Nghiệp lực theo thân gặp ác báo, đệ tử Phật Đà cũng không thoát được

Đức Phật dạy, dù người ta có lên núi cao hay trốn xuống vực thẳm, cũng không thể nào tránh được nghiệp quả khi đủ nhân duyên.

Tại một làng chài ở nước Kosala Ấn Độ, có một cậu bé tên gọi Lou Sharjah, trong nhiều đời trước từng xuất gia học Đạo. Tuy nhiên vì lòng tham lam và chấp trước danh lợi quá nhiều, lại cộng thêm lòng dạ hẹp hòi, ghen tuông đố kỵ nên từng lừa dối một vị La Hán Tì Kheo. Bởi vậy sau khi đầu thai chuyển kiếp trong một làng chài, Sharjah đã rơi vào vực sâu khổ nạn, không những bản thân chịu nhiều khổ hạnh mà còn liên lụy đến những người xung quanh.

Người trong họ vứt bỏ mầm họa tai ương

Trong làng chài nơi cậu bé ở có khoảng một ngàn hộ dân, họ là một đại gia tộc yêu thương, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng sự xui xẻo bắt đầu xảy đến từ ngày mẹ Sharjah mang thai cậu bé. Một ngàn hộ dân cùng nhau ra biển đánh cá, nhưng không đánh bắt được bất kỳ thứ gì. Và từ đó trở đi ngày nào cũng vậy, họ đều trở về tay không.

Những người dân trong làng ngày một trở nên nghèo đói, nhất là trong chín tháng mười ngày khi mẹ cậu bé mang thai. Những sự cố liên tiếp không ngừng theo nhau gõ cửa người dân và mang tới cho họ những bất hạnh không ngờ tới. Đó là bảy lần trong làng xảy ra hỏa hoạn, bảy lần bị vua xử phạt. Những rủi ro liên tiếp xảy đến làm mọi người không thể không họp bàn trao đổi. Họ cho rằng “Tai ương kỳ lạ và những điều không may này xảy đến, nhất định đều do trong làng có mầm bất hạnh“. Thế nên họ chia gia tộc mình thành hai nhóm, mỗi nhóm 500 người.

Sự xui xẻo bắt đầu xảy đến từ ngày mẹ Sharjah mang thai cậu bé. (Ảnh: dantri.com.vn)

Sau khi phân chia, ở nhóm có mẹ cậu bé thì tình trạng thê thảm vẫn luôn tiếp diễn, nhóm còn lại thì sớm khôi phục lại trạng thái như bình thường. Thế là họ lại tiếp tục chia nhóm bị xui xẻo đó thành hai nhóm nhỏ khác để phân định, cuối cùng phát hiện nguyên nhân tai họa là từ gia đình cậu bé Sharjah. Họ dồn gia đình đầu bé tới bước đường cùng, cô lập và đuổi họ ra khỏi làng.

Trong những ngày tháng lưu lạc, chạy trốn gian nan, vất vả, mẹ cậu bé sinh hạ Sharjah. Trong những năm tháng đầu đời của cậu, bà vẫn làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, cố gắng nuôi dưỡng cậu thành người. Cho tới một ngày, khi cậu bé có thể đi, có thể chạy nhảy, bà trao cho cậu một cái bát và nói: “Con trai khổ mệnh của mẹ từ giờ con hãy tự đi xin ăn nhé“. Bà chỉ nói vậy rồi bỏ đi để lại một mình Sharjah bơ vơ không nơi nương tựa. Từ đó hằng ngày cậu bé lang thang xin ăn nơi đầu đường xó chợ, cuộc sống khổ cực khôn cùng không tả xiết.

Xá Lợi Phất thu nhận và giúp đỡ cậu bé bị bỏ rơi

Một ngày nọ, đại đệ tử của Phật Đà tên là Xá Lợi Phất, tôn giả đang đi hóa duyên bỗng nhiên nhìn thấy Sharjah. Cậu bé đang quỳ bên cạnh một mương nước thải rửa đồ ăn của một gia đình giàu có, giống như một chú chim non cô độc đang nhặt từng hạt từng hạt cơm thừa. Thân hình gầy gò nhỏ bé, cậu mặc một bộ quần áo rách nát, tới mức lộ hết cả người, trông vô cùng đáng thương tội nghiệp. Xá Lợi Phất nhìn thấy, trong lòng đầy từ bi, thương cảm tiến tới gần và hỏi: “Này cậu bé con sống ở đâu, con không có cha mẹ sao?“.

Sharjah nhìn vị tôn giả vừa sợ sệt, vừa rơm rớm nước mắt trả lời: “Con là đứa trẻ lang thang không có nhà để về, cha mẹ con từng nói với con: Nghiệp lực của con lớn quá làm liên lụy tới cả gia tộc, cha mẹ cũng vì con mà bị liên lụy tới sức cùng lực kiệt rồi. Và thế là họ vứt bỏ con rồi rời đi, có lẽ cả đời này cũng không muốn gặp lại con nữa“.

Tôn giả hỏi cậu: “Con có muốn xuất gia không?“.

Cậu bé gật đầu chắp tay nói: “Thưa tôn giả con muốn ạ. Thế nhưng một người bất hạnh như con thì ai có thể đồng ý tiếp nhận chứ? Hơn nữa con còn làm liên lụy tới mọi người”.

