Rùng rợn: 6 cái chết bất đắc kỳ tử trong 1 gia đình vì đập miếu thờ dựng nhà tại Thái Bình (phần 3)
Hôm 100 ngày cái chết ông Trần Văn Rạng (Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình), đang trong lúc cúng, hàng loạt người sợ hãi, lăn ra ngất xỉu, co giật.
Rùng rợn: 6 cái chết bất đắc kỳ tử trong 1 gia đình vì đập miếu thờ dựng nhà tại Thái Bình (phần 2)
RÙNG RỢN: 6 cái chết khủng khiếp trong 1 gia đình vì đập miếu thờ dựng nhà tại Thái Bình
Kỳ 5: Ngày tang thương
Hôm 100 ngày ông Trần Văn Rạng (Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình), đang trong lúc cúng, hàng loạt người sợ hãi, lăn ra ngất xỉu, co giật. Người chết tại chỗ, người chết trên đường đến bệnh viện, khiến cả làng náo loạn, tang thương.
Ông Nguyễn Văn Thung sợ hãi nhớ lại: “Lúc đó, tôi vừa dặn dò bà Đào giữ gìn sức khỏe, chuẩn bị ra về, thì cháu Khánh bỗng ngã lăn ra chiếu, lên cơn co giật, sùi bọt ở mép, mắt cứ trợn lên. Tôi có cảm giác như cháu bị ngạt thở, hoặc lên cơn đau tim đột ngột. Cháu không nói được gì. Mọi người làm các động tác hô hấp cho cháu, nhưng chỉ vài phút sau, khi mọi người còn đang hoảng loạn, chưa biết tính toán tiếp theo thế nào, thì cháu đã tắt thở.
Nhìn thấy cháu Khánh như vậy, tự dưng tôi thấy choáng váng đầu óc, mất thăng bằng hoàn toàn, rồi đổ kềnh ra đất, không biết gì nữa. Sau này mọi người mới kể lại, là tôi lăn ra bất tỉnh, gọi mãi không dậy.Khi đó gia đình náo loạn lắm, không biết xử trí tôi thế nào, thấy tôi vẫn còn thở, nên gọi người nhà tôi sang khênh tôi về.
Ngôi miếu dựng lại trước nhà anh Trần Văn Út
Con cháu chườm nước mát, xức dầu gió một lúc thì tôi tỉnh dậy. Lúc tỉnh lại, đầu óc nhận biết rõ mọi thứ, hình dung lại được mọi việc, nhưng người thì mệt lử, cảm giác như bị rút mất hết sức lực.
Tôi nằm đến 3 giờ chiều, thì bên nhà ông Rạng chạy sang báo là bà Đào, em gái tôi đã qua đời. Lúc đó, dù mệt lắm, nhưng tôi vẫn cố gắng gượng gọi con chở tôi lên bệnh viện đa khoa tỉnh ở thị xã”.
Chiều hôm đó, ông Nguyễn Văn Thung mới biết sự thể diễn ra tại lễ cúng trăm ngày ông Rạng cực kỳ khủng khiếp. Ngay khi cháu Khánh qua đời, ông Thung ngất xỉu, thì hàng loạt người có mặt đều bất tỉnh nhân sự.
Tuy nhiên, một lúc sau thì hầu hết đều tỉnh lại, riêng bà Đào, anh Út và vợ là chị Nhung là bị nặng nhất. Cả 3 mẹ con bà Đào đều bị những cơn co giật rúm người, mặt mũi méo xệch, mắt mũi trợn ngược. Anh Út đang ngồi trên ghế mà cơn co giật mạnh đến nỗi đổ ghế bật ngửa ra sau bất tỉnh.
Đại gia đình đã xúm vào đưa bà Đào, anh Út, chị Nhung đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Lúc ông Thung lên đến nơi, thấy phòng cấp cứu đóng kín cửa, mọi người đứng ở bên ngoài nói chuyện rầm rì. Bên trong phòng cấp cứu, bà Đào nằm bất động trên giường, đeo mặt nạ thở ôxi.
