Cha giết trâu, 3 con mất mạng: Quả báo kinh hoàng cho những đồ tể của làng mổ trâu lớn nhất Việt Nam
Ông bà ta có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Là một nước thuần nông, từ xa xưa, con trâu đã gắn bó mật thiết với đời sống nông nghiệp, với người nông dân. Nhưng ở đâu đó, người ta vẫn ngày ngày xẻ thịt, đưa chúng lên bàn nhậu bất chấp những quả báo kinh hoàng.
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta…
Những lời ca dao ấy đã in sâu vào lòng người Việt, nhất là những người nông dân chất phác quanh năm gắn bó với nghiệp cấy cày mà “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Hàng ngàn năm qua, con trâu đã trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước, là đầu cơ nghiệp và là người bạn son sắt.
Tạm rời xa khu phồn hoa đô thị để đặt chân về với những miền quê chân chất thẳng cánh cò bay, ta không lạ gì với cảnh con trẻ vui đùa trên lưng trâu, với cảnh ‘con trâu đi trước cái cày theo sau’ của bác nông dân lấm bùn… Vô tình hay hữu ý, trâu và người cùng vẽ nên một bức tranh đậm chất Việt
Thế nhưng, có những câu chuyện đau lòng xung quanh những chú trâu…
Chuyện của người làm nghề ‘lò mổ trâu’
Ông Hồ Xuân Đức ở Giang Xá, xã Đức Giang (Bắc Giang) có một người bạn thân thiết làm nghề mổ trâu – ông H. Ông H. được gọi là “ông ba toa” chuyên giết thịt trâu với một lò mổ cung ứng ra ngoài từ 1-3 con/ngày. Thừa hưởng nghề có tiếng từ ông cha, ông H. cũng ‘đắm đuối’ với nghề rồi dần dần trở nên có của ăn của để. Có lẽ vì thế mà sau bao lần ông Đức khuyên bạn bỏ nghề sát sinh này, ông H. cũng vẫn bỏ ngoài tai.
Cho đến một ngày cách đây chục năm, ông H. gặp phải chuyện thương tâm làm tất cả mọi người sững sờ. Hôm đó ông ngồi uống nước với mấy người bạn là cựu chiến binh trong làng tại đền Giang Xá. Vừa thắp nhang xong, uống thêm chén nước, rít điếu thuốc lào, bỗng nhiên ông kêu tức ngực, khó chịu trong người và bảo: “ Mấy ông ngồi đây, tôi về nghỉ tí”.
Nói rồi, ông H. lững thững đi về. Lát sau, vợ ông H. hớt hải chạy ra đền, mặt mũi xám ngoét: “Các bác vào nhà tôi xem thế nào, ông nhà tôi cứ làm sao ấy!”. Ông Đức chạy vào, thấy ông H. nằm bất động trên giường, lay không dậy, gọi không thưa. Lát sau, khi y tá đến thì ông H. co giật đùng đùng, rồi hộc máu tươi chết. Ông chết một lúc rồi, mà dòng máu tươi vẫn rỉ ra từ miệng. Nhìn cảnh ấy, ai cũng kinh hãi.
Không chỉ ông H, còn có những cái chết kinh hoàng với chi tiết hộc máu tươi ra đằng miệng của một số đồ tể nữa gây “sốc” cho bao người, con cháu ông H ngậm ngùi mà bỏ nghề.
Đồ tể giết trâu thì có nhiều song nói đến cả ngôi làng có truyền thống mổ trâu bò thì chỉ là thiểu số. Trong đó có một làng “đồ tể trâu” lâu đời nhất Việt Nam với cái tên Phúc Lâm (Hoàng Ninh, Việt Yên, Bắc Giang). Lịch sử của làng này có được 100 năm gắn với hai cái tên đầu tiên là ông cụ Chắt và ông cụ Đào. Từ sự phát triển của hai lò mổ, số lượng cứ thế tăng lên và lan rộng ra khắp làng. Từ thiểu số ít ỏi hộ dân làm nghề giết mổ gia súc cho tới con số 90%. Cả làng cứ thi nhau mổ xẻ, cung cấp thịt trâu cho các thành phố lớn nhỏ.
Vì đã được coi là nghề nên mọi hành động từ thu mua nguyên liệu đến việc giết thịt cho tới giao thương xuất hàng tất cả đều vô cùng chuyên nghiệp. Làng Phúc Lâm có cả một đội quân lái trâu, đi khắp đất nước, trong Nam ngoài Bắc xa gần xuôi ngược, thậm chí sang cả Lào, Campuchia, Thái Lan để thu mua rồi dồn hết lên xe tải chở về làng.
