Rợn người chuyện: Họa sĩ nổi tiếng Hà thành và những ngày kinh hoàng bị ma nữ đòi “yêu” rồi hãm hại
Ma nữ xấu xí này đã đi theo họa sĩ Lê Đình Nguyên suốt nhiều ngày, tìm cách để chiếm đoạt tâm hồn và thân xác anh. Khi không được đáp lại tình cảm, thì nó tìm cách hãm hại anh.
Tôi quen họa sĩ Lê Đình Nguyên (họa sĩ chính của Nhà hát múa rối Việt Nam) đã mười mấy năm nay. Giới họa sĩ Việt Nam đều biết đến anh, với biệt danh Nguyên “Trâu”. Sở dĩ gọi Lê Đình Nguyên như vậy, bởi anh từng có một triển lãm khá ấn tượng về những con trâu gỗ. Chàng họa sĩ sinh ra ở phố phường, mang tuổi trâu húc mả (lời của anh) này lại có niềm đam mê kỳ lạ với loài vật của nhà nông. Anh đã đưa con trâu từ đồng ruộng về phố, với hình dáng của cái cầu Thê Húc, hay con phố cổ rêu phong…
Lê Đình Nguyên là họa sĩ có tài, cũng không ít tật, nhưng toàn cái tật đáng yêu, chả làm hại ai. Ngoài đàn trâu gỗ có giá mỗi con hàng ngàn đô, thì thứ ấn tượng với tôi nhất là những bữa nhậu, những cuộc đi. Tôi và anh cùng đam mê ăn những món mà ít người ăn được, đặc biệt là côn trùng. Hễ ở đâu có món ấy, là tìm đến “khai khẩu”. Lúc nào trong túi chiếc quần rộng lùng thùng của Lê Đình Nguyên cũng có mấy con cà cuống, mà ông bạn làm hàng không mang về cho anh từ mãi Campuchia (Việt Nam bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên rồi). Đến mỗi quán nhậu, anh chàng lại lôi ra, nướng cà cuống thơm lừng cả quán, khiến khách nhậu ngáo ngơ.
Mua chó dữ để đuổi… ma!
Lâu nay, họa sĩ Lê Đình Nguyên chẳng sáng tác được mấy. Nay gọi cho tôi bảo đang bơi thuyền trên sông này, mai lại đang trèo đỉnh núi nọ, rồi lại đang nhậu lướt khướt giữa chợ, mời đồng bào cùng nhậu chơi, túy lúy. Hai thằng đang nhậu ở Hà Nội, Lê Đình Nguyên bảo: “Anh em mình đi nhậu thắng cố ở Bắc Hà đi. Lên đúng hôm chợ phiên cho máu. Anh sẽ kể cho em nghe một chuyện kinh hoàng nhất trong cuộc đời thằng Nguyên “Trâu” này. Dù sẽ có thằng ném đá Lê Đình Nguyên, cho là thằng điên, thì Lê Đình Nguyên cũng phải kể”. Riêng tôi thì không tin Lê Đình Nguyên bị điên khùng gì cả. Lúc nào lão cũng thông minh, sáng láng, dương khí hừng hực, đôi mắt ướt đa tình.
Lên xe giường nằm ở bến Mỹ Đình đi thẳng Bắc Hà vào đêm thứ sáu, Lê Đình Nguyên mới tiết lộ với tôi rằng, ngoài mục đích đi nhậu, thì chuyến đi này anh muốn tìm mộ con chó Lài, là giống chó cực kỳ quý hiếm của đồng bào vùng cao, nghe đồn là giống chó lai sói từ xa xưa. Nghe chuyện Lê Đình Nguyên kỳ công lên núi mua chó, tôi cũng không lấy gì làm lạ. Nhà Lê Đình Nguyên nằm trong con ngõ nhỏ bên hồ Tây, làng Yên Phụ, nuôi đủ các loại thú. Mái nhà thì đàn lớn đàn nhỏ chim câu, bay đi bay lại ríu rít, ỉa đái trắng xóa cả mái nhà; lưng chừng nhà thì các lồng chim; dưới đất thì gà chín cựa mua ở bản Cỏi (VQG Xuân Sơn, Tân Sơn Phú Thọ) giãi gạch men tìm sâu loạc xoạc; rồi chó lớn chó bé xồng xộc trong nhà ngoài sân. Nếu Lê Đình Nguyên có mua thêm con trâu về thả trong nhà, cũng chẳng có gì lạ, nói gì kiếm con chó giống miền núi.
Nhưng cái lý do Lê Đình Nguyên đi mua chó thì mới là lạ. Anh bảo, giống chó Lài cực kỳ thính nhạy, thông minh. Chính một ông bạn họa sĩ của anh đang sở hữu một con chó Lài. Nếu ông chủ ném cục đá vào rừng, lập tức nó tìm bằng được tha về. Không biết chuyện anh kể có tin được không, nhưng khi ông chủ lái xe máy còn cách nhà 1km nó đã biết, ra cổng vẫy đuôi đón. Rồi có cái quán gà chạy bộ. Khách xuống vườn chỉ con nào, ông chủ cầm hòn gạch ném về phía con đó, lập tức con chó Lài đuổi tóm, quắp cánh gà tha về cho chủ làm thịt.
Những ngày đi săn chó Lài ở Bắc Hà (Lào Cai), xuyên sang tận Yên Bái, rồi Bắc Kạn, được nghe vô vàn chuyện về loài chó thông minh đặc biệt này, tôi mới hiểu vì sao Lê Đình Nguyên lại mê giống chó này đến vậy. Đồng bào kể rằng, nếu gia đình nào có được con chó Lài, thì khỏi phải lo miếng ăn. Nếu gia chủ sai bảo, nó sẽ tự mò vào rừng, rồi tha về con bìm bịp, con gà rừng, con sóc núi, con cầy hương, chuột núi… Thậm chí, khi nghe thấy nó sủa ăng ẳng trong rừng, gia chủ tìm theo tiếng sủa, sẽ tóm được rắn độc. Trong chuyến đi tìm chó Lài, tôi đã được chứng kiến một chuyện đặc biệt, đó là một con chó Lài, đã giúp chủ tóm được một con rắn hổ chúa khổng lồ, nặng 21kg, dài tới 7m. Con rắn hổ chúa lớn khủng khiếp đó vẫn còn sờ sờ ra đó, tôi chụp ảnh được hẳn hoi, nhưng đã nằm trong… bình rượu.
