‘Luật ngầm’ man rợ khiến nhiều tài xế quyết tâm cán nạn nhân tai nạn đến chết
Câu chuyện giới tài xế rỉ tai nhau về việc cố ý tông chết người bị tai nạn để đỡ phải thăm nuôi, đền bù nhiều lần tốn kém khiến người nghe không khỏi thất kinh.
Vụ việc tài xế đầu kéo xe container gây tai nạn giao thông ở vòng xoay Mỹ Thủy (phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, TP.HCM), sau đó được cho là đã lùi xe cố tình cán cho người bị nạn chết hẳn rồi bỏ trốn đã khiến dư luận phẫn nộ bởi hành vi dã man, phi nhân tính của tài xế này.
Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất. Vào tháng 3/2010, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Đặng Hữu Anh Tuấn mức án 8 năm tù về tội “giết người”. Tuấn là tài xế lái xe tải đã cố tình cán 3 lần lên người một nữ sinh 15 tuổi cho đến khi nạn nhân tử vong.
Thực tế, những sự việc này được cho là bắt nguồn từ những suy nghĩ ác độc của nhiều người trong giới tài xế: “Cán mà không chết, để họ tàn tật là mình phải nuôi suốt đời”.
Tông chết, lo một cục cho khỏe
Nhóm PV VTC News đã thâm nhập thực tế để làm rõ thứ luật ngầm man rợ này trong giới tài xế.
Chúng tôi tìm đến khu vực tuyến đường vào cảng Cát Lái (TP.HCM), nơi giới lái xe container hay dừng chân nghỉ ngơi. Khi nghe chúng tôi ‘cà kê’ hỏi chuyện về việc có tài xế cố tình tông chết người bị tai nạn để tránh phải thăm nuôi, đền bù nhiều lần, anh Nguyễn Văn Thắng, một tài xế xe tải chuyên hoạt động tại khu vực TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Đúng là có nhiều người suy nghĩ và hành động như vậy. Sau khi tai nạn xảy ra, nếu như nạn nhân chết thì phải lo mai táng, ma chay sẽ khỏe và ít tiền hơn so với thuốc men, viện phí. Nhiều khi nếu chủ xe mạnh, lo lót được thậm chí là trắng án, không phải đi tù. Cứ tông chết thì lo một cục cho khỏe”.
“Có nhiều ông trong đời tài xế đền mấy mạng, xong giờ ám ảnh quá nên bỏ nghề rồi, vì thực tế người chết được đền bù rẻ hơn một người thương tích nằm viện. Nếu nạn nhân nằm viện, thì tài xế sẽ phải trả chi phí chăm sóc thương tật cho nạn nhân suốt đời. Còn nếu họ chết, chỉ cần chịu một như phí mai táng“, anh Toàn, tài xế xe khách Bắc Nam kể.
Một tài xế chạy tuyến Bình Thuận – TP.HCM dửng dưng nói: “Không ai mong muốn tai nạn xảy ra cả nhưng lỡ xảy ra thì bên nào cũng phải đặt lợi ích của mình lên trên hết. Nói thật nếu là tôi thì thà nhẫn tâm một lần, nhưng tránh cho phiền hà, dây dưa cả đời, có khi sạt nghiệp cho đến khi chết mới thôi.
Nếu nạn nhân nằm viện, thì tài xế sẽ phải trả chi phí chăm sóc thương tật cho nạn nhân suốt đời. Còn nếu họ chết, chỉ cần chịu một như phí mai táng.
Nhiều người họ còn sống rồi bắt đền ghê lắm, đền được càng nhiều càng tốt, chữa trị bằng thuốc đắt tiền nhất, bác sĩ và bệnh viện tốt nhất, đòi thăm hỏi, lễ tết không đến thì chửi mắng… cứ như thế cho đến bao giờ một bên chết đi mới có thể dừng lại. Mặc kệ lái xe có giàu hay không, bán nhà bán vợ con hay bán nội tạng thì vẫn cứ phải đền“.
Chúng tôi nói, hành động như vậy là cố ý giết người, người tài xế này phân trần: “Không sự dã man nào bằng hành người khác, thậm chí là dùng luật rừng đến tán gia bại sản, dù nhiều khi tài xế không có lỗi gì. Tai nạn xuất phát từ sự ngu dốt khi tham gia giao thông của họ thì trách được ai“.
