Lạnh người tiếng sáo ai oán của người đàn ông có vợ và 5 con bị sát hại dã man, xác chất chồng lên nhau
Vợ, 5 con cùng em trai, cô ruột bị sát hại thảm thương trong hang đá. Người đang ông đau khổ ấy bảo, ông đã từng lay lắt như cây úa héo giữa sa mạc khô cằn.
Chúng tôi đến Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang), thị trấn cách biên giới Campuchia chưa đầy chục cây số khi Vu lan đã vào chính lễ. Cả thị trấn nhưng nhức mùi nhang.
Ở đây, mỗi tấc đất, mỗi hốc, mỗi hang, mỗi cành cây, ngọn cỏ như còn in dấu, như còn lởn vởn những oan hồn- nạn nhân của trận thảm sát kinh hoàng trong lịch sử loài người năm 1978.
Ngày ấy, giữa tháng 4, Khmer Đỏ từ biên giới bất ngờ ập vào đã điên cuồng đốt phá, giết chóc dân lành. 3157 người dân vô tội đã chết dưới sự dã man không thể tưởng tượng của quân diệt chủng.
Ở Ba Chúc, nhiều gia đình bị xóa sổ, nhiều người đến giờ vẫn lắt lay trong nỗi đau tột cùng là mất vợ, mất con. Ông Ba Lê là một trong số ấy. Vợ cùng 5 đứa con lít nhít của ông đã bị sát hại dã man trong hang đá năm nào.
Ông Ba Lê tên đầy đủ là Bùi Văn Lê, sinh năm 1940. Nhà ông Ba Lê cách nhà mồ khổng lồ giữa thị trấn Ba Chúc hơn cây số.
Ông Ba Lê nổi tiếng khắp vùng bởi có tài thổi sáo, chơi đàn. Mọi người bảo, tắm mình trong nỗi đau nên giọt sáo, giọt đàn của ông như mũi dao, ngày một sắc, ngọt nghe như khứa vào tâm can vậy.
Theo đạo Tứ Ân hiếu nghĩa, đạo thờ cha mẹ, như nhiều người dân ở đất nắng gió này, Ba Lê được sinh ra trong sự yêu thương, dưỡng dục theo tính ngoan lành. Năm 20 tuổi, ông lấy vợ, cũng người ở mảnh đất biên viễn xa xôi ấy.
Khói lửa chiến tranh chẳng thể làm tắt nụ cười hạnh phúc, 5 đứa con đẹp như tranh vẽ của ông lần lượt chào đời. Ngày ấy, Ba Lê cùng vợ vui vầy ruộng nương, khi ngày rằm, ngày lễ thì lên chùa cầu kinh, hướng đạo.
Nhâm nhi ly nước trà thơm ngát, trầm ngâm, ông Ba Lê bảo, ngày ấy, chẳng ai có thể nghĩ môn đồ Tứ Ân lại phải trải qua một kiếp nạn kinh hoàng đến vậy. Một năm sau ngày giải phóng, bè lũ Pôn Pốt đã hục hoặc gây sự và đúng 30-4-1977, ở các tỉnh biên giới Tây Nam, chúng đồng loạt tấn công. Bởi vị trí chiến lược nên Ba Chúc là tử huyệt mà Pôn Pốt và đồng bọn rắp tâm đánh chiếm.
Dòng dã suốt một năm sau đó, chúng đã nhiều lần tấn công, bắn phá vào Ba Chúc hàng vạn quả đạn pháo.
Đến bây giờ, ngay cả trong giấc ngủ chập chờn, ông Ba Lê cũng chẳng thể quên được những ngày khủng khiếp đó. Ngày ấy, khi chiến tranh biên giới phía Bắc vừa nổ ra, biết trước được thế nào bè lũ Pôn Pốt cũng giở trò nên bộ đội đã nhanh chóng tổ chức di dân đến vùng an toàn.
Ba Chúc thời đó có khoảng 16 nghìn dân. Máy cày, ô tô, máy kéo đã được huy động để chuyển dân nhưng không xuể. Nhiều người không muốn xa quê hương, nhiều người muốn ở lại để giữ mái chùa, tổ đường của đạo và nhiều người đã nghĩ, giặc thì cũng là người, chẳng thể xuống tay tàn độc với những người dân vô tội.
Ông Ba Lê khi đó là Hội phó Hội chữ thập đỏ xã. Bởi thế, ông muốn ở lại để cứu giúp mọi người nếu biến cố xảy ra. Thêm nữa, một bày con nhỏ trứng gà trứng vịt, ông chẳng thể chen chúc theo đoàn người di tản.
Cụm dân cư nơi ông ở nằm ngay dưới chân núi Tượng, một trong 7 núi của quần thể Thất Sơn huyền bí. Trên núi có chùa Long Châu cổ kính, cũng một nơi tu tập của môn đồ Tứ Ân và nhiều hang đá. Trước khi Pôn Pốt tấn công, ông đã tìm cho mình và gia đình một hang ở ngay sau chùa. Lúc ấy, ông nghĩ, khi có biến, ông sẽ đưa vợ con mình lên đó để ẩn náu.
Ông Ba Lê kể, đêm rằm tháng 3 âm lịch, khi gia đình ông và mọi người còn đang hí húi cúng rằm thì tiếng súng, tiếng pháo nổ chát chúa bất ngờ vang lên từ mạn biên giới. Quân giặc tràn vào!
Bởi lực lượng mỏng nên phòng tuyến của quân và dân ta đã bị chọc thủng. Vào Ba Chúc, đi tới đâu là chúng điên cuồng đốt phá. Nhiều người dân không di tản đã sợ hãi rút lên các ngôi chùa ở gần đó như chùa Tam Bửu, Phi Lai, Long Châu để ẩn náu. Ai cũng nghĩ, chốn thiền môn thanh tịnh, quân giặc sẽ không dám giết người.