Lê Đình Nguyên tiết lộ một chuyện thú vị, rằng anh đi kiếm chó Lài không phải để nó đi săn, bởi phố phường nhà anh, làm gì có thú ngoài chuột cống. Mục đích mua chó Lài, giống cho cực thính nhạy, thông minh của Lê Đình Nguyên, là để đuổi ma, bảo vệ cho gia chủ. Theo họa sĩ Nguyên “Trâu”, một sư thầy bí ẩn vừa trục con “ma nữ” cực kỳ hung ác ra khỏi người anh. Anh sợ “con ma” sẽ tìm lại anh để ám hại, nên anh phải mua thật nhiều chó, nhốt khắp các phòng, làm cho ngôi nhà ngập tràn dương khí. Chính ông thầy bí ẩn trục ma khỏi người anh đã hướng dẫn anh mua loài chó này về nuôi. Có con chó Lài mạnh mẽ trong nhà, đố có ma mãnh nào dám vào.
Tuy nhiên, trong chuyến đi Bắc Hà, chọn cả chợ chó mà không gặp được con chó Lài nào. Giống chó khác thì chẳng có con nào đốm lưỡi cả. Anh bạn người Nùng ngồi nhậu thắng cố giữa chợ bảo: “3 năm liền em chầu chực ở chợ chó, mà chưa mua được con chó Lài nào. Nếu tìm được, 10 triệu một con em cũng mua”.
Tuy không mua được chó, nhưng mấy đêm nằm khách sạn, tôi đã được Lê Đình Nguyên kể lại một giai đoạn cuộc đời kinh hoàng của mình. Cái mà anh gọi là giai đoạn ấy, vừa mới xảy ra mấy tháng nay. Ngay khi kết thúc triển lãm Nguyên Trâu, với 36 tác phẩm trâu gỗ, anh đã ấp ủ giấc mơ lớn, là làm một con rồng gỗ hình nước Việt, nhưng giấc mơ đã thất bại, vì anh phải chiến đấu giành mạng sống với một con “ma nữ”. Con “ma nữ” không chiếm được cảm tình của chàng họa sĩ tài hoa, đã quay sang tìm cách vật chết anh, bắt sống linh hồn anh, để nó được “triệu năm hạnh phúc” ở thế giới bên kia cùng Lê Đình Nguyên. Câu chuyện ma hành của anh nhuốm màu liêu trai, khó phân biệt được hư thực ngay cả với người trong cuộc, song cũng xin được chép lại tỉ mỉ, để mong có được sự giải mã thấu đáo.
Sau thời gian dài làm việc mệt mỏi, tháng 6-2011, họa sĩ Lê Đình Nguyên quyết định thưởng cho mình và gia đình một cuộc đi chơi hoành tráng cùng với bạn bè. Đoàn nghỉ mát do một tổ chức phi chính phủ thực hiện, gồm có cán bộ của tổ chức đó cùng với các đối tác. Lãnh đạo của tổ chức này thường xuyên lấy tranh của anh buôn đi nước ngoài, nên mời anh và gia đình đi nghỉ mát cùng ở vị trí khách mời đặc biệt. Người trực tiếp tổ chức chuyến nghỉ mát này là chị Lan. Chồng chị Lan là anh Tùng, bạn thân của họa sĩ Lê Đình Nguyên. Trong chuyến đi này, vợ chồng chị Lan cũng đi cùng đoàn. Địa điểm tham quan, nghỉ mát gồm Huế và Hội An. Hôm đầu tiên sẽ đi máy bay vào Đà Nẵng, rồi đến thẳng bãi biển Lăng Cô, nghỉ ở khu resort tiêu chuẩn 5 sao, có tên là N (họa sĩ Lê Đình Nguyên bảo cứ đưa thẳng tên, nhưng tòa soạn xin được giấu tên khu resort nổi tiếng này). Họa sĩ Nguyên “Trâu” mang theo cả vợ và con gái trong chuyến đi đó.
Anh Nguyên bảo: “Đến cuối đời anh cũng không thể quên được căn phòng đó. Cứ nghĩ lại chuyện này, từng bậu cửa, từng màu cái rèm, đến từng bóng điện trong căn phòng anh vẫn nhớ như in, vẫn hiển hiện trước mắt, trong tâm trí anh. Căn phòng đó ở tầng 2, phòng 218, của một biệt thự cách bờ biển không xa. Căn phòng rộng đến 100m2, gồm phòng khách, phòng ngủ, tiện nghi cực kỳ sang trọng, không chê vào đâu được. Tiêu chuẩn chính xác đạt 5 sao”. Biệt thự gồm có 2 tầng, mỗi tầng có 4 phòng. Đây là phòng VIP.
Căn biệt thự nằm biệt lập với các khu khác trong resort N, hoàn toàn yên tĩnh. Trước mặt biệt thự là biển, xung quanh là những rặng thông. Tiếng sóng vỗ ì oạp từ xa vọng lại, tiếng gió thổi qua rừng thông vi vu. Hai thứ tiếng đó vừa tạo cảm giác yên bình, song với những người yếu bóng vía, thì có vẻ như hơi ma quái, gây cảm giác rờn rợn. Với Lê Đình Nguyên, một nghệ sĩ, có tâm hồn hoang dã, thì chỗ nghỉ này đúng là trên cả tuyệt vời, đúng với chất của anh. Chị Lan đã giành cho gia đình anh Nguyên căn phòng sang trọng nhất, đẹp nhất của resort N.
Nhận phòng lúc 11h trưa, rửa mặt mũi qua loa, thay quần áo, rồi cả nhà đến phòng ăn cùng đoàn. Ăn uống xong, ai về phòng nấy. Ngồi ở hành lang căn biệt thự, nhớ lại những khuôn mặt khắc khổ đậm chất miền Trung của những người nông dân mà anh gặp trong chuyến đi từ Huế về Lăng Cô, anh lôi giá vẽ, dùng than phác lại mấy khuôn mặt đó. Những khuôn mặt ấy thực sự ám ảnh anh. Vẽ một loáng là xong, anh vào phòng ngủ trưa với vợ con. Gia đình Nguyên “Trâu” ngủ một giấc ngon lành. Chiều xuống, cả đoàn lại kéo nhau đi ăn hải sản. Ăn xong thì về, trời cũng đã nhập nhoạng tối. Cảnh chiều tà ở bãi biển Lăng Cô đẹp vô cùng. Con đường từ chỗ ăn, qua bãi cát, rặng thông, đến biệt thự nằm cô độc quả là đẹp. Hoàng hôn đổ bóng, khiến bước chân họa sĩ Lê Đình Nguyên xốn xang.
