Nghẹn lòng cảnh người đàn ông điên dại ngày ngày nhặt xác động vật về ăn

Từ khi đi bộ đội về, gã lúc điên lúc tỉnh. Thỉnh thoảng, người dân trong xóm lại tá hỏa khi thấy gã vác từ đâu được một con lợn chết đang bốc mùi hôi thối để ở giữa cửa rồi cầm dao xẻo từng miếng ngon lành cho vào miệng.

Gã đàn ông tâm thần trong ngôi nhà rách nát

Đén thôn Thanh Nghĩa, xã Đồn Xá (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) hỏi thăm về gia đình của anh Nguyễn Đăng Bình thì không một người dân nào lại không biết. Anh Bình được biết đến là một trong những hộ được xếp vào hạng cùng đinh ở trong thôn. Không những thế, anh còn được biết đến với khả năng ăn uống kinh dị vượt ngoài sức tưởng tượng của con người.

Dẫn tôi đến căn nhà rách nát nằm lẩn khuất phía sau bụi chuối già, bà lão hàng xóm bước từng bước rón rén lại ngó cổ vào nhìn khắp lượt ngôi nhà rồi quay lại phía tôi thì thầm: “Chú ấy có ở nhà đấy nhưng tốt nhất lên chờ người vào không chú ấy đánh đấy, không khéo lại cầm dao ấy chứ”.

Vừa dứt lời, bà lão chắp tay ra phía sau hông, lê từng bước chậm rãi đi ra khỏi căn nhà lạnh lẽo, u uất. Theo lời căn dặn của bà, tôi liên hệ được với ông Nguyễn Đăng Thắng (53 tuổi, anh trai ruột của anh Bình) ở gần sát với ngôi nhà cũ nát của anh Bình.


Gã đàn ông tâm thần Nguyễn Đăng Bình bên ngôi nhà rách nát của mình. Ảnh: Duẩn.

Sau một hồi lưỡng lự, ông Thắng chỉ đồng ý dẫn tôi vào ngôi nhà của em trai với một điều kiện không được nói bất cứ câu gì, mọi chuyện cứ để ông tự xoay sở. Hỏi mãi một hồi, ông Thắng mới bật mí cho tôi rằng cậu em trai của ông thần kinh không được ổn định nên thường hay nổi khùng với người lạ.

Nói dứt câu, ông Thắng bước nhanh vào mảnh sân vườn mọc ngổn ngang những bụi cỏ lớn giọng gọi: “Bình ơi, đang làm gì đấy?”

Bất ngờ, từ phía trong nhà, bóng một người đàn ông cao lớn, râu tóc xồm xoàm, trên người không một mảnh vải che thân lao vụt vào gian phòng phía cuối nhà. Ông Thắng quay sang phía tôi giải thích: “Thường cứ ở nhà là chú ấy cởi hết quần áo, nằm lăn ra sàn nhà ngủ. Chắc thấy có người lên đi mặc quần áo đấy”.

Đúng như lời ông Thắng nói, sau khi mặc xong chiếc quần dài, anh Bình tiến ra đứng trước cửa, hai tay chắp bên hông cất giọng cục cằn đáp lại cây hỏi của người anh: “Hỏi làm gì? Đang ngồi chơi thôi”.

“Có chú em này đến thăm, vào nhà một tý nhá”, ông Thắng đáp lại. Nói đoạn, ông đưa tay ra hiệu cho tôi đi theo ông. Bên trong căn nhà trống tềnh chống toàng không có một thứ vật dụng gì còn nguyên vẹn, hầu hết đã bị vỡ, hoặc gãy như bị ai đó cố tình dùng vật gì đập vào.

Trên mảng tường quét ve vàng, một vài nét kí tự như chữ Tàu được vẽ nguệch ngoạc bằng chì than. Sát lối đi vào, một gói nhỏ bên trong chứa 1 túi muối, 1 chai dầu ăn cùng 1 gói đường vứt lăn lóc cùng với những bát đĩa cái lành, cái sứt.

