Bí ẩn cây thuốc lạ ở miếu Thánh Mẫu chữa khỏi bệnh cho nhiều người

Dân địa phương vẫn coi cây thuốc như thần dược, khắc tinh của bệnh ngoài da, được gán ghép với nhiều chuyện tâm linh.

Người dân thôn Đào Xá (xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) nhiều năm qua vẫn luôn tự hào vì họ là địa phương sở hữu 10 pho tượng đá thời Mạc mà sinh thời cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đánh giá là “tượng đá thời Mạc đẹp nhất Việt Nam”.

Cạnh 10 pho tượng đá này là miếu Thánh Mẫu. Trước cửa miếu có mọc một cây tên là Đơn Lả. Dân địa phương vẫn coi nó là thần dược, khắc tinh của các bệnh ngoài da.

Cây Đơn Lả mọc trước miếu Thánh Mẫu ở thôn Đào Xá. (Ảnh: NV)

Khắc tinh của các bệnh ngoài da

Theo các bậc cao niên ở thôn Đào Xá, cây thuốc lạ này có từ bao giờ không ai biết rõ. Những người nhiều tuổi nhất trong làng chỉ nhớ, từ khi sinh ra cây thuốc đã đứng đó. Từ bao đời người làng vẫn gọi nó bằng cái tên Đơn Lả.

Cây Đơn Lả được xem như khắc tinh của các bệnh ngoài da. Trong thôn có ai bị bệnh ngứa, lở, chốc đầu,… hầu hết đều được cây thuốc chữa khỏi. Để chữa bệnh, thì họ lấy lá tươi về đun nước tắm. Tắm xong, lấy lá khô đốt thành than bôi lên mụn, nhọt, chỗ lở ngửa…. Nồi nước tắm cuối cùng bỏ thêm cây Kim Ngân, mọc dưới chân cây Đơn Lả nhằm triệt tận chân mụn, nhọt. Chỉ cần tắm nhiều lắm 4 lần thì bệnh khỏi.

Lá cây Đơn Lả mọc trong miếu Thánh Mẫu được dân địa phương cho là khắc tinh của các bệnh ngoài da. (Ảnh: NV)

Trong thôn nhiều người bị ngứa ngáy, dùng thuốc tây, thuốc Nam đủ loại không khỏi, thế nhưng, đến miếu Thánh Mẫu xin lá thuốc về đun nước tắm, chỉ hai, ba lần là khỏi. Có hàng trăm người trong thôn khỏi bệnh ngoài da nhờ cây Đơn Lả.

Ông Nguyễn Văn Quản (thôn Đào Xá) từng có cháu nội 5 tháng tuổi bị ho, ông liền ra miếu xin thuốc về nấu nước cho cháu uống vài giọt, rồi dùng nước đó tắm cho cháu. Điều ngạc nhiên là chỉ một lần cháu ông khỏi bệnh.

“Cháu nội tôi cách đây vài năm tự nhiên khắp người nổi mụn li ti, bên trong có dịch vàng, chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Tôi đánh liều ra miếu xin lá thuốc về vừa tắm, vừa bôi, chỉ hai lần là khỏi, mà không cần dùng thêm bất cứ một loại thuốc nào”, ông Nguyễn Phú Tiêu (60 tuổi, thôn Đào Xá) khẳng định.

Từ việc nhiều người dân địa phương mắc bệnh ngoài da khỏi bệnh nhờ cây Đơn Lả mà tiếng lành đã được đồn đến nhiều địa phương khác. Nhiều người đã lặn lội đường sá xa xôi từ mãi Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng… về miếu Thánh Mẫu ở thôn Đào Xá để xin thuốc. Những người đến xin thuốc đều được người trông coi miếu Thánh Mẫu ghi lại cẩn thận, chật kín cả 3 quyển vở dày.

Dân thôn cho rằng, lá cây khô cũng có thể làm thuốc chữa bệnh. (Ảnh: NV)

Theo lời dân địa phương, có một vị bác sĩ công tác ở Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực có con bị bệnh bị ngứa, dùng nhiều thuốc không khỏi. Sau đó, được một người bạn mách nước, ông bác sĩ đến miếu Thánh Mẫu xin thuốc về chữa khỏi bệnh cho con. Sau lần ấy, ông bác sĩ nhiều lần giới thiệu bệnh nhân đến đây xin thuốc.

“Muốn thuốc linh nghiệm, trước khi lấy thuốc ai cũng phải làm lễ. Lễ có thể là cơi trầu, cút rượu, hoặc vài ba nghìn tiền lẻ. Ai không lễ thì thuốc không linh nghiệm. Số tiền lễ của bà con, không ai được lấy làm của riêng, mà phải bỏ vào hòm công đức, phục vụ cho việc nhang khói ở miếu”, một vị cao niên ở thôn Đào Xá cho biết.

Trồng chỗ khác là mất thiêng

Cách đây vài năm do nhu cầu xin thuốc tăng cao, các cụ trong làng dự định trồng thêm vài cây nữa. Lạ thay, những cây mới trồng đó cây nào cũng xanh tốt, nhưng không chữa được bệnh. Từ đó các cao niên trong làng cho rằng, cây Đơn Lả là do Thánh Mẫu ban cho dân làng Đào Xá và chỉ cây đó mới có thể chữa bệnh mà thôi.

Một người dân làng Đào Xá cho biết, trong vùng nhiều nơi có cây Đơn Lả, nhưng không cây nào có khả năng chữa bệnh. Ở làng bên có một cây rất to, nhưng chỉ để làm nơi nghỉ mát, chứ không chữa được bệnh. Có người đến xin cành về trồng, nhưng lại chặt đi, vì cây không chữa được bệnh.

Theo dân địa phương, cây Đơn Lả mọc trong miếu Thánh Mẫu là do Thánh mẫu Liễu Hạnh ban cho làng và chỉ có nó mới có giá trị chữa bệnh. (Ảnh: NV)

Trả lời PV , một thầy thuốc Đông y ở thôn An Phú (xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) cho biết: “Tôi đã từng đến tận nơi xin mẫu cây, mang đi hỏi một số thầy giáo của tôi, nhưng không tìm ra đây là loài cây gì. Tra trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi cũng không thấy ghi”. Lương y Đỗ Tất Hùng (Con trai Giáo sư Đỗ Tất Lợi) cho hay, cây này trong Đông y ít dùng và bản thân ông cũng chưa tra ra.

“Cây trồng nơi khác không có tác dụng chữa bệnh, mà cây ở gần miếu lại có tác dụng chữa bệnh thì là vấn đề tâm linh. Dân gian từ xưa có phong tục đến đền, miếu… xin thuốc thánh, chữa bệnh kiểu niềm tin và họ hái cây bất kỳ quanh đền, miếu để dùng. Có thể có những trường hợp lành được bệnh thật. Có lẽ phải nhờ các chuyên gia về thực vật thì mới xác định rõ lai lịch của cây này”, lương y Đỗ Tất Hùng cho hay.

Theo VTCN