Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao
Vạn vật trên đời, cứng quá thì dễ gãy, nhu mềm nhẫn nhịn ấy mới là thứ chắc chắn nhất. Nhẫn để làm việc lớn, nhẫn có thể tránh khỏi tai họa…sống ở đời đâu thể thiếu chữ “nhẫn’.
1. Khoan dung độ lượng, không để bụng chuyện cũ
Khi Hàn An Quốc đảm nhận chức Nội sứ nước Lương, bị Điền Giáp, quan coi ngục nhục mạ. Hàn An Quốc hỏi Điền Giáp: “Đám tro tàn đã nguội lạnh, còn có thể cháy lên lần nữa không?”
Điền Giáp nói: “Đám tro tàn đã nguội lạnh, nếu còn có thể cháy lên lần nữa, ta sẽ tè lên đó một bãi cho nó tắt ngấm luôn”.
Sau này Hàn Quốc An được thả ra, lại đảm nhiệm chức Thích Sử Lương Châu. Điền Giáp hay tin, sợ quá bèn chạy trốn.
Hàn An Quốc nói với thuộc hạ rằng: “Nếu Điền Giáp trốn không về, theo luật quốc gia, đây là tội chu di cửu tộc. Nếu ông ta không trốn chạy mà mau chóng quay về thì ta sẽ xá tội cho”.
Điền Giáp hay tin liền lập tức quay về bái kiến Hàn An Quốc. Hàn An Quốc hỏi ông ta: “Đám tro tàn đã nguội lạnh, nếu lại cháy lên lần nữa, sao ông không tè lên trên đó, mà lại trốn chạy vậy?”
Điền Giáp nghe vậy vô cùng sợ hãi.
Hàn An Quốc nói với ông ta: “Ta sẽ không báo thù ông. Giờ ông có thể quay về, ta sẽ xá tội cho ông”. Và ban cho ông ta làm Đình úy – một chức quan nhỏ.
2. Nhẫn nhục trả vàng, trước sau đều ôn hòa
Trực Bất Nghi ở cùng phòng với người khác, trong đó có một người bạn cùng phòng về nhà, cầm nhầm vàng của một người bạn cùng phòng khác. Người mất vàng nghi ngờ Trực Bất Nghi trộm vàng, liền nổi giận đùng đùng với Trực Bất Nghi, tuôn ra những lời rất khó nghe.
Trực Bất Nghi khiêm nhường nhận lỗi với người mất mà rằng: “Chuyện này, quả thực là làm sai rồi”, rồi tự mình đi mua vàng, đếm đủ số tiền trả lại cho anh ta.
Sau này, người bạn cùng phòng về quê đó quay trở lại, đem số vàng cầm nhầm trả lại cho người mất. Người mất vàng đó, cảm thấy rất xấu hổ.
Trực Bất Nghi vì vậy được mọi người tán dương là người trung hậu.
3. Trong vạn sự, nhẫn làm đầu
Vương Thủ Hòa là Quang Lộc Khanh đời Đường (tên một chức quan) trước nay ông chưa hề tranh chấp với người khác. Ông đã từng viết một chữ “Nhẫn” rất lớn trên bàn, những chỗ như bức màn che cũng đều thêu lên chữ “Nhẫn”.
Đường Minh Hoàng cảm thấy tên Vương Thủ Hòa cũng có nghĩa là “không tán thành việc thế nhân thích tranh đua”, nên cho gọi Vương Thủ Hòa tới bên mình, hỏi rằng: “Tên của khanh gọi là Vương Thủ Hòa, cũng đủ thấy khanh không thích tranh đấu. Giờ, khanh lại thích viết chữ ‘Nhẫn’, người khác cũng có thể thấy được dụng tâm của khanh”.
Vương Thủ Hòa trả lời rằng: “Thần nghe nói: Vật cứng dễ bị bẻ gãy. Trong vạn sự, nhẫn nhịn là tốt nhất”.
