Rớt nước mắt hành trình giành giật lại sự sống cho con gái của nữ giám đốc: Để con tròn một tháng rồi… ra đi
Người phụ nữ ấy đã phải nuốt nước mắt khi phải chờ đợi giây phút con gái trút hơi thở sau cùng. Tuy nhiên, khi phép nhiệm màu đến người mẹ quyết tâm làm tất cả để cứu con…
Câu chuyện của chị Phan Thị Tuyết Trinh (38 tuổi, quê Hải Phòng) khiến người nghe không khỏi chạnh lòng. Chỉ trong vòng một tháng, bi kịch đổ ập lên đầu người mẹ, khi chưa kịp hưởng trọn niềm vui đón hai đứa con đầu lòng đã phải đón nhận nỗi cay đắng cùng cực. Con gái chị mang chứng bệnh viêm ruột hoại tử rất nặng, thứ bệnh mà gần như chưa có đứa trẻ nào mới sinh ra tại Việt Nam có thể sống sót với tình trạng như vậy.
Để con tròn một tháng rồi… ra đi
Lấy nhau 10 năm nhưng chưa có con, chị Trinh – nữ giám đốc tài chính một công ty nước giải khát cùng chồng đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ, uống đủ loại thuốc để mong chữa được căn bệnh hiếm muộn. Cái ngày biết mình mang song thai, hai vợ chồng vỡ oà vui sướng. Tuy nhiên, chị cũng có đôi chút lo lắng khi nghe bác sĩ cảnh báo khả năng có thể sinh non.
Suốt thời gian mang thai, người phụ nữ cố giữ thể trạng và tinh thần tốt nhất. Sợ con bị ảnh hưởng sức khoẻ, chị cũng không dám tiêm thuốc hỗ trợ tim phổi vì căn bệnh rối loạn đường huyết. Tuy nhiên, khi thai mới được 30 tuần tuổi, sản phụ có dấu hiệu vỡ ối.
“Trưa ngày 8/5, Trinh hạ sinh 2 bé Matty (bé trai) và Abby (bé gái) ở tuần thai thứ 30 bằng phương pháp mổ. Matty thì ổn hơn trong khi Abby thì phải thở máy liên tục trong nhiều ngày” – chị Trinh kể lại.
Biến chứng sinh non khiến con gái của chị Trinh bị suy đa tạng, suy hô hấp, phải dùng thuốc để đóng ống thông động mạch. Đến ngày 2-6, cơn ác mộng bắt đầu kéo đến thật sự. Khi các BS lắc đầu, thông báo rằng bệnh đứa trẻ đã biến chứng sang viêm ruột ngoại tử rất nặng, khó mà cầm cự được lâu, hai vợ chồng chị Trinh gần như suy sụp.
“Con bắt đầu hôn mê, các bộ phận bắt đầu đầu hàng, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, chướng bụng, tràn máu và dịch màng bụng, không tiểu, phù toàn thân. BS nói tiên lượng rất xấu. Cuộc sống của con là tính theo giờ, càng ngày tình hình càng tệ. BS liên tục khuyên chúng tôi bỏ cuộc…” – chị Trinh nhớ lại.
Đến ngày 6-6, một lần nữa, chị Trinh nhận được cái lắc đầu ngao ngán từ BS, nói rằng hãy đưa con trở về. Thận Abba lúc này không còn hoạt động, người căng như trái bóng đầy nước. Trong giờ phút buộc phải chấp nhận sự thật vì Abby đã hôn mê sâu mấy ngày, người mẹ vẫn cố nài nỉ BS, rằng hãy gắng kéo dài sự sống cho con thêm hai ngày nữa – thời điểm đứa bé tròn một tháng tuổi.
Chiều 7-6, không khí càng thêm nặng nề khi người mẹ kêu cha đạo đế làm phép cho con. Mọi thủ tục mai táng cho đứa bé đã được lên lịch sẵn, thuốc truyền vào người bé cũng giảm dần. Đêm “cuối cùng” ấy, hai vợ chồng nắm chặt tay nhau, dặn lòng không được khóc để con ra đi thanh thản.
Trở về từ “cõi chết”
Nhưng đến sáng 8-6, khi tất cả thành viên trong nhà đến BV nhìn mặt đứa bé lần cuối, điều kỳ diệu bỗng dưng xuất hiện. Khi bước vào phòng làm thủ tục giấy tờ cho con, nghe bác sĩ thốt lên “con tỉnh rồi”, cả thế giới như đứng lại trong mắt người mẹ.
“Sau đó một tuần, con hồi phục dần dần từng chút. BS quyết định mổ thắt ống động mạch với tiên lượng cực xấu, tỷ lệ tử vong trong phẫu thuật lên đến 99%. Vậy mà con vượt qua được” – người mẹ kể khi điều kỳ diệu thứ hai tiếp tục xảy ra.
