Ngậm ngùi khóc nghẹn trước tâm sự của người mẹ già: “Thời chiến đánh giặc, thời bình tôi lại đánh vật với con !…”
Trở về từ chiến trường xưa, không ai nghĩ rằng giờ đây người lính ấy phải dùng chút sức lực còn lại để bắt đầu “đánh vật” với 3 đứa con ngơ ngẩn. Mang trong mình thứ chất độc hóa học ác nghiệt khiến các con của bác mỗi lúc lên cơn là sẵn sàng cầm gậy gộc hay dao để đuổi đánh bố mẹ ngay trong đêm.
“Ông nhà tôi vẫn nói ngày xưa đi lính thì chiến đấu với giặc Mỹ, giờ về nhà thì lại chiến đấu với con… Trận chiến nào cũng ác liệt nhưng với các con thì nhà tôi thua, thua cay đắng và chấp nhận cô ạ. Chúng nó đánh mình, mình cũng phải chịu thôi chứ biết làm sao được…”. Trong cơn mưa chiều dai dẳng, câu chuyện của gia đình bác Nguyễn Thị Diêm (vợ bác Màu) khiến chúng tôi ai cũng lắng lại, cảm giác bất lực, xót xa cho cái sự “con thường xuyên đánh bố mẹ” của hai bác.
Mái đầu đã bạc và thân hình gầy gò, tiều tụy, ở độ tuổi 70 nhưng các công việc như con ăn, lau dọn vệ sinh cho con và quán xuyến cả gia đình, bác Diêm vẫn một tay làm cả bởi bác trai đang phải nằm viện điều trị chứng cao huyết áp và mới bị con trai lớn là anh Nguyễn Văn Thìn dùng chiếc gậy to đánh. Thương chồng đã ở độ tuổi gần 80 nhưng bao năm nay phải sống cảnh “trốn con” và nơm nớp hãi mỗi khi đi ngủ, bác Diêm chỉ biết khóc bởi các con dứt ruột đẻ ra, chúng cũng vì thứ chất độc da cam mà trở nên “tàn nhẫn” và “vô cảm” trước nỗi đau của bố mẹ già.
“Thằng nói nhiều, ngồi trong góc kia là Nguyễn Văn Thìn, kế là Nguyễn Thị Hiền, thằng út là Nguyễn Văn Thuần cô ạ. Thằng Thìn tính nó khùng lắm, thường xuyên đánh tôi và ông nhà. Mấy cái quạt điện cô xem cái nào cũng bị nó phá hỏng và gãy hết cả cánh. Còn cái Hiền thì nó lành hơn, nó chỉ không biết gì thôi chứ không đánh bố mẹ. Thằng Thuần cũng vậy, chả biết gì cả, đói cũng không biết đòi ăn”.
Chỉ vào 3 đứa con đang ngồi ở gian nhà dưới, bác Diêm cúi đầu, lặng lẽ và bật khóc. Cả cuộc đời chăm chúng, mọi đau khổ tủi hờn bác đã nếm trải đủ nhưng vẫn không khỏi “tủi thân” khi có người hỏi đến. Chứng kiến bao lần cảnh con đánh bố mẹ trong gia đình bác Diêm, cô Trịnh Thị Xuyến – Trưởng thôn Xuân Vinh ái ngại cho hay: “Trước mỗi lần anh Thìn đánh hai bác là tôi cùng mấy đồng chí công an trong thôn vào giúp trói anh ấy lại đấy nhưng mà có lần anh lên cơn buổi đêm hôm thì chúng tôi không biết được.
Về hoàn cảnh gia đình bác Màu, bác Diêm thì ở làng này ai cũng biết và thương cho hai bác nhưng chúng tôi cũng chỉ giúp đỡ được 1 phần rất nhỏ thôi, còn khó khăn nhiều lắm”.
Cùng chung sự lo lắng với cô Xuyến, bác Trịnh Đình Kính – Bí thư xóm Xuân Vinh cho biết thêm thông tin về gia đình: “Ông Màu năm nay 78 tuổi rồi, trước ông đi lính từ năm 1966 đến năm 1971 thì về phục viên. Ông có tham gia chiến dịch Khe Sanh và bị nhiễm chất độc da cam, sau về sinh các con thì các con đều bị ảnh hưởng cả. Trong gia đình, ông Màu thường xuyên đau ốm, nên một tay bà Diêm phải chăm cả chồng và 3 đứa con, vì vậy mà khó khăn đủ đường”.
Vì các con đứa thì khờ khạo, đứa lại hung hăng cứ động vào là cầm gậy gộc đuổi đánh bố mẹ nên bi kịch ấy với vợ chồng bác Màu, bác Diêm phải chấp nhận cho đến hết cuộc đời mình. Ước mơ của bác là xây được mấy gian nhà nho nhỏ để lấy chỗ “chui ra chui vào” cho các con và 1 gian để “giam giữ” anh Thìn mỗi khi anh lên cơn nhưng không biết đến bao giờ mới thực hiện được. Ngậm ngùi bác bảo “Muốn 1 ngày không phải chiến đấu với con để gia đình có cảm giác yên bình, ấm áp… Nhưng điều này khó lắm và chẳng biết bao giờ mới thực hiện được”.
Chia tay gia đình bác, cũng là lúc cơn mưa đã ngớt hạt nhưng trong lòng mỗi người lại nặng trĩu với những trăn trở, âu lo. Hai vợ chồng, người đã hơn 70 vẫn phải cần mẫn chăm con, người đã gần 80 tuổi nhưng phải nhập viện vì bệnh tật và vì bị con đánh… Chiều nay ra thăm chồng, bác Diêm bảo bác Màu vẫn khóc nhiều lắm vì nghĩ thương con, rồi lại hận cái thằng Mỹ nó rải thứ chất độc quái ác để bao nhiêu gia đình phải gánh chịu nỗi đau đớn ở nhiều thế hệ… Và để cho 1 người bố bất đắc dĩ như bác phải thốt lên rằng: “Ngày xưa đi chiến đấu với giặc, giờ về lại chiến đấu với con nhưng phần thua chắc chắn đã chọn mình”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Bác Nguyễn Thị Diêm (xóm Xuân Vinh, xã Trung Thành, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái nguyên).Số ĐT: 01666.421.318
Nguồn: Dân trí