Không thể thiếu Thiện căn – Phước đức – Nhân duyên mà được sanh nước kia
Nhân duyên gặp được Phật Pháp, nếu như bạn có thiện căn và phước đức (Tín giải và nguyện hạnh), đời sống của bạn liền lập tức thay đổi – Lìa khổ được vui!
Chúng ta quan sát xã hội này, không luận giàu sang hay bần tiện, mỗi mỗi đều có phiền não.
Người sang có phiền não của người sang, người giàu có phiền não của người giàu, người bần cùng có phiền não của người bần cùng, tất cả đều là trải qua ngày tháng trong phiền não, đều là rất khổ đau!
Về việc này, không phải là nói chỉ ngay đời này, vô lượng kiếp đến nay đời đời kiếp kiếp đều là như vậy, đúng như người thế gian thường nói “việc không vừa ý, thường là đến tám, chín”. Do đây có thể biết, việc vừa ý, chỉ chiếm một phần mười, còn về sau tương lai vô cùng, ngày tháng khổ như vậy, phải đến lúc nào thì mới có thể ngốc đầu ? Điều này thì phải xem duyên phận của bạn, duyên phận gì vậy ?
Duyên phận gặp được Phật pháp. Bạn chân thật có duyên, có duyên còn phải có thêm hai điều kiện, bạn mới có thể đến được viên mãn, đó chính là trên Kinh A Di Đà đã nói: “Không thể thiếu Thiện căn – Phước đức – Nhân duyên mà được sanh nước kia”.
Nhân duyên có rồi, bạn gặp được Phật pháp rồi, gặp được pháp Đại thừa, nhất là gặp được “kinh Vô Lượng Thọ” Tịnh tông, đó là việc hy hữu không gì bằng.
Sau khi duyên đầy đủ rồi, ngay đời này bạn có thể thay đổi được đời sống của bạn hay không? Vậy thì phải xem phước đức của bạn, nếu như bạn có thiện căn, có phước đức, đời sống của bạn lập tức liền thay đổi, trong Phật pháp gọi là “lìa khổ được vui” (điều này rất là hiện thực, không phải là giả).
Thiện căn, phước đức là then chốt. Cái gì gọi là thiện căn ?
Thiện căn là “thật tin”, thật thông suốt, lý giải.
* Tín – Giải là thuộc về thiện căn,
* Nguyện – Hạnh là thuộc về phước đức.
Bạn có cái nguyện này không ? Bạn có chịu làm không ?
Có cái nguyện này, lại chịu làm theo thì bạn là người đại phước báo, từ nay về sau, bạn không còn trải qua ngày tháng của phiền não nữa, bạn sẽ trải qua đời sống trí tuệ cao độ, đó chính là trong Phật pháp thường gọi là “chuyển phiền não thành Bồ Đề”.