Vừa đưa vợ con về phòng, mấy ông bạn gọi Lê Đình Nguyên ra tắm biển. Lê Đình Nguyên xách theo chai Chivas, thứ rượu mà anh yêu thích, luôn mang theo bên mình, ra bãi biển cùng mấy ông bạn. Trời nhập nhoạng tối, bạn bè bơi lội ì oạp ngoài biển, còn anh ngồi uống rượu trên bãi cát. Thi thoảng lại có ông lên ngồi cùng, cạn chén. Sinh ra ở thành phố, ngại bơi lội, nhìn thấy sóng biển mà ngán, nhỡ đâu có cá mập, nên Lê Đình Nguyên không tắm. Ngồi lai rai một lúc thì cũng cạn chai Chivas. Tắm xong, rượu hết, thì tan. Mấy ông hẹn nhau tầm 11 giờ đêm gặp nhau ở chỗ quầy bar nhậu tiếp. Mồi nhậu là con tôm hùm nặng 1,7kg, do một ông bạn đã đặt sẵn nhà hàng từ chiều. Các bợm nhậu cùng đồng ý phương án nhậu tiếp vào lúc nửa đêm. Đêm vắng, cảnh đẹp, sóng biển ì oạp, thông reo vi vu thế này mà ngủ thì phí công từ Hà Nội vào.
Căn phòng ma ám
Gia đình họa sĩ Nguyên “Trâu” ngồi trò chuyện, xem phim đến 10 giờ 30 phút, thì đám bạn nhậu đã í ới gọi điện nhắc chuẩn bị xuống nhậu. Tôm hùm đã cắt tiết pha rượu. Các món gỏi tôm, cháo tôm cũng đang chế biến. Anh Nguyên phải dỗ bé Châu Anh ngủ đã, rồi mới xuống nhậu được.
Bình thường, bé Châu Anh, con gái anh Nguyên, mới 8 tuổi, ngủ khá sớm, chỉ 9 giờ là đòi đi ngủ với mẹ, nhưng không hiểu đêm đó lạ giường chiếu thế nào, mà mắt cứ mở thao láo, không chịu nhắm. Để dỗ con ngủ, anh tắt hết đèn đi, kể cả những bóng đèn ngủ lờ mờ, màu xanh đỏ trông rất bắt mắt. Đèn vừa tắt, ánh mắt chưa quen với bóng tối, nên nhìn xung quanh tối đen như mực. Bé Châu Anh ôm chặt lấy bố, dũi đầu vào nách bảo: “Bố bật điện lên đi, con sợ lắm, nhà có nhiều ma lắm bố ạ!”. Họa sĩ Nguyên “Trâu” nghĩ đứa trẻ nào chả sợ ma, nên vỗ về con: “Ngủ đi con, trên đời này làm gì có ma quỷ”. Con gái thì không ngủ, mà mấy ông bạn thì cứ liên tục gọi điện nhắn tin, rằng đã bày mâm rồi, đã bắt đầu nhậu rồi.
Đến 11h30 phút, bé Châu Anh vẫn không ngủ được. Anh đã kể hết các chuyện đông tây kim cổ, rồi chuyện cổ tích Việt Nam. Kể chuyện cổ tích chán, lại đến chuyện tiếu lâm, mà bé Châu Anh vẫn không ngủ, cứ loay hoay vẻ sợ hãi. Trong khi đó, chị Liên, vợ họa sĩ Nguyên “Trâu” nằm phía trong cùng, thì đã ngủ từ khi nào. Bình thường anh ngủ đã ít, chiều hôm đó lại ngủ mấy tiếng liền, nên đã gần nửa đêm mà anh tỉnh như sáo.
Vừa dừng kể chuyện cho bé Châu Anh, họa sĩ Lê Đình Nguyên bỗng nghe rõ tiếng cánh cửa phòng bật một cái. Những tiếng “kịch, kịch, kịch…” vang lên. Cứ sau mỗi tiếng kịch, thì gió ở ngoài ùa vào và anh cảm nhận rõ hơi lạnh. Lúc đó, điện đã tắt lâu, ánh mắt đã quen với bóng tối, ánh trăng đầu tháng mới hé hỏi chân trời, chiếu ánh sáng nhợt nhạt vào phòng. Anh mở mắt nhìn kỹ xem là ông bạn nào lên gọi. Nhưng qua khe cửa, chỉ thấy ánh sáng mờ mờ từ ngoài sảnh hắt vào, không thấy có bất kỳ bóng người nào cả. Cánh cửa của căn phòng đã được anh đóng lại, anh đã chốt bằng dây xích, nhưng có bấm chốt hay không thì anh không nhớ. Khi đã chốt bằng dây xích, thì dù ai mở cửa phòng, cũng chỉ hé được 5cm, chứ không thể bật ra được.
Theo lời họa sĩ Lê Đình Nguyên, từ những ô cửa sổ căn phòng, hiện lên những khuôn mặt khắc khổ mà anh vẽ hồi chiều. Rồi ào một tiếng như gió lớn, trước mắt anh là một con “ma nữ” xấu xí nhảy múa điên loạn…
Những khuôn mặt trên bức họa
Nghĩ có ông bạn nào đến tận nơi gọi đi nhậu, nhưng sợ bé Châu Anh tỉnh, anh không trở dậy, cũng không cất tiếng gọi, mà tiếp tục chờ đợi. Trăng đầu tháng lên, chiếu ánh sáng nhờ nhờ từ hành lang xuyên qua khe cửa. Anh đã nhìn rất kỹ qua khe cửa, không hề thấy bóng người, nhưng liên tục những tiếng “kịch, kịch” vang lên, cùng với đó là cảm giác như có hơi lạnh tràn vào. Dù chả bao giờ tin vào ma quỷ, cũng chẳng sợ gì quỷ ma, nhưng rơi vào hoàn cảnh đó, gã họa sĩ có dương khí cực mạnh Nguyên “Trâu”, cũng bắt đầu sợ hãi. Anh vẫn nhớ rõ như in cảm giác lúc đó: Ban đầu là hơi lạnh xâm nhập cơ thể, rồi thấy gai người, lạnh người, hai chân dần dần cứng lại. Ngó sang phía bé Châu Anh, thì thấy con gái đã ngủ say, vợ anh ôm con ngủ mê mệt.