Mỗi năm được “bảo hiểm 2 mạng người”
Vừa mới hồi phục sau một vụ tai nạn giao thông, anh Bùi Văn T. (Hòa Bình) một lái xe kể lại với phóng viên: “Để tránh một người đi đường bất ngờ rẽ ngang ở ngã 3 tôi đã tự lao xe vào vách núi. Sau đấy, tôi bị thương nặng và gãy 6 chiếc xương sườn. May mà tôi không chết, người đi xe máy cũng không sao. Có lẽ, chỉ chậm mấy giây thôi thì tôi đã giết chết một mạng người“.
Thế nhưng, theo anh T. không phải nạn nhân nào cũng may mắn gặp tài xế như vậy. Bởi vì, có nhiều người họ sẽ bảo vệ tính mạng của mình trước khi nghĩ đến tính mạng của người khác.
“Nghề lái xe là vậy, nó bạc bẽo và nguy hiểm vô cùng. Đôi khi mình đi rất cẩn trọng, nhưng vì sự bất cẩn của người khác cũng khiến mình mất mạng hoặc khuynh gia bại sản. Mình chết thì khổ vợ con gia đình mình. Họ chết thì khổ gia đình họ. Trường hợp nếu không chết mà sống thực vật còn khổ hơn. Khổ cả gia đình mình, cả gia đình họ. Bởi vậy, nhiều lái xe khi để xảy ra tai nạn có tư tưởng thà cán chết người hẳn còn hơn sống như thực vật“, anh T. chia sẻ thêm.
Cũng theo anh T., không phải tài xế nào cũng dám lùi xe lại cán chết người, nhất là những tài xế là chủ sở hữu của những chiếc xe đó. Thường, những tài xế lái thuê, có ông bà chủ giàu có, nhiều tiền, cơ to mới dám giết người để trốn trách nhiệm.
Thậm chí, nhiều chủ khi thuê lái xe tải hoặc container họ còn bắt tài xế nếu lỡ gây tai nạn thì “xử” ngay tại chỗ, tránh phiền hà về sau. Mọi chi phí họ sẽ lo hết. Vì vậy, nhiều tài xế mới có gan làm.
Chia sẻ tiếp với chúng tôi về ‘luật ngầm’ trong giới vận tải, tài xế tên Thắng chạy tuyến Biên Hòa cho biết thêm, nếu như một công ty vận tải đủ mạnh, việc giúp cho tài xế của công ty trắng án sau khi cán chết người là điều có thể xảy ra.
“Theo quy định của luật pháp hiện hành, bồi thường tối đa cho một mạng người chỉ 50 triệu đồng, số tiền đó cũng chỉ vài tháng tiền lương của một tài xế đường dài. Nếu phải bồi thường, thăm nuôi nạn nhân kéo dài số tiền có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Thế nên, câu chuyện cán cho nạn nhân tai nạn đến chết để không phải chịu trách nhiệm cứ như bóng ma lởn vởn trong suy nghĩ của cánh tài xế” – anh Thắng nói.
Theo anh Thắng, việc này diễn ra chủ yếu đối với những phương tiện đường dài. Đặc biệt là xe tải và container, vì các phương tiện này đều có nằm trong những công ty vận tải, có bảo hiểm chi trả một phần khi tai nạn xảy ra.
“Giới tài xế thường rỉ tai nhau, một năm, các tài xế được bảo hiểm 2 mạng người, tức là sẽ được công ty vận tải mua bảo hiểm. Như vậy, mỗi khi xảy ra tai nạn làm chết người, công ty vận tải sẽ chịu trách nhiệm 2 mạng người.