Cách cửa chừng vài bước chân, một chảo cá diếc bốc mùi hôi thối được gá tạm lên mảnh vỡ của chiếc cửa gỗ. Vừa đưa máy ảnh lên định chụp thì người đàn ông tên Bình lao tới. Gã đưa ánh mắt cú vọ nhìn tôi lớn tiếng quát: “Chụp cái gì, biến đi chỗ khác”.

Nghe tiếng quát, ông Thắng từ phía trong nhà lao ra, dùng 2 tay ôm lấy anh Bình đang lăm lăm chiếc que định vụt tôi đồng thời hất đầu ra hiệu cho tôi đi ra khỏi căn nhà.

Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra nhưng thấy ông Thắng ra hiệu, tôi di chuyển nhanh ra khỏi căn nhà, nép dưới bóng của cây nhãn cổ thụ ngay trước cổng. Khi quay lại nhìn, tôi vẫn thấy ông Thắng đang giằng co với anh Bình, giọng thất thanh: “Người ta chụp ảnh thôi chứ có làm gì mày đâu. Chụp ảnh đẹp cho mà ngắm”.

Nghe đến đây, nét mặt anh Bình dịu xuống, chiếc que trên tay cũng được thả xuống. Gã quay sang bên ông Thắng nhỏ to điều gì đó. Ngay sau đó, ông Thắng vẫy tay cho tôi lại gần, nói nhỏ: “Nó chỉ cho chụp nó ở ngoài thôi, không được vào trong đâu. Cậu cứ chụp bên ngoài chắc cũng được”.

“Thịt lợn chết bốc mùi chú ấy vật ra giữa nhà rồi xẻo từng miếng ăn”

Chụp xong vài tấm hình, tôi và ông Thắng nhanh chóng bước ra khỏi căn nhà. Ông Thắng dẫn tôi sang lên căn nhà của ông nằm sát bên cạnh ngôi nhà của anh Bình. Rót chén nước chè mời khách, ông Thắng bắt đầu kể câu chuyện về người em của mình.

Ông kể, anh Bình (SN 1976) trước đây là một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Thuở còn đi học, Bình là một cậu bé có sức học rất khá. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải chạy ăn từng bữa lên Bình không thể tiếp tục đi học.

Hoàn thành xong chương trình THPT, cũng như nhiều thanh niên thời bấy giờ, Bình lên đường nhập ngũ, bắt đầu những tháng ngày sống và phục vụ trong môi trường quân đội.

Một chảo cá diếc bốc mùi hôi thối là một trọng những món ăn kinh dị của anh Bình. Ảnh: Duẩn

“Cũng từ sau khi đi bộ đôi về, chú Bình bỗng nhiên đổi tính, đổi nết. Từ một chàng trai khỏe mạnh, hiền lành chú ấy bỗng hóa hung dữ, thần kinh lúc tỉnh, lúc mê. Những lúc tỉnh, gặp ai chú cũng nhớ nhưng đến lúc mê, ngay cả người thân chú ấy cũng không nhận ra”, ông Thắng chia sẻ.

Thương con, bố mẹ Bình phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để đưa cậu đi khám. Hễ có bất cứ thông tin gì về người chữa được căn bệnh của con, họ lại vội vàng đưa con đến khám. “Gần thì đi xe đạp, xa hơn thì đi ô tô, xe khách, tàu hỏa, bất cứ có ai mách các cụ đều không quản đường xa đưa chú ấy đi khám”, ông Thắng tiếp lời.

Ròng rã suốt 5 năm trời, bệnh tình của anh Bình thuyên giảm đi chút ít, tính tình anh hiền hòa hơn, thỉnh thoảng vào những lúc trái gió trở trời hay nóng bức quá anh mới phát bệnh. Tuy nhiên cũng không còn đập phá như trước nữa.

Thấy bệnh tình của con trai thuyên giảm, bố mẹ anh Bình lại nhờ người mai mối anh với một cô thôn nữ nhà ngay xã bên. Từ khi có vợ, Bình hầu như không phát bệnh như trước nữa, anh đã có thể làm lụng ruộng nương như những người bình thường.

