Nhói lòng tiếng gọi: Ba ơi, dậy đi…ngây thơ của con trai 2 tuổi như dao cắt vào tim khiến ai cũng bật khóc trong tang lễ của chiến sĩ hy sinh khi cứu hỏa
Ước mơ của vợ con, cha mẹ thượng úy Long đã tắt lụi cùng đám cháy đêm qua. Giữa vành trắng khăn tang, họ chỉ còn biết ngửa mặt lên trời mà khóc.
Sáng 8/9, rất đông đồng đội đã đến viếng, chia buồn với gia đình thượng úy Phạm Phi Long hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Nếu còn sống, th.á.n.g 10 này thượng uý Phạm Phi Long sẽ đón cô con gái thứ hai chào đời. Nhưng đêm 7/9, thượng úy Long (31 tuổi) thuộc Đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực 2, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân (TP.HCM), đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ chữa cháy tại căn nhà trên địa bàn phường Bình Hưng Hoà.
“Ba ơi, dậy đi”
Ông Nguyễn Văn Tuấn (cậu ruột của thượng uý Phạm Phi Long) tất tả chạy lên nhà anh chị ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) lúc tờ mờ sáng. Cuộc điện thoại của đứa cháu họ giữa đêm khiến ông như không tin vào tai mình. Đứa cháu trai hiền lành của ông hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ chữa cháy.
“Tôi nắm tay nó thấy da thịt còn mềm, cứ tưởng nó đang ngủ chứ. Có ai ngờ đâu”, ông Tuấn rưng rưng nói. Khi biết tin thượng uý Phạm Phi Long qua đời, cha mẹ anh khóc không thành tiếng. Ông Nguyễn Văn Én (cha thượng uý Long) ngất ngay khi nhìn thấy thi hài con.
Gian phòng phía sau căn nhà đơn sơ của bố mẹ thượng uý Long, bà nội và bà ngoại của anh ngồi thẫn thờ. “Bà nội và bà ngoại đều cao tuổi rồi, ai tới hỏi thì biết người đó, nhìn mà xót ruột luôn”, ông Tuấn chia sẻ.
Đám tang của thượng uý Phạm Phi Long, ngoài đồng đội, còn có cô dì, chú bác chung tay lo liệu, những mái đầu bạc với đôi mắt đỏ hoe khóc tiễn đầu xanh. “Sáng nay, đứa con trai 2 tuổi của Long tưởng ba nó đang ngủ nên cứ lay rồi gọi ‘Ba ơi, dậy đi’ mà ba nó không dậy. Tiếng khóc của nó như dao cắt vào ruột, khiến ai cũng đau lòng, rơi nước mắt”, người cậu nghẹn ngào.
Túc trực bên linh cữu chồng, vợ anh, chị Nguyễn Thị Hồng Phượng cố nén nước mắt. Chị Phượng đang mang thai đứa con thứ hai, bụng bầu lùm lùm sau chiếc áo tang. Sự ra đi đột ngột của anh Long khiến anh không có cơ hội chào đón cô con gái mà hai vợ chồng mong mỏi.
Với chị Phượng, đáng ra giờ này hai vợ chồng và con trai vẫn đang trong chuyến du lịch ở Vũng Tàu. Phút cuối, anh không thể đi vì phải trực. Không ngờ, đó cũng là lần gặp mặt cuối cùng của hai vợ chồng.
“Sao nó đi mãi không về?”
Bà Nguyễn Thị Mùa (mẹ thượng uý Phạm Phi Long) thẫn thờ nói: “Đáng ra giờ này Long đã đi làm về rồi”. Đêm qua, hai xe cứu hoả ghé qua nhà, đồng đội báo Long bị thương yếu lắm. Cả gia đình tất tả chạy xuống bệnh viện.
“Vợ chồng tôi xuống tới nơi thì Long đã mất rồi. Ba nó xỉu luôn lúc đó”, bà Mùa kể lại. Nhưng trái tim người mẹ không cho phép mình gục ngã. Bà Mùa vẫn theo xe cấp cứu về tận nhà, lo liệu từng chút một cho đám tang đứa con trai duy nhất.
“Long còn định có điều kiện sửa nhà cao lên cho bố mẹ và bà ở chứ thấy cứ trời mưa ngập là phải tát nước khổ quá. Mỗi lần ngập, bà nội chỉ còn cách ngồi bó gối trên giường đợi nước rút”, bà Mùa khóc nghẹn ngào.
Còn với ông Phạm Văn Én vẫn như chưa tin con trai mình đã qua đời. Đôi mắt đỏ hoe, ông Én cứ kể những chuyện ngày anh Long còn nhỏ. “Năm 2006, Long bước chân vào ngành cảnh sát. Ở trên phân công nó đi học xa, nó kêu với tôi ‘Chắc con nghỉ học ba ơi, con không biết đường đi’. Đời nó, từ bé tới lúc đó còn chưa xuống tới Bà Quẹo”, ông Én nức nở.
Trong ký ức của người cha già vẫn còn nguyên những ngày cậu con trai đón xe buýt từ Bến Thành về xuống An Sương rồi gọi cha ra đón. Rồi con trai của ông cũng trưởng thành, lấy vợ và sinh con. Ông Én cứ tưởng đời mình mãn nguyện, chẳng mong điều gì hơn.
Bà Mùa vẫn day dứt vì chưa kịp mua đu đủ kho thịt cho con trai. Hàng ngày, lúc có thời gian, anh Long vẫn ra chợ phụ mẹ bán rau. Mấy hôm trước, con trai bị cảm còn nhờ mẹ mua thuốc. “Tôi mừng vì con có nghề nghiệp tử tế, nhưng lương nó đâu đủ nuôi vợ con. Mẹ đi bán rau vẫn phải cho tiền phụ thêm”, bà Mùa kể.
Nhưng mọi dự định của thượng uý Long, mọi ước mơ của ông Én và bà Mùa đã tắt lụi cùng đám cháy đêm qua. Giữa vành trắng khăn tang, bà Mùa chỉ biết khóc: “Tôi làm rẫy, bán rau, đủ nghề để nuôi con lớn. Sao giờ con đi mãi không về?”.
Theo WTT