Chính vì vậy, nhiều người cho rằng nếu mà đâm không chết sẽ vừa phải đền tiền, vừa phải chu cấp cho nạn nhân suốt đời. Trong khi đâm chết, tổng số tiền đền cho gia đình nạn nhân cao lắm chỉ 120 triệu đồng, bảo hiểm sẽ chịu một nửa theo hợp đồng, còn lại là công ty vận tải và tài xế lo. Nhiều nhất tài xế cũng chỉ mất khoảng 30 triệu đồng thôi…”
“Cán chết đỡ khổ, thoi thóp còn khổ hơn”
Vào một diễn đàn khá nổi tiếng dành cho những lái xe tải trên mạng xã hội, chúng tôi đặt câu hỏi có chuyện tài xế vì sợ trách nhiệm chăm nuôi nạn nhân cả đời mà quay lại cán chết người không? Chỉ qua vài giờ, hàng trăm câu trả lời của những lái xe ở đây khiến nhiều người phải giật mình.
Người có tên facebook HA. bình luận: “Cán chết đỡ khổ, thoi thóp còn khổ hơn“.
Chưa dừng lại ở đó, facebooker có tên HA. tiếp tục chia sẻ câu chuyện của chính mình: “Em từng bị rồi đây các bác. Chỉ vì những người không có não đi xe rẽ mà không nhìn đường, không xi nhan gì, nó thích thì nó rẽ nên em phanh không kịp. Rõ là xe máy nó sai nhưng mình là người phải hứng chịu chứ.
Như vậy đã đành, em lo cho nó thật nhiệt tình, lo từ A đến Z luôn mà nó vẫn bắt đền em đền hơn 60 triệu nữa chứ. Như vậy thành ra em mất nhiều tiền hơn cả đền một mạng người luôn, giờ nghĩ lại đôi lúc e vẫn thấy ấm ức vì sao lúc đó không cán chết nó luôn cho đỡ tốn tiền và khổ sở hơn thế này“.
Bên dưới bình luận của HA., hàng trăm bình luận khác tranh cãi quyết liệt. Thế nhưng, phần đa họ đều bày tỏ quan điểm đồng ý với cách giải quyết của người tài xế này.
Một người tên A.S.A viết: “Sự thật đôi khi không dám tin nhưng mà có thật vì trong giới tài họ thường làm vậy để trả một lần ma chay còn hơn phải phụng dưỡng cả đời còn lại của nạn nhân“.
Nhiều bình luận nhẫn tâm hơn khi cho rằng, tài xế cán chết người là hành động đúng khi rơi vào trường hợp đó.
Nhưng có nhiều người đặt câu hỏi, đã có ai thử đặt mình vào vị trí của người thân trong gia đình nạn nhân hay chưa. Hay chỉ nghĩ cho bản thân mình là làm cái đám ma cho người ta còn hơn nuôi báo cô một thằng què cả đời.
Có người bất bình trước ý kiến của những người ủng hộ tài xế cố tình quay lại đâm chết người cho rằng: “Chuyện này cũng nghe kể nhiều trong giới tài xế. Đây là hành động cố ý giết người một cách dã man và cần phải trả giá bằng hình phạt cao nhất là tử hình”, facebook H. C. viết.
Tài xế Bùi Văn T. (Hòa Bình): “Nói thật, khi nạn nhân chưa chết thì người nhà bị hại ám bạn cả đời. Có người phải bán nhà, cầm cố vay nặng lãi, để trả nợ sau tai nạn. Họ nghĩ đến khổ vợ con gia đình mình nên dù không ai muốn vẫn phải làm.
Tuy nhiên, so với việc chịu trách nhiệm, sự ám ảnh vì có người chết vì bàn tay của mình sẽ khiến tôi ân hận cả đời. Vì vậy, nếu là tôi, với lương tâm của con người, dù có lỡ gây tai nạn tôi cũng không bao giờ dám hành động giết người như vậy“.
Bình luận của thành viên Hội xe tải Tây Bắc: “Nếu luật pháp của mình rõ ràng, điều tra ra ai nào đi sai người ấy phải chịu, kể cả chết rồi mà đi sai vẫn phải đền bù cho người còn sống thì tôi đảm bảo sẽ không bao giờ có chuyện này xảy ra.
Ở ta, từ xưa đến nay vẫn còn theo kiểu xử lý tai nạn theo dạng luật rừng như: xe lớn phải đền cho xe bé, người sống phải đền cho người chết mới dẫn đến cách xử lý cùng đường của những tài xế xe tải không may gây tai nạn giao thông”.
Theo VTC News