Ngôi nhà bỏ hoang của ông Rạng
Ông Nguyễn Văn Thung buồn bã nhớ lại cái chết đột ngột của em gái: “Lúc tôi lên bệnh viện, thấy khuôn mặt mọi người đều buồn bã, nên tôi biết có chuyện chẳng lành. Lát sau thì tiếng còi hú xe cấp cứu vang lên, rồi bác sĩ đưa cô ấy lên xe. Họ không cho người nhà lại gần. Tôi nhìn thấy cô ấy vẫn đeo mặt nạ bình thở ôxi. Mấy người bảo cô ấy đã chết, nhưng tôi không tin. Tôi tưởng họ đưa lên tuyến trên ở Hà Nội, nào ngờ xe chạy ngược về Vũ Tây.
Con trai chở tôi bằng xe máy chạy sau xe cấp cứu. Người thì bảo cô Đào chết rồi, người bảo vẫn còn sống. Nếu không còn sống, thì cho thở bình ôxi làm gì? Nhưng xe chạy về đến đầu ngõ, thì cô y tá này gỡ bình ôxi khỏi mặt cô ấy và yêu cầu mọi người đưa cô ấy vào trong nhà.
Lúc đó, tôi mới biết cô ấy đã qua đời trên đường đến bệnh viện. Bác sĩ vẫn cho đeo bình thở để đánh lạc hướng mấy chục người trong gia đình ông Rạng. Có lẽ họ không công bố cái rộng rãi cái chết của cô ấy ở bệnh viện, để tránh gây hoang mang cho mọi người. Trong gia đình, tôi thương cái Đào nhất. Cô ấy hiền lành như cục đất, chỉ biết cắm cúi chăm chỉ làm lụng, chăm lo cho chồng con, chưa bao giờ có điều tiếng gì với gia đình, hàng xóm cả”.
Nghe tin em gái mình chết, ông Thung lại quỵ xuống. Vừa đau buồn vì mất em gái, vừa mệt mỏi sau lần ngất hồi trưa, còn chưa khỏe lại, nên ông không còn chút sức lực nào. Em gái chết nằm đấy, mà con cháu lại phải khênh ông Thung về nhà nằm, vì ông không làm được gì nữa.
Nhà ông Rạng thì còn loạn cả lên với cái chếtcủa cháu Khánh. Rồi vợ chồng anh Út, chị Nhung vẫn đang thập tử nhất sinh ởBệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, chưa biết sống chết thế nào. Buổi trưa làm cúng 100 ngày cho ông Rạng hôm ấy, rất nhiều người lăn ra ngất, hai người chết,mấy người phải cấp cứu, khiến dân tình náo loạn, không ai dám bén mảng đến nhà ông Rạng nữa.
Lúc ông Thung tỉnh táo lại, gượng ngồi dậy được,liền sai con cháu chạy sang nhà ông Rạng xem tình hình thế nào, nhưng chỉ có một người con dám sang. Nhìn cảnh hai chiếc quan tài, một của bà, một của cháu kê trong nhà, chỉ có lèo tèo vài người lớn tuổi, ngồi trông áo quan mà nơm nớp lo sợ, người con này chạy về báo với ông Thung.
Ông Thung đau xót quá, mới bắt con cái dìu sang hương khói cho em gái. Ông cũng yêu cầu con cháu, anh em nhà mình sang giúp đỡ gia đình ông Rạng, bởi đại gia đình ông Rạng đang trong cơn bấn loạn khủng khiếp.
Tang lễ bà Nguyễn Thị Đào và cháu nội Trần Quốc Khánh diễn ra trong không khí sầu thảm. Người dân trong xóm xót thương, rơi lệ, nhưng chẳng ai dám đến tiễn đưa. Người ta chỉ dám đứng từ xa nhìn đám con cháu họ Trần đẩy xe tang, khóc thương ai oán.
