Vì sao con người đau khổ, sầu muộn, phải chăng vì xung quanh chúng ta đều có những “con bò” vật chất luôn làm ta phải lo âu, sợ hãi? Lắng nghe lời Phật dạy để giữ tâm thái an nhiên, học được cách sống chánh niệm.
1. Ai cũng có một “con bò”
Cùng lắng nghe lời Phật dạy qua câu chuyện nhỏ. Một hôm Đức Phật và các thầy tỳ kheo cùng ngồi dưới một gốc cây bồ đề. Khi Đức Phật và các thầy đang thiền định thì có một người Bà-la-môn nọ chạy đến với tâm trạng rất lo lắng, sợ hãi. Người này nói với Đức Phật rằng:
– “Này Sa Môn Cù Đàm, nãy giờ ngài ngồi thiền với các vị đệ tử ở đây có thấy con bò nào chạy ngang không?”.
Đức Phật đáp:
– “Nãy giờ ta ngồi thiền với các thầy ở đây không thấy con bò nào chạy ngang cả!”.
Người Bà-la-môn nghe Đức Phật nói như vậy mới bỏ đi và tiếp tục tìm con bò của mình trong trạng thái hoang mang, lo sợ.
Đức Phật quay sang các thầy bên cạnh hỏi rằng:
– “Này các thầy, tại sao người đàn ông kia lại lo âu và sợ hãi như vậy?”.
Các thầy tỷ kheo trả lời:
– “Vì người đàn ông này vừa mới bị mất một con bò”.
Đức Phật lại hỏi tiếp:
– “Vậy các thầy có một con bò nào để mất không?”.
Các thầy trả lời:
– “Thưa Đức Thế Tôn, chúng con không có con bò nào để mất cả!”.
– “Đúng rồi, vì các thầy chẳng có con bò nào để mất cả, nên các thầy mới có thể ngồi an nhiên tự tại và hạnh phúc dưới gốc cây bồ đề này”, Đức Phật nói.
Những thứ của cải vật chất xung quanh mình đều là những “con bò” cả, và nếu mình không có tâm thái tự tại của một người học Phật, thì những “con bò” đó luôn làm mình phải lo âu sợ hãi. Vì mình có thì mình sợ mất, mất rồi thì đau khổ vô cùng!
Bài học rút ra: Tâm thái không sợ mất mát thứ gì là một điều tuyệt vời của người học Phật. Đó cũng chính là mình học được cách sống chánh niệm. Chỉ khi chúng ta biết buông bỏ phiền muộn, tâm mới thanh thản, cuộc sống mới thực sự an nhiên, tự tại.
2. Đừng thô bạo với chính cơ thể mình
Chúng ta thường không bỏ quên mất cứ điều gì, nhất là tiền bạc, vật chất lại càng không. Nhưng đôi khi ta lại quên mất chính mình, với cái thân xác đã theo mình từ rất lâu, từ ngay khi chào đời đến nay, cùng mình trải qua biết bao buồn vui, thăng trầm.
Chúng ta đã bao giờ nói chuyện với trái tim của mình, đặt tay lên trái tim của mình và nói lời xin lỗi hay cảm ơn chưa. Nếu chưa thì chứng tỏ mình hết sức vô tình, vô tâm!
Trong khi đó, trái tim của mình, từ lúc sinh ra đến lúc mất đi, nhờ có trái tim mình mới được sống, nhưng mình bỏ quên (thứ bên trong) mà chạy theo thứ bên ngoài. Thậm chí hằng ngày mình đứng trước gương để trang điểm, nhưng đó cũng chỉ là những thứ bên ngoài.
Thành ra mình bỏ quên mất trái tim của mình, bỏ quên lá gan, lá phổi… tất cả các bộ phận khác trên cơ thể của mình. Và khi chúng ta có bệnh tật: đau tim, đau gan, đau phổi, đau mắt, đau chân, đau tay… thì cái thái độ ứng xử, hành động của chúng ta là gì? Đó là oán trách!
