Làm người, khờ dại một chút có sao đâu: Ngọc trai mềm còn hóa được trân châu !?

Trong cuộc đời này, người thông minh chưa hẳn là người hạnh phúc nhưng đôi chút dại khờ lại khiến lòng ta được thảnh thơi. Làm người khờ dại một chút có sao đâu…

Rất nhiều người cho rằng tôi thật ngốc, chỉ biết hy sinh lợi ích của bản thân, dành tặng bạn bè những điều tốt nhất mà chẳng giữ lại thứ gì cho riêng mình.Vì sao tôi vẫn làm như vậy? Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được tấm chân tình của tôi

Làm người mà không được thảnh thơi thì đó mới là người ngốc

Vẫn biết rằng tôi không phải là người xuất sắc, nhưng tôi lương thiện không giả dối; tôi có thể chân thành thổ lộ những điều trong lòng mình.

Tôi không thông minh, nhưng chắc chắn là tôi không ngốc nghếch. Tôi biết việc mình làm sẽ chẳng mang lại ích lợi gì cho bản thân, nhưng có sao đâu, nếu điều ấy mang đến hạnh phúc cho những người mà tôi yêu mến!

Vì sao tôi lựa chọn “ngốc nghếch”?

Đôi khi quá thông minh sẽ khiến ta mệt mỏi, nhưng dại khờ một chút lại giúp ta bình thản thong dong

Bởi vì người quá thông minh thường sống mệt mỏi, đôi khi hồ đồ một chút lại tốt hơn…

Tôi không thích tranh đấu, không muốn bày mưu tính kế, lại càng không làm điều giả dối. Tôi trân trọng khoảnh khắc khi bạn bè được ở bên nhau – không than vãn, không châm chọc, không giở trò, không a dua xu nịnh, mà đối đãi bằng cả tấm chân tình. Bởi suy cho cùng, đối xử chân thành với người khác cũng là trách nhiệm của tự mình.

Đối với một ai đó, họ sẽ cho rằng hành động này quả là ngốc nghếch. Nhưng cuộc đời là trải nghiệm của chính mình, nhờ cho đi mà nhận lại nhiều hơn, nhờ cho đi mà viên mãn tròn đầy hơn.

Thế giới rộng lớn, biển người mênh mang, có thể bước cùng nhau quả thực là duyên phận.

Vậy nên, tôi sẽ trân quý những người đối xử tốt với mình, chân thành với những người bên cạnh mình.

Tôi không thông minh, nhưng tôi không ngốc nghếch. Tôi không trách cứ bất kỳ ai hay bất cứ việc gì, bởi lẽ than phiền là vô ích, trong khi học cách thích ứng với nghịch cảnh sẽ có thêm niềm vui.

Cuộc sống luôn chứa đầy ẩn số và thông thường những chuyện không như ý lại thường chiếm tới 7, 8 phần.

Khi chúng ta gặp phải những chuyện không được như ý muốn, nên chăng chúng ta hãy nghĩ thử về trai ngọc và ngựa hoang:

Vì sao ngọc trai mềm yếu lại có thể tạo thành trân châu?

Khi một hạt cát lọt vào trong con trai, con trai dù cảm thấy khó chịu nhưng nó không thể đẩy hạt cát ra ngoài. Đối diện với nỗi đau ấy, con trai không một lời oán trách, mà chỉ dùng dinh dưỡng trong cơ thể mình để bao bọc hạt cát lại, từng lớp từng lớp… Dần dần, nỗi đau đã biến hạt cát trở thành một viên minh châu mỹ lệ.

Và vì sao ngựa hoang mạnh mẽ lại bị khuất phục bởi con dơi bé nhỏ?

Khi bị con dơi hút máu, ngựa hoang cảm thấy rất khó chịu, và nó cũng không thể đuổi con dơi đi được. Ngựa hoang giận dữ và nhảy lên cuồng loạn, đến mức không ít chú ngựa hoang vì thế mà bị giày vò cho tới chết. Các nhà khoa học nghiên cứu phát hiện rằng,  lượng máu bị dơi hút không đủ để khiến ngựa phải chết, mà là do nó quá phẫn nộ và chạy một cách điên cuồng.

Đừng bó buộc mình để rồi chịu khổ đau

Hai câu chuyện trên trả lời cho bạn câu hỏi rằng, vì sao tôi lựa chọn “ngốc nghếch”?

Bởi chỉ có “ngốc nghếch” như trai ngọc, chấp nhận thiệt thòi về bản thân mình thì mới có thể thành tựu nên những điều huy hoàng đẹp đẽ.

Sao chúng ta lại không giống như trai ngọc, học cách thích ứng, tận dụng môi trường mà mình không thể thay đổi; dùng tấm lòng độ lượng mà bao dung những nghịch cảnh không như ý, khiến nó hữu dụng cho ta. Đừng giống như chú ngựa hoang, hễ gặp chuyện không vừa ý là nổi trận lôi đình, như vậy chỉ tự chuốc lấy đau khổ mà thôi…