Khi mộ bà Đào đã đắp xong, mọi người làm lễ cúng cơm 3 ngày, thì chị Vũ Thị Nhung được xuất viện. Mọi người đưa chị về nhà, đểchị thắp nén nhang, quỳ gối trước di ảnh mẹ chồng, và khóc ngất trước di ảnh cậu con trai duy nhất.
Không để chị Nhung ở lại lâu, gia đình đã đưa ngay về nhà cha mẹ đẻ ở xã Vũ Đông, để tránh thảm họa có nguy cơ xảy ra với chị. Những ngày ở nhà bố mẹ đẻ, dù vô cùng đau buồn vì cái chết của mẹ chồng, của cậu con trai duy nhất, rồi người chồng đang đấu tranh giành sự sống với tử thần ở bệnh viện, nhưng chị Nhung không ngất lần nào. Thế nhưng, hễ cứ về nhà chồng, lập tức chị run lẩy bẩy, có dấu hiệu xảy ra hiện tượng bị co giật. Hãi quá, không ai cho chị về nhà nữa.
Sau hơn nửa tháng điều trị tích cực ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, rồi một số bệnh viện ở Hà Nội, anh Trần Văn Út đã được ra viện. Mọi người khuyên can nên về nhà vợ ở xã Vũ Đông ở tạm, chờ thời gian nữa hãy về nhà mình, nhưng anh Út không nghe. Anh muốn về nhà, hương khói cho bố mẹ, anh trai và cậu con trai duy nhất.
Chị Nhung thấy chồng nhất quyết về, nên cũng can đảm theo chồng về nhà. Và mất mát tiếp tục diễn ra đối với gia đình ông Rạng, đó là sự ra đi đột ngột sau cơn co giật cứng người của anh Trần Văn Út.
Bữa đó, vợ chồng anh Út đang ngồi ăn cơm trê nghế, thì anh Út làm rơi bát, co rúm người, ngã vật xuống đất và tắt thở, không kịp trăng trối câu gì. Chị Nhung nhìn chồng ngã vật ra đất, bỗng cứng đờ người, không há nổi miệng kêu cứu. Cấm khẩu độ mấy phút, thì chị cũng bất tỉnh luôn.
Mấy người thân trong gia đình đưa chị Nhung đi bệnh viện kịp thời, nên cứu sống được chị. Anh Út chết quá nhanh, không thể cứu nổi nữa.
Kỳ 6: Nạn nhân cuối cùng
Vài ngày sau khi anh Trần Văn Út (con trai ông Trần Văn Rạng, xã Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) qua đời, thì bà Phạm Thị Tâm đã bị vận hạn ghé thăm.
Theo lời ông Nguyễn Văn Thung, hôm đó là buổi sáng, bà Tâm đang ăn cơm cùng 2 đứa cháu, thì bà kêu khó chịu, chân tay run lẩy bẩy, sùi bọt mép rồi rơi vào trạng thái co giật toàn thân y như con cháu. Gia đình đã khẩn cấp đưa đi Bệnh viện Đa khoa Thái Bình.
Cũng theo lời ông Thung, bà Phạm Thị Tâm, còn gọi là bà Khuê, vì có chồng là ông Trần Văn Khuê. Ngày đó, nhiều người thắc mắc, không hiểu sao, bà Tâm là mẹ ông Rạng, nhưng lại chỉ nhiều hơn ông Rạng có 12 tuổi (Khi đó bà Tâm 77 tuổi, ông Rạng 65 tuổi).
Thực ra, bà Tâm là thím của ông Rạng. Bà Tâm là người xã Vũ Lạc, lấy ông Khuê, nhưng không có con. Bố mẹ ông Rạng cũng mất sớm, nên ông Khuê nuôi dưỡng ông Rạng từ bé và coi ông như con ruột của mình.
Vợ chồng ông Rạng từ trong sâu thẳm đã coi bà Tâm là mẹ và các cháu coi bà Tâm là bà, các chắt coi là cụ. Thậm chí, người dân trong vùng cũng không biết gia cảnh ông Rạng và bà Tâm, nên họ mặc định là mẹ con. Họ cũng xưng hô là mẹ con, chứ không phải thím cháu.