Thêm một tuần nữa, Abba được chỉ định mổ cắt nối đoạn ruột hoại tử, với lưu ý trước cho người nhà, rằng chỉ cần ruột hoại tử hoàn toàn, BS sẽ ngay lập tức đóng ổ bụng lại và trả đứa trẻ về. Sau ca phẫu thuật sinh tử ấy, đáp án cũng dần lộ diện: Bé gái hoại tử ruột đến 85%. Nhưng ngạc nhiên làm sao, bệnh nhi vẫn có thể cầm cự.
“Con đã nỗ lực như vậy, người làm cha mẹ như chúng tôi hỏi sao có thể buông tay” – chị Trinh cương quyết.
Vậy là mặc cho 45 ngày “ác mộng” vừa qua đã ngốn của đôi vợ chồng toàn bộ số tiền hơn 1 tỷ tích cóp trong nhiều năm; mặc cho tính mệnh đứa trẻ vẫn ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vì đoạn ruột còn lại quá ngắn; mặc cho đứa trẻ vẫn không thể tự ăn được qua đường tiêu hoá, khả năng tồn tại cực thấp, người mẹ quyết tâm làm mọi cách cứu con.
“Tôi tin giao cảm sẽ giúp con mình sống sót”
BS Cam Ngọc Mỹ, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, BV quốc tế Hạnh Phúc chia sẻ: “Bệnh nhi bị biến chứng do sinh non, suy hô hấp, bị tim bẩm sinh, viêm ruột hoại tử. Lúc đầu chúng tôi điều trị bằng kháng sinh nhưng không hiệu quả. Tim bé đã được mổ cột ống động mạch, phần ruột viêm đã phẫu thuật cắt nối, chỉ còn lại khoảng 15-20 %. Hiện BV vẫn đang nuôi tĩnh mạch để kéo dài sự sống, tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng và cũng không đầy đủ dưỡng chất. Từ khi mổ đến giờ, bé vẫn chưa ăn được, BV phải truyền dịch gần tháng rồi, sợ bé sẽ bị ảnh hưởng, biến chứng sang viêm gan.
Ở Việt Nam, trẻ sơ sinh sinh non bị viêm ruột hoại tử nặng như trường hợp của bé này, tôi chưa từng thấy trường hợp nào có thể sống sau quá trình điều trị. Nếu có điều kiện, gia đình cho bé ra nước ngoài để có dinh dưỡng tĩnh mạch đầy đủ hơn cũng như có các loại sữa đặc biệt. Nếu bé sống được lâu dài, cũng cần các chế phẩm sữa đặc biệt mà ở nước ngoài mới có. Hiện BV vẫn đang liên hệ với các giáo sư ở nước ngoài để tìm phương hướng chữa cho bé. Người nhà đã tha thiết muốn chuyển đi nhưng sợ với thể trạng như hiện tại, không biết bé có đi nổi hay không”.
Kể từ ngày con sống sót sau cuộc phẫu thuật cắt nối ruột, chị Trinh bắt đầu tham khảo ý kiến của những BS đầu ngành về sơ sinh lẫn tìm kiếm các thông tin tại các diễn đàn của những ông bố, bà mẹ có con bị viêm ruột hoại tử cả trong và ngoài nước. Đúc kết sau tất cả, người mẹ xác định, phương án hợp lý nhất là nuôi cho con ổn định rồi mang con sang Mỹ càng sớm càng tốt.
Thế nhưng chi phí điều trị tại Việt Nam cũng đã là quá tầm với người mẹ, nói gì đến chuyện xuất ngoại. Mỗi ngày, vợ chồng chị Trinh phải tốn không dưới 7 triệu đồng viện phí cho con. Bất đắc dĩ, người mẹ ấy phải phát lên lời kêu cứu khẩn thiết đến cộng đồng.
“Trước giờ mình chỉ toàn đi từ thiện, giúp đỡ người khác, chưa bao giờ mình lại nghĩ sẽ lâm vào hoàn cảnh này. Nhưng vì sự sống của Abba, mình sẽ làm tất cả mọi thứ có thể” – chị Trinh nghẹn giọng.
Đứa bé vẫn chưa thể hấp thụ hoàn toàn thức ăn qua đường tĩnh mạch. Mỗi ngày trôi qua, hai vợ chồng chị Trinh phải lùng sục khắp các hội nhóm, trang web y tế ở khắp nơi trên thế giới, từ Đức, Úc, Thái Lan hay Singapore để tìm ra những loại chất dinh dưỡng phù hợp nhất với con.
“Có hôm cứ cách 10 phút, Abba lại phải đo huyết áp một lần. Mấy ngày nay, tình trạng bé có vẻ xấu đi. BS nói nếu tình trạng này kéo dài, khả năng các tế bào trong người con sẽ chết” – chị Trinh ưu tư.
Dù luôn trong tâm thế mỗi ngày trôi qua sẽ là ngày cuối cùng của con, nhưng khi tôi hỏi chị có niềm tin vào cuộc hành trình mù mịt này hay không, chị Trinh gật đầu.
Hỏi lý do, chị đáp: “Mỗi ngày trôi qua, tôi đều cảm nhận sức sống mãnh liệt từ con. Tôi tin giao cảm sẽ giúp con mình sống sót”.