Căn phòng này có tới 2 cửa sổ lớn, một cửa hướng về phía rặng thông, một cửa hướng ra biển. Cả hai cửa sổ đều có view rất đẹp, độ mở với không gian bên ngoài rất rộng, nhưng cửa kính đã được đóng kín để cản gió lạnh lùa vào.
Anh Nguyên chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh lạ lùng như thế, đôi chân như mất hết cảm giác, không điều khiển được nữa, nặng trịch. Khi hai chân đột nhiên cứng lại, anh hãi quá, liền gắng sức nhúc nhích, vận động. Anh gồng người quay ngược lại, mặt hướng về phía cửa sổ bên phải, phía rặng thông. Họa sĩ Lê Đình Nguyên nằm đứ đừ trên giường cho tôi xem hiện trạng cơ thể anh lúc đó. Rồi anh tả lại hoàn cảnh chi tiết khi ấy: “Lúc đó, chân anh như bị teo liệt, không nhúc nhích nổi nữa. Anh ráng sức quay mặt về phía cửa sổ. Nhưng vừa nhìn về cửa sổ, anh lạnh hết người. Mỗi ô kính là một khuôn mặt đàn ông. Anh nhìn rõ mồn một từng khuôn mặt, mỗi khuôn mặt có trạng thái khác nhau, chính là những khuôn mặt khắc khổ của những người nông dân anh gặp mà anh họa vào buổi chiều. Đúng là những khuôn mặt đó, anh nhớ như in. Những khuôn mặt này áp vào mặt kính và hai bàn tay chống vào mặt kính nhìn anh chằm chằm. Lúc đó, người anh cứng đơ, tim thót lại, đập thình thịch. Anh quay ngược sang bên trái, nhìn ra ô cửa sổ bên kia. Cửa sổ đó có 5 ô, hướng ra phía biển. Trong số 5 ô cửa thì 3 ô hiện rõ mặt người ở phía ngoài nhìn vào trong phòng, cũng là những khuôn mặt anh đã vẽ hồi chiều. Thề với em là đến bây giờ anh vẫn nhớ rõ như in những khuôn mặt ma đó. Nếu anh cầm cọ, anh sẽ vẽ lại từng trạng thái khuôn mặt, không sai một chi tiết nào. Từng ánh mắt, từng sợ tóc, từng nếp nhăn, từng cái mũi. Đêm sáng nhờ nhờ, nhưng những khuôn mặt ma quái đó hiện lên cực kỳ rõ nét, hền hệt”.
“Ma nữ” đòi phòng
Đang cứng cả người vì những khuôn mặt ma quái bên ngoài các ô cửa kính, thì anh bỗng nghe rõ tiếng ào ào từ phía ngoài hành lang ùa vào qua khe cửa hẹp sáng nhờ nhờ. Một “con ma” nữ xuất hiện trước mặt anh. Họa sĩ Lê Đình Nguyên sững sờ, hoảng hốt, nhưng anh trấn tĩnh, dụi mắt nhìn người đàn bà trước mặt anh. Anh Nguyên thuật lại những điều anh chứng kiến: “Thề với thằng em, đó là con ma thật. Lúc đầu anh tưởng có người đàn bà nào vào phòng, nhưng anh nhìn rõ lại, thì vừa là người, lại không phải là người. Anh quan sát rõ ràng, thấy nó nhảy từ ngoài vào qua cửa chính. Nó múa may quay cuồng, lướt đi lướt lại như một luồng gió khiến toàn bộ cơ thể anh lạnh cứng. Nó mặc quần áo bà ba, màu hơi tím mà thiếu nữ Huế thường mặc. Người nó đen nhẻm, gầy đét, xấu xí. Nó cứ nhảy múa lung tung, chả ra bài bản gì. Chốc lát lại sà đến, chạm vào người anh. Anh cảm nhận những cái chạm qua da thịt rất thật, như người thật, không phải ảo giác, không phải mơ màng. Con “ma nữ” đó nói tiếng Huế rõ mồn một: “Trạ phòng cho tau” (Trả phòng cho tao – PV). Mẹ anh là người Huế, dù sống ở Hà Nội đã lâu, song bà vẫn nói chất giọng Huế, nên anh nghe và hiểu từng chữ của nó, như nuốt lời nó. Những tiếng nó nói cũng thật như người nói. Nó nói mấy câu liền, kiên quyết đòi phòng”.
Khi đó, đôi chân họa sĩ Nguyên “Trâu” đã cứng lại. Giữa mùa hè, trời đêm, nhưng cũng tầm 32-33 độ C, thế mà cơ thể anh lạnh ngắt. Anh ráng hết sức bình sinh hét lên: “Ma!”. Cùng với tiếng hét, anh quăng tay đập bé Châu Anh. Chị Liên, vợ họa sĩ Nguyên “Trâu” vùng dậy hét theo: “Cái gì thế này!”. Chị Liên vùng dậy lần công tắc ở ngay đầu giường bật điện lên. Điện sáng choang, thì anh chẳng nhìn thấy gì nữa. Chị Liên nhìn sang mặt ông chồng thấy tái mét, xanh lè, toàn bộ cơ thể nổi gai ốc. Anh Nguyên ngước nhìn đồng hồ, thấy đúng 12h đêm, cả kim giờ và kim phút trùng khít nhau. Anh thều thào bảo vợ: “Anh gặp ma em à!”. Chị Liên quá bất ngờ vì ông chồng vốn liều mạng, trời đất thánh thần cũng chả sợ, tự dưng lại sợ ma. Nhưng chị tin lời anh. Sống với anh ngót hai chục năm trời, nhìn ánh mắt anh, chị hiểu anh nói thật. Lúc đó, bé Châu Anh cũng tỉnh dậy và bé nói rằng, cả buổi tối bé đã nhìn thấy “ma”, như những bóng người mờ mờ lởn vởn ở trong phòng.
Chị Liên chạy ra phía cửa chính chốt chặt cửa lại, rồi vặn cả chìa khóa cho chắc. Cả hai vợ chồng đều choáng váng, vì không thể tin nổi tại sao cánh cửa lại có thể bật mở ra. Căn phòng có bóng điện nào, hai vợ chồng bật hết lên. Anh Nguyên nhấc điện thoại cố định gọi cho lễ tân, yêu cầu đổi phòng ngay lập tức. Tuy nhiên, gọi đến cả chục lần, chuông đổ, mà không có người nghe máy. Hôm sau, anh Nguyên cáu gắt hỏi lý do, thì lễ tân một mực khẳng định lúc nào cũng có người trực ở quầy lễ tân 24/24, nhưng không thấy điện thoại đổ chuông. Còn anh Nguyên thì khẳng định rằng, lúc anh bấm số, đầu dây bên kia chuông đổ đều đặn.
