. Ông tiếp tục thả con bồ câu ra, lần này nó bay đi không quay trở về nữa. Ngày nay, gắn với chiếc tàu Noah này hình ảnh chim bồ câu ngậm cành lá ô liu là biểu tượng của hòa bình.
Và thế là Noah đã đưa tất cả loài động vật ra khỏi thuyền, trở lại mặt đất. Thượng đế đã lập một giao ước với Noah và răn đe loài người rằng: “Các người hãy sinh sôi nảy nở để trám đầy mặt đất, nhưng nhớ rằng hễ các người còn tàn ác, và máu người khác vẫn còn chảy thì máu của các người cũng sẽ phải chảy”.
Mắt sư tử đá biến thành màu đỏ
Trước đây, ở một ngôi làng nọ, đạo đức của người dân đã trở nên vô cùng xấu xa và bại hoại. Tất cả mọi người đã không còn ai tin vào Thần Phật, nhân quả. Vì vậy họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì họ muốn để chiếm được lợi ích kể cả là những việc tàn ác nhất, giết người hại mệnh.
Khi Thần Phật thấy con người đã quá xấu như vậy liền muốn tiêu hủy ngôi làng này. Nhưng Địa Tạng Vương Bồ Tát lúc ấy vì vẫn muốn cứu vớt những người lương thiện còn sót lại ở ngôi làng đó nên đã cho họ một cơ hội nữa.
Vị Bồ Tát liền hạ phàm, hóa thân thành một ông lão ăn mày nghèo khổ, rách rưới. Ông lão đi đến từng nhà gõ cửa để xin ăn nhưng không ai chịu cho ông thứ gì dù chỉ là một miếng cơm, cũng không có một nhà nào cúng thờ Phật cả.
Ông lão ăn mày đi đến cuối làng thì phát hiện thấy một bà lão đang sắp lễ, đốt hương cúng Phật. Ông bèn tiến đến trước cửa nhà bà lão để xin ăn. Bà lão thấy vậy nói: “Tôi chỉ còn một bát cơm này, nên sẽ chia cho ông một nửa, một nửa còn lại để bày đồ cúng thờ Phật!”.
Địa Tạng Vương Bồ Tát nhận thấy bà lão này rất thành kính với Phật, tâm địa lương thiện nên trước khi đi vào rừng đã chỉ tay vào đôi sư tử bằng đá đặt ở cổng làng và nói: “Khi nào bà nhìn thấy đôi mắt sư tử đá kia đỏ lên thì chính là lúc ngôi làng này sắp xảy ra lũ lụt lớn. Bà hãy chạy thật nhanh lên ngọn núi, bảo đảm sẽ được bình an!”.
Bà lão nghe thấy vậy vô cùng sửng sốt nhưng trong nháy mắt đã không thấy ông lão ăn mày đâu. Bà lập tức đem tin tức mà mình vừa nghe được nói cho tất cả mọi người trong thôn làng biết.
Bởi vì người trong làng đã không còn ai tin vào Thần Phật, nhân quả, nên kết quả là không một ai tin lời bà, thậm chí họ còn giễu cợt, châm chọc bà. Họ cùng nhau nói rằng: “Mắt của sư tử làm bằng đá, sao có thể biến thành màu đỏ được?”.
Một ngày nọ, mấy thanh niên chơi bời lêu lổng trong thôn muốn đùa giỡn và châm chọc bà lão nên đã dùng thuốc nhuộm đỏ rực mắt của con sư tử đá. Bà lão nhìn thấy mắt sư tử đá đã đỏ rực lên liền lo lắng hướng đến mọi người trong thôn mà hô to: “Chạy mau, sắp lụt rồi!”.
Mọi người trong thôn chứng kiến cảnh bà lão hớt hải như vậy, ai cũng ôm bụng cười sặc sụa. Bà lão thấy không ai tin lời mình nên một mực kêu to hơn, cuối cùng cũng vẫn không có ai nghe.
Bà đành chạy lên núi một mình. Liền ngay lúc đó, lũ bất ngờ từ đâu tràn đến. Bà lão vừa chạy vừa quay đầu nhìn lại chỉ thấy nước lớn dâng lên thật nhanh. Trong chốc lát toàn bộ ngôi làng đã chìm ngập trong biển nước mênh mông.
Khi đạo đức nhân loại bại hoại nghiêm trọng và trượt dốc quá xa khỏi bản tính thiện lương thuở đầu của mình thì ắt sẽ lĩnh chịu sự trừng phạt của Thần Phật.
Thần Phật rất từ bi nhưng cũng rất nghiêm khắc. Lòng từ bi có thể bao dung người tốt hoặc kẻ xấu đã hoàn lương. Còn những kẻ “thập ác bất xá” thì đối diện với họ chính là địa ngục đoạ đày, bể khổ vô biên, huỷ diệt triệt để.
Tuy nhiên, mỗi khi một đại tai nạn sắp ập tới, Thần Phật từ bi đều có những cách thức triển hiện, thông báo, điểm hoá khác nhau. Chỉ là con người có đủ ngộ tính và sự ăn năn để nhận ra không. Có thể được cứu vớt không, có thể tránh được sự huỷ diệt sinh mệnh hay không chính là từ một ý, một niệm của con người mà thành vậy.