Ông Ba Lê đưa vợ và 5 con, 2 bà cô, em trai của mình lên hang đá đã chọn ở sau chùa Long Châu trú thân. Tuy nhiên, như thú dữ, quân diệt chủng đã vào chùa lùa lương dân vô tội ra cuồng loạn bắn, giết. Xác người chất chồng lên nhau.
Phụ nữ thì bị hãm hiếp, bị nhét gạch đá, lá cây thậm chí thọc gậy tầm vông vào vùng kín cho đến chết. Trẻ em thì bị quật vào tường, bị tung lên không trung cho rơi vào lê nhọn.
Qua cửa hang, nhìn xuống sân chùa, ông Ba Lê đã run lên bần bật khi chứng kiến cảnh tượng kinh hãi ấy.
Giết hết người ở phía ngoài, quân giặc đưa chó săn đi lùng sục khắp nơi để tìm những người còn đang lẩn trốn. Mấy ngày ở trong hang tối, thiếu ăn, khát nước, các con ông khóc rỉ ri. Có đứa như chết lả.
Ở các hang khác, bởi sợ tiếng khóc sẽ khiến quân thù phát hiện, nhiều người đã phải tự giết con mình. Đến ngày thứ 6 thì hang gia đình ông ẩn nấp bị lộ.
Đám chó săn đã đánh hơi biết trong hang có người. Hang hẹp, lại nông nên chỉ sau một loạt đạn, vợ và các con ông đã gục xuống. Nép mình ở ngay cửa hang, ông đã may mắn thoát khỏi loạt đạn tàn khốc ấy. Và, không còn đường lui, ông liều mình vọt ra khi loạt đạn thứ hai của kẻ thù vừa dứt.
Vừa ra đến cửa hang, tưởng tên giặc này hết đạn nào ngờ tên khác đã nhào tới chĩa súng. Như một phản xạ tự nhiên, ông nhào mình xuống vực, lăn lông lốc trước vệt đạn bắn theo. Thoát khỏi tầm đạn ấy, dù bị thương ở cả hai chân, ông đã cố lết về phía núi Dài (Ngọa Long Sơn) ở ngay gần đó để tìm chỗ trú ẩn.
Nép mình vào phiến đá, nhìn về núi Tượng, thấy giặc quăng lựu đạn vào hang, biết thân nhân của mình chẳng thể sống sót, ông như thấy đất trời sập đất nghiêng.
Hơn 1 giờ đồng hồ sau, khi quân giặc rút đi, ông mới liêu xiêu quay lại. Khi ấy, đau đớn tột cùng nhưng ông không thể khóc. Trong cơn giã rời, ông vẫn nghĩ phải giải cứu mọi người, phải đưa mọi người tới nơi an toàn.
Xuống núi, có thể gặp quân giặc, những người dân tay không tấc sắt có thể bị giết nhưng ở đây thì kiểu gì cũng chết bởi chắc chắn kẻ thù sẽ quay lại. Khi tụ tập trước trong chùa Long Vân, cụm dân cư nơi ông ở có hơn 200 người nhưng giờ chỉ có trên 40 còn sống. Mọi người theo ông cố sức chạy về Ngọa Long Sơn, nơi mà bộ đội ta đang căng sức cố thủ.
Xuống đến làng, đang băng qua cánh đồng thì gặp giặc. Đạn M.79 của những tên sát nhân máu lạnh vãi ra như mưa. Hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống, máu tươi bắn sang người bên cạnh đỏ thẫm. Không còn thấy sợ nữa nên ai cũng cố sức chạy. Tới Ngọa Long Sơn thì kiểm lại thì chỉ còn có 7 người. Ai cũng bê bết máu.
11 ngày sau, bộ đội ta phản công, đúng ngày 30/4/1978 thì Ba Chúc được giải phóng. Tuy nhiên, nỗi đau quá lớn, ông không dám bước chân về quê. Ông lang thang khắp nơi, sống như một cái xác không hồn.
Hết mùa nước nổi, khi nỗi nhớ quê, nhớ mái chùa yên ả dâng lên quá đỗi, ông mới thất thểu tìm về. Ông Ba Lê kể, khi ông về, xóm làng tang thương lắm. Nhà cửa giặc đốt cháy xác xơ, đồng làng nước rút chỉ toàn xương trắng.
Nhiều ngôi nhà chẳng có bóng người bởi tất thảy họ đã chết dưới bàn tay tàn độc của quân giặc cướp.
Suốt nhiều năm sau đó, cứ khi rảnh là ông lại lên hang nơi vợ cùng các con ông chết thảm não nề thổi sáo. Ông Ba Lê bảo, khi ấy, ông chỉ biết dùng tiếng sáo để trò chuyện với vợ con mình. Tiếng sáo thê lương ấy, dân trong làng bảo là tiếng sáo gọi hồn…
Một người phụ nữ nết na trong làng đã thương tiếng sáo gọi hồn, tiếng đàn ai oán của ông mà cùng ông nên duyên chồng vợ mấy năm sau đó. Hai người có với nhau 4 mặt con, sống êm đềm hạnh phúc ngay dưới chân núi Tượng.
Tuy vậy, hễ khi nhắc lại quá khứ đau thương này, mắt ông lại ngân ngấn lệ. Người ta bảo, thời gian có thể làm bôi xóa niềm đau nhưng với ông thì dường như nỗi đau mất vợ, mất con lúc nào cũng hiển hiện.
Theo Đời sống Plus/GĐVN