Vụ sạt núi ở Hòa Bình: Đau thương trước cảnh “mưa nước mắt, xóm Khanh phủ trắng khăn tang”
Sau 7 ngày tìm kiếm, đến trưa 18/10, các nạn nhân bị đất đá chôn vùi trong vụ sạt núi kinh hoàng xảy ra tại chòi xóm Khanh (Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) vào rạng sáng 12/10 đã được lực lượng chức năng đưa ra khỏi đống đất đá hoang lạnh.
Đại tang trong nước mắt
Ngồi bần thần trong khu lán trại làm đám tang chung bên đường quốc lộ 6, ông Đinh Công Huân (em trai ông Đinh Công Hưn, nạn nhân trong vụ sạt núi kinh hoàng tại xóm Khanh) bảo, suốt một tuần nay, dòng họ Đinh chìm trong nước mắt.
Thắp nén nhang cho những người thân bị tử nạn rồi ông Huân kể, trong danh sách 18 người bị đất đá chôn vùi dưới chân thác Khanh, dòng họ Đinh có đến 13 người.
Riêng gia đình ông Huân có 8 người người chết, trong đó nhà anh trai Đinh Công Hưn 4 người, gia đình chị gái Đinh Thị Hỉn 3 người. Người còn lại là anh Đinh Công Nghị, con trai cả của ông Huân.
Chia sẻ với phóng viên, ông Huân kể, trong ngày 11/10 thấy mưa ào ào đổ xuống, vợ ông lo lắng nhà bị ngập nên đã gọi cho con trai đang làm ở Sơn La. Đến 6h chiều cùng ngày, Nghị có mặt ở nhà.
Sau bữa cơm tối với gia đình, Nghị đi chơi với bạn rồi ngủ lại ở nhà người thân ở khu vực sạt lở. Đến khoảng hơn 1 giờ sáng 12/10, xuất hiện tiếng nổ lớn như sét đánh ở phía thác Khanh. Ông Huân đến xem thì thấy ngôi nhà có con trai ông ngủ chỉ còn lại một đống bùn đất.
Cách đó khoảng vài trăm mét, trong ngôi nhà cũ kỹ anh Đinh Công Hức – Trưởng xóm Khanh, người thân đang tổ chức lễ đưa tang. Anh Hức là nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt núi vừa được lực lượng cứu hộ tìm thấy vào lúc 11 giờ trưa nay.
Nhà anh Hức ở cách khu vực sạt núi khoảng hơn 1km, nhưng trên cương vị là trưởng xóm, chiều 11/10, anh đã vào nhắc nhở người dân đề phòng, giúp dân sơ tán khỏi khu vực nguy cơ bị sạt lở. Tối hôm đó, anh ngủ lại và đã tử nạn tại đây.
Trong nỗi đau xé lòng, chị Lân nghẹn ngào kể, chồng chị làm cán bộ thôn gần 20 năm nay, quanh năm suốt tháng lo toan việc làng, việc xã. Trước hôm xảy ra tai nạn, anh ấy còn vào vận động dân sơ tán, rồi ngủ lại trực lũ cùng bà con…
Suốt một tuần qua, dù mặc áo trắng đeo khăn tang nhưng chị Lân và hai cậu con trai vẫn nuôi hi vọng anh Hức còn sống sót trở về. Nhưng đã không có một phép màu nào xảy ra… Đến 11 giờ trưa nay, 18/10, chị Lân đã phải đón nhận sự thật rằng, chồng chị đã cùng 17 người xấu số trong xóm đi về cõi vĩnh hằng.
Đau đớn nhất có lẽ là anh Đinh Công Hoan (29 tuổi), bị mất một lúc tới 5 người thân gồm bà nội, bố, mẹ và 2 người em. Vụ sạt núi xảy ra quá bất ngờ khi cả gia đình đang chìm trong giấc ngủ, nên không ai chạy được ra ngoài.
“Tối hôm đó, em ngủ ở nhà bà ngoại. Rạng sáng nghe tin sạt núi, em gấp gáp chạy về nhà, nhưng khi về đến nhà thì người thân đã bị vùi lấp dưới đống đất đá”, Hoan nói trong nước mắt.
