Thương xót gia cảnh của cậu bé mồ côi bố, mẹ lại bệnh nặng: “Bố mất rồi, mẹ mà chết em biết sống với ai?
Chàng trai 16 tuổi cố gắng cứng rắn nhưng nước mắt vẫn trào ra. Cậu nấc nghẹn “Bố mất rồi, mẹ mà chết, em biết sống với ai?”. Mẹ cậu ngồi cạnh, đưa tay ôm ngực, cố nén nỗi đau xuống. Chị chỉ mong mình có thể sống, chờ đến khi con trưởng thành.
Theo chân chị Nguyễn Thị Hòa – Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Thành (Nghệ An) chúng tôi đến thăm chị Phan Thị Lĩnh (SN 1972, trú xóm 3, xã Liên Thành, Yên Thành). Chị Lĩnh là Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Thành nhưng đang được cơ quan cho nghỉ để chữa bệnh.
“Chồng chị Lĩnh mất đã lâu, một mình chị ấy nuôi con khôn lớn. Dù vất vả, khó khăn nhưng chị Lĩnh luôn là cán bộ Hội gương mẫu, nhiệt tình và có nhiều cống hiến cho công tác hội. Tiếc là cuộc đời quá bất công, con chưa kịp khôn lớn trưởng thành thì chị Lĩnh mắc bệnh. Bệnh nặng lắm rồi…”, chị Hòa nén tiếng thở dài.
Có khách, chị Lĩnh cố gắng chống tay ngồi dậy, sự mệt mỏi, suy kiệt hiện rõ trên mặt. Quá trình điều trị hóa chất khiến tóc rụng gần kết, chị lấy chiếc khăn vấn lên, che bớt đi, khuôn mặt vì thế mà nhìn xám xịt, hốc hác hơn.
30 tuổi, chị mới tìm thấy mái ấm của mình. Năm 2001, ở tuổi 31 chị mới có được niềm hạnh phúc làm mẹ khi cậu bé Nguyễn Như Châu chào đời. Hồi đó, chị là chuyên trách dân số của xã, phụ cấp không đủ lo toan cho chi tiêu gia đình. Anh Nguyễn Như Ngọc – chồng chị quyết định vào Nam làm thuê. Cuộc sống chưa khấm khá hơn thì anh Ngọc qua đời, khi đó bé Châu mới tròn 5 tuổi.
Vượt qua nỗi đau, chị gắng gượng nuôi con và công tác. Nhờ hoạt động năng nổ, có uy tín, chị Lĩnh được chị em và tổ chức tín nhiệm, bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam xã Liên Thành. Người phụ nữ góa bụa ấy đã can trường vượt lên nghịch cảnh để nuôi dạy đứa con trai độc nhất, vừa làm tròn vai thủ lĩnh của chị em trong xã.
Với sự giúp đỡ của anh em nội ngoại, chị Lĩnh cất được căn nhà khang trang, vừa là nơi hương khói cho tổ tiên và người chồng đoản mệnh. Nhưng rồi, tai họa một lần nữa giáng xuống cuộc đời người phụ nữ này.
“Năm 2014, người cứ luội dần đi, chị đi khám, bác sĩ nói bị ung thư vú. Chị sợ hãi, hoang mang. Ung thư là cầm chắc cái chết. Nhưng con chị còn nhỏ, chị chết làm răng được?”, chị Lĩnh kể.
Phải sống! đó là mệnh lệnh của người phụ nữ này đặt ra cho mình. Ngày lên bàn mổ, hình ảnh đứa con trai hơn 10 tuổi đứng đợi ngoài cánh cửa đã tiếp sức để chị vượt qua ngặt nghèo của số phận. Ca phẫu thuật thành công, một bên vú của chị cũng không còn. Bác sỹ dặn chị tái khám theo quy định nhưng rồi nhà đơn người, lại không có tiền nên chị cứ nấn ná. Vả lại, chị thấy sức khỏe cũng khá hơn nên cũng có phần chủ quan.
Bẵng đi một thời gian, cách đây 5 tháng, sức khỏe chị ngày càng suy kiệt, cân nặng giảm xuống còn 37kg. Chị vào viện, bác sỹ kiểm tra rồi ái ngại lắc đầu: tế bào ung thư đã di căn! Di căn, nghĩa là cơ hội sống của chị không còn nhiều. Chị khóc như mưa, thương mình thì ít, thương con thì nhiều. 5 tuổi đầu nó đã mồ côi bố, giờ chị chết, nó biết sống với ai, nhất là ở cái tuổi cần người bảo ban, chỉ dạy này?.
Như ngọn đèn đã đến lúc cạn dầu, chị không thể làm được gì. Cơn đau từ trong xương ập đến, đau buốt tận óc nhưng không dám kêu vì sợ con hoang mang. Chị âm thầm chịu đựng cơn đau, chỉ mong mình gắng gượng được đến khi con trưởng thành.
“Hoàn cảnh chị Lĩnh đã éo le, giờ lại thêm bệnh tật giày vò. Ban Thường vụ Hội LHPN Việt Nam huyện cũng đã vận động chị em trong hội và Hội LHPN các xã ủng hộ, phân công người giúp mẹ con chị Lĩnh. Chị ấy đang ở độ chín trong công tác mà cháu Châu thì còn nhỏ quá…”, đôi mắt chị Hòa đỏ hoe.
Từ hồi mẹ ngã bệnh, thằng Châu hễ đi học thì thôi, về nhà chỉ quanh quẩn bên mẹ, lấy cốc nước hay bóp vai, bóp chân cho mẹ đỡ đau. 16 tuổi, nó lộc ngộc, cao lênh khênh và gầy nhẵng nhưng đã ra dáng đảm đang lắm. Đi học về, Châu rẽ sang nhà chú lấy cháo cho mẹ. Hai hôm nay, mẹ không ăn được gì, chỉ ngửi mùi cháo thôi cũng nôn ra.
Châu bê bát cháo lên, vừa khuấy vừa thổi. “Cho bớt mùi cháo đi, may răng mẹ ăn được vài thìa. Bố chết rồi, giờ mẹ chết thì em biết sống với ai?”, thằng bé nghẹn lại. Nó phùng mồm thổi cháo cho nhanh nguội, đôi mắt như mờ đi, không biết là nước mắt hay hơi từ bát cháo bốc lên?
Nể con, chị Lĩnh cố ăn một thìa cháo. Miếng cháo vừa chạm lưỡi, khuôn mặt chị nhăn lên, tay ôm ngực, chỉ cái chậu để nôn ra. Thời gian gần đây, chị sống bằng mấy chai nước chuyền…
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Phan Thị Lĩnh (xóm 3, xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). SĐT: 01682.963.655
Theo Dân trí