Làm thế nào để ‘qua sông’? Cuộc sống này vốn do bạn chọn lựa mà thôi!
“Xuân có trăm hoa, thu có trăng. Hạ về gió mát, đông tuyết giăng”, bởi vậy đừng ở trong sương giá của mùa đông mà nuối tiếc vẻ đẹp tinh khiết, kiêu sa của các loài hoa trong mùa Xuân trước đó.
Con sâu qua sông bằng cách nào?
Trong giờ sinh học, thầy giáo đặt câu hỏi với cả lớp: “Các em có biết loài sâu qua sông bằng cách nào không?”
Một cậu học sinh vô cùng lanh lợi ngay lập tức giơ tay và tự tin đưa ra câu trả lời.
“Thưa thầy, con sâu đi qua cầu để sang sông ạ”.
Thầy giáo nghe câu trả lời cùng giọng nói hồn nhiên của trò, vừa cười vừa lắc đầu: “Không có cầu bắc qua sông”.
“Con sâu nằm trên chiếc lá để qua sông ạ”, cậu học trò lại nhanh nhảu đáp.
Thầy giáo đáp: “Chiếc lá bị nước cuốn trôi đi rồi”.
“Thế thì con sâu bị một con chim nuốt vào trong bụng bay qua sông”.
“Như vậy thì con sâu đã chết rồi, và việc qua sông cũng không còn ý nghĩa gì nữa”.
Đến lúc này trong lớp không ai còn câu trả lời nào nữa. Những cô bé cậu bé ngồi im lặng chờ đợi câu trả lời từ thầy giáo.
“Các em biết không, con sâu nếu muốn qua sông thì chỉ có một cách, đó là biến thành bươm bướm. Nhưng từ sâu thành bướm là một quá trình vô cùng gian nan, là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của nó. Nó ở trong cái kén bí bức, chật chội, ban ngày cũng như ban đêm, không ăn không uống. Nỗi khổ này phải trải qua trong một thời gian rất dài”.
Quả thực, trên chặng đường đời, chúng ta có những khi giống như những chú sâu kia vậy, muốn qua sông nhưng khả năng không đủ. Đối diện với hoàn cảnh ấy, có người lựa chọn bỏ cuộc, chán chường, lãng quên mục tiêu của việc muốn “sang sông”.
Nhưng cũng có người dũng cảm vượt qua những tháng ngày bí bức, cơ cực trong “cái kén” ấy, không ngừng thử thách chính mình, không ngừng thay đổi chính mình để sau đó vươn lên mạnh mẽ, vượt qua dòng sông khổ ải một cách nhẹ nhàng và thỏa sức bay lượn khắp mọi nơi.
Khó khăn và thuận lợi luôn song hành tồn tại trong cuộc sống của chúng ta, giống như một bản nhạc có những nốt cao thánh thót và những nốt trầm sâu lắng. Vậy nên, thiếu đi bất kể nốt nhạc nào cũng khiến bản nhạc trở nên không hoàn hảo.
Khó khăn mang cho ta cơ hội không ngừng rèn luyện chính mình, vượt qua những cái tôi yếu mềm, nhút nhát, tự ti để ngày càng hoàn thiện. Thuận lợi để ta biết rằng không có khó khăn nào là vĩnh viễn.
Nếu có thể mạnh mẽ và dũng cảm biến mỗi nghịch cảnh thành quà tặng, bạn sẽ thấy tất cả những gì cuộc sống trao cho mình đều là cơ hội.
20 dặm đường và một chữ “buông”
Có một tiểu hòa thượng theo sư phụ đi khắp nơi hóa duyên. Tiểu hòa thượng luôn lễ độ cung kính, việc gì cũng đều nhìn theo sư phụ, việc gì cũng nghe lời sư phụ.
Hai thầy trò đã đi vân du rất nhiều nơi, tới đâu họ cũng để lại trong lòng người ấn tượng về tính cách an nhiên, tự tại của họ. Một hôm, khi tới bờ sông, hai thầy trò hòa thượng gặp một cô gái trẻ. Cô ăn mặc điệu đà, muốn sang sông nhưng không dám lội qua. Lão hòa thượng thấy vậy đã không ngần ngại cõng cô gái sang bờ bên kia.
Chứng kiến sự việc ấy, tiểu hòa thượng không ngừng thắc mắc: “Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như vậy được?”
Tiểu hòa thượng trong lòng cảm thấy bứt rứt, không yên nhưng không dám hỏi sư phụ vì sợ bất kính.
Đi được 20 dặm, tiểu hòa thượng không thể tiếp tục kìm nén nên đã mạo muội hỏi lão hòa thượng: “Thưa thầy, chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông như vậy được?”
Lão hòa thượng nhìn người đệ tử của mình, điềm đạm trả lời: “Ta chỉ cõng cô gái qua sông rồi bỏ xuống, còn con thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống được”.
Lời nói đầy dụng ý của sư phụ đã giúp tiểu hòa thượng nhận ra sự thiếu sót của mình.
Quả thực, 20 dặm mà họ vượt qua tượng trưng cho cuộc đời của con người. Đời người chính là một hành trình dài, không ngừng bước đi, không ngừng trải nghiệm. Có khi gặp được phong cảnh nên thơ trữ tình, có khi gặp gió mưa, bão táp; chính là có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn, khi được ngợi ca, khi chịu tủi nhục.
Nếu như đem tất cả những nơi đã đi qua, những gì đã trải nghiệm ghi nhớ trong lòng thì sẽ khiến bản thân chất chứa rất nhiều gánh nặng không cần thiết.
Vì vậy, với bất kể việc gì không hài lòng, thay vì tìm cách tranh đấu, chống trả, ta hãy lựa chọn buông bỏ thật nhẹ nhàng tất cả những oán giận, phiền não.
Nếu có thể “Cười ngắm gió mây tan, ngồi yên khi mây lên”, sống cởi mở, chân thành và thản nhiên, trong lòng không vướng mắc thì cuộc sống này sẽ vô cùng tươi đẹp.
Theo: Daikynguyen.vn