Cho đến chiều 17/10, thi thể 5 người thân của gia đình anh Đinh Công Hoan đã được lực lượng tìm kiếm cứu nạn đưa ra khỏi đống đất đá hoang lạnh. Các nạn nhân đã được người thân trong gia đình nhận diện và tổ chức an táng.
Đến 15 giờ, mưa đã bắt đầu tạnh, nước mắt cũng cạn kiệt, nhưng sự thê lương buồn bã vẫn tràn ngập con đường từ khu vực sạt núi ra quốc lộ 6. Dòng người đầu quấn tang trắng lặng lẽ nối nhau đến khu lán làm đại tang thăm hỏi lẫn nhau, chia sẻ cùng nhau và cũng là nương tựa vào nhau cùng vượt qua nỗi đau ly biệt người thân.
Nếu xảy ra sớm, đàn ông xóm Khanh đã không còn!
Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Văn Khải – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Cường, huyện Tân Lạc cho biết, trước khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng này, xóm Khanh là một xóm núi thanh bình. Nơi đây có dòng thác Khanh đẹp như cảnh phim Tây Du Ký, có đơn vị đã về nghiên cứu để quy hoạch thành khu du lịch sinh thái.
Nhưng chỉ trong chốc lát, thiên tai đã vùi lấp “kho báu” của thác Khanh (tiền thân là thác Mường Khời), và 7 hộ gia đình sinh sống ngay dưới khu vực chân thác.
“Vụ sạt núi này xảy ra quá bất ngờ, không ai lường trước được. Tối hôm 11/10, tôi vào thấy nước ở khu vực chân chòi thác Khanh đã rút, bầu trời còn có cả sao. Lúc về tôi viết lên mạng xã hội là xóm Khanh mưa to nước lớn may không thiệt hại về người. Thế mà, chỉ 3 tiếng sau, thảm họa đã xảy ra…” ông Khải kể lại.
Vẫn theo lời ông Khải, vụ sạt lở xảy ra quá bất ngờ khiến các gia đình sinh sống tại đây không kịp tháo chạy. Quan sát các khối đá lớn tại hiện trường, ông cho rằng đây là một vụ sập thác, do thác phải đội khối nước quá lớn ở trên đỉnh, chứ không phải sạt lở núi.
“Thác này có từ thời đẻ đất đẻ nước. Có hôm nhìn trên đỉnh thác Khanh như một cái bể nước. Do lượng nước quá lớn, có thể đã phá vỡ kết cấu các mạch nhỏ khiến thác bị sập, gây sạt lở khóm thác và đổ dồn ngược về phía nhà dân”, ông Khởi nói.
Trước đó, trong ngày 11/10, để phòng thiệt hại do mưa lũ, địa phương đã kêu gọi đàn ông thanh niên trong xóm Khanh đến giúp các hộ gia đình sinh sống ở chòi thác Khanh lên khu vực cao hơn. Rất đông thanh niên đã đến giúp sức.
“Đến cuối chiều, nước rút, dân bắt được nhiều cá nên tổ chức ăn mừng. Tối đó, ông trưởng xóm còn mời tôi vào uống rượu. Ăn xong, mọi người gần như về hết, chỉ có ông trưởng thôn và vài người ngủ lại, chứ nếu sạt lở xảy ra sớm hơn có lẽ đàn ông, thanh niên xóm Khanh sẽ không còn”, ông Khải nói thêm.
Theo lời kể người dân sinh sống quanh khu vực sạt núi, rạng sáng 12/10, trời mưa như trút nước. Trên đỉnh thác, nước phẳng trắng như ao. Đến hơn 1 giờ sáng, cả khu vực bị đánh thức bởi một tiếng nổ lớn phát ra từ khu vực chân thác Khanh.
Chỉ trong tích tắc, 7 hộ dân ở xóm Khanh đã bị đất đá từ đỉnh thác Khanh đổ ập xuống nuốt chửng, không một dấu vết. 18 con người, trong đó có cháu bé mới chỉ 3 tháng biến mất dưới đống đất đá khổng lồ.
Hiện tại, các nạn nhân đã được người thân trong gia đình nhận dạng và tổ chức an táng. Chính quyền địa phương cũng đã cam kết hỗ trợ cho các gia đình có người bị tử nạn, sửa lại nhà cửa, sớm vượt qua nỗi đau để ổn định cuộc sống.
Theo Emdep