Chờ mãi không thấy họa sĩ Lê Định Nguyên xuống bar, mấy ông bạn lại gọi điện í ới, bảo xuống ăn tôm hùm, chín hết cả rồi. Tuy nhiên, anh dứt khoát cáo từ với lý do mệt. Gọi cho lễ tân thì không được, cũng không dám chạy ra quầy bar, vì từ căn phòng phải đi dọc cái hành lang vắng ngắt, rồi vòng vèo qua mấy khu nhà, mấy đoạn bãi, vườn, mới đến quầy lễ tân. Anh cũng không dám nói thật chuyện này với đám bạn nhậu, vì sợ thông tin lộ ra khiến mọi người hoang mang, sẽ mất vui, hoặc “cười vào mũi” vì tính nhát ma.
Đang ngồi ngẫm nghĩ, đột nhiên anh sờ vào ngực, không thấy chiếc nanh hổ đâu. Bình thường, mười mấy năm nay anh vẫn đeo nanh hổ xịn ở ngực, một là xua chó dữ, hai là trừ tà ma, bởi nanh hổ có dương khí rất mạnh. Tôi đã nhiều lần đi theo Lê Đình Nguyên và quả thực, khi anh có mặt ở chỗ nào, thì chó đều tránh xa chỗ đó, hoặc ngồi từ xa nhìn anh. Trấn tĩnh lại, anh mới nhớ ra là buổi chiều, lúc đi tắm biển, sợ rơi mất nên anh đã gỡ nanh hổ, bỏ trong nhà tắm. Anh xông vào nhà tắm tìm chiếc nanh hổ rồi đeo lên ngực. Đeo nanh hổ vào, không biết nó có tác dụng thật sự, hai tác dụng tâm lý, mà anh có cảm giác an tâm hơn. Định thần lại một lúc, anh thấy tĩnh tâm hơn, cơ thể bớt lạnh, đôi chân mềm ra, ấm lại và nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, kể từ lúc đó, cả gia đình ngồi trên giường trò chuyện, bật điện sáng trưng, không ngủ nữa, thức đến sáng. Anh cũng tự hủy cuộc nhậu lúc nửa đêm.
Đến tầm 2 giờ sáng, nhìn cái đầu bọc nanh hổ bằng bạc thấy màu xanh thẫm. Chưa bao giờ miếng bạc lại có màu khủng khiếp như thế. Nhớ đến những khuôn mặt ở cửa sổ, anh lôi tập giấy mà anh họa những khuôn mặt nông dân buổi chiều. Anh thấy những khuôn mặt hiện trên cửa sổ chính là những khuôn mặt trong các bức vẽ. Không ngần ngại, không suy tính, anh bật lửa châm thuốc, rồi châm lửa đốt luôn những bức họa đó. Nhìn chồng đốt những bức họa rất đẹp, chị Liên cứ tiếc hùi hụi. Những bức họa đó khi hoàn thiện màu, có thể có giá một vài ngàn đô.
Vùng đất mồ mả
Vợ chồng anh Nguyên cùng bé Châu Anh ngồi trò chuyện, xem tivi đến 5 giờ sáng thì dọn đồ xuống thẳng phòng lễ tân. Anh yêu cầu đổi phòng ngay lập tức. Lễ tân hỏi lý do, anh cũng nói sơ qua là căn phòng có ma. Lễ tân cho người lên kểm tra, xem xét và xuống báo cáo là không thấy có gì khác lạ. Tuy nhiên, anh nhất quyết đòi đổi sang khu nhà khác. Lễ tân đã cấp cho anh ở khu nhà đông đúc người ở. Đổi sang phòng khác, cả gia đình họa sĩ Lê Đình Nguyên ngủ ngon lành. Đến gần trưa, khi mọi người gọi đi ăn mới dậy. Chuyện anh Nguyên đùng đùng đòi đổi phòng lúc 5h sáng không ai biết, nhưng chị Lan trưởng đoàn tổ chức chuyến tham quan thì thắc mắc. Chị Lan hỏi: “Em đã chọn cho anh căn phòng VIP nhất, anh cũng lên xem trước và khen đẹp, nhưng sao đang đêm lại đùng đùng đòi đổi?”. Biết không thể giấu được, anh Nguyên đã kể rõ sự tình với chị Lan, còn tin hay không thì tùy. Tất nhiên, chị Lan chỉ cười và tỏ vẻ không tin, nghĩ ông này mê sảng hoặc làm trò vì không thích căn phòng đó. Tuy nhiên, anh Nguyên và chị Lan cũng thống nhất không kể chuyện này cho ai, vì sợ mọi người xáo trộn tâm lý, rồi cuộc đi chơi mất vui.
Từ khi đổi sang hẳn khu nhà khác thì anh Nguyên cùng gia đình ngủ ngon lành, tư tưởng thoải mái, người ngợm khỏe khoắn. Anh đi tắm biển, rồi tham gia các hoạt động vui vẻ cùng mọi người. Đôi lúc anh cũng nghĩ hay là lúc đó anh mê sảng mà lại không biết mình đang mê, cứ nghĩ mình vẫn tỉnh táo. Nghỉ ở resort N chán chê, thì đoàn đi Hội An. Những ngày ở Hội An anh cũng không thấy có vấn đề gì. Tuyến du lịch kết thúc trong 6 ngày.