Đến công đoạn giết thịt vào mọi sáng sớm, cảnh tượng mổ trâu kỳ dị đến rùng rợn. Cả làng cứ đến 2 giờ sáng thì đông vui như một cái chợ, người ra vào, người dao búa, còn những chú trâu đang ngái ngủ ngơ ngác chỉ một lúc sau đã nằm trong vũng máu.
Hàng chục người vật lộn với đống bầy nhầy nội tạng, lòng mề, đầu, xương, chân, riêng các tảng thịt thì được đặt ngay ngắn một chỗ. Tới 4h sáng các thương buôn đã tới giúp thu gom sạch sẽ. Mỗi ngày có hàng trăm con trâu bị giết thịt như thế, cho dù chúng có rống lên gào thét lớn cỡ nào đi nữa thì số phận vẫn không thoát nổi lưỡi dao búa liềm của các đồ tể Phúc Lâm. Còn con người nơi đây cứ điềm nhiên tự vẽ lên bức tranh đẫm máu của nghề sát sinh này.
Quả báo sát sinh
Không ngẫu nhiên gì mà cả làng Phúc Lâm này cứ đến ngày rằm tháng 7 đều nô nức thi nhau lên chùa cúng bái, đốt vàng mã, giải hạn cho gia đình mình. Người ta cứ loay hoay với những điều bất hạnh, đau khổ với những cái chết đầy bí ẩn. Đặc biệt với những người trực tiếp mổ trâu thì có cả nhiều câu chuyện ai oán và đáng sợ.
Nhiều người bị trâu húc chết đã đành nhưng ở đây có cả những “cái chết gián tiếp”. Đó là câu chuyện của gia đình ông K – một gia đình đồ tể có tiếng trong làng. Mấy chục năm trong nghề giết trâu, mỗi ngày giết mổ từ 15-17 con , gia đình ông cứ phất lên giàu có nhất nhì làng. Ông có 5 đứa con, có đứa gắn bó với công việc này, có đứa không.
Một ngày trong chuỗi tháng năm ròng với nghề, gia đình vẫn thu nhận trâu về thịt từ chiếc xe tải, vẫn những chú trâu hiền ngơ ngác, nhưng hôm đó thì khác. Có một chú trâu trên xe bị vần mà không chịu xuống, hai chân nó quỳ xuống như phủ phục không rống lên, không giãy giụa mà nước mắt chảy dài.
Người làng Phúc Lâm tin rằng con trâu ấy có linh tính, có mang linh hồn và rất có thể kiếp trước của nó là con người nên khuyên không giết hại nó. Tuy nhiên, ông K lại không tin vào chuyện đó, không hề tin vào chuyện ‘báo oán’ của việc sát sinh nên lúc sau con trâu này cũng bị mang đi mổ. Và những điều kinh dị đã xảy đến với gia đình này…
Con trâu bị hạ sát vào tháng 2, thì đến tháng 4, người con trai của ông K, sinh năm 1968 tự dưng chết bất đắc kỳ tử. Điều lạ lùng là anh này không theo nghề mổ trâu của gia đình. Được ăn học tử tế, anh làm cán bộ khá to trên Hà Nội. Bình thường, anh này không có bệnh tật gì cả. Thế nhưng, một hôm, đang ngồi xem tivi trong nhà, anh đột nhiên anh kêu mệt nên vào giường ngủ. Nửa đêm, anh lên cơn co giật. Gia đình đã đưa đi viện, nhưng không cứu được.
Thời gian ngắn sau, một người con nữa của ông K. đột nhiên trở nên ốm yếu mặc dù trước đó anh này rất khỏe mạnh, mổ trâu nhanh thoăn thoắt, giỏi nhất nhà. Gia đình đưa đi khắp các bệnh viện điều trị mà bó tay và anh trút hơi thở cuối cùng sau đó. Vậy là, tin đồn bị “oan hồn” con trâu “báo oán” lại lan ra, khiến cả làng sợ hãi.
Đỉnh điểm của nỗi sợ hãi là cái chết của cô con gái út của ông K khi vẫn đang học đại học năm cuối ở Hà Nội. Gia đình giàu có, cô được đi học tử tế, không dính dáng gì đến công việc giết mổ trâu bò. Thế nhưng, hồi giữa năm 2012, trên đường từ Hà Nội về thăm nhà, đang lái xe máy, thì chiếc xe tải mất phanh đâm thẳng vào cô. Gia đình đến nhận xác con gái mà bàng hoàng khủng khiếp. Cô con gái út xinh đẹp, giỏi giang, mà giờ chỉ còn nhận ra qua chiếc áo ngoài.
