Khi lâm chung ác niệm sanh khởi sẽ tái sanh vào cảnh ác
Có một nữ cư sĩ thọ Bồ-tát giới là bà X, trì trai hơn 30 năm. Nửa đời sau của bà toàn là ăn chay, lễ Phật. Sau khi bà qua đời, người nhà đến chùa mời sư Nhân Ba Thiết đến tụng kinh hồi hướng công đức cho bà. Đương nhiên Ngài rất hoan hỷ nhận lời.
Tối hôm đó, Sư Nhân Ba Thiết nằm mộng thấy một cảnh tượng rất lạ: Có một con heo nái đẻ mười mấy con heo con, lông toàn màu trắng. Trong số đó có duy nhất một con heo giữa lung có một khoanh đen. Dù thấy vậy nhưng Sư cũng không để ý lắm.
Hôm sau, người nhà bà X lại đến bái kiến Sư, thưa rằng:
Thưa Sư phụ, mẹ con ăn chay đã nhiều năm nay, đã thọ Bồ-tát giới, tâm lại rất tốt. Vậy sau khi bà mất rồi, sẽ sinh về đâu ạ? Không biết có về cõi Cực lạc của Phật A Di Đà hay không?
Sư Nhân Ba Thiết đáp: – Để tối nay ta xem cảnh mộng thế nào đã. Đêm đó, Sư cũng thấy giấc mộng y như đêm hôm trước. “Con heo đó” ở trong cái chuồng xây gạch nơi làng Ngư Ôn gần đây, thấy rất rõ ràng.
Ngày thứ ba, anh con trai bà X đến hỏi thăm, Nhân Ba Thiết không tiện nói rõ, chỉ hỏi:
Mẹ ngươi trước khi mất có điềm gì không?
Con trai bà thưa: – Dạ không, lúc gần ra đi thì bà hôn mê, không có trối trăn gì cả.
Sư bảo: – Thế thì không được tốt lắm.
Rồi Sư nghĩ thầm: “Thông thường đệ tử Phật tu tinh tấn luôn có dự liệu, chuẩn bị lâm chung, hiểu biết sáng suốt. Một người cả đời ăn chay như bà X, tâm tính tốt, ưa giúp người, lại siêng cúng dường Tam Bảo. Giây phút qua đời vì sao lại có thể đầu thai làm súc sinh chứ? Lý nào lại như vậy?”.
Sư Nhân Ba Thiết thấy chưa tiện nói gì với con trai bà nên chỉ căn dặn:
– Anh hãy quay về điều tra lại, hỏi thăm cả nhà xem mẹ anh có nói gì trước khi mất hay không? Bởi vì trước lúc mất, bà vẫn còn có thời gian tỉnh. Chắc chắn đã từng nói ra, từng nhắc đến điều gì đó, chẳng hạn như những gì bà mong muốn thực hiện mà chưa làm được nên cứ ôm ấp mãi trong lòng. Anh hãy quay về nhà hỏi thử xem nhé?
Anh con trai vâng lời về nhà điều tra. Hỏi ra mới biết buổi tối trước khi mất ba ngày, vợ anh đến chăm sóc cho bà, nghe bà cứ luôn miệng lẩm bẩm mãi một câu: “- Đem con heo đó làm thịt đi, nhanh lên!”. Bà cứ nói tới nói lui như vậy hoài. Rồi sau đó mới mất.
Nghe quyến thuộc kể lại, sư Nhân Ba Thiết nói: – Như vậy thì rõ rồi, ta có thể xác định. Bà ấy hôm nay rơi vào cảnh giới này, hoàn toàn là do trước khi mất mà tâm cứ ôm giữ mãi tà niệm.
Thế là Sư mới bảo thân quyến bà X:
– Cách nhà các ngươi khá xa có một làng tên Ngư Ôn, có một gia đình nuôi heo. Tại đó, có con heo nái vừa mới sinh một lứa heo con khoảng mười mấy con. Các người tới đó sẽ thấy có một con heo con rất đặc biệt khác hẳn. Hãy mau mua nó về đây, ta sẽ quy y cho nó.