Chuyến tham quan đó, có tới 3 ngày đêm ăn ngủ, chơi bời ở khu resort N, tiêu chuẩn 5 sao. Ngoài những lúc vui vẻ chơi bời, tắm biển, ăn nhậu, cùng bạn bè, thì ông họa sĩ Lê Đình Nguyên tranh thủ đi dạo quanh vùng tìm hiểu địa thế khu vực. Anh cuốc bộ ra phía ngoài resort N cả cây số để gặp những người nông dân trong vùng, đặc biệt là những người đi biển. Hầu hết người dân trong vùng đều kể với anh rằng, dù bãi biển Lăng Cô rất đẹp, được bầu chọn là đẹp nhất thế giới, nhưng nó từng là vùng đất chết chóc, nhiều ám khí, nhiều ma quỷ. Xưa kia, trong chiến tranh, nơi đây xảy ra rất nhiều cuộc đấu súng giữa ta và địch. Cả hai bên đều có nhiều người ngã xuống, được chôn vùi ngay tại đất này. Người dân trong vùng cũng chết nhiều vì trúng bom rơi đạn lạc đạn, bị giặc giết hại. Rất nhiều nghĩa địa trong thời chiến mọc lên ở vùng đất này. Anh Nguyên đi loanh quanh ở khu vực này và thấy xung quanh resort có rất nhiều mồ mả. Có một khu hoang địa nằm cách resort N chừng 100m. Đoạn đường từ Lăng Cô đến resort cứ vài trăm mét lại có một nghĩa địa hoang, có bia trên mộ nhưng không có ban quản trang gì cả. Nó giống như nghĩa địa tự phát, hoặc là nghĩa địa ngày xưa, không được chăm sóc, bị lãng quên. Gần resort này còn có một ngôi đền nhỏ, không hiểu do resort hay người dân xây dựng để thờ cúng những vong hồn cô quạnh.
Sau chuyến đi đúng một tuần, anh Tùng, bạn của anh Nguyên, chồng của chị Lan, phụ trách chuyến đi nghỉ đó, đã điện cho anh Nguyên và kể rằng: “Đúng là căn phòng đó có ma ông ạ! Bọn nhân viên lễ tân của khi nghỉ mát biết có ma, nhưng chúng nó tham nên vẫn khai thác đấy!”. Anh Tùng kể rằng, sau chuyến đi đó, thì chị Lan vợ anh tiếp tục tổ chức chuyến đi cho đoàn khác và chị Lan cũng nhận được yêu cầu của khách là phải đổi phòng ngay lập tức, vì căn phòng 218 có… “ma”. Ông này 70 tuổi, là thiếu tướng quân đội, ở đúng phòng anh Nguyên từng ở, sau đúng một tuần anh Nguyên gặp “ma”. Ông này đã làm ầm ĩ cả resort N. Ông cũng khẳng định gặp con “ma nữ” xông ra đòi phòng, nhưng con “ma nữ” này không không phải đẩy cửa xông vào, mà từ trong tủ nhảy ra. Tôi đã liên lạc trực tiếp với anh Tùng và được anh khẳng định lại những thông tin đã cung cấp cho anh Nguyên. Sau vụ đó, chị Lan, vợ anh có tổ chức vài chuyến nghỉ mát cho cơ quan vào resort N, nhưng chị không bao giờ dám cho khách ở tòa biệt thự đó nữa. Theo lời anh Tùng, lâu nay, resort N không khai thác tòa nhà đó nữa, mà đóng cửa để hoang.
Lấy mạng họa sĩ
Sau đêm kinh dị ở căn phòng 218 của khu resort N, gia đình anh Nguyên tiếp tục vào Hội An, không thấy vấn đề gì cả, nhưng từ lúc trở về Hà Nội, anh tự dưng cảm thấy trong người có sự xáo trộn, tâm lý bất an, đầu óc nặng nề. Những lúc ngồi một mình, anh cảm thấy như có làn gió lạnh xâm nhập cơ thể. Để tư tưởng thoải mái, vừa ra Hà Nội hôm trước, ngay hôm sau anh điện cho ông bạn thân, rủ cả hai vợ chồng bạn đi Sapa. Bạn anh bận mải làm ăn, nhưng thấy anh sốt sắng, lại nể anh nên đồng ý. Hai ông hẹn nhau tối thứ sáu đi, nhưng mua vé từ thứ hai cho chắc ăn.
Gần trưa thứ hai, họa sĩ Lê Đình Nguyên ra ga Hàng Cỏ đặt vé. Tầm đó, mùa hè, Sapa đang độ hút khách, nên không còn vé giường nằm, chỉ còn vé ngồi. Các công ty lữ hành đã đặt mua hết rồi. Không còn vé tàu nằm, lại không muốn đi tàu ngồi, nên chàng họa sĩ Nguyên tỏ ra bực bội, rồi lững thững đi từ ga ra ngoài, xem có mua được vé chợ đen không. Vé giường nằm chợ đen thì có, nhưng lại không mua được mấy vé cùng toa, mà cứ rải rác các toa. Hai gia đình đi mà mỗi người một toa thì mất vui, nên anh Nguyên còn lăn tăn, đi tìm tiếp.
Đang lững thững đi hỏi, tự dưng có một cô gái, nói giọng đặc Nam Bộ, dáng người cao ráo, khuôn mặt rất đẹp, tầm 28 tuổi, lẵng nhẵng đi theo. Cô gái gọi với theo: “Anh ơi, anh dừng lại em bảo, em không phải buôn vé đâu”. Anh Nguyên dừng lại, cô gái tiến đến bên bảo: “Em ra đây lấy vé tàu vào Sài Gòn. Nhưng mà, em nói cho anh biết, là có một “vong nữ” đang theo anh. Em để ý anh từ lúc vào, từ chái nhà ga cho đến lúc anh vào chỗ mua vé đi Lào Cai. Em ngồi chờ hàng ghế đối diện, thấy rõ nó đi theo anh”.
Nghe cô gái lạ đó nói vậy, anh Nguyên dựng tóc gáy. Nhưng tính đa nghi, nghĩ cô gái lạ này làm trò, lại sẵn bực mình vì không mua được vé, nên anh quát: “Vớ vẩn, tránh ra”. Quát xong, anh Nguyên chúi chúi đi ra chỗ gửi xe máy để lấy xe ra về. Nhưng cô gái lạ cứ đi theo, rồi giật áo anh bảo: “Anh đứng lại em nói, rõ ràng có con ma nữ theo anh. Mà con này nó ác lắm. Nó tìm cách hại anh đấy!”. Họa sĩ Lê Đình Nguyên cáu quá, quát to: “Ma đéo gì mà ma, cút đi”. Anh chửi to đến nỗi mấy ông quán nước, xe ôm ngơ ngác nhìn, không hiểu gì. (Giờ đây, nghĩ lại chuyện cô gái lạ người miền Nam cảnh báo cho anh, họa sĩ Nguyên “Trâu” thấy rất hối hận. Qua báo, anh gửi lời xin lỗi đến cô gái không quen đó).