Ông Nguyễn Đăng Thắng, anh trai anh Bình chia sẻ với PV về căn bệnh của người em. Ảnh: Duẩn.

“Vợ chồng chú ấy có với nhau được 1 cậu con trai kháu khỉnh. Những tưởng cuộc đời như thế là viên mãn nhưng rồi một hôm, đột nhiên bệnh tình của chú ấy tái phát. Chú ấy gặp gì đập nấy, gặp ai là gây sự chửi bới rồi đánh đập. Ngay cả vợ con chú ấy cũng thường xuyên đánh đập”, ông Thắng chia sẻ.

Không chịu đựng được những trận đòn từ người chồng điên dại, vợ và con anh Bình cũng bỏ nhà ra đi. Rồi một hôm, cả dân làng hoảng hốt khi phát hiện mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ căn nhà nơi anh Bình sinh sống.

Mọi người đến kiểm tra thì thất kinh hồn vía khi thấy anh Bình đang ngồi trên hiên nhà, tay lăm lăm con dao, bên cạnh là xác một con lợn chết đã bốc mùi hôi thối. Con dao trên tay anh Bình liến thoắng xẻo từng miếng thịt từ con lợn đã chết rồi đưa lên miệng ăn ngon lành.

Cũng kể từ thời điểm đó, bất cứ nhìn thấy xác con vật gì từ lợn chết, cá chết… anh Bình lại vác về nhà, dùng dao hoặc tay không xé thịt, vừa cười vừa ăn. Đồ đạc trong nhà cũng bị anh lần lượt đập phá không từ một thứ gì.

“Đỉnh điểm nhất là lúc thịt lợn xuống giá, xác lợn chết ngập mương, chú ấy lại lần mò ra vớt mang về nhà để ăn. Lắm hôm, thấy mùi hôi thối, tôi xuống kiểm tra thì thấy trên bậc thềm có 2 đến 3 xác lợn bốc mùi.

Hiện tại, hàng tháng anh Bình vẫn nhận được số tiền 270.000 đồng do Phòng Lao động – TBXH huyện Bình Lục cấp. Ảnh: Duẩn.

Có hôm chú ấy xả thịt, đốt lửa để nướng thịt, cũng có hôm thì chú ấy ngồi chấm muối rồi ăn sống. Mặc dù biết là rất hại nhưng gia đình tôi không ngăn cản được vì khi lên cơn chú ấy mất hết kiểm soát và rất cục tính nên chả ai dám vào”, ông Thắng cho biết.

Thương em nhưng không làm gì được, ông Thắng phải đi đến từng hộ gia đình trong xóm nhắn nhủ hễ gia đình nào có vật nuôi chết thì đem chôn để tránh cho người em nhìn thấy rồi lại đem về ăn.

Khi được hỏi vì sao không đưa anh Bình vào trại tâm thần, ông Thắng không giấu được sự đau khổ. Theo lời ông, gia đình đã nhiều lần đưa anh Bình vào trại nhưng nhiều lắm là được 1 tuần, Bình lại trốn trại, bỏ về nhà.

“Tốn bao nhiều tiền để cho chú ấy vào trại nhưng được vài hôm chú ấy lại trốn về. Kinh tế gia đình tôi chỉ trông chờ vào vài ba sào ruộng nên không có đủ điều kiện để đưa chú ấy đi nữa”, ông Thắng thông tin.

Giờ đây, niềm mong mỏi của người đàn ông nghèo khổ chỉ đơn giản là mong sao có một tổ chức đoàn thể nào sẵn sàng tài trợ để em trai ông có thể được chữa khỏi bệnh.

“Nó vẫn còn trẻ, nếu chữa trị được thì vẫn có cơ hội làm lại cuộc đời. Tôi giờ có tuổi rồi, những lúc nhìn người em vác từng con vật hôi thối về ăn tôi đau xót lắm nhưng không biết làm gì hơn được”, ông Thắng nghẹn ngào.

Theo Đời sống Plus/GĐVN