Đường Minh Hoàng tán thưởng rằng: “Hay!”, liền ban thưởng gấm vóc lụa là nhằm thể hiện sự biểu dương.
4. Mâm ngọc quý bị vỡ, tâm khí vẫn bình hòa
Bùi Hành Kiệm ban đầu bình định Duzhizhefu (tên một địa danh), thu nhặt được rất nhiều báu vật, đếm không xuể. Tướng lĩnh và binh sĩ các dân tộc thiểu số đều muốn đến thưởng lãm.
Bùi Hành Kiệm bèn đãi tiệc, trong buổi tiệc đã mang một vài bảo vật trưng bày cho mọi người cùng thưởng lãm. Trong đó có một cái mâm bằng mã não dài 2 tấc, màu sắc, hoa văn vô cùng tinh tế và đẹp mắt.
Có một binh sĩ trong lúc thưởng lãm, đã nhấc chiếc đĩa lên, rồi bất cẩn ngã nhào xuống đất, cái mâm ngọc vật quý thế gian cũng bị rơi vỡ. Binh sĩ đó vô cùng sợ hãi, liền quỳ xuống, liên tiếp dập đầu đến chảy cả máu.
Bùi Hành Kiệm cười nói: “Ngươi cũng đâu có cố ý!” nét mặt ông không hề biểu hiện ra một chút tiếc nuối cái mâm mã não đó.
5. Khoan dung với người khác, nghe lời khó chịu mà không oán hận
Đỗ Diễn nói: “Như người có quyền thế ngày nay, đa phần đều thích chỉ trích sai sót nhỏ nhặt của người khác, điều này quả thực không đủ rộng lượng”.
Kể từ khi Đỗ Diễn đảm nhận chức Tri Châu đến nay vẫn luôn được đề bạt làm Chuyên An Phủ (một chức quan), xưa nay ông không hề trách mắng bất kỳ một quan viên nào. Với những quan viên thất trách, Đỗ Diễn liền giao cho họ xử lý một vài việc, khiến những vị quan đó không còn thời gian lười biếng; với những quan viên làm việc không cẩn thận, Đỗ Diễn liền nhắc nhở họ: không cẩn thận sẽ dẫn đến hậu họa, chứ không nhất thiết phải dùng pháp luật xiết chặt họ.
Phạm Trọng Yêm đã từng thảo luận những chuyện phải trái đúng sai về một số việc với Đỗ Diễn, đến mức Phạm Trọng Yêm làm tổn thương đến Đỗ Diễn. Nhưng Đỗ Diễn hoàn toàn không thù hận, mà vẫn rất tôn kính Phạm Trọng Yêm.
6. Khuyên giải và phóng thích kẻ trộm, tặng vải khuyến khích hối cải
Trần Thực, tự là Trọng Cung, đảm nhận chức huyện lệnh huyện Thái Khâu. Một hôm có tên trộm nằm trên kèo nhà ông, chuẩn bị trộm đồ.
Trần Thực nhìn thấy liền gọi con trai tới, nhẹ nhàng dạy con rằng: “Người không được hoan nghênh, không nhất định là người đó bản tính không tốt, mà do thói quen mà thành. Người đang nằm trên kèo nhà ta cũng là người như thế”.
Tên trộm trên kèo nhà nghe thấy liền tự động nhảy xuống, quỳ dưới đất nhận tội. Trần Thực nói rằng: “Nhìn tướng mạo của ngươi không giống người xấu. Sở dĩ ngươi đến bước đường này, có lẽ là do nghèo khó tạo nên”.
Nói rồi, Trần Thực tặng y hai cuộn vải và bảo y nhất định phải hối cải làm lại cuộc đời. Từ đó về sau người này không bao giờ ăn cắp nữa.
(Các đoạn trên đều trích dẫn từ “Kinh Nhẫn” của Ngô Lượng đời nhà Nguyên)
Tinh Hoa