Một người càng xem trọng TIỀN BẠC thì càng dễ đánh mất đi nội tâm của mình
Lòng người như mặt nước, chỉ một cơn gió nhẹ liền có thể khuấy động. Huống hồ thế giới đèn đỏ rượu xanh này khắp nơi đều là mê hoặc, nhà cao cửa rộng, xe cộ đắt tiền, kim tiền mỹ nữ, danh lợi địa vị…
Có câu chuyện kể rằng:
Ngoài chợ có một sạp bán dưa, chủ sạp là ông Vương có tài nghệ xuất sắc. Bất kỳ trái dưa nào, chỉ cần ông cho lên tay ước lượng một chút thì có thể nói ra được ngay trọng lượng của nó, không hề sai chạy.
Một ngày kia, lão phương trượng ở ngôi chùa gần đó dẫn theo tiểu hòa thượng đến mua dưa. Nhìn mấy quả dưa mà họ chọn ra, ông Vương cười tít mắt nói: “Tổng cộng 2 cân 6“. Tiểu hòa thượng không tin, dùng cân cân thử, quả thật một lạng cũng không sai.
Tiếp đó, lão phương trượng lại chọn ra một quả dưa bở và nói với ông Vương: “Nếu lần này ông có thể đoán đúng trọng lượng của nó, bần tăng sẽ đem một thỏi bạc mang trên người tặng lại. Thỏi bạc đó nặng đúng hai lạng“.
Ông Vương sảng khoái nhận lời, cẩn thận cầm trái dưa lên, ước lượng một hồi nhưng lại đặt xuống nghĩ ngợi, lúng ba lúng búng không nói ra lời.
Một lúc sau, khi những người đứng xem bên cạnh không ngừng thúc giục, ông Vương mới cắn răng nói trái dưa nặng 1 cân 3 lạng. Dùng cân để cân thử, thì rõ ràng lại là 1 cân 5 lạng.
Quả nhiên, chỉ vì trong đầu ông Vương mải nghĩ tưởng về thỏi bạc 2 lạng kia. Một thỏi bạc trắng đã có thể hoàn toàn làm nhiễu loạn tâm của lão Vương, khiến ông đánh mất đi cả bản lĩnh, sở trường của chính mình vậy!
Trang Tử từng nói, một tay cờ bạc nếu dùng chậu sứ làm vật đánh cược thì tài nghệ có thể phát huy vô cùng nhuần nhuyễn, nhưng nếu lấy vàng thỏi làm vật đánh cược thì trình độ lại vô cùng thảm hại.
Trang Tử vốn nhìn xa trông rộng, đối với điều này đã tổng kết thành đạo lý: “Ngoại trọng giả nội chuyết”. Ý tứ là, một người càng xem trọng những tiền bạc thì càng dễ đánh mất đi nội tâm của mình.
Lòng người như mặt nước, chỉ cần một cơn gió nhẹ liền có thể khuấy động, gợn sóng. Huống hồ thế giới đèn đỏ rượu xanh này khắp nơi đều là mê hoặc, nhà cao cửa rộng, xe cộ đắt tiền, kim tiền mỹ nữ, danh lợi địa vị… sẽ như một cơn gió lốc quét ngang qua tâm hồn bạn. Nếu chẳng để tâm chú ý, lòng bạn sẽ nổi lên sóng gió, không cách nào trở lại với bản tính thuần thiện nguyên sơ của mình.
Gần 2.000 năm trước, Gia Cát Lượng trong “Giới tử thư” (Thư dạy con) đã viết như sau: “Không đạm bạc thì không thể sáng tỏ được chí hướng của bản thân. Tâm thần không tĩnh lặng thì không thể có lý tưởng cao xa”.
Một người trước cuộc sống đạm bạc, mà vẫn biết hài lòng, tâm tình vẫn tĩnh lặng bình an, thì mới có thể kháng cự được những mê hoặc bất tận trong cuộc sống này, mới có thể giữ được tâm hồn thuần phác của mình.
Một trái tim thuần khiết mới chứa đựng trí tuệ và tài hoa. Chỉ có giữ vững trái tim này, người ta mới có thể nhìn thấu chính mình thật sự, mới có thể phát huy tiềm năng, mới có thể hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của mình.
Theo DKN