Xá Lợi Phất từ bi nhìn cậu bé mà đáp: “Ta sẽ giúp con xuất gia”.


Xá Lợi Phất cho cậu bé ăn no, rồi đích thân tắm rửa, trai giới cho cậu. (Ảnh: pinterest.se)

Sharjah vui sướng như đứa trẻ được quà, đi theo tôn giả. Sau khi về tới chùa, Xá Lợi Phất cho cậu bé ăn no, rồi đích thân tắm rửa, trai giới cho cậu, lại dạy cậu Phật Pháp và truyền thụ cho cậu giới luật của Phật môn. Dưới sự che chở của Xá Lợi Phất, cuộc sống của Sharjah cứ vậy đều đặn trôi đi. Tuy nhiên bởi nghiệp lực tự thân đã mang theo từ kiếp trước, nên tới kiếp cuối cùng cậu tất phải chịu đựng sự nghèo khó lâu dài, phải chịu nghiệp nhân quả báo ứng đói khát.

Là một người xuất gia, là một Tì Kheo, Sharjah cũng như mọi người thường xuyên mang bát đi hóa duyên đi xin ăn. Tuy nhiên có một việc hết sức kỳ lạ luôn xảy đến với cậu. Chiếc bình bát xin ăn của cậu chỉ cần đổ một thìa cháo vào là sẽ đầy tràn lên, những người bố thí thấy bát đã đầy liền không đổ thêm vào nữa. Lại có một số người bố thí khác thường nói: “Thật lạ kỳ lần nào cũng vậy cứ bố thí cháo đến lượt cậu bé thì thùng cháo đều hết bởi vậy không cách gì cho cậu được“.

Để chứng đắc được quả vị La Hán, Sharjah chỉ có thể buông bỏ các loại dục vọng biết đủ làm vui. Ăn không cầu no chỉ cầu có thể duy trì sự sống của cơ thể là đủ.

Sharjah mệnh tận, được Tôn giả bảo vệ

Khi thọ mệnh của Sharjah đã tận và sắp nhập Niết bàn, trong nhập định Xá Lợi Phất biết được bèn nghĩ: “Ta phải cho Sharjah ăn một bữa thật no mới được”. Thế là tôn giả đi cùng với Sharjah vào thành Xá Vệ hóa duyên tuy nhiên vẫn không thấy người dân bày tỏ tấm lòng tôn kính. Thấy tình hình như vậy Xá Lợi Phất bèn nói: “Sharjah ngươi hãy về trước đi”.

Sau khi Sharjah rời đi, tôn giả lập tức có được thức ăn. Người liền sai một người khác mang tới cho Sharjah, không ngờ người đó ăn hết số thức ăn này. Khi trở về Xá Lợi Phất hỏi Sharjah: “Đã ăn đồ ăn đó chưa?“. Sharjah trả lời: “Cảm ơn tôn giả để sau này con ăn“.

Xá Lợi Phất nghe vậy cảm thấy bất an, lại nhìn lên Mặt Trời đã quá giờ cơm liền đích thân đi tới hoàng cung của nước Kosala, biến hóa thành một bát thức ăn rất ngon lành mang về cho Sharjah. Tuy nhiên Sharjah chỉ dám cúi chào tôn giả mà sợ hãi xấu hổ không ăn. Tôn giả nhìn cậu từ bi, khuyên nhủ: “Nào Sharjah lại đây ngồi xuống và ăn thức ăn trong chiếc bát này của ta đi. Nếu như chiếc bát này rời khỏi tay ta, e rằng thức ăn trong đó sẽ không còn gì nữa”.

Tôn giả đi cùng với Sharjah vào thành Xá Vệ hóa duyên tuy nhiên vẫn không thấy người dân bày tỏ tấm lòng tôn kính. (Ảnh: taman.tv)

Do dự hồi lâu, Sharjah mới tiến tới ăn hết đồ ăn trong chiếc bát tôn giả cầm trên tay. Dựa vào uy lực thần thông của Xá Lợi Phất, thức ăn trong bát mới không bị biến mất và Sharjah mới được một bữa ăn no đầu tiên trong cuộc đời mình.

Tối đó không còn chút lưu luyến thế gian, Sharjah bình thản rời khỏi nơi đã mang tới khổ hạnh cả đời cho mình, trả hết nghiệp báo và vĩnh viễn trở về nơi an lạc của các bậc thánh nhân. Xá Lợi Phất nhìn thấy cậu vứt bỏ được thân thể khổ hạnh và thoát ly thế tục trong lòng như bỏ được một tảng đá nặng, không còn gì vương vấn, bất an.

Chúng ta xin đừng vì sự đố kỵ và ham muốn lợi ích vật chất mà tạo duyên nghiệp để rồi phải rơi vào bể khổ trầm luân như Sharjah, cuối cùng tới đi xin ăn cũng không ai cho. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy, như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, việc làm ác cũng lại như thế.

Đức Phật dạy, dù chúng ta có lên núi cao hay trốn xuống vực thẳm cũng không thể nào tránh được nghiệp quả khi đủ nhân duyên. Bởi vậy hãy luôn hành thiện tích đức để đắc phúc báo bởi “Thiện hữu thiện báo ác hữu ác báo” là quy luật bất biến mãi mãi trường tồn của vũ trụ.

Theo DKN