Những sự việc trên xảy đến với gia đình khiến ông K không thể không tin vào chuyện nhân quả – báo ứng. Gia đình ông đã quyết định đoạn tuyệt với nghề sát sinh, thay vào đó, ông bà K thường xuyên đến chùa tụng kinh gõ mõ, cầu xin siêu thoát cho cả trâu và người.
Như một sự cảnh tỉnh, hàng trăm hộ dân Phúc Lâm bỏ nghề sát sinh, từ con số trên 500 hộ gia đình từng gắn bó với nghề giờ chỉ còn chưa đến 50 nhà; bởi lẽ họ không chỉ nhận ra rằng chẳng thể làm giàu bằng nghề đó mà còn thống thiết bùi ngùi tin câu đạo lý nhân sinh “hiện thế hiện báo, ác hữu ác báo”.
Câu chuyện khó tin: Thư sinh cứu trâu quỳ gối khóc thoát khỏi bị làm thịt và được phúc báo
Một thư sinh tên là Chu Khải đang trên đường dạy học trở về nhà thì gặp mưa nên vào trú tại một ngôi miếu nhỏ ven đường. Tình cờ đọc được hại tờ giấy ghi lại : “Quả báo của giết trâu (bò)” và “Qủa báo của ăn thịt trâu (bò)” lời lẽ rõ ràng, dễ hiểu mà thống thiết bi ai.
Lát sau không hẹn mà tới, Chu Khải lại gặp đúng Vu Quang Vũ – một thợ thịt trâu trong làng tại ngôi miếu. Một thư sinh bao năm không thi đậu tú tài, anh đang ngẫm lại chính mình, rồi hổ thẹn vì không biết bao nhiêu lần làm sai giáo huấn của tổ tiên họ Chu rằng không ăn thịt bò, thịt chó. Thế là Chu Khải bèn đi đến trước mặt tượng Thần, dập đầu chân thành cầu xin sự tha thứ.
Còn Vu Quang Vũ, ông ta đến để xin quẻ vì sợ bị lỗ vốn bởi mới mua một con trâu gầy nên muốn bán thịt. Sau khi hỏi về con trâu ấy, Chu Khải bước ra ngoài xem thì thấy một cảnh tượng khó tin: một con trâu gầy còm, hai chân quỳ gối xuống và hai hàng nước mắt chảy dài như đang cầu xin sự giúp đỡ. Động lòng trước cảnh tượng đầy xót thương ấy Chu Khải nhận mua nó bằng gần hết số tiền mới được nhận từ việc dạy học.
Sau đó anh lấy một miếng gỗ ghi 4 chữ “Thần minh phóng sinh” đeo vào cổ con trâu rồi cởi dây thừng và thả cho nó được tự do. Đúng năm đó anh thi đậu Tú Tài và được họ Vương – một nhà giàu có danh tiếng trong làng nhận làm con rể. Trong buổi tân hôn của mình, họ Chu gặp lại con trâu ấy ngay bên ngoài hộ gia. Còn cái kết cho Vu Quang Vũ là cái chết khi đang trộm trâu để bán sau bao lần làm việc ấy.
Câu chuyện cổ mang một thông điệp thật ý nghĩa cho con người. Anh Chu Khải kia chính vì có lòng từ bi cứu giúp một con trâu thoát chết, hơn nữa còn cho nó một cuộc đời tự do để từ đó anh nhận được báo ơn.
Người xưa là thế, mang trong mình tử tưởng của Phật – Đạo – Thần, con người hết đỗi tin vào những thứ thuần tâm mỹ tục. Nhưng đến xã hội ngày nay con người ít tin vào chuyện báo ân báo oán. Thay vì coi ‘con trâu là đầu cơ nghiệp’ mà trân trọng, họ lại lạm dụng giết hại nó, để rồi tự nhận quả báo nhãn tiền bi ai. Câu chuyện về những người làm nghề sát sinh trâu chẳng phải cũng vậy hay sao, kiếm tiền kiếm lộc trên cơ sở làm hại sinh linh khác để rồi phải tự trả một cái giá quá đắt cho mình, cho người…
Phật gia đã giảng rằng “nghiệp lực luân báo”. Trong lục đạo luân hồi, đời này được đắc thân người nhưng đời sau có thể làm nhành hoa cây cỏ, cũng có thể làm con vật… điều đó có quan hệ mật thiết đến ân oán gây nên trong đời này. Tất nhiên có nhiều người cho đó là chuyên mê tín, là không đúng nhưng nếu ở trong hoàn cảnh như những người giết trâu bị báo ứng thì thử hỏi họ sẽ ứng xử và suy nghĩ sao đây?
Theo DKN