PGS Văn Như Cương: Cả đời vì sự nghiệp giáo dục, được biết bao thế hệ học sinh kính trọng, yêu mến và ngưỡng mộ
Sau 3 năm chống chọi với căn bệnh ung thu gan, thầy Văn Như Cương đã qua đời vào sáng nay (9/10). Dù tuổi đã cao nhưng rất nhiều thế hệ học trò trên khắp cả nước luôn trìu mến gọi ông là thầy Văn Như Cương.
Sau chuỗi ngày dài chống chọi với bệnh tật, rạng sáng ngày 9/10 GS Văn Như Cương đã ra đi mãi mãi. Ngay khi nhận được thông tin, trang facebook hàng loạt người thân và học sinh trường Lương Thế Vinh đồng loạt đổi màu đen để bày tỏ sự tiếc thương và đau buồn.
Trong suốt quá trình nằm bệnh viện điều trị vì bị khối u gan chèn mật, thầy Cương thực sự đã là người chiến binh dũng cảm. Thầy luôn giữ tinh thần lạc quan, sẵn sàng đối mặt với những đau đớn của căn bệnh. Mặc dù phải chịu những đau đớn do căn bệnh quái ác đem lại thế nhưng, thầy vẫn liên tục dõi theo những hoạt động của trường, những bước trưởng thành của các em học sinh Lương Thế Vinh.
Cách đây 7 tháng, khi biết tin thầy ốm nặng phải nằm viện, 3.000 học sinh toàn trường hát vang ca khúc truyền thống Bài ca Lương Thế Vinh như một món quà tinh thần giúp thầy mau khỏi bệnh. Hàng ngàn con hạc giấy cũng được các bạn học sinh gấp lại, như một lời chúc gửi đến người thầy đáng kính của mình.
Nhờ tình yêu thương và kính trọng của học trò, sức khỏe của thầy Cương bình phục dần. Khai giảng năm học mới 5/9/2017, dù sức khỏe còn yếu song thầy Cương vẫn cố gắng đến dự lễ khai giảng và nói chuyện thân tình với học sinh về căn bệnh lười biếng và… cách điều trị.
Thầy Văn Như Cương (sinh năm 1937 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) là nhà giáo, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia.
PGS. Văn Như Cương kể, ông cụ thân sinh trước cũng là giáo viên trường làng, bốn trong sáu anh chị em của ông đều nối bước cha đứng trên bục giảng. Chẳng những thế, ba cô con gái của ông hiện giờ cũng là nhà giáo.
PGS Văn Như Cương được biết đến là người thành lập, hiệu trưởng (từ năm 1989 đến 2014) của THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam. Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường từ năm 2014.
PGS Văn Như Cương là người chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao).
PGS Văn Như Cương đã có nhiều ý kiến đóng góp về giáo dục nước nhà. Nhiều câu nói của ông truyền cảm hứng cho các thế hệ như: “Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ”; “Ai cũng vào đại học là lạc hậu”, “Trước hết phải là người tử tế”…
Bên cạnh đó, thầy còn đưa ra nhiều quan điểm giáo dục với những phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức. Đồng thời, thầy Cương nổi tiếng thẳng tính, thầy từng nhiều lần lên tiếng chỉ rõ những hạn chế của nền giáo dục, thường đưa ra những ý kiến thẳng thắn về văn hóa, xã hội, giáo dục trên báo chí, Facebook cá nhân có sức ảnh hưởng lớn.
Trong một lần phỏng vấn, khi được hỏi về điều khiến ông hạnh phúc nhất, thầy Cương trả lời: “Hàng ngày tôi tiếp xúc, trò chuyện cùng học sinh khiến tôi vui hơn nhiều. Học trò xem tôi như người bố, người ông nên tôi thấy mình đáng sống lắm”.
Chính tình yêu thương, kính trọng của biết bao thế hệ học sinh dành cho mình mà bao nhiêu năm PGS Văn Như Cương đã cống hiến vì học trò, vì nghề giáo, người thầy ấy luôn tâm niệm một điều “trồng cây sẽ cho trái ngọt”, luôn dặn dò học trò của mình phải cố gắng, nỗ lực: “Các em nên nhớ rằng, trong cuộc đời mỗi người thì quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường là đẹp nhất và quyết định nhất cho tương lai. Sự lười biếng hôm nay chính là con đường dẫn đến một tương lai mờ mịt”.
Tinh thần lạc quan cũng là phẩm chất đẹp mà nhiều người ngưỡng mộ ở PGS Văn Như Cương. Dù đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư gan, nhưng người thầy ấy vẫn chưa phút giây nào ngừng trăn trở về việc dạy, việc học của các thế hệ học trò tiếp nối.
Tại buổi lễ khai giảng năm học 2017-2018 mới đây, thầy Cương đã khiến tất cả học sinh bất ngờ khi ông đóng vai một thầy thuốc chẩn bệnh cho các học trò – căn bệnh lười: “Mỗi một người đều có một thời gian sống rất hữu hạn, nếu họ mắc phải bệnh lười thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên rất ngắn ngủi”.
Cả đời thầy, cho đến lúc phải nằm giường bệnh, vẫn luôn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì những mầm non tương lai của đất nước. Bởi vậy mà khi nghe tin thầy qua đời, biết bao người đã rơi lệ xót thương.
Theo Kenh 14