Đêm hôm đó, về nhà, anh vẫn còn bực dọc, càu nhàu với vợ rằng, đã không mua được vé tàu, lại gặp đứa dở hơi. Tuy nhiên, cũng ngay đêm ấy, các khớp chân của anh Nguyên đột nhiên sưng lên, viêm tấy to tướng và đau đớn vô cùng. Các khớp căng ra, như có con gì cắn xé, tim đập mạnh. Dù đã 52 tuổi, song họa sĩ Lê Đình Nguyên vẫn khỏe mạnh như trai tráng, rượu uống như nước lã, chưa hề có bệnh tật gì. Anh quá bất ngờ khi bị viêm khớp kiểu đó.
Cũng ngay đêm đó, anh Nguyên rơi vào trạng thái kỳ lạ. Anh nghe thấy tiếng nói của con “ma nữ”, mà anh gặp ở căn phòng 218 trong khu resort N ở bãi biển Lăng Cô. “Con ma” này cứ nói lăng nhăng tiếng Huế, đòi họa sĩ Lê Đình Nguyên dành tình yêu cho nó. Điều lạ là tiếng nói ấy văng vẳng trong đầu. Đôi lúc anh cảm thấy hơi thở mình khác, nhịp đập của tim cũng khác. Anh có cảm giác rõ rằng “ma nữ” đã xâm nhập cơ thể anh và đang tìm cách chiếm cả linh hồn anh. Đôi lúc anh nhìn thấy nó hiện rõ mồn một trước mặt, vẫn khuôn mặt ấy, quần áo ấy, y như lần đầu tiên nhìn thấy nó trong căn phòng 218 ở resort N. Họa sĩ Lê Đình Nguyên tìm mọi cách gạt tiếng nói ra khỏi đầu, không thèm để ý đến hình ảnh nó lượn lờ, nhảy múa trước mắt. Thậm chí, cáu tiết, anh cầm cả bát đĩa, chai rượu ném thẳng vào nó. Anh làm mọi cách đuổi “con ma” ra khỏi nhà, song không ăn thua gì. Anh đi đâu, nó theo đó, lẵng nhẵng đến cả cơ quan anh. Anh từ chối tình yêu của nó và từ chối “theo” nó. Những ngày đó, một số người xung quanh không hiểu được anh, nên nghĩ anh kỳ cục. Sợ mọi người kết luận bị tâm thần, nên thời điểm đó anh trốn tránh gặp gỡ mọi người.
Theo họa sĩ Lê Đình Nguyên, vì từ chối tình cảm của con “ma nữ”, từ chối “đi theo” (đi theo nó có nghĩa là về thế giới bên kia), nên nó tìm cách giết anh bằng được. Một sáng, anh gắng sức gượng dậy để đi làm. Lúc đó, các khớp chân, tay đã sưng tấy, đau đớn. Anh vào nhà tắm đánh răng. Cầm cốc nước, không hiểu sao tay cứng đờ, cốc nước tuột khỏi tay vỡ tóe loe. Trong thâm tâm anh tự nghĩ: “Thế này thì mình chết rồi”.
Hôm đó, ở cơ quan có việc quan trọng, không thể không đến được, nên anh lần xuống nhà dắt xe tự đi. Quãng đường anh đi thường qua đường Thanh Niên, lăng Bác, Chu Văn An, rồi đi về Ngã Tư Sở. Nhưng mới đến Văn Miếu Quốc Tử Giám, thì hơi lạnh xâm chiếm khắp cơ thể, dù khi đó giữa mùa hè nóng như nung. Anh nghe rõ tiếng tim đập thình thịch. Anh cố trấn tĩnh, tập trung sức lực để đi, nhưng không đi nổi. Anh liền tạt vào quán phở, chống xe, rồi gọi bát phở ăn cho ấm bụng. Khi nhân viên vừa bê bát phở ra, anh nghe thấy tiếng cười sằng sặc của con “ma nữ” trong đầu. Nó bảo đã đến lúc anh phải đi theo nó rồi. Anh chợt nghĩ: “Quả này chắc mình toi mạng rồi”. Anh Nguyên rút điện thoại bấm gọi vợ. Nhưng lúc đó, anh không còn đủ sức bấm điện thoại nữa, không điều khiển được mình nữa. Anh cảm giác như đang chết dần. Chiếc điện thoại cũng rơi tuột khỏi tay. Đúng lúc đó, ông bạn học dựng xe vào quán phở kêu lên: “Ơ, thằng Nguyên Trâu”. Vừa ngước nhìn ông bạn, thì anh đổ gục.
Họa sĩ Lê Đình Nguyên nhớ lại: “Anh không mở mắt, nhưng vẫn thấy lan man xe chạy, bác sĩ chạy. Anh nằm trên cáng, lướt đi dọc hành lang. Không hiểu mình cảm nhận thấy hình ảnh xung quanh, hay là hồn mình bay ra ngoài và nhìn thấy mọi việc. Kể cũng lạ thật. Rơi vào hoàn cảnh này, mới hiểu cảm giác cận kề cái chết cũng thú vị. Lát sau, anh mở mắt, bác sĩ bảo đã tiêm thuốc trợ tim rồi, chậm vài phút là chết. Lúc nữa thì thấy vợ lếch thếch chạy vào. Anh nằm viện Xanh Pôn đúng một tuần thì ra. Xét nghiệm không tìm ra bệnh gì cả. Bác sĩ chỉ bảo thiếu chút kali. Anh được chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam chăm sóc, là giáo sư Phạm Gia Khải. Anh kể chuyện gặp ma, bị ma giết, nhưng bác Khải chỉ cười, bảo anh tưởng tượng giỏi, chứ trên đời làm gì có ma quỷ. Các bố ấy không tin thì thôi, chứ anh thấy rõ nên anh tin. Chứ thiếu chút kali làm sao anh rơi vào cảnh tượng sống dở chết dở như thế được chứ. Mà cũng có thể con ma nữ này nó làm cho anh mất kali, nên mới suýt toi mạng. Sau khi ra viện, anh đi làm các xét nghiệm để kiểm tra các khớp, xem có bị gút hay viêm khớp, thấp khớp gì không, nhưng bác sĩ bảo không việc gì”.
