Phật dạy rằng: Muốn thiện trước hết phải hết tham, muốn phúc trên hết phải biết đủ, ai tỏ tường điều này ắt giữ được phúc khí
Thuyết nhà Phật luôn răn dạy rằng, ba nỗi khổ cũng là ba nguyên nhân dẫn tới khổ đau của con người là tham, sân, si. Chữ tham đứng đầu tiên bởi vì lòng tham nên mới sân hận, vì tham nên mới si mê, u tối. Phật cũng dạy rằng: Đừng liếm mật ngọt còn sót lại trên lưỡi dao, sẽ bị họa đứt lưỡi.
Vậy mà lắm kẻ mang họa vì chút xíu mật ngọt tầm thường, họ mắc chứng bệnh: tham lam vô hạn trong một cõi sống có hạn. Những con người ấy không bao giờ biết đến hạnh phúc, mất khả năng thụ hưởng hạnh phúc. Và tất nhiên, họ không bao giờ đem lại hạnh phúc cho bất cứ ai, cho dù nhìn qua có vẻ họ có đủ điều kiện để hạnh phúc cũng như mang hạnh phúc cho người khác.
Người ta thường nghĩ, nghèo thì khổ, bất hạnh nhưng lắm kẻ có rất nhiều tiền, vẫn không hề có chút hạnh phúc nào hết! Cứ như một cơn khát vô cùng tận, bao nhiêu tiền vàng không thỏa, thậm chí làm cơn khát tăng thêm mãi như trong câu chuyện túi ba gang. Họ không có sự ngơi nghỉ, thiếu vắng nụ cười, cảm thông san sẻ, hay sự hài lòng về một điều gì đó.
Thuyết nhà Phật luôn răn dạy rằng, ba nỗi khổ cũng là ba nguyên nhân dẫn tới khổ đau của con người là tham, sân, si.
Một vị tu hành chia sẻ trên Giacngo.vn rằng, ông biết đến một ông chủ to theo đúng mọi nghĩa, nhưng chưa thấy ông hài lòng với người làm công bao giờ cho dù họ đã rất cố gắng. Công nhân chấp nhận lương thấp việc nhiều, ông có lợi nhuận cao, nhưng ông không bằng lòng. Hôm sau giao việc nhiều hơn hôm trước, điều kiện lại khó hơn; lương thấp lại tìm cách hạ thấp hơn nữa! Chưa từng thấy ông khen ngợi hay khích lệ, chỉ có cau có, ca thán, đe dọa… người làm. Với kẻ ăn người ở, với gia đình, ông cũng thế, nghiệt ngã. Ông nghiệt ngã ngay với chính bản thân mình từ tấm áo manh quần, miếng ăn thức uống. Có lẽ nhờ thế mà ông giàu. Nhưng ông không có hạnh phúc theo mọi định nghĩa.
Một ví dụ khó tin về ông: Ô-sin giúp việc cho ông đúng 10 năm, tưởng chừng bao nhiêu là thân thiết, vậy mà ngày người thân cô ấy qua đời, xin phép nghỉ 2 ngày chịu tang hẳn hoi, đến tháng lương vẫn bị trừ 2 ngày công. Cô ấy tủi thân khóc và nghỉ việc, kêu rêu khắp nơi, còn ông chủ đáng thương đã kịp nặn ra kịch bản: Nó lấy trộm điện thoại nhà tôi nên đuổi rồi!
Không chỉ có người giàu, đại gia mới mang “virus” ấy. Một bà nọ trong xóm, rất nghèo, cứ than thở suốt về mọi thứ. Nhà nước cấp sổ hộ nghèo, lại muốn có cái nhà. Có cái nhà tình thương, lại chê quá nhỏ! Nằm viện, người ta cho cơm từ thiện ngày ba bữa tinh tươm, lại chê… không đổi món, ăn phát ngán. Hay như trong bệnh viện có nhiều, rất nhiều vấn đề, ai cũng thấy. Nhưng trong ấy cũng có bao nhiêu điều tốt đẹp tiềm ẩn hay hiển hiện, vậy mà có người chỉ biết ca thán về mọi thứ, đòi hỏi vô lý, một chiều. Chỉ cái cau mày của thầy thuốc cũng thành câu chuyện bức xúc, trong khi chưa bao giờ cất tiếng cảm ơn những ân nhân người dưng nước lã cứu mạng mình, người thân của mình….