Bà Tâm được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Các bác sĩ phải luồn ống nội khí quản để bà Tâm thở dễ dàng, nhằm tìm cách bảo toàn tính mạng cho bà, tiếp tục điều tra nguyên nhân khiến bà rơi vào trạng thái co giật nguy hiểm.
Sau mấy ngày điều trị, bà Tâm đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Bà đã được đưa về phòng theo dõi. Bệnh viện bố trí một phòng riêng để tiện giám sát, cũng là để lãnh đạo đến thăm.
Gia đình phân ông 2 người lên trông coi là em dâu Bùi Thị Hợi (bà Hợi khi đó 69 tuổi, ở xã Vũ Lạc) và bố vợ anh Trần Văn Út là ông Vũ Văn Bình (ông Bình lúc đó 52 tuổi, quê xã Vũ Đông).
Tuy nhiên, hai người này vừa lên trông bà Tâm được vài tiếng, thì bỗng bủn rủn tay chân, rồi lăn ra bất tỉnh, chân tay co giật đùng đùng ngay tại giường bệnh. Thế là hai người lên trông nom bà Tâm lại tiếp tục nhập phòng cấp cứu.
Mặc dù các bác sĩ khẳng định bà Phạm Thị Tâm đã qua cơn nguy kịch, thế nhưng, sau đúng 20 ngày điều trị, theo dõi thận trọng, bà Tâm đã qua đời sau một cơn co giật bất ngờ, ngay trên giường bệnh. Bà Tâm là nạn nhân thứ 6 và cũng là người cuối cùng tử vong bí ẩn trong đại gia đình ông Rạng.
Ông Nguyễn Văn Thung vẫn nhớ như in cảnh tượng hôm đó: “Cái ngày bà Tâm chết vẫn ám ảnh tôi đến hôm nay. Hôm đó, khoảng 5 giờ chiều, nghe tin bà Tâm chết, cả gia tộc họ Trần bỏ chạy tán loạn, không ai dám đến nữa.
Dân làng thì không ai dám lại gần nhà ông Rạng, chứ đừng nói chuyện vào nhà. Những người dân gần nhà ông Rạng thì đã bỏ đi hết. Người ta đồn ầm lên rằng vùng đất bị nhiễm khí độc, hay có virus nguy hiểm nào đó.
Hôm đó, chỉ có mỗi tôi và ông Lưu trực chiến ở nhà ông Rạng. Xe cấp cứu đỗ ở đầu ngõ, bác sĩ và lái xe đeo khẩu trang kín mít đẩy xác bà Tâm vào nhà. Mặc dù bà Tâm đã chết, nhưng họ vẫn đeo mặt nạ thở ôxi. Đưa xác bà Tâm vào nhà, bác sĩ tháo mặt nạ ôxi rồi bỏ đi.
Lúc đó, nhìn cảnh sân nhà rộng rãi, chẳng có ai, tôi hãi quá, nên cũng bỏ về, mặc kệ ông Lưu. Cả đêm hôm ấy, có mỗi xác bà Tâm đắp chiếu và ông Lưu”.
Ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tây nhớ lại: “Sau cái chết của bà Tâm, thì quả thực dân làng vô cùng hoang mang. Con cháu cũng không dám đến làm tang ma cho bà Tâm.
Thấy tình hình căng thẳng, nên anh Bùi Văn Vượng, khi đó là Chủ tịch UBND xã, đã chỉ thị cho đóng cửa UBND xã, không làm việc nữa, và yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên của xã phải đến nhà ông Trần Văn Rạng làm tang lễ, đưa bà Tâm ra cánh đồng”.
Sau khi xảy ra hàng loạt cái chết bí ẩn với nhà ông Trần Văn Rạng, chính quyền địa phương đã vào cuộc tích cực, các nhà khoa học về địa phương tìm hiểu cặn kẽ.