Đau tim ta trách tim mình đau, đau gan ta trách gan mình đau… Và chúng ta còn hành động thô bạo hơn: “Mày đau, tao cho mày hết đau, tao uống thuốc cho mày hết đau luôn, tao chích cho mày hết đau, tao mổ mày cho mày hết đau, tao thay cái khác cho mày hết đau!”
Đó là chúng ta, thứ nhất là vô tình, thứ hai là ác độc, thứ ba là tàn nhẫn với chính mình, vô tâm, vô tình! Đó là điều mà rất nhiều người bây giờ quên đi điều này. Thậm chí, có người đến chết còn oán trách trái tim của mình mà không một lời cảm ơn.
Có thể bạn từng nghe ai nói rằng, cái thân này là giả tạm, nó vô thường nhưng không phải như vậy nghĩa là chúng ta không có quan tâm tới nó. Vì nhờ có cái thân này mà chúng ta có thể làm được tất cả mọi thứ trên cuộc đời này.
Nghe lời Phật dạy, bài học rút ra: Nếu chúng ta biết yêu thương trái tim của mình, lá phổi của mình, tất cả các bộ phận trên cơ thể mình, thì mình mới có thể yêu được những người xung quanh.
Ngay chính trên cơ thể mình, mình còn chưa yêu thương được thì nói gì chồng mình, con mình, bà con hàng xóm… thì nói chuyện đó nghe nó có vẻ xa xỉ quá, nói hơi quá là mình giả tạo quá!
Cho nên, khi mà mình biết trở về với chính mình, mình yêu thương mình trước, mình sẽ cảm thấy có được sự nhiệm màu trong cuộc sống, cảm thấy hạnh phúc, trong cuộc đời, hạnh phúc do bản thân mình nắm giữ. Khi ta có một trái tim khỏe mạnh, ta hạnh phúc hơn những người đau tim.
3. Muốn sống thật sự và trọn vẹn, hãy thử “tập chết” xem sao
Không phải tập chết để rồi mình chết sao cho khỏi đau đớn, mà để cảm nhận sự đau khổ khi chết, và thấy rằng trong cuộc sống bình thường này: “Thông minh tài trí anh hùng, ngu si dại dột cũng chung một gò”.
Ai cuối cùng rồi cũng chết, cũng phải trải qua sinh lão bệnh tử: “Ai đã hơn ai trong cõi chết, giành giật nhau chi lúc sống còn?”.
Cho nên, khi mình tập được điều đó, mình thấy được rằng, mỗi ngày trong cuộc sống, vì miếng cơm manh áo mà lo công việc để kiếm tiền, điều đó là đúng. Nhưng phải thấy được rằng đó là sự phù du, giả tạm mà thôi. Chỉ có một điều chắc chắn trong cuộc đời này là… mọi người sẽ chết chắc.
Khi mình biết được mình sẽ chết chắc, mình sẽ có tâm thái sẵn sàng tha thứ cho người khác, không sợ hãi nữa.
Đừng “sống để bụng, chết mang theo” mà hãy “sống không để bụng, chết khỏi mang theo”. Đơn giản thôi, người nào mang càng nhiều thì đi xuống, người nào ít mang thì bay lên.
Ngày xưa sư tổ thường nhắc nhở rằng, hãy dán chữ “Tử” lên trán mình để tự nhắc nhở rằng: Anh coi chừng đó, rồi một ngày nào đó anh sẽ chết!
“Ta thấy người khác chết, lòng ta nóng như lửa, không phải nóng vì người, mà rồi sẽ đến lượt ta”.
Học pháp là để thực tập, thực tập thì mới thấy được sự nhiệm màu trong đó, khi mình quán chiếu được như vậy, mình sẽ từ bản thân mình mà nhìn được những điều vô thường của cuộc sống, thì lúc đó mình sẽ sống rất là tự tại.