Có một câu chuyện cay cay. Đấng quân vương nọ vừa muốn ban đặc ân cho thuộc hạ vừa muốn thử lòng, đã phán: Ta ban cho ngươi một con ngựa và một thanh kiếm, ngựa tốt và kiếm sắc, ngươi cưỡi ngựa đến đâu không giới hạn trên vương quốc của ta rồi cắm thanh kiếm đánh dấu, thì tất cả đất đai trong đấy là của nhà ngươi. Vậy là có một bi kịch, vị thuộc hạ đã thúc ngựa chạy mải miết đến ngã gục, kết thúc sự sống, vì muốn có một sở hữu mênh mông vô cùng tận! Con người đấy có lộc mà không biết hưởng, biến phúc thành họa.
Ở đời, cũng có người vì lòng tham mà không còn lương tâm lương tri ăn của hối lộ, ăn xén ăn bớt của cải mồ hôi công sức của người khác. Có người vì lòng tham mà phải cờ bạc, cá độ để mong được giàu sang, rốt cuộc giàu sang không thấy mà lại cho một kết quả bi thảm đó là tán gia bại sản, của cải không còn, nhà cửa bị tịch thu… Có người vì lòng tham mà mua vé số, đánh số đề cầu mong trúng số độc đắc để có được nhiều tiền giàu có, kết quả rồi cũng trắng tay tan nhà nát cửa, nợ nần chồng chất…
Khi có được nhiều tài sản, người ta cũng hay nảy sinh, mâu thuẫn với nhau. Không chỉ người dưng mà cả những người trong cùng một gia đình, có cùng huyết thống cũng mắc phải bi kịch từ lòng tham này. Con người vì nhu cầu vật chất, tiền bạc, tài sản mà đeo đuổi theo lòng tham lam bủn xỉn, ích kỷ cho riêng mình. Cho nên chuyện đổ vỡ, xung đột gia đình đánh mất hạnh phúc cũng xảy ra từ đây. Nguyên do cũng chính bởi lòng tham nên không còn thương yêu nhau, đùm bọc nhau nữa, thường xuyên xảy ra chiến tranh, tranh đoạt, tranh chấp với nhau.
Tất cả sự tham lam trên đều mang một kết cục là khổ đau. Chúng đều là hành nghiệp của ác pháp, của bất thiện được thể hiện trên thân hành, khẩu hành, ý hành của chính mình. Vì trong ý hành thường nghĩ đến chuyện muốn được giàu sang hơn người khác, cho nên thân hành và khẩu hành phải hành động làm hại mình, làm hại người và làm hại chúng sinh.
Nhờ trời, có những con người ngược lại, họ dễ tìm thấy hạnh phúc trong những cái nhỏ nhoi. Một tia nắng ban mai, một làn gió mát, hay một giọng ca bất chợt thoảng qua từ đâu đó bên nhà hàng xóm cũng khiến họ bâng khuâng, nhẹ nhõm, an lành…. Họ biết đủ, biết dừng, biết giới hạn, thấu cảm dễ dàng trước mọi sự – lòng ta và lòng người.
Tham lam không phải bản chất của con người. Phật dạy rằng, bất kể ai sinh ra đều như tờ giấy trắng, đều có trái tim thuần hậu và thiện lương. Nỗi tham lớn dần lên theo năm tháng, theo những điều mà con người muốn sở hữu và đang sở hữu. Càng có nhiều càng tham nhiều, càng mong nhiều lại càng tham nữa. Dù làm trăm ngàn việc tốt, cố gắng tu tích thế nào mà không buông bỏ được lòng tham thì tai họa vận đến, phúc lộc vẫn bay đi, không giữ lại được gì. Mà tham thường đi liền với ác. Vì tham nên làm ác để thỏa mãn thứ mình muốn, làm ác để thỏa mãn lòng tham vô bờ bến.
Vì thế, Phật dạy buông bỏ lòng tham, tu tâm dưỡng tính chính là việc đầu tiên để tích đức hành thiện. Muốn thiện, trước hết phải hết tham, muốn phúc trên hết phải biết đủ. Không tham lam, không vọng tưởng thì hạnh phúc ngay trong phút giây ấy, phúc đức ngay trong phút giây ấy. Vô sở cầu nhi tự đắc, đó là đại trí huệ.
ST