Lực lượng công an cũng vào cuộc điều tra, truy tìm nguyên nhân những cái chết xảy đến với gia đình ông Trần Văn Rạng. Theo lời ông Nguyễn Văn Thung, nhiều cán bộ an ninh đã túc trực ở nhà ông và nhà ông Rạng suốt ngày đêm để nắm tình hình.
Các nhà nghiên cứu đã về tận nơi lấy mẫu vật đất xung quanh nhà, lấy nước trong bể, nước ở ruộng, nước giếng đem đi phân tích. Họ còn lấy rau cỏ trong vườn, ngoài ruộng, mẫu gạo, thóc trong nhà đem đi.
Thậm chí, một nhóm nhà khoa học đã chuyển các mẫu đất ra nước ngoài để phân tích, tìm nguyên nhân, tốn kém cả tỷ bạc, số tiền rất lớn ngày đó.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không tìm được bất cứ loại chất độc nào tồn tại trong mẫu nước, đất, rau, củ, quả ở nhà ông Rạng. Điều này cũng đã được các bác sĩ khẳng định lại bằng việc không tìm ra chất độc nào trong máu những nạn nhân tự dưng lăn ra ngất, co giật, chết.
Rất nhiều chuyên gia, với máy móc hiện đại cũng đã được điều về nhà ông Rạng để đo phóng xạ khu vực sinh sống. Tuy nhiên, người ta cũng không phát hiện ra điều gì bất thường ở mảnh đất này.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai kết luận những cái chết này là mắc hội chứng não cấp. Bác sĩ Phạm Duệ, khi đó là Phó trưởng Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tin rằng hiện tượng này là ngộ độc bởi loại hóa chất gây co giật.
Tuy nhiên, các xét nghiệm đều không tìm ra loại chất độc nào gây nên triệu chứng chết người, mặc dù quá trình họ nằm viện cứ lúc tỉnh lúc mê, là trạng thái của những người trúng độc nặng.
Ông Bùi Trọng Liễn, Chủ tịch UBND xã Vũ Tây cho biết: “Thời điểm tai họa xảy đến với gia đình ông Trần Văn Rạng, lãnh đạo xã chỉ đạo, giám sát sự việc rất sát sao. Một số cán bộ tỉnh bảo do nhiễm khí độc. Tuy nhiên, sau đó, lại không có kết luận gì về nguyên nhân. Người ta cũng không tìm ra khí độc tồn tại ở khu vực.
Tôi cũng không tin có khí độc, vì nếu có khí độc, thì những người có mặt ở đó, thậm chí người dân trong làng đều phải lăn ra ngất xỉu, hoặc chết, chứ không có chuyện rải rác vài người trong gia đình ông Rạng gặp hiện tượng đó. Tôi thiên về suy nghĩ do những người trong gia đình ông Rạng hoảng quá mà sinh bệnh rồi chết.
Sau khi tham khảo đầu đuôi câu chuyện này, chuyên gia thôi miên y khoa Nguyễn Mạnh Quân khẳng định rằng, hiện tượng nhiều người lăn ra ngất xỉu, thậm chí là chết ở nhà ông Trần Văn Rạng, là hiện tượng NOCEBO. Chuyện gà, lợn chết trước đó rất bình thường, là hiện tượng mắc dịch, xảy ra ở khắp cả nước, không có gì là dị đoan cả.
Chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân khẳng định cái chết của nhiều người trong gia đình ông Rạng là hiệu ứng NOCEBO
Để bạn đọc, nhân dân cả nước hiểu rõ hiện tượng mà khoa học thôi miên gọi là NOCEBO, chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân dẫn chứng một câu chuyện điển hình như sau:
Có một nhà khoa học ở Hà Nội sang Tây Tạng nghiên cứu. Một pháp sư gặp ông và bảo: “Đúng 101 ngày sau ông sẽ chết! Thượng đế chỉ cho ông làm việc 100 ngày nữa thôi, nên ông cố gắng hoàn thành mọi việc đi”.
Không hiểu lời nói của vị pháp sư kia ghê gớm như thế nào, mà nhà khoa học này mất hết cả lý trí. Ông đã hoàn thành nốt vài công việc, rồi dặn dò con cháu chuyện hậu sự.
Đến ngày thứ 90 thì ông không ăn uống, không làm được việc gì nữa. Con cháu đưa đi tất cả các bệnh viện, gặp các bác sĩ đầu ngành, song không tìm ra bệnh gì. Đến ngày thứ 99 thì cơ thể không tiếp nhận dịch truyền nữa. Bệnh viện đã đề nghị gia đình chuẩn bị hậu sự.
Đúng lúc đó, một người con đã tìm đến chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân. Theo lời kể của gia đình, thì ông đã bị một pháp sư Tây Tạng yểm bùa, nên chỉ sống được 101 ngày. Như vậy, chỉ còn 2 ngày nữa, ông sẽ rời cõi trần.
Bác sĩ thì không tin có chuyện yểm bùa, nhưng lại không tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Nhưng với những chuyên gia thôi miên, thì hiện tượng này là hiệu ứng NOCEBO.
Thạc sĩ Quân đã dùng phương pháp thôi miên sâu và duy trì giấc ngủ sâu của nhà khoa học này suốt 3 ngày, từ ngày thứ 99 đến ngày 102.
Khi ra khỏi trạng thái thôi miên, câu đầu tiên mà nhà khoa học hỏi là ngày thứ bao nhiêu? Khi biết đã sống đến ngày 102, ông liền bật dậy đi lại và bảo: “Thế là ta không chết được rồi!”. Mấy năm nay, ông vẫn sống khỏe mạnh và không bao giờ tin vào những câu nói đầy sự ám ảnh như thế nữa.
Theo thạc sĩ Quân, chính vì sự thiếu hiểu biết của những người trong gia đình ông Rạng, cùng nhân dân quanh vùng, sự sợ hãi vô hình, nghĩ rằng mình sẽ chết, đã khiến họ mắc bệnh và chết thật. Đây thực sự là những cái chết đáng tiếc, do thiếu hiểu biết.
Chuyên gia thôi miên y khoa Nguyễn Mạnh Quân: “Cái chết của gia đình họ Trần ở Thái Bình là hiệu ứng NOCEBO. Các nhà khoa học thế giới đã tiến hành nhiều thí nghiệm và khẳng định có thể sử dụng sức mạnh của ám thị để củng cố sức khỏe, đó là hiệu ứng PLACEBO (dịch là “tôi được yêu thích”) và cũng có thể sử dụng hiệu ứng NOCEBO (dịch từ tiếng Latinh có nghĩa là “tôi mang tới cái hại”) để gây bệnh, thậm chí là giết người.
Thuật ngữ NOCEBO mới xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước và cơ chế tác động của hiệu ứng này cho tới nay vẫn chưa được nghiên cứu kỹ, bởi lẽ rất khó nhận được sự đồng ý tiến hành những thí nghiệm mà chưa làm đã biết là có tác động xấu tới sức khoẻ của con người. Nếu con người quả thực có thể chết vì bùa chú thì đó chỉ là một biểu hiện quá đà của hiện ứng NOCEBO.
Hiện tượng NOCEBO thì tôi đã gặp quá nhiều ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Hiện tượng học sinh ngất hàng loạt, bị “vong nhập” hàng loạt chính là hiệu ứng NOCEBO. Những cái chết trùng tang cũng là hiệu ứng khủng khiếp này. Đặc biệt, chuyện đi cầu con khiến bụng to tướng chính là biểu hiện rõ rệt của hiệu ứng NOCEBO.
Chính vì sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân nước ta, lại có đầu óc mê tín dị đoan, nên hiệu ứng này mới có đất sống. Một xã hội lành mạnh, con người phải tin vào khoa học. Nếu con người cứ chìm đắm vào chuyện ma quỷ, tin đồn rùng rợn, thì sẽ đến một ngày, con người sẽ là nô lệ của cái thế giới vô hình hư ảo, thậm chí là chết người như câu chuyện của họ Trần ở Thái Bình”.
(Theo VTC)