Mặc dù bác sĩ kết luận không bị bệnh gì về khớp, song các khớp xương của họa sĩ Lê Đình Nguyên mỗi ngày một sưng to, đau hơn. Hôm ngồi uống café với họa sĩ Chí Long, anh Nguyên có kể chuyện này. Họa sĩ Chí Long khá am tường chuyện ma mãnh nên bảo do luồng âm khí quá mạnh thâm nhập vào anh, mà lại là âm khí mạnh của “ma nữ”, nên đương nhiên sẽ sinh ra bệnh nọ bệnh kia. Họa sĩ Chí Long khuyên anh Nguyên kiếm một ông thầy cao tay, trục “con ma” đó ra mới ăn thua. Từ xưa đến nay, anh Nguyên đại ghét mấy trò bói toán, cúng bái, bắt ma của đám đồng cốt, nhưng nghe ông bạn khuyên thế, thì anh cũng thử một phen. Đang lúc hoang mang, không biết thầy nào bắt được “ma”, thì chợt nghĩ ra ông bạn đại đá về hưu, từng làm ở Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, nhà ở phố Tạ Hiện. Ông này nghiên cứu rất kỹ về phong thủy, kinh dịch, cảm xạ.
Ông Đại tá này tung xu, xấp ngửa, vạch âm, vạch dương, vạch liền, vạch đứt rồi ra quẻ. Xem quẻ dịch xong, ông dùng cả que cảm xạ hỏi. Ông bảo: “Có con ma nữ trong người cậu thật. Phải vị cao tay mới trục được con ma này. Nó ác lắm. Nó sẽ vật cậu chết. Tôi mà cứu cậu, thì tôi cũng sẽ chết. À, tôi nhớ rồi, có một nhà sư nổi tiếng về trục ma. Ông này sẽ bắt sống ma trong người cậu luôn”. Nói rồi, ông này tức tưởi đi tìm cuốn sổ. Người mà ông thầy cảm xạ này nói đến là nhà sư Thích Quảng Tùng, trụ trì chùa Hàng Kênh, Hải Phòng. Ông đọc số điện thoại, anh Nguyên gọi luôn. Sư thầy bảo: “Ngày mai tôi có mặt ở chùa lúc 4h chiều. Ngày kia tôi đi công tác chưa biết ngày nào mới về. Tốt nhất là chiều mai anh đến chùa luôn”.
Cuộc bắt “vong” rùng rợn
Hôm sau, vợ chồng anh Nguyên dậy sớm, bắt xe Hoàng Long về Hải Phòng. Đến Hải Phòng thì bắt taxi đến chùa Dư Hàng, ở quận Lê Chân. Anh đến từ lúc 2 giờ, thấy đông người chờ đợi, mà không thấy thượng tọa Thích Quảng Tùng đâu. Đúng 4 giờ chiều thì ông có mặt. Anh Nguyên kể: “Xuống đó anh mới tin trên đời có ma thật, mà nhiều ma là đằng khác. Anh tận mắt cảnh ông ấy bắt ma cho đứa con gái, mới 18 tuổi. Con ma chửi ông ấy như chó. Ông ấy chả thèm nói gì. Chưa đầy một phút, ông ấy tóm sống con ma. Bắt ma xong, đứa con gái ngã vật ngay ra. Thế là tỉnh lại. Đến lượt anh. Sờ đầu anh. Anh đưa lễ vật ra. Anh kể chuyện gặp ma, ông ấy đếch thèm nghe. Ông đặt tay trái lên đầu anh, cầm con lắc quay, rồi nói: “ma”. Ông cứ nói nhát gừng: “Con này ác đây. Nó cho cậu đi luôn. Nó gặp điều kiện thuận lợi, năm xung tháng hạn, nó cho cậu theo luôn, chết luôn”. Chỉ nói vậy, rồi ông ấy kéo cái hộp hình bát giác có đèn nhấp nháy lại gần. Ông ấy cầm cục gì đặt lên đầu anh. Anh liếc mắt, thấy cái cục như thạch anh. Cục đá to như nóc mũ cối, bằng cái ấm nước to. Ông chườm lên vai trái, rồi vai phải. Anh vẫn chưa thấy gì. Ông đưa cục đá xuống bụng. Lúc đó, anh cảm giác có lực hút mạnh lắm. Ông bảo há mồm ra. Anh há mồm rõ ro. Ôi trời, cùng với lực ông áp cục thạch anh vào bụng, cảm giác như một con lươn, một con lươn trơn tuột, lạnh toát, từ trong bụng, qua cổ, phọt ra khỏi mồm. Cái cảm giác như trong bụng mình có một con lươn, phọt từ họng ra khỏi mồm cực kỳ kinh tởm, không thể nào quên được. Ông nói với vợ anh: “Xong rồi, nó ra rồi, nhốt nó vào hòm rồi, cho nó ở chùa để nó hầu Phật”. Anh chưa kịp nói gì thì ông đã đuổi, bảo ra chỗ khác, để người khác vào”.
Trên đường về, chị Liên, vợ họa sĩ Lê Đình Nguyên liên tục hỏi anh hết đau khớp chưa? Anh sờ nắn các khớp và bảo vẫn đau như thường, không thấy có chuyển biến gì, nên bán tín bán nghi. Bản thân anh nghĩ rằng con ma vẫn ở trong người anh. Về đến nhà, mệt quá, anh lăn ra ngủ, bỏ cả ăn tối. Nhưng kỳ lạ thay, sáng hôm sau, tỉnh dậy, anh thấy người nhẹ nhàng, thoải mái, các khớp vốn sưng đỏ, sưng tếu cũng xẹp hết, chả thấy đau đớn gì nữa. Từ đó, anh vứt hết các loại thuốc đông, tây y trị khớp mà anh mua về cả đống. Thời gian sau, Thượng tọa Thích Quảng Tùng lên chùa Quán Sứ (Hà Nội), đã gọi họa sĩ Lê Đình Nguyên đến kiểm tra. Thượng tọa cũng sờ đỉnh đâu anh Nguyên và dùng con lắc quay. Ông khẳng định, con “ma nữ” đã hoàn toàn biến mất khỏi cơ thể anh. Tuy nhiên, ông hẹn một ngày sẽ bố trí thời gian đến tận nhà xem đất cát nhà anh có vấn đề gì không. Tuy nhiên, để an toàn, thượng tọa Thích Quảng Tùng khuyên anh Nguyên kiếm một con chó Lài, giống chó to lớn, mạnh mẽ ở miền núi để nuôi trong nhà. Theo lời ông, có con chó đó, thì anh có thể yên tâm, bởi khí dương của con chó sẽ xua đuổi khí âm khỏi căn nhà. Đó cũng là lý do khiến họa sĩ Lê Đình Nguyên lên kế hoạch săn tìm bằng được con chó Lài có lưỡi đốm để đem về Hà Nội nuôi.
Nguồn: FB Phạm Dương Ngọc