Đói cơm khát chữ, ba chị em mồ côi cha mẹ nuốt nước mắt sống lay lắt qua ngày
Cha lâm bệnh qua đời, mẹ uống thuốc tự tử, ba chị em người dân tộc Jrai phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày để có cái ăn. Thương em nhỏ dại, cô chị cả 19 tuổi phải đi làm thuê, mót từng củ khoai, mớ sắn, quyết tâm nhường cái chữ cho em đến trường.
Cha mẹ mất sớm, ba chị em KPuih Nga (19 tuổi), KPuih Ngân (10 tuổi) và KPuih Ngoh (6 tuổi) sống nương tựa nhau trong căn nhà nhỏ hẹp tại làng Nút Riêng I, xã Albá, huyện Chư Sê (Gia Lai).
Kể về ký ức buồn của gia đình, cô chị cả KPuih Nga tâm sự, khi em lên 10 tuổi thì bố lâm bệnh qua đời. Ngày bố mất cũng là ngày mẹ sinh em Ngoh. Thương mẹ mới sinh em còn yếu, không đi lại được nên mọi việc trong nhà đều do một tay Nga lo liệu. Em còn phải đi làm thuê kiếm tiền để nhà có cái ăn.
Cuộc sống khó khăn nên từ nhỏ Nga đã không được đi học. Em phải theo mẹ đi làm mướn để có tiền mua sữa cho hai em. Năm Nga 14 tuổi, khi đang đi làm thì dân làng tức tốc gọi về vì mẹ em uống thuốc tự tử. Mẹ mất, ba chị em ngồi thẫn thờ bên xác mẹ. Dân làng thương mấy chị em không có tiền lo ma chay nên người góp tiền, người góp lúa, lo chôn cất mẹ giúp ba chị em.
Phận trẻ mồ côi như đàn đứt dây, đói cơm khát nước, khổ đau đều tự các em chịu đựng. Tài sản duy nhất cha mẹ để lại cho những đứa con là căn nhà được nhà nước hỗ trợ xây và khoản nợ 8 triệu đồng không biết ngày nào mới trả hết.
Nhà nhỏ trống trơn, không một chiếc giường để ngủ, Nga dùng bao trải xuống nền đất cho các em nằm. Những đêm mưa lạnh buốt, mái nhà dột nát nước chảy đầy nền. Không một chiếc chăn, ba chị em co ro ngồi ôm nhau khóc. Bà con thương tình, mua cho chiếc giường nhưng các em cũng không có tiền mua nổi một chiếc chiếu.
Để có cơm ăn, từ sáng sớm Nga đã đi nhổ mì, bốc vác thuê. Buổi chiều, em vào rừng hái măng, mót lúa. Ngày qua ngày, mùa sắn mót sắn, mùa khoai mót khoai, Nga miệt mài đi kiếm từng bữa ăn để ba chị em qua cơn đói. Mọi cánh rừng, thửa ruộng làng Nút Riêng đều có bóng dáng của ba chị em KPuih Nga. Khi nhà hết sạch gạo, Nga phải mang gùi đi xin bà con hàng xóm.
Những ngày không ai thuê đi làm mướn, trong nhà không còn cái ăn, cô bé út ngây thơ nhìn chị: “Chị ơi em đói!”, KPuih Ngân cũng nhìn chị mà kêu than. Ba chị em chỉ biết ngồi ôm nhau khóc òa.
Nhường hết cái chữ cho em đến trường
Nga gạt nước mắt tâm sự với PV Dân Trí: “Trước đây đã có người vào hỏi xin hai em về nuôi. Nhưng cháu nhất quyết không để họ đưa em đi, lần đó cháu phải ôm em chạy về ra sau nhà trốn. Dù khổ thế nào thì cháu vẫn muốn chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi 2 em trưởng thành”.
Thương em, muốn các em có cuộc sống tốt hơn, Nga quyết định nhường cái chữ, nuôi các em ăn học. Đối với em, ước mơ đến trường của cô gái 19 tuổi giờ đã quá xa xôi.
“Em không biết chữ, không biết ngày tháng và không biết mình sinh lúc nào. Chính vì vậy, em muốn hai em phải đi học để biết cái chữ mới hết khổ được…” – Nga tâm sự.
Mỗi ngày, cô chị cả đều đưa hai em đến trường rồi mới trở về tiếp tục cuộc sống mưu sinh, lo miếng cơm manh áo. Hiện tại, cô em kế KPuih Ngân đang học lớp 3 và em út KPuih Ngoh đang học lớp 1.
Cô Huỳnh Thị Thiện , giáo viên trực tiếp dạy các em cho biết: “Nhà 2 em rất nghèo, đi học mà không có lấy một bộ quần áo lành lặn để mặc chứ chưa nói đến sách vở hay bút thước. Như em Ngoh lúc nào đến lớp cũng kêu đói, rồi khóc, còn em Ngân thì bị mặc cảm nên rất ít khi giao tiếp…Tuy nhiên 2 em rất chăm chỉ, đi học đều đặn lại ngoan nghe lời cô giáo nên toàn bộ sách vở, bút thước được các thầy cô giáo trong trường bỏ tiền ra mua. Chỉ cần các em vui vẻ, chăm chỉ học hành thì những người giáo viên như chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tiền bạc, động viên các em”.
Ông Puih Phế, Trưởng thôn Nút Riêng cũng chia sẻ: “Hiện tại gia đình cháu KPuih Nga có hoàn cảnh khó khăn nhất xã. Vì cháu còn quá nhỏ, không học hành, không có một chút hiểu biết gì nên đã khó nay càng khó hơn. Ai thuê gì làm đó, từ việc bốc vác, nhặt lúa.. cô chị đều nhận làm”.
Sớm chịu cảnh mồ côi nhưng ba chị em nhà KPuih Nga như những mầm xanh quật cường, hàng ngày vẫn dựa vào nhau lớn lên vững chãi. Rồi một mai, con chữ sẽ giúp hai em của Nga no cơm ấm bụng và viết tiếp ước mơ của người chị gái luôn hết lòng vì các em.
Theo Phụ nữ sức khỏe