Sư cũng chưa dám nói thẳng ra đó chính là hậu thân của mẹ họ.
Cả gia đình quyến thuộc bà X đi tìm mất ba ngày sau thì đến làng Ngư Ôn. Họ dò la hỏi thăm thì đến căn nhà có bầy heo con mới sinh, và gặp heo con màu lông đúng y như lời sư Nhân Ba Thiết đã mô tả. Kỳ lạ hơn nữa là heo con vừa nhìn thấy họ thì chạy tới tỏ vẻ mừng rỡ thân thiện. Thấy thái độ con heo, thân quyến của bà không ai bảo ai, đều tự hiểu và thầm đoán đây chắc là mẹ mình. Dù không nói ra lời nào nhưng họ rất là buồn. Họ nhanh chóng mua con heo rồi đem nó về chùa, thỉnh sư Nhân Ba Thiết quy y cho nó.
Quy y xong, các con bà bàn bạc muốn đem nó về nuôi. Sư bảo:
– Không được, đã quy y rồi, cần phải đem nó đến thâm sơn phóng sinh.
Các quyến thuộc đều lo sau khi phóng sinh, nó sẽ bị các loài thú hung dữ khác ăn thịt.
Sư nói: – Không lẽ các ngươi muốn nó ở trong đường súc sinh này mãi sao?
Người nhà bèn đem heo con đi phóng sinh. Sau khi phóng sinh được vài ngày thì nó chết. Heo mất xong thì tái sinh vào cõi người. Sư Nhân Ba Thiết dạy:
– Đây là một bài học cho các ngươi cảnh giác. Mặc dù cả đời ăn chay niệm Phật, nhưng nếu cứ nói lời tà kiến, ôm mãi tâm bất chánh không buông thì cực kỳ nguy hiểm cho giây phút cận tử. Bản thân sẽ phải đền trả cho ác niệm của ngay phút lâm chung. Tà niệm có thể khiến cho đương sự bị quả báo dối ngược, khởi niệm muốn hại người hay vật như thế nào, thì bản thân sẽ bị hại trước tiên.
Vì sao mẹ các ngươi trước khi chết, cứ đòi đem heo đi giết? Là bởi vì trong tâm bà cứ ôm mãi một điều không chịu buông xả. Bà mong rằng lúc cháu trai trưởng kết hôn, bà sẽ làm y theo tập tục của dân Đài Loan là giết heo mổ dê, tổ chức tiệc cưới linh đình. Đây là tâm nguyện mà bà luôn ôm ấp, đeo mang, muốn thực hiện cho hôn lễ của cháu nội.
Do nguyện vọng này vẫn chưa thực hiện được mà bà đã mất, nên ý tà cứ còn lưu mãi trong tâm. Do đó mà phút hấp hối, ý tưởng nào trong đầu mạnh nhất sẽ dẫn bà đi tái sinh vào cảnh giới tương ứng với tâm (giống như khi xưa Đức Phật thường: “Lúc sinh tiền cây ngã về hướng nào thì khi bất ngờ bị gãy nó sẽ đổ về hướng đó”).
Khi gần chết, lòng bà toàn sát niệm hừng thịnh, bà không hề tha thiết niệm A Di Đà Phật mong Ngài tiếp dẫn mà trong đầu toàn là tâm háo sát, khao khát muốn giết heo. Ý niệm này ôm ấp đến chín muồi, tà niệm mạnh quá đã lấn át hết công đức và thiện niệm cả đời của bà, dẫn đến kết quả bà phải đầu thai làm heo và phải trả báo cho ý niệm sát sinh cuối cùng đó.
Rồi Sư kết luận: – Cả đời ăn chay niệm Phật, do không buông xả tà kiến mà bị đọa. Cận tử nghiệp quả là rất đáng sợ. Các ngươi trong cuộc sống phải đề cao cảnh giác!
Trích Báo Ứng Hiện Đời (tập 1 – 2)
Tác giả: Quả Khanh
